Quyết định số 488/QĐ-UB ngày 19/02/2003 Quy định quản lý điện nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 488/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Ngày ban hành: 19-02-2003
- Ngày có hiệu lực: 19-02-2003
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 08-12-2008
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2119 ngày (5 năm 9 tháng 24 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 08-12-2008
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 488/QĐ-UB | Huế, ngày 19 tháng 02 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ ĐIỆN NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Nghị định số 54/1999/NĐ-CP ngày 08/07/1999 của Chính phủ về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp;
- Căn cứ Nghị định số 45/2001/NĐ-CP ngày 02/8/2001 của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện;
- Căn cứ văn bản số 1303/CP-KHTH ngày 03/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định giá bán điện tiêu dùng sinh hoạt đến hộ dân nông thôn;
- Căn cứ Quyết định số 41/2001/QĐ-BCN ngày 30/8/2001 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc Quy định về an toàn điện nông thôn;
- Căn cứ Quyết định số 27/2002/QĐ-BCN ngày 18/6/2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc Quy định trình tự thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực;
- Căn cứ Quyết định số 12/2002/QĐ-BCN ngày 09/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định kiểm tra cung ứng, sử dụng điện và xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp - TTCN tỉnh Thừa Thiên Huế tại Công văn số 08/TT-SCN ngày 06/01/2003,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về Quản lý điện nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1153/1999/QĐ-UB ngày 07/6/1999 của UBND Tỉnh về việc ban hành Quy định tạm thời về quản lý và phát điện nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ Chức Chính quyền, Giám đốc các Sở: Công nghiệp-TTCN, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính Vật giá, Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Giám đốc Điện lực Thừa Thiên Huế, Chủ tịch HĐLM các HTX; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế, Thủ trưởng các cơ quan, các tổ chức, hộ và cá nhân liên quan trong tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TM. UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ ĐIỆN NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 488/QĐ-UB ngày 19 tháng 02 năm 2003 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Hệ thống lưới điện nông thôn bao gồm toàn bộ đường dây trung thế, hạ thế, trạm biến áp, thiết bị đo đếm và các vật liệu điện kèm theo do các tổ chức kinh doanh điện đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, được đấu nối và hệ thống điện Quốc gia, nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Việc đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp quản lý lưới điện nông thôn phải tuân thủ các quy định quản lý Nhà nước về điện và các văn bản liên quan do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Điều 2: Ranh giới lưới điện hạ áp nông thôn được xác định từ thiết bị đóng cắt tổng (cầu dao, aptômat) phía 0.4KV của nguồn điện hạ áp đến công trình, nhà ở của tổ chức, cá nhân sử dụng điện. Quy định này chỉ nêu những nguyên tắc quản lý lưới điện hạ thế nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh.
Điều 3: Sở Công nghiệp - TTCN là cơ quan tham mưu giúp UBND Tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về điện trên địa bàn Tỉnh, chịu sự chỉ đạo chuyên môn của Bộ Công nghiệp.
Điều 4: Các tổ chức kinh doanh điện nông thôn là tổ chức, cá nhân được thành lập theo quy định của pháp luật ký hợp đồng mua điện từ các cơ sở bán điện thuộc Tổng Công ty điện lực Việt Nam và các tổ chức được phép kinh doanh điện để bán lại cho tổ chức, cá nhân khác ở nông thôn.
Điều 5: Trong quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. ''Hoạt động điện lực'' là hoạt động nhằm tạo ra, duy trì và đưa năng lượng điện đến các tổ chức, cá nhân sử dụng dưới các hình thức thương mại và các hình thức khác do Chính phủ quy định, bao gồm: các hoạt động về quy hoạch, tư vấn thiết kế, đầu tư xây dựng, sản xuất, truyền tải, điều độ hệ thống điện, phân phối kinh doanh và cung ứng điện kể cả xuất nhập khẩu điện năng.
2. ''Sử dụng điện'' là quá trình dùng điện cho những mục đích nhất định.
3. ''Phân phối điện'' là hoạt động quản lý, vận hành các công trình điện để chuyển năng lượng điện từ lưới điện truyền tải đến tổ chức, cá nhân sử dụng điện.
4. "Cung ứng điện'' là quá trình đáp ứng các nhu cầu về điện theo những điều kiện nhất định cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu sử dụng điện.
5. ''Sự kiện bất khả kháng'' là sự kiện xảy ra một cách khách quan mà bên vi phạm không thể kiểm soát được, không thể lường trước được và không thể tránh được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép. Sự kiện bất khả kháng bao gồm mưa, dông, bão, lốc, lụt, sấm sét, hạn hán, động đất, chiến tranh, phá hoại và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
6. ''Trộm cắp điện quả tang'' là hành vi trộm cắp điện bị phát hiện khi đang thực hiện với chứng cứ rõ ràng (hiện trường, tang vật vi phạm).
7. ''Ngừng cấp điện toàn bộ'' là ngừng cấp điện tất cả các điểm sử dụng điện trong hợp đồng đã ký. ''Ngừng cấp điện một phần'' là ngừng cấp điện một hoặc một số điểm sử dụng điện trong hợp đồng đã ký.
8. ''Thợ điện'' là những công nhân được đào tạo ngành nghề điện sửa chữa, lắp đặt các thiết bị sử dụng điện, thao tác sửa chữa, thay thế thiết bị điện trên lưới hạ thế…
Chương II
XÂY DỰNG, CẢI TẠO PHÁT TRIỂN ĐIỆN NÔNG THÔN
Điều 6: Việc đầu tư phát triển và quản lý điện nông thôn, miền núi trên địa tỉnh được thực hiện theo Quyết định số 22/1999/QĐ-TTg ngày 13/02/1999 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án điện nông thôn và Nghị định số 45/2001/NĐ-CP ngày 02/8/2001 của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện và Quy hoạch cải tạo phát triển lưới điện các huyện, thành phố Huế.
- Đường dây tải điện trung áp và trạm biến áp do Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đầu tư và quản lý (bên bán điện).
- Đường dây trục hạ thế phân phối, nhánh rẽ từ trục hạ thế đến người sử dụng điện do các tổ chức quản lý điện nông thôn (HTX tiêu thụ điện, tổ dịch vụ điện của HTX nông nghiệp, các Công ty kinh doanh điện, Điện lực tỉnh,...) đầu tư và quản lý.
- Từ công tơ đo đếm điện vào hộ sử dụng do tổ chức, cá nhân sử dụng điện đầu tư, quản lý.
- Kinh phí để xây dựng đường trục hạ thế và rẽ nhánh vào hộ dân cho vùng miền núi khu vực II, III, các xã biên giới, các gia đình thuộc diện chính sách có quy định riêng.
Điều 7: Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, cải tạo và quản lý vận hành:
1. Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng cải tạo phát triển lưới điện: Thực hiện theo Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản của Chính phủ và các văn bản của các cấp có thẩm quyền liên quan:
a) Lập dự án đầu tư trình Cơ quan Quản lý Nhà nước có thẩm quyền Thẩm
định phê duyệt dự án để quyết định đầu tư (Dự án được lập do cơ quan tư vấn có đủ năng lực và pháp nhân).
b) Ký hợp đồng khảo sát thiết kế lập dự toán công trình (Với đơn vị có đủ năng lực và pháp nhân).
c) Trình Cơ quan Quản lý Nhà nước về điện thẩm định phê duyệt thiết kế dự toán.
d) Lập hồ sơ mời thầu và kế hoạch đấu thầu hoặc chỉ định thầu trình Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
e) Ký hợp đồng giám sát kỹ thuật, chất lượng công trình (Với đơn vị có tư
cách pháp nhân, có năng lực giám sát công trình).
f) Kiểm tra thực hiện.
g) Nghiệm thu công trình, thanh lý hợp đồng:
Chủ đầu tư công trình đã hoàn thành có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu và thanh, quyết toán, có thành phần tham gia là đại diện Cơ quan quản lý Nhà nước về điện tại địa phương và đại diện bên bán điện, các cơ quan tư vấn thiết kế, giám sát, Sở Tài chính - Vật giá (nếu là vốn Ngân sách, một phần vốn từ Ngân sách, hoặc từ các nguồn vốn viện trợ khác).
2. Quản lý vận hành:
Các công trình điện nông thôn khi được đóng điện đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng phải thoả mãn các yêu cầu sau:
- Đơn vị quản lý điện nông thôn đã hoàn thành công tác tổ chức nhân sự, quy trình kỹ thuật quản lý vận hành, sổ sách, biểu mẫu, trang thiết bị vận hành, sửa chữa, trang bị an toàn lao động.
- Xây dựng quy chế cung ứng và sử dụng điện trên địa bàn.
- Các hộ sử dụng điện sắp đặt công tơ đo đếm điện, đầu tư lắp đặt các thiết bị tiêu thụ điện đảm bảo đúng kỹ thuật, mỹ thuật theo quy trình quy phạm kỹ thuật an toàn điện và đã được các cơ quan chuyên ngành tập huấn về kỹ thuật an toàn sử dụng điện.
Điều 8: Các thôn bản thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không có khả năng đưa điện lưới Quốc gia hoặc việc đưa điện lưới Quốc gia đến không có lợi về mặt kinh tế thì ưu tiên khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tại chỗ như thuỷ điện nhỏ, điện mặt trời, năng lượng gió và các dạng năng lượng khác,...
UBND các Huyện, Xã khảo sát thực tế, lựa chọn đề xuất với UBND Tỉnh. Sở Công nghiệp - TTCN hướng dẫn và phối hợp với UBND các cấp lập dự án khả thi sử dụng năng lượng tại chỗ trình UBND Tỉnh phê duyệt.
Chương III
TỔ CHỨC QUẢN LÝ, MUA BÁN VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN NÔNGTHÔN
A- TỔ CHỨC QUẢN LÝ ĐIỆN NÔNG THÔN
Điều 9: Kinh doanh điện là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động điện lực (gọi tắt là Tổ chức Quản lý điện nông thôn) phải là các pháp nhân kinh tế được thành lập theo quy định hiện hành của pháp luật và đáp ứng được các điều kiện sau:
l. Có cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành của pháp luật.
2. Có năng lực tài chính đáp ứng yêu cầu đối với lĩnh vực hoạt động điện lực đăng ký.
3. Có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân viên tham gia hoạt động điện lực được đào tạo đảm bảo yêu cầu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với lĩnh vực hoạt động điện lực đăng ký. Người đứng đầu các tổ chức quản lý điện phải có trình độ về quản lý kinh tế, người phụ trách chính về kỹ thuật phải có trình độ về trung cấp kỹ thuật về điện trở lên, đội ngũ thợ điện trực tiếp khai thác vận hành lưới, lắp đặt điện dân dụng phải có trình độ công nhân kỹ thuật bậc 2/7 trở lên.
Những địa phương không đủ điều kiện để chuyển đổi thành lập các tổ chức pháp nhân thì có thể hợp đồng thuê khoán hoặc đấu thầu các tổ chức pháp nhân khác để hoạt động cung ứng điện tại địa bàn.
Điều 10: Trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức quản lý điện nông thôn:
a) Các tổ chức quản lý điện nông thôn có trách nhiệm:
- Chịu trách nhiệm toàn bộ về tài sản lưới điện, vốn vay, công nợ, dịch vụ cung ứng, tiêu thụ điện,... theo địa bàn quản lý, thực hiện chế độ hạch toán kinh tế theo đúng chế độ thống kê, kế toán của Nhà nước để quản lý phát triển lưới điện. Đối với các tổ dịch vụ điện của hợp tác xã nông nghiệp, kinh doanh điện phải được hạch toán riêng và công khai cho người tiêu thụ điện biết.
- Bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng điện khi lỗi do bên bán điện gây ra.
- Lập kế hoạch quản lý vận hành, khai thác, cải tạo, sửa chữa phát triển lưới điện.
- Tổ chức tuyên truyền an toàn sử dụng điện, tiết kiệm.
b) Các tổ chức quản lý điện nông thôn có quyền hạn:
- Được quyền cắt điện có thời hạn hoặc không thời hạn, một phần hoặc toàn bộ điện năng của các hộ sử dụng điện trong các trường hợp:
- Sử dụng điện không ký hợp đồng với tổ chức quản lý điện.
- Tự động nối vào lưới điện khi chưa làm đủ thủ tục theo quy định. Sử dụng điện không qua đồng hồ đếm điện hoặc cố ý thay đổi sơ đồ đấu dây của đồng hồ đếm điện.
- Thiết bị của hộ sử dụng điện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện.
- Chậm trả tiền điện sau 03 lần đòi, mỗi lần cách nhau 10 ngày.
- Cố tình gây trở ngại cho việc kiểm tra cung ứng và sử dụng điện của tổ chức quản lý điện nông thôn và các cơ quan quản lý Nhà nước về điện.
Điều 11: Quyền và nghĩa vụ của các hộ sử dụng điện nông thôn
a) Các hộ sử dụng điện có quyền:
- Yêu cầu bên bán điện xử lý ngay sự cố mất điện hoặc có nguy cơ đe doạ sự cố mất điện, không đảm bảo an toàn đối với người, tài sản và ảnh hưởng xấu tới môi trường.
- Yêu cầu bên bán điện cung cấp hoặc giới thiệu các văn bản pháp luật có liên quan đến việc mua bán điện và an toàn sử dụng điện.
- Yêu cầu bên bán điện bồi thường những thiệt hại do lỗi của bên bán điện gây ra theo luật định và các thoả thuận có trong hợp đồng mua bán điện.
- Khiếu nại với cấp có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức quản lý điện có vi phạm nội dung hợp đồng mua bán điện, gây khó khăn sách nhiễu đối với hộ sử dụng điện.
b) Các hộ sử dụng điện có nghĩa vụ:
Đăng ký nhu cầu sử dụng điện với bên bán điện, ký hợp đồng và thực hiện đầy đủ các quy định và thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện.
- Sử dụng đúng kỹ thuật, an toàn và tiết kiệm. Thông báo ngay cho bên bán điện khi phát hiện thiết bị đo đếm bị hư hỏng hoặc nghi ngờ chạy không chính xác.
- Không được tự bán điện cho các tổ chức, cá nhân sử dụng điện khác nếu không được sự đồng ý của bên bán điện. Bồi thường cho bên bán điện những thiệt hại do lỗi của mình gây ra theo quy định của pháp luật và các thoả thuận khác trong hợp đồng mua bán điện.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho bên bán điện kiểm tra việc thực hiện hợp đồng mua bán điện, thực hiện các yêu cầu và kiến nghị của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 12:
Các tổ chức kinh doanh điện nông thôn mới thành lập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong 02 năm đầu, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế TNDN phải nộp 02 năm tiếp theo.
Thuế giá trị gia tăng (GTGT): áp dụng theo văn bản số: 3298/TC-TCT ngày 05/7/1999 của Bộ Tài chính ''V/v thuế giá trị gia tăng đối với điện bán cho các hộ tiêu dùng ở nông thôn''. Các tổ chức quản lý điện nông thôn thực hiện giá bán điện đến hộ dân dưới hoặc ngang mức trần quy định của Chính phủ đối với điện nông thôn thì được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế giá trị gia tăng.
Đối với sản lượng điện bán phục vụ cho các mục đích khác như sản xuất, xay xát, chế biến lương thực, kinh doanh dịch vụ,... vẫn phải kê khai, nộp thuế TNDN, thuế GTGT theo quy định. Do vậy các tổ chức quản lý điện nông thôn phải có công tơ điện theo dõi số điện tiêu dùng cho các mục đích khác nhau, phải hạch toán riêng từng loại doanh thu để nộp thuế GTGT theo quy định của luật thuế GTGT.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh điện Nông thôn mở mang nhiều dịch vụ sau điện phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn tạo thêm công ăn việc làm tại chỗ cho nhân dân.
Điều 13: Cán bộ, công nhân vận hành, sửa chữa hạ áp nông thôn (gọi tắt là thợ điện nông thôn) phải đủ 18 tuổi trở lên, được cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận không mắc bệnh thần kinh, tim mạch, có đủ sức khoẻ để làm việc. Thợ điện nông thôn phải được đào tạo chuyên ngành điện, có giấy chứng nhận tốt nghiệp do cơ sở dạy nghề có thẩm quyền cấp, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn. Có giấy chứng nhận đã qua tập huấn về an toàn điện.
Điều 14: Đơn vị quản lý điện nông thôn chịu trách nhiệm tổ chức huấn luyện và sát hạch về an toàn cho thợ điện nông thôn. Những người đạt yêu cầu được cấp thẻ an toàn và được làm việc trong lưới điện nông thôn. Định kỳ hàng năm các đơn vị phải tổ chức ôn luyện và kiểm tra lại, chỉ những người đạt yêu cầu mới tiếp tục làm việc. Những người không đạt phải học và sát hạch lại sau 10 ngày, qua 03 đợt sát hạch không đạt yêu cầu phải thu hồi thẻ an toàn và chuyển làm công việc khác.
Đơn vị quản lý điện nông thôn nếu không đủ điều kiện tự tổ chức huấn luyện, có thể đề nghị Sở Công nghiệp - TTCN hoặc Điện lực tỉnh giúp đỡ, phối hợp để tổ chức huấn luyện, sát hạch an toàn điện cho thợ điện nông thôn.
Kết quả sát hạch an toàn phải lập thành biên bản, có đủ chữ ký của người kiểm tra và người được kiểm tra. Lãnh đạo đơn vị phải ký duyệt công nhận kết quả huấn luyện.
Điều 15: Sở Công nghiệp - TTCN tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện sát hạch định kỳ 02 năm 01 lần đối với cán bộ quản lý điện nông thôn về các chế độ chính sách và quy định của Nhà nước liên quan đến an toàn điện nông thôn. Kinh phí tập huấn do các tổ chức cử người đi học đài thọ.
B- MUA BÁN ĐIỆN VÀ GIÁ ĐIỆN NÔNG THÔN
Điều 16: Hợp đồng mua bán điện
1. Việc mua bán điện giữa tổ chức với tổ chức, giữa tổ chức với cá nhân phải thực hiện theo hợp đồng. Hợp đồng mua bán điện là văn bản thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ là mối quan hệ pháp lý giữa bên bán và bên mua điện.
Mẫu hợp đồng mua bán điện sinh hoạt nông thôn thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh theo Quyết định số 53/2001/QĐ-BCN ngày 14/11/2001 của Bộ Công nghiệp về việc ban hành mẫu hợp đồng mua bán điện sinh hoạt. (có phụ lục kèm theo).
2. Các bên ký kết hợp đồng có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định trong hợp đồng. Trong điều kiện thực tế theo khả năng cung ứng điện, hai bên cùng thỏa thuận hoặc điều chỉnh hợp đồng cho phù hợp trước khi ký.
3. Phương thức và điều kiện thanh toán tiền điện được ghi trong hợp đồng mua bán điện. Khi nhận được yêu cầu thanh toán tiền điện, nếu bên mua chưa thanh toán, thì bên bán phải gửi thông báo thanh toán tiền điện cho bên mua. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận thông báo thanh toán tiền điện của bên bán, bên mua có trách nhiệm thanh toán. Quá thời hạn trên nếu bên mua chưa thanh toán mà không có lý do chính đáng thì bên bán có quyền tạm ngừng cấp điện để đòi nợ và thông báo cho chính quyền địa phương biết.
Điều 17: Tổ chức, cá nhân kinh doanh điện nông thôn phải thực hiện đúng theo biểu giá do Chính phủ quy định. Nghiêm cấm việc lợi dụng tính độc quyền phân phối điện, để xây dựng giá điện bán cho người tiêu dùng vượt quy định mức giá sàn của Chính phủ, giá điện phải thông báo công khai cho người sử dụng điện biết.
Khuyến khích các tổ chức kinh doanh điện áp dụng giá bán điện đến người tiêu dùng thấp hơn mức giá trần Chính phủ quy định.
Điều 18: Giá điện bán đến người tiêu dùng, được xây dựng theo nguyên tắc vừa đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hoàn trả vốn vay (nếu có), có tích luỹ để sửa chữa cải tạo và phát triển lưới điện.
Trường hợp tổ chức cá nhân sử dụng điện năng trong 01 tháng ít hơn 05kwh thì ghi đúng chỉ số trên công tơ và bên bán được thu bán điện bằng giá trị 05kwh theo biểu giá quy định.
Điều 19: Cơ cấu và phương pháp xây dựng giá điện đến hộ tiêu thụ bao gồm các khoản mục sau:
a) Giá mua điện: Là giá bán buôn tại trạm biến áp nông thôn do Chính phủ quy định.
b) Chi phí tổn thất điện năng: Là tổn thất điện trên quá trình truyền tải từ công tơ tổng trạm biến áp đến các hộ tiêu thụ điện.
c) Chi phí sửa chữa hệ thống điện: Tùy theo thực trạng khai thác và chất lượng lưới điện mà chi phí này lớn hay nhỏ (bao gồm hư hỏng aptômát tổng, sửa chữa tiếp địa, thay sứ, thay chì hạ thế, dọn hành lang tuyến, kiểm tra định kỳ,...). Các chi phí sửa chữa phải đạt được mục tiêu giảm tổn thất điện năng tăng độ an toàn vận hành lưới và được thực hiện hạch toán trong năm.
d) Chi phí quản lý: Là chi phí mua sắm dụng cụ phục vụ cho công tác quản lý kinh doanh điện bao gồm: sổ sách, biểu mẩu, hóa đơn, dụng cụ, bảo hộ an toàn lao động, bảo hiểm cho công nhân, đào tạo đội ngũ,...và các chi phí khác cho hoạt động quản lý chung.
e) Chi phí trả lương cho đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật:
Căn cứ vào kết quả hoạt động kinh doanh điện và công sức đóng góp của cán bộ quản lý, công nhân vận hành lưới để xác định tiền công và mức thu nhập của từng thành viên cho hợp lý, không hạn chế mức tối đa hoặc tối thiểu, nhưng cố gắng xây dựng mức thu nhập cho đội ngũ công nhân và cán bộ quản lý điện bằng mức thu nhập tối thiểu của người lao động trong doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước. Việc thực hiện mức tiền công cho cán bộ quản lý và công nhân phải được công khai hoá.
f) Chi phí khấu hao tài sản cố định: là chi phí khấu hao cho hệ thống lưới điện hạ thế trên địa bàn quản lý dùng để hoàn trả vốn vay (nếu có), dùng để cải tạo xây dựng mới mở rộng hệ thống lưới điện. Tỷ lệ được tính hợp lý không làm tăng giá điện.
Không được tính cộng năng lượng điện phục vụ ánh sáng công cộng và các mục đích khác vào giá thành mà phải hạch toán riêng biệt công khai.
Giá bán điện là : T = a + b + c + e + f (của Điều 15 này).
Các doanh nghiệp dựa vào tình hình thực tế chất lượng lưới điện, số hộ sử dụng điện để xây dựng tỷ lệ các mục cho phù hợp, nhưng phải đảm bảo giá bán điện đến hộ dân nhỏ hơn hoặc bằng mức giá trần Quy định của Chính phủ.
Việc xây dựng giá điện đối với các mục đích khác ngoài ánh sáng sinh hoạt cũng được xây dựng theo quy trình trên nhưng không vượt giá điện áp dụng đối với từng mục đích sử dụng theo bảng giá quy định của Chính phủ.
Điều 20:
- Phòng Công Thương các Huyện, phòng Kinh tế thành phố Huế thẩm định xây dựng biểu giá bán điện của các tổ chức quản lý điện nông thôn trên địa bàn quản lý trình UBND Huyện, Thành phố Huế phê duyệt.
- Phòng Tài chính - Kế hoạch có trách nhiệm quản lý Nhà nước kiểm tra, thanh tra việc thực hiện giá bán điện trên địa bàn.
- Trường hợp việc xây dựng giá bán điện đến hộ dân có biến động lớn vượt mức trần quy định của Chính phủ, các phòng Công thương thụ lý hồ sơ chuyển đến Sở Công nghiệp - TTCN kiểm tra, thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.
Chương IV
AN TOÀN ĐIỆN NÔNG THÔN
A. Quy định việc bảo vệ an toàn lưới điện:
Điều 21: Hành lang bảo vệ lưới điện cao áp phải tuân thủ theo Nghị định số 54/1999/NĐ- CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.
- Điện lực Thừa Thiên Huế chịu trách nhiệm quản lý điện mạng lưới điện cao thế, trạm biến áp đồng hồ đo đếm tổng đặt tại trạm biến áp.
- Các tổ chức quản lý điện nông thôn chịu trách nhiệm quản lý mạng lưới điện hạ thế đến đồng hồ đo đếm điện của hộ dân nông thôn, thường xuyên phối hợp với Chính quyền xã, thôn tổ chức hướng dẫn nhân dân trong việc phát quang hành lang tuyến điện, xây dựng cơi nới nhà ở...Đảm bảo đúng quy định nhằm duy trì vận hành hệ thống lưới điện liên tục và an toàn.
Trong hành lang bảo vệ lưới điện cao áp:
- Phải chặt hết những cây cao trên 4m và cấm trồng những cây có khả năng cao trên 4m.
- Khi trồng lúa và hoa màu thì phải cách mép móng cột điện, mép ụ đất bảo vệ chân cột ít nhất 0.5m.
- Phải di chuyển khỏi hành lang bảo vệ đồng thời cấm xây mới nhà cửa, công trình trong hành lang bảo vệ.
Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm vào phạm vi bảo vệ công trình lưới điện truyền tải và phân phối gây mất an toàn vận hành lưới điện, gây nguy hiểm cho con người, thiệt hại tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Điều 22: Tạo hành lang bảo vệ lưới điện hạ thế 0.2 ÷ 0.4KV không để cây cối vật xây chắn va chạm vào lưới điện, che khuất tầm nhìn khi thao tác sửa chữa, ghi chữ điện...
Khoảng cách ngang từ dây dẫn ngoài cùng của đường dây trần khi bị gió thổi lệch đi nhiều nhất tới các phần xây dựng của nhà cửa, công trình, cây cối không được nhỏ hơn quy định sau :
Đặc điểm khu vực | Khoảng cách (m) |
Đến cửa số, ban công, bộ phận gần nhất của nhà ở | 1.5 |
Đến tường xây kín, cây cối | 1.0 |
Đến tường xây kín nếu dây dẫn được đặt trên giá đỡ gắn vào tường | 0.3 |
Đến cột xăng dầu, kho chứa nhiên liệu, hoá chất dễ cháy, nổ | 10 |
Đối với dây bọc cách điện khoảng cách ngang được phép giảm đi 50% so với dây trần.
B. Kỹ thuật an toàn trong lắp đặt và ghi chỉ số công tơ :
Điều 23: Công tơ đo đếm điện trước khi lắp đặt phải được Cơ quan tiêu chuẩn đo lường chất lượng có thẩm quyền cân chỉnh và kẹp chì. Thời hạn kiểm định lại công tơ :
- Công tơ điện 1 pha : 05 năm
- Công tơ điện 3 pha : 02 năm
Điều 24: Công tơ điện có thể đặt trong nhà, ngoài nhà hoặc treo trên cột với tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn sau :
1 . Độ cao treo công tơ trên tường (trong nhà hoặc ngoài nhà) từ 1.7 m đến 2.5m; treo trên cột từ 2.5 m đến 4 m.
2. Nếu công tơ treo trên tường ngoài nhà hoặc treo trên cột thì nhất thiết phải có hộp bảo quản chống mưa, nắng. Hộp công tơ phải đảm bảo độ kín, tránh mưa dột hoặc hắt vào công tơ.
3. Mỗi cột không được treo quá 04 hộp công tơ, mỗi hộp không quá 06 công tơ. Chiều ngang của hộp công tơ treo trên cột không được quá 80cm. Không hạn chế chiều ngang đối với hộp công tơ treo trên tường.
4. Với hộp công tơ bằng kim loại phải được nối đất an toàn. Trị số điện trở nối đất không lớn hơn 50W
Điều 25: Khi treo, tháo công tơ phải cắt điện nguồn mới được thực hiện.
Những đầu dây còn lại sau khi tháo công tơ phải lấy băng cách điện bọc lại. Trong những trường hợp cần kiểm tra công tơ và các mạch đo lường có thể được phép không cắt điện nhưng công nhân thực hiện công việc này phải được huấn luyện về chuyên môn và đủ phương tiện kỹ thuật, khi làm việc phải có ít nhất 02 người.
Điều 26:
1. Nhân viên ghi chỉ số công tơ chỉ làm nhiệm vụ đọc và ghi chỉ số. Nếu có nghi ngờ công tơ hư hỏng, phải báo cáo cho người có trách nhiệm biết để lập phiếu đi kiểm tra, xử lý. Cấm nhân viên ghi chỉ số công tơ tự tháo lắp, sửa chữa, hiệu chỉnh công tơ cũng như hệ thống đo đếm khác.
2. Khi trèo cao để ghi chỉ số công tơ phải có thang hoặc vật kê chắc chắn. Nếu trèo cột phải có dây an toàn và phải luôn chú ý tránh va chạm vào những dây điện ở xung quanh hộp đặt công tơ.
Điều 27: Hộ tiêu thụ điện nếu phát hiện hư hỏng trước công tơ của hộ gia đình thì không được tự ý leo trèo sửa chữa mà phải báo cho tổ chức quản lý điện để khắc phục kịp thời. Nghiêm cấm người không có trách nhiệm leo trèo lên cột điện kể cả nhánh rẽ để sửa chữa câu móc.
C. Lắp đặt điện trong nhà:
Điều 28:
1. Dây dẫn trong nhà không được dùng dây trần mà phải dùng dây bọc cách điện chất lượng tốt. Dây dẫn từ sau công tơ về gia đình phải dùng cáp 0.4KV hoặc dây đồng bọc cách điện PVC, tiết diện mỗi lõi dây không nhỏ hơn 2.5mm2.
2. Tiết diện dây dẫn phải chọn đủ khả năng tải dòng điện đến các dụng cụ điện, có tính đến khả năng phát triển phụ tải sau này. Cấm dùng dây có tiết diện nhỏ cho thiết bị có công suất lớn để tránh cháy dây có thể gây tai nạn hoặc cháy nhà (xem phụ lục 1; 4).
Điều 29:
1. Dây dẫn điện xuyên tường vào nhà phải đặt trong ống nhựa hoặc ống sứ bảo vệ, không để nước mưa đọng lại trong ống hoặc chảy theo ống vào nhà.
2. Dùng giá đỡ bắt chặt vào tường để đỡ dây điện vào nhà. Khoảng cách từ sứ trên giá đỡ đến mặt đất không được nhỏ hơn 3.5m.
Điều 30:
1. Các nhánh rẽ sau công tơ vào nhà đều phải đặt cầu chì hoặc aptomat.
2. Cầu dao, cầu chì, hoặc aptômat tổng trong nhà phải đặt nơi khô ráo, gần cửa chính ra vào để khi cần thiết là cắt được toàn bộ điện trong nhà.
Điều 31:
1. Khi mắc điện, dây điện lấy từ dây pha qua cầu chì hoặc aptômat rồi mới vào ổ cắm công tắc đèn, quạt hoặc các thiết bị khác. Khi rút cầu chì kiểm tra: thì phía đầu cực nối vào phải có điện; phía nối vào ổ cắm, công tắc ra đèn, quạt hoặc các thiết bị khác phải mất điện. Kiểm tra bút thử điện ở cả hai lổ ổ cắm đều không có điện.
2. Dòng điện định mức của cầu chì, aptômat phải chọn phù hợp với công suất thiết bị. Khi có chạm chập gây ngắn mạch hoặc quá tải vượt 1.3 dòng điện định mức thì cầu chì hoặc aptomat phải tác động sau một thời gian nhất định (xem phụ lục 5A-5B).
3. Cầu dao và cầu chì phải có nắp đậy an toàn để tránh người vô ý chạm vào điện. Cấm đùng giấy bạc, dây đồng, dây thép có tiết diện tuỳ tiện để thay dây chảy cầu chì.
Điều 32:
1. Lắp đặt dây dẫn trong nhà có thể dùng sứ kẹp, puli sứ luồn trong ống nhựa bảo vệ hoặc đi ngầm trong tường xây.
2. Nếu dùng sứ kẹp hoặc puli sứ thì khoảng cách giữa hai sứ không được vượt quá 0.7m. Khoảng cách giữa dây và tường nhà, trần nhà, cột, kèo là 1 cm.
3. Khi nối dây dẫn điện phải nối sole và quấn băng cách điện ngoài mối nối.
4. Đường dây điện ngầm trong tường không được có mối nối mà phải dùng dây bọc có hai lớp cách điện. Không kéo dây chéo qua tường để đề phòng đóng đinh phải dây điện gây sự cố, tai nạn.
Điều 33:
1 . Nền nhà có khả năng bị úng ngập thì dây điện, bảng điện, ổ cắm điện phải được đặt trên cao, cách nền nhà tối thiểu 1.4 m.
2. Không lắp bảng điện, ổ cắm điện, công tắc ở nơi ẩm ướt, mưa hắt.
3. Khi chân tay ướt, đi chân trần thì không được thao tác cắm hoặc rút phích điện hoặc thay dây chảy cầu chì, đóng ngắt cầu dao.
4. Cấm những người không có trách nhiệm trèo lên cột điện để sửa chữa hoặc làm bất cứ việc gì, kể cả khi đường dây trục mất điện.
5. Khi thấy dây dẫn điện trong nhà bị sờn, thiết bị trong nhà bị hư hỏng phải cắt điện và sửa chữa ngay để tránh người vô ý bị điện giật.
Điều 34: Để đề phòng sự cố và tai nạn điện, mọi người dân đều có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh những quy định sau đây :
1. Cấm những người không có nhiệm vụ trèo lên cột điện hoặc đột nhập vào trạm điện làm bất cứ việc gì.
2. Cấm các hành vi có thể gây tai nạn cho người hoặc gia súc như :
a) Dùng điện để đánh bắt cá, bẫy chuột, bẫy trộm;
b) Phơi quần áo, đồ dùng lên dây điện;
c) Dùng dây điện bằng cách lấy điện một pha, còn dây nguội đấu xuống giếng, xuống ao hoặc đường ống nước;
d) Thả diều, đá bóng ở gần đường dây điện;
3. Cấm các hành vi có thể gây hư hỏng công trình lưới điện như:
a) Bắn chim đậu trên dây điện, trạm điện;
b) Quăng, ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện;
c) Tháo dỡ dây chằng néo, dây tiếp địa cột;
d) Đào đất gây lún sụt móng cột điện;
e) Lợi dụng cột điện làm nhà, lều quán bán hàng, buộc trâu bò hoặc gia súc,...
4. Cấm đến gần nơi dây điện bị đứt, cột điện bị đổ và tự ý thu dọn khi chưa có ý kiến của người phụ trách điện thông báo đã cắt điện.
5. Cấm để cành cây, dây leo của gia đình phát triển vi phạm khoảng cách an toàn đường dây điện. Khi phát quang chú ý không để cây đổ vào đường dây điện.
Điện dễ gây ra nguy hại đến tính mạng con người và tài sản. Do vậy tất cả mọi người phải nghiêm túc thực hiện những quy định về an toàn lưới điện. Trước khi đấu nối điện cho các hộ sử dụng, tổ chức quản lý điện nông thôn phải có trách nhiệm tổ chức tập huấn cho các hộ sử dụng về an toàn sử dụng điện.
6. Khi thấy có người bị điện giật, những người xung quanh có trách nhiệm cứu người bị nạn thoát khỏi nguồn điện và cấp cứu, sơ cứu cứu người (xem hướng dẫn tại phụ lục 07).
Chương V
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN Ở NÔNG THÔN
Điều 35: UBND Tỉnh thống nhất quản lý Nhà nước về điện trên địa bàn. Sở Công nghiệp - TTCN là cơ quan chuyên môn giúp UBND Tỉnh thực hiện nội dung quản lý Nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện gồm:
1. Tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản pháp quy về hoạt động điện lực và sử dụng điện.
2. Xây dựng, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách quy hoạch và kế hoạch dài hạn phát triển điện nông thôn.
3. Thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán các công trình điện theo phân cấp quản lý.
4. Cấp giấy phép hoạt động điện lực.
5. Kiểm tra thực hiện các tiêu chuẩn, chỉ tiêu định mức thiết kế - kỹ thuật trong hoạt động điện và sử dụng điện.
6. Kiểm tra, thanh tra giải quyết khiếu nại, khiếu tố và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động điện và sử dụng điện.
7. Giám sát chất lượng xây dựng, kiểm tra, thanh tra an toàn các công trình điện.
8. Đào tạo, bồi dưỡng, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân ngành điện, tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân trong việc sử dụng điện và bảo vệ công trình điện.
9. Khen thưởng, xử phạt hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Điều 36: Phòng Công thương các huyện, phòng Kinh tế thành phố Huế là cơ quan giúp UBND các huyện, thành phố Huế thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện trên địa bàn, chịu sự chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ của Sở Công nghiệp. Bao gồm:
1. Tham gia xây dựng qui hoạch phát triển về điện trên địa bàn.
2. Tổ chức thực hiện, phát triển sử dụng các dạng năng lượng mới.
3. Giám sát chất lượng thi công các công trình điện trên địa bàn.
4. Giám sát việc thực hiện nội dung giấy phép hoạt động điện lực của các đơn vị kinh doanh điện nông thôn trên địa bàn.
5. Phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết các khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm hoạt động điện lực và sử dụng điện trên địa bàn theo thẩm quyền.
6. Tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.
Điều 37:
1. Sở Công nghiệp - TTCN hướng dẫn chỉ đạo phòng Công thương các huyện, phòng Kinh tế thành phố Huế về chuyên môn nghiệp vụ quản lý nhà nước về điện trên địa bàn.
2. Sở Tài chính & Vật giá quản lý Nhà nước về giá, hướng dẫn các tổ chức quản lý điện nông thôn thực hiện giá bán điện đồng thời quy định hệ thống sổ sách tài chính - kế toán và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện giá bán điện của các tổ chức quản lý điện nông thôn, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế toán điện nông thôn. Thanh quyết toán các công trình điện có nguồn vốn do Nhà nước đầu tư
3. Sở Kế hoạch & Đầu tư cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh (gồm
cả vốn ODA, vốn tín dụng ưu đãi...) bố trí nguồn vốn cho các dự án điện nông thôn của các địa phương theo kế hoạch hàng năm. Đồng thời tổ chức thanh kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn đầu tư, phát hiện chỉnh đốn kịp thời các sai phạm.
4. Điện lực Thừa Thiên - Huế chủ trì phối hợp với Sở Công nghiệp - TTCN.
Căn cứ vào nhu cầu cấp điện của các địa phương lập kế hoạch các dự án đầu tư nguồn điện nông thôn bao gồm : Đường dây trung thế và trạm biến áp phân phối cho những năm sau, báo cáo UBND Tỉnh vào quý IV hàng năm.
5. Sở Công nghiệp - TTCN chủ trì phối hợp UBND các xã, huyện, thành phố Huế và Điện lực Thừa Thiên - Huế thẩm định quy hoạch, cải tạo lưới điện hạ thế nông thôn trình UBND Tỉnh phê duyệt.
Điều 38: Ủy ban nhân dân các Xã, Huyện, Thành phố Huế thực hiện kiểm tra giám sát về mặt Nhà nước đối với các tổ chức Quản lý điện Nông thôn trên địa bàn quản lý trong việc thực hiện các quy định, chính sách của Nhà nước về điện nông thôn.
Chương VI
THANH TRA, GIÁM SÁT ĐIỆN NĂNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 39: Sở Công nghiệp - TTCN có trách nhiệm thường xuyên thanh tra, kiểm tra về hoạt động điện lực và sử dụng điện trên địa bàn. Các tổ chức bán điện phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra giám sát của Sở Công nghiệp - TTCN và các ngành chức năng.
Điều 40: Giao trách nhiệm cho UBND các cấp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức quản lý điện nông thôn, Điện lực tỉnh trong việc bảo vệ tài sản, chống trộm cắp điện, phát quang hành lang điện.
Giao trách nhiệm cho UBND các xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố Huế chịu trách nhiệm xử lý hành chính các hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện trên địa bàn quản lý và các hành vi vi phạm hành lang lưới điện.
Các trường hợp phá hoại công trình điện, trộm cắp điện, sử dụng điện phi pháp,... gây hậu quả nghiêm trọng thì tuỳ theo tính chất và mức độ hành vi mà truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.
Các trường hợp vi phạm hợp đồng sử dụng điện, sử dụng điện trái phép...nhưng chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự thì được xử lý trên nguyên tắc thu hồi phần tiền chênh lệch thu lợi bất chính trả lại cho bên bị thiệt hại và xử phạt vi phạm hành chính. Chậm nhất 10 ngày sau khi nhận được hồ sơ, Chủ tịch UBND các cấp (huyện, xã) phải có kết luận xử lý cụ thể.
Điều 41: Thanh tra Sở Công nghiệp - TTCN thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về hoạt động điện lực và sử dụng điện trên địa bàn theo quy định của Chính phủ và Bộ Công nghiệp, kịp thời đề ra biện pháp phòng ngừa, khắc phục, loại trừ các hành vi vi phạm về chất lượng công trình xây dựng, các hành vi xâm phạm vào phạm vi bảo vệ lưới điện gây mất an toàn, gây nguy hiểm cho con người, thiệt hại tài sản của nhà nước, tổ chức, cá nhân và trực tiếp xử lý các vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
Điều 42: Các trường hợp giải quyết khiếu nại, tranh chấp về vi phạm ''hợp đồng cung ứng điện và sử dụng điện'' đối với tất cả mọi đối tượng (bao gồm các tổ chức, đơn vị sản xuất - kinh doanh - dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế, hộ gia đình, cá nhân,...) do Hội đồng xử lý vi phạm cung ứng và sử dụng điện tỉnh Thừa Thiên Huế giải quyết.
Người nào lợi dụng chức quyền cố ý làm trái các quy định về quản lý sử dụng điện ở nông thôn, gây khó khăn, sách nhiễu,... đối với các tổ chức quản lý điện, hộ tiêu thụ điện đều bị xử phạt theo pháp luật.
Hàng năm Sở Công nghiệp - TTCN chủ trì tổ chức Hội nghị sơ kết điện nông thôn, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động công tác điện nông thôn.
Chương VII
TÔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 43: Sở Công nghiệp - TTCN chủ trì phối hợp với UBND các cấp, các ngành chức năng hướng dẫn thực hiện quy định này, đồng thời chịu trách nhiệm giúp các địa phương và chỉ đạo phòng Công thương các huyện, phòng Kinh tế thành phố về nội dung quản lý - Phát triển điện nông thôn.
Các tổ chức cá nhân tham gia cung ứng và sử dụng điện phải nghiêm chỉnh thực hiện quy định này. Hàng năm, hàng quý các tổ chức quản lý điện phải thống kê báo cáo tình hình quản lý kinh doanh mua bán điện, phát triển lưới điện, an toàn điện về phòng Công thương các huyện, phòng Kinh tế thành phố và Sở Công nghiệp - TTCN để theo dõi, chỉ đạo và có biện pháp hỗ trợ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc các đơn vị kịp thời báo cáo UBND Tỉnh để sửa đổi, bổ sung.
Việc hướng dẫn chuyển giao lưới điện hạ thế nông thôn cho Điện lực Thừa Thiên Huế quản lý đến hộ tiêu thụ có quy định riêng.
Điều 44: Các doanh nghiệp kinh doanh điện nông thôn tùy theo quy mô tổ chức được cử các kiểm tra viên điện lực của doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ trong việc kiểm tra các quy định về sử dụng điện và yêu cầu bên mua điện chấp hành nghiêm chỉnh chế độ chính sách quy định về sử dụng điện. Sở Công nghiệp - TTCN có trách nhiệm bồi dưỡng, kiểm tra sát hạch nghiệp vụ đối với các kiểm tra viên điện lực của các doanh nghiệp và phê duyệt danh sách cấp thẻ thanh tra viên./.
UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ