cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 340/2002/QĐ-UB ngày 15/01/2002 Phân cấp quản lý, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 340/2002/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Ngày ban hành: 15-01-2002
  • Ngày có hiệu lực: 01-09-2002
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-08-2006
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1450 ngày (3 năm 11 tháng 25 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-08-2006
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-08-2006, Quyết định số 340/2002/QĐ-UB ngày 15/01/2002 Phân cấp quản lý, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 74/2006/QĐ-UBND ngày 11/08/2006 Về quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 340/2002/QĐ-UB

Lào Cai, ngày 15 tháng 01 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC, BẢO DƯỠNG, SỬA CHỮA CÁC CÔNG TRÌNH CƠ SỞ HẠ TẦNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

Căn cứ Kế hoạch số: 03/KH-TU ngày 30/5/2001 về việc triển khai thực hiện một số mục tiêu - nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2005 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XII;

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 02/11/2002 tại kỳ họp thứ 6 của HĐND tỉnh khóa XII về việc ban hành một số cơ chế chính sách thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội tỉnh Lào Cai đến năm 2005;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai về việc phân cấp quản lý, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trong phạm vi chính sách này gồm có:

- Đường giao thông nông thôn (đường từ huyện, thị xã xuống trung tâm xã, đường liên thôn bản).

- Công trình thủy lợi.

- Công trình nước sinh hoạt.

- Công trình trường học.

- Công trình trạm xá.

- Công trình trụ sở HĐND & UBND xã.

- Công trình điện nông thôn.

- Các công trình công cộng khác của xã, hoặc thôn, bản.

Điều 2. Các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn khi được xây dựng xong, phải được bàn giao cho UBND xã tiếp nhận và quản lý theo địa bàn (đối với công trình điện nông thôn sẽ có qui định cụ thể riêng). Khi bàn giao công trình, chủ đầu tư phải bàn giao cho UBND xã hồ sơ thiết kế, dự toán và Quyết định phê duyệt quyết toán cồng trình của cấp có thẩm quyền. Mỗi công trình đều được UBND xã giao cho một tổ chức cụ thể chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa, cụ thể như sau:

- Đường giao thông nông thôn UBND xã giao cho Trưởng các thôn, bản quản lý theo địa giới hành chính nơi có đường đi qua.

- Các công trình thủy lợi và nước sinh hoạt sau khi tiếp nhận, UBND xã giao ngay cho HTX hoặc Ban quản lý thúy lợi và nước sinh hoạt (có thể là Tổ quản lý) do UBND xã thành lập, với bộ máy gọn nhẹ bao gồm: Cán bộ xã, thôn, bản, cán bộ các đoàn thể, hoặc người dân có trách nhiệm, có điều kiện, có trình độ hiểu biết về chuyên môn, có uy tín trong nhân dân.

- Công trình trường học giao cho Hiệu trưởng nhà trường.

- Trạm y tế xã giao cho Trạm trưởng trạm y tế xã.

- Trụ sở HĐND & UBND xã và các công trình công cộng khác của xã hoặc liên thôn bản giao UBND xã đảm nhận.

- Các công trình công cộng của thôn bản nào, thì giao cho Trưởng thôn bản đó.

Điều 3. Các đơn vị, tổ chức sau khi tiếp nhận các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, phải có kế hoạch bảo quản, sử dụng và sửa chữa thường xuyên. Khi cần sửa chữa công trình, phải báo cáo UBND xã huy động lao động công ích và sự đóng góp tự nguyện của nhân dân địa phương để thực hiện; nếu bị thiên tai hoặc hư hỏng lớn, UBND xã đề nghị UBND huyện xin hỗ trợ một phần kinh phí khắc phục.

Điều 4. Đối với công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, căn cứ điều kiện cụ thể và ý kiến của nhân dân, UBND xã, tổ chức các HTX hoặc Ban quản lý thủy lợi và nước sinh hoạt (có thể là Tổ quản lý). Tổ chức quản lý có trách nhiệm xây dựng qui chế sử dụng, khai thác, sửa chữa, bảo vệ công trình đảm bảo dân chủ, công khai đến mọi người dân và được UBND xã phê chuẩn.

Điều 5. Để có kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình thủy lợi và nước sinh hoạt thuộc thôn, bản, xã; các HTX hoặc Ban quản lý thủy lợi và nước sinh hoạt (có thể là Tổ quản lý) phải bàn bạc và thỏa thuận với các hộ được hưởng thụ từ công trình về mức đóng góp hàng tháng hoặc theo từng vụ cho phù hợp, sau đó báo cáo UBND xã để theo dõi và quản lý theo qui định.

Đối với các công trình liên xã, liên huyện do UBND huyện, thị xã đề nghị UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh quyết định mức thu hàng tháng hoặc năm; số thu này phải được quản lý chặt chẽ và chi tiêu theo đúng qui định của Nhà nước.

Nếu công trình bị thiên tai, hoặc hư hỏng nặng, tổ chức quản lý lập dự toán báo cáo UBND cùng cấp, để huy động lao động công ích thực hiện và có thể được ngân sách huyện, tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí sửa chữa.

Điều 6. Các ông Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, Thủ trưởng các sở, ban, ngành đoàn thể có liên quan căn cứ Quyết định thi hành. Các ngành chức năng thuộc huyện, thị xã và tỉnh căn cứ nhiệm vụ được giao có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong tỉnh thực hiện quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2002, những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

(Được đăng tải trên báo, đài).

 

 

TM. UBND TỈNH LÀO CAI
CHỦ TỊCH




Bùi Quang Vinh