cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 37/2001/QĐ-BGDĐT ngày 10/08/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Về Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình và thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 37/2001/QĐ-BGDĐT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Ngày ban hành: 10-08-2001
  • Ngày có hiệu lực: 25-08-2001
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-07-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5071 ngày (13 năm 10 tháng 26 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 14-07-2015
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 14-07-2015, Quyết định số 37/2001/QĐ-BGDĐT ngày 10/08/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Về Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình và thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 2470/QĐ-BGDĐT ngày 14/07/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định tiêu chuẩn chương trình giáo dục phổ thông và tổ chức, hoạt động của Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 37/2001/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 37/2001/QĐ-BGDĐT NGÀY 10 THÁNG 8 NĂM 2001 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG QUỐC GIA THẨM ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH VÀ THẨM ĐỊNH SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30/3/1994 của Chính phủ vè nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 43/2000/NĐ-CP ngày 30/8/2000 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông và Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế Tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình và thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Tài chính, Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Vụ trưởng Vụ Giáo viên, Viện trưởng Viện khoa học giáo dục, Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục, Chủ tịch các Hội đồng bộ môn, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo và thủ trưởng các đơn vị hữu quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Văn Hiển

(Đã ký)

 

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG QUỐC GIA THẨM ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH VÀ THẨM ĐỊNH SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 37/2001/QĐ-BGDĐT ngày 10/8/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Chương 1

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG QUỐC GIA THẨM ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH VÀ THẨM ĐỊNH SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG.

Điều 1. Chức năng.

Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình và thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông (gọi tắt là Hội đồng thẩm định) là tổ chức tư vấn về chuyên môn, giúp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xét duyệt chương trình, sách giáo khoa (gồm cả sách hướng dẫn giáo viên) của các bậc học, cấp học và môn học thuộc giáo dục phổ thông.

Điều 2. Nhiệm vụ

1. Đọc, nhận xét, đánh giá dự thảo chương trình, bản thảo sách giáo khoa của các bậc học, cấp học hoặc môn học thuộc giáo dục phổ thông theo yêu cầu của Bộ trưởng.

2. Trình Bộ trưởng ý kiến của hội đồng thẩm định về việc xét duyệt dự thảo chương trình, bản thảo sách giáo khoa nhằm đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm, tính hệ thống và tính thống nhất của môn học trong cấp học, bậc học thuộc giáo dục phổ thông cũng như trong mối quan hệ với chương trình, sách giáo khoa của bậc học khác.

Điều 3. Quyền hạn .

1. Kiến nghị các tác giả, nhóm tác giả sửa chữa, bổ sung, nhằm hoàn thiện dự thảo chương trình, bản thảo sách giáo khoa.

2. Đề xuất với Bộ trưởng các vấn đề có liên quan đến việc nâng cao chất lượng các bản thảo chương trình và sách giáo khoa cho các bậc học, cấp học và môn học thuộc giáo dục phổ thông.

3. Được tạo các điều kiện, phương tiện cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định.

4. Được tham dự các hoạt động dạy học (như: dự giờ, thăm lớp,...), trao đổi ý kiến với tác giả và với các đối tượng có liên quan khi cần thiết.

Chương 2

TỔ CHỨC CỦA HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH

Điều 4. Thành lập Hội đồng thẩm định.

Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập cho từng chương trình của bậc học hoặc cấp học, từng bộ sách hoặc cuốn sách giáo khoa của môn học và tự giải thể sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Điều 5. Cơ cấu của Hội đồng thẩm định.

1. Thành phần của Hội đồng thẩm định gồm:

- Chủ tịch;

- Phó Chủ tịch;

- Uỷ viên thư ký;

- Các uỷ viên.

2. Hội đồng thẩm định chương trình hoặc sách giáo khoa của mỗi môn học có từ 7 đến 15 thành viên, tuỳ theo yêu cầu của từng chương trình, từng bộ sách hoặc cuốn sách giáo khoa.

3. Bộ phận thường trực của Hội đồng gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và uỷ viên thư ký.

Điều 6. Các thành viên của Hội đồng thẩm định.

1. Hội đồng thẩm định gồm một số cán bộ khoa học, kỹ thuật, cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo giỏi thuộc lĩnh vực chuyên môn có liên quan đến chương trình hoặc sách giáo khoa cần thẩm định.

Hội đồng thẩm định phải có ít nhất một phần tư tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học, bậc học tương ứng.

Tác giả của dự thảo chương trình hoặc bản thảo sách giáo khoa được thẩm định không tham gia Hội đồng thẩm định.

2. Các thành viên của Hội đồng thẩm định có trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ và hoàn thành đúng thời hạn các công việc của Hội đồng theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng; giữ gìn bí mật thông tin theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng.

3. Các thành viên vì lý do nào đó không có điều kiện để hoàn thành các công việc do Chủ tịch Hội đồng phân công sẽ được thay thế bằng thành viên khác theo quy định tại Điều 4 và Điều 6 của Quy chế này.

Điều 7. Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

Chủ tịch Hội đồng thẩm định có các nhiệm vụ sau:

1. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng (bao gồm cả việc tổ chức trao đổi, học tập các vấn đề có liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn của Hội đồng), phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.

2. Chuẩn bị chương trình, nội dung và triệu tập các phiên họp của Hội đồng để thẩm định chương trình hoặc sách giáo khoa theo đúng tiến độ quy định của Bộ; quyết định mời thêm các thành phần có liên quan đến nội dung của phiên họp khi cần thiết.

3. Thông qua biên bản, báo cáo và kiến nghị sau mỗi phiên họp của Hội đồng.

4. Giải quyết các công việc có liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng.

5. Đề nghị việc thay đổi hoặc bổ sung các thành viên của Hội đồng khi cần thiết.

Điều 8. Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm về phần công việc do Chủ tịch Hội đồng thẩm định phân công và thay mặt Chủ tịch điều hành và giải quyết các công việc của Hội đồng khi Chủ tịch vắng mặt.

Điều 9. Uỷ viên thư ký Hội đồng thẩm định.

Uỷ viên thư ký Hội đồng thẩm định có các nhiệm vụ sau:

1. Giúp Chủ tịch và Phó Chủ tịch trong việc chuẩn bị nội dung, chương trình và tổ chức các phiên họp của Hội đồng.

2. Ghi chép đầy đủ và trung thành các ý kiến phát biểu trong các phiên họp của Hội đồng; lập biên bản, viết báo cáo và tổng hợp các kiến nghị của Hội đồng.

3. Giúp Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng trong việc đảm bảo mối liên hệ công tác giữa các thành viên trong Hội đồng cũng như với các tổ chức và cá nhân có liên quan.

4. Thực hiện việc chi tiêu tài chính, lưu giữ hồ sơ, biên bản, phiếu giao nhận trong quá trình thẩm định chương trình sách giáo khoa.

Điều 10. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng Thẩm định.

1. Phiên họp của Hội đồng thẩm định phải đảm bảo có mặt ít nhất là 3/4 tổng số thành viên của Hội đồng thì mới hợp lệ. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

2. Hội đồng thông qua ý kiến thẩm định bằng biểu quyết, với ít nhất là 2/3 tổng số thành viên của Hội đồng tán thành thì mới được coi là ý kiến chính thức của Hội đồng.

3. Những ý kiến khác với ý kiến chính thức của Hội đồng được bảo lưu và trình bộ trưởng xem xét.

4. Việc công bố các ý kiến chính thức của Hội đồng cũng như các ý kiến bảo lưu do bộ trưởng quyết định.

Chương 3

QUY TRÌNH THẨM ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA

Điều 11. Cơ quan tổ chức thẩm định.

1. Cơ quan tổ chức thẩm định là Vụ chuyên môn có chức năng chỉ đạo thực hiện chương trình hoặc sách giáo khoa được thẩm định.

2. Cơ quan tổ chức thẩm định có các nhiệm vụ sau:

a) Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan (trước hết là Viện Khoa học giáo dục và Nhà xuất bản Giáo dục) trong việc đề xuất danh sách các thành viên của Hội đồng thẩm định (theo quy định tại Điều 6).

b) Lập kế hoạch, dự trù, thanh quyết toán kinh phí và phối hợp với Văn phòng Bộ trong việc chuẩn bị các điều kiện vật chất cho các phiên họp của Hội đồng thẩm định.

c) Thông báo yêu cầu thẩm định của Bộ đối với Hội đồng thẩm định; tiếp nhận và chuyển dự thảo chương trình hoặc bản thảo sách giáo khoa đến từng thành viên của Hội đồng thẩm định; tiếp nhận hồ sơ và các đề xuất, kiến nghị của Hội đồng thẩm định để trình Bộ trưởng xem xét, quyết định.

d) Chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc hướng dẫn Hội đồng thẩm định thực hiện mục đích và các yêu cầu của việc thẩm định.

đ) Trình Bộ trưởng ý kiến của Hội đồng thẩm định về việc ban hành chương trình hoặc sách giáo khoa đã thẩm định.

Điều 12. Quy trình thẩm định.

1. Dự thảo chương trình hoặc bản thảo sách giáo khoa phải được cơ quan tổ chức thẩm định gửi đến các thành viên của Hội đồng thẩm định ít nhất là 10 ngày trước phiên họp đầu tiên của Hội đồng. Từng thành viên của Hội đồng đọc toàn bộ bản thảo được phân công và viết nhận xét, đề xuất với tác giả bản thảo những vấn đề có liên quan đến nội dung dự thảo chương trình hoặc bản thảo sách giáo khoa.

2. Hội đồng thẩm định họp để nghe ý kiến nhận xét đánh giá của từng thành viên, thảo luận để đi tới những ý kiến đánh giá của Hội đồng về chất lượng của bản thảo và đưa ra các kiến nghị sửa chữa, bổ sung cần thiết nhằm hoàn thiện bản thảo. Nếu yêu cầu cần sửa chữa ít thì Hội đồng biểu quyết để trình Bộ trưởng phê duyệt, đồng thời ghi rõ các kiến nghị cần sửa chữa và các ý kiến bảo lưu của các thành viên chưa tán thành (nếu có).

3. Trường hợp cần kiến nghị sửa chữa nhiều thì cơ quan tổ chức thẩm định phối hợp với Chủ tịch Hội đồng thẩm định tổ chức cuộc gặp để trao đổi trực tiếp giưa Bộ phận thường trực của Hội đồng thẩm định với tác giả hoặc nhóm tác giả và với biên tập viên của chương trình, sách giáo khoa về những nhận xét và kiến nghị của Hội đồng.

Sau khi tác giả đã sửa chữa theo kiến nghị của Hội đồng thẩm định, dự thảo chương trình hoặc bản thảo sách giáo khoa được chuyển đến cơ quan tổ chức thẩm định để gửi cho các thành viên Hội đồng đọc, góp ý kiến lần thứ hai. Chủ tịch Hội đồng thẩm định triệu tập họp Hội đồng lần thứ 2 để tiếp tục làm việc theo trình tự nêu trên cho đến khi bản thảo được Hội đồng nhất trí trình Bộ trưởng phê duyệt.

4. Uỷ viên thư ký Hội đồng tập hợp hồ sơ, biên bản ghi rõ ý kiến thẩm định của Hội đồng để Chủ tịch Hội đồng ký trình Bộ trưởng. Khi Hội đồng đã biểu quyết nhất trí trình Bộ trưởng phê duyệt thì trong Biên bản của Hội đồng thẩm định cần ghi rõ "Bản thảo đã đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, đề nghị Bộ trưởng phê duyệt". Uỷ viên thư ký Hội đồng gửi toàn bộ hồ sơ về chương trình, sách giáo khoa đã được thẩm định cho cơ quan tổ chức thẩm định.

Điều 13. Trường hợp tác giả của dự thảo chương trình hoặc bản thảo sách giáo khoa không nhất trí với nhận xét và kiến nghị sửa chữa của Hội đồng thẩm định thì cơ quan tổ chức thẩm định trao đổi với Chủ tịch Hội đồng bộ môn để Hội đồng bộ môn cho ý kiến về các vấn để đó. Cơ quan tổ chức thẩm định tập hợp ý kiến của Hội đồng thẩm định, của tác giả và của Hội đồng bộ môn để báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.

Chương 4

ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH

Điêu 14. Kinh phí hoạt động.

1. Nguồn tài chính đảm bảo cho hoạt động của Hội đồng thẩm định được trích trong kinh phí quản lý chuyên môn toàn ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được sử dụng cho những nội dung sau:

a) Chi cho các cuộc họp Hội đồng.

b) Chi cho việc lấy ý kiến của chuyên gia.

c) Chi cho các hội thảo về chuyên môn.

d) Chi phí văn phòng phẩm và công tác phí.

2. Việc chi tiêu, thanh - quyết toán kinh phí của Hội đồng thẩm định do cơ quan tổ chức thẩm định thực hiện theo đúng các chế độ, tiêu chuẩn, định mức và quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Ngoài kinh phí đảm bảo được ngân sách nhà nước cấp, cơ quan tổ chức thẩm định có thể huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ khác nhằm tăng thêm điều kiện làm việc cho các thành viên của Hội đồng.

Điều 15. Phương tiện làm việc.

1. Cơ quan tổ chức thẩm định, Viện Khoa học giáo dục và Nhà xuất bản Giáo dục (hoặc cơ quan tổ chức biên soạn sách giáo khoa) có trách nhiệm cung cấp các tài liệu cần thiết có liên quan đến chương trình hoặc sách giáo khoa, gửi dự thảo chương trình hoặc bản thảo sách giáo khoa đã đánh máy vi tính cho Hội đồng thẩm định.

2. Văn phòng Bộ có trách nhiệm bố trí các điều kiện, phương tiện làm việc cần thiết khác cho các phiên họp của Hội đồng thẩm định.

Chương 5

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Các đơn vị tổ chức thuộc cơ quan Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Hội đồng bộ môn và các Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện để Hội đồng thẩm định làm việc có hiệu quả theo quy định của bản Quy chế này.