Quyết định số 52/2001/QĐ.UB ngày 01/08/2001 Ban hành quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Cần Thơ (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 52/2001/QĐ.UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Cần Thơ
- Ngày ban hành: 01-08-2001
- Ngày có hiệu lực: 16-08-2001
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-10-2004
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1142 ngày (3 năm 1 tháng 17 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-10-2004
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 52/2001/QĐ.UB | Cần Thơ, ngày 1 tháng 8 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CẦN THƠ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ngày 21/6/1994;
Căn cứ Chỉ thị 15/2000/CT-BGD&ĐT ngày 17/5/2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về các biện pháp cấp bách tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay, ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Cần Thơ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với nội dung Quyết định này hết hiệu lực thi hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh, các huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM.UBND TỈNH CẦN THƠ |
QUY ĐỊNH
VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CẦN THƠ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: /2001/QĐ-UB ngày tháng năm 2001)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Hoạt động dạy thêm là hoạt động giảng dạy ngoài giờ chính khoá cho học sinh phổ thông; giảng dạy ôn luyện thi tốt nghiệp, tuyển sinh các cấp bậc học; giảng dạy các môn tin học, ngoại ngữ ngoài các cơ sở có chức năng đào tạo chuyên ngành, đào tạo nghề (sau đây gọi là đào tạo chuyên ngành).
Hoạt động dạy thêm bao gồm: dạy thêm thuộc trách nhiệm phục vụ của các trường phổ thông và dạy thêm theo nhu cầu của người học có thu tiền. Đối với trường ngoài công lập (bán công, dân lập, tư thục), hoạt động dạy thêm phải theo nguyên tắc phục vụ học sinh.
Điều 2. Học thêm là nhu cầu của một bộ phận học sinh và gia đình nhằm mở rộng, nâng cao kiến thức. Việc học thêm phải được đảm bảo là tự nguyện. Nghiêm cấm việc phân biệt đối xử, lôi kéo, ép buộc học sinh học thêm dưới mọi hình thức.
Cha, mẹ học sinh có trách nhiệm phối hợp cùng với nhà trường và các thầy cô giáo trong việc quản lý việc dạy thêm, học thêm.
Điều 3. Các tổ chức hoặc cá nhân mở lớp dạy thêm trong hay ngoài trường học, theo nhu cầu người học có thu tiền phải có đủ điều kiện theo quy định này và chỉ được hoạt động sau khi đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm.
Các cấp quản lý giáo dục phối hợp với Ban, ngành có liên quan kiểm tra các điều kiện theo Điều 8 của quy định này để xem xét cho phép mở lớp dạy thêm; quản lý thống nhất các lớp dạy thêm theo nhu cầu của người học có thu tiền do tổ chức hoặc cá nhân mở trong hoặc ngoài trường học và cơ sở giáo dục khác (sau đây gọi tắt là trường học); tăng cường kiểm tra hoạt động giảng dạy nhằm đảm bảo lợi ích của người học và trách nhiệm của người dạy; xử lý những người hành nghề trái phép hoặc được phép mở lớp nhưng không đảm bảo chất lượng giảng dạy, trình độ người dạy và cơ sở vật chất theo đăng ký.
Điều 4. Tổ chức hoặc cá nhân mở lớp dạy thêm được hưởng các chính sách ưu đãi và phải thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định nêu trên.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Dạy thêm thuộc trách nhiệm phục vụ của các trường phổ thông:
1/- Việc phụ đạo cho học sinh yếu kém và việc bồi dưỡng học sinh giỏi là trách nhiệm của giáo viên dạy chính khóa sẽ được nhà trường phổ thông tổ chức theo từng khối, lớp phân công giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy và không thu tiền của học sinh (kể cả tăng tiết các môn quan trọng ở lớp cuối cấp).
2/- Hiệu trưởng các trường có trách nhiệm tổ chức, quản lý việc dạy thêm ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 5 trong một tháng trước kỳ thi, mỗi tuần không quá 2 buổi (mỗi buổi 3 tiết); cho học sinh lớp 9 và lớp 12 trong hai tháng trước kỳ thi, mỗi tuần không quá 3 buổi. Hoạt động dạy thêm này đã được thu trong phần học phí do HĐND tỉnh cho phép.
3/- Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý việc dạy thêm của giáo viên theo đúng quy định, đảm bảo nguyên tắc phục vụ học sinh; không được bắt ép học sinh học thêm để thu tiền.
Điều 6. Dạy thêm theo nhu cầu của người học trong và ngoài nhà trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp:
1/- Các lớp dạy thêm khác có thu tiền theo chương trình phổ thông có từ 5 học sinh trở lên (dưới 5 học sinh được coi là hình thức gia sư, kèm cặp thì không phải đăng ký) do cá nhân hoặc tổ chức mở trong hay ngoài trường học, chỉ được hoạt động sau khi đăng ký và được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm (kể cả giảng viên, giáo viên của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp mở trong hoặc ngoài cơ sở đó để luyện thi tuyển sinh hoặc nâng cao kiến thức các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông), đồng thời chịu sự quản lý, kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục địa phương.
2/- Bậc tiểu học không được tổ chức dạy thêm có thu tiền kể cả trong thời gian nghỉ hè. Các trường hợp giáo viên tiểu học nhận trông nom học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình thì không được biến thành lớp dạy thêm mà chỉ có thể hướng dẫn để học sinh tự học và phải làm đơn đăng ký với Hiệu trưởng Trường nơi giáo viên đang công tác và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương.
3/- Các lớp (trung tâm) dạy tin học, ngoại ngữ do cá nhân hoặc tổ chức không có chức năng đào tạo chuyên ngành môn học đó lập ra phải đăng ký và được sự cho phép của Sở Giáo dục - Đào tạo, đồng thời phải chịu sự kiểm tra, quản lý của Sở Giáo dục - Đào tạo.
4/- Hiệu trưởng chịu trách nhiệm quản lý và hạn chế việc cho phép giáo viên dạy thêm có thu tiền đối với học sinh do giáo viên đó dạy chính khóa.
Chương III
ĐIỀU KIỆN HỌC THÊM, MỞ LỚP DẠY THÊM VÀ NỘI DUNG DẠY THÊM.
Điều 7. Điều kiện học thêm và nội dung dạy thêm:
1/- Cha mẹ học sinh tiểu học có nhu cầu gởi con cho giáo viên trông nom ngoài giờ học, nếu gởi cho giáo viên đang dạy con mình ở trường phổ thông thì phải làm đơn xin gởi Ban Giám hiệu trường xem xét giải quyết.
2/- Tất cả học sinh trung học có nhu cầu đều được quyền đăng ký học thêm ở những lớp (trung tâm) dạy thêm được các cấp quản lý giáo dục có thẩm quyền cho phép.
Trường hợp học sinh học thêm các môn học ở các lớp do giáo viên dạy chính khóa mở ở trường mà học sinh đang học phải có đơn xin do cha mẹ học sinh đứng tên gởi Ban Giám hiệu trường xem xét giải quyết.
3/- Nội dung dạy thêm nhằm củng cố những kiến thức mà học sinh đã và đang học, phát triển mở rộng những kiến thức đó và rèn luyện kỹ năng vận dụng, ứng dụng thông qua việc hướng dẫn làm bài tập, luyện tập.
Nghiêm cấm việc giảng dạy trước chương trình môn học đó theo phân phối chương trình năm học, hướng dẫn trước những bài tập sẽ ra đề kiểm tra trong lớp và những biểu hiện phân biệt đối xử với những học sinh không học thêm.
Điều 8. Điều kiện mở lớp dạy thêm:
1/- Người trực tiếp dạy thêm phải có đủ trình độ chuẩn chuyên môn nghiệp vụ sư phạm quy định cho từng cấp bậc học phổ thông (Cao đẳng sư phạm, Đại học sư phạm hoặc tương đương) và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chuẩn tin học, ngoại ngữ (Cao đẳng tin học, ngoại ngữ hoặc tương đương trở lên); đã trực tiếp giảng dạy ít nhất 3 năm (trường hợp chưa giảng dạy môn tin học ở cơ sở có chức năng đào tạo chuyên ngành thì phải có trình độ đại học tin học hoặc tương đương).
Nếu là giáo viên đang giảng dạy phải được xếp loại toàn diện từ khá trở lên và được nhà trường xác nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nếu là giáo viên đã nghỉ hưu, nghỉ việc phải được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận tư cách đạo đức và cơ quan y tế xác nhận sức khỏe bình thường.
2/- Nếu giáo viên mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường, cơ sở đào tạo chuyên ngành thì phải có đủ cơ sở vật chất: phòng lớp, bàn ghế thoáng mát, vệ sinh, ánh sáng và diện tích như trong trường công lập bình thường hoặc đủ trang thiết bị tối thiểu của một cơ sở đào tạo chuyên ngành (tin học, ngoại ngữ). Mỗi lớp dạy thêm không quá 40 học sinh.
- Nếu giáo viên nhận trông nom học sinh tiểu học ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình thì phải có đủ nơi ăn nghỉ hợp vệ sinh (nếu học sinh có ăn nghỉ) và đủ bàn ghế để học sinh tự học.
- Việc mở lớp ngoài nhà trường phải đảm bảo không ảnh hưởng đến địa phương về mọi mặt. Nhà trường cần cố gắng sử dụng tối đa phòng lớp trống để cho học sinh có nhu cầu được học thêm trong trường do nhà trường tổ chức, quản lý kể cả thời gian nghỉ hè.
Chương IV
HỌC PHÍ VÀ QUẢN LÝ THU CHI HỌC PHÍ
Điều 9. Về thu học phí:
1/- Không thu học phí đối với việc phụ đạo học sinh kém và bồi dưỡng học sinh giỏi do nhà trường tổ chức.
Đối với dạy thêm ôn thi tốt nghiệp các cấp do nhà trường tổ chức thực hiện thu trong phần học phí ngay từ đầu năm theo Nghị quyết HĐND tỉnh cho phép.
2/- Đối với việc dạy thêm thường xuyên, luyện thi dài hạn, ôn thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp (theo chương trình phổ thông các cấp), tin học, ngoại ngữ:
Học phí được tính trên cơ sở chi phí thù lao cho người dạy cộng với 20% quản lý phí chia bình quân cho 40 học sinh/lớp (đối với tin học chia cho 20 học sinh/lớp) thành học phí từng tháng hoặc cả khoá học nhưng không quá 50.000 đồng/học sinh/tháng.
Đối với luyện thi cấp tốc (30 ngày trở xuống) thù lao mỗi tiết dạy được nhân lên 1,5 lần.
3/- Đối với giáo viên tiểu học nhận trông nom học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình, nếu có ăn nghỉ trưa thì chi phí ăn nghỉ theo thỏa thuận giữa giáo viên và gia đình. Chi phí trông nom học sinh (kể cả hướng dẫn học sinh tự học) không quá 2.000 đồng/buổi/học sinh.
Điều 10. Việc thu tiền học thêm của học sinh trong nhà trường do Hiệu trưởng tổ chức thông qua giáo viên dạy thêm hoặc tài vụ trường.
Đối với thu tiền học thêm của học sinh ngoài nhà trường do cá nhân, cơ sở hoặc tổ chức thu và phải trích nộp quản lý phí cho các cấp quản lý giáo dục (theo phân cấp).
Việc thu tiền học thêm của học sinh phải có sổ sách hạch toán thu chi đầy đủ, rõ ràng.
Nghiêm cấm việc lợi dụng hoạt động dạy thêm, học thêm để thu tiền sai quy định.
Điều 11. Việc sử dụng học phí được thực hiện như sau:
1/- Đối với các lớp dạy thêm trong nhà trường:
+ 80% chi thù lao cho giáo viên trực tiếp giảng dạy.
+ 20% trích nộp quản lý phí cho quản lý dạy thêm. Chia ra:
. 10% chi khấu hao tài sản, mua sắm tài liệu phục vụ dạy thêm.
. 5% chi cho công tác quản lý, tổ chức lớp học thêm, dạy thêm của trường.
. 5% chi phí điện, nước và phục vụ dạy thêm.
- Nhà trường thống nhất quản lý thu và chi qũy học thêm, thanh quyết toán công khai trước cha mẹ học sinh.
2/- Đối với các lớp (trung tâm) dạy thêm mở ngoài nhà trường:
- Trích nộp 5% tổng thu học phí cho mỗi khoá học của lớp (trung tâm) dạy thêm mở ngoài nhà trường cho cơ quan quản lý theo phân cấp để phục vụ công tác quản lý, phối hợp kiểm tra việc dạy thêm học thêm.
- Phần học phí còn lại (sau khi trích nộp quản lý phí) chi cho thù lao giáo viên và các chi phí khác của hoạt động dạy thêm.
Chương V
QUẢN LÝ DẠY THÊM, HỌC THÊM
Điều 12. Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý, cho phép và kiểm tra các hoạt động dạy thêm sau:
- Các lớp dạy thêm theo nhu cầu người học, mở trong hoặc ngoài nhà trường do giáo viên phổ thông dạy theo chương trình trung học phổ thông.
- Các lớp do giảng viên, giáo viên của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp mở trong hoặc ngoài cơ sở đó để luyện thi tuyển sinh hoặc nâng cao kiến thức các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông.
- Các lớp do tổ chức, cá nhân khác (ngoài 2 nhóm lớp trên) mở để củng cố, nâng cao kiến thức, luyện thi các môn học thuộc chương trình trung học phổ thông.
- Các lớp (trung tâm) dạy tin học, ngoại ngữ do cá nhân hoặc tổ chức (cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục) không có chức năng đào tạo chuyên ngành môn học đó lập ra.
Điều 13. Trưởng Phòng (Ban) Giáo dục - Đào tạo quản lý, cho phép mở lớp và kiểm tra các lớp (trung tâm) dạy thêm trong và ngoài nhà trường theo chương trình trung học cơ sở và tiểu học.
Điều 14. Hiệu trưởng trường phổ thông chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý việc dạy thêm trong trường thuộc phạm vi quản lý và kết hợp với Sở, Phòng (Ban) Giáo dục - Đào tạo kiểm tra các loại hình dạy thêm trong và ngoài nhà trường do giáo viên của trường tổ chức. Hiệu trưởng các trường tiểu học chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc tổ chức trông nom học sinh ngoài giờ học của giáo viên thuộc trường theo quy định tại khoản 1 Điều 5 chương II Quy định này.
Điều 15. UBND và ban ngành các cấp có liên quan, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có giảng viên, giáo viên dạy thêm các lớp (trung tâm) theo chương trình phổ thông các cấp, dạy tin học, ngoại ngữ do cá nhân hoặc tổ chức không có chức năng đào tạo chuyên ngành đó lập ra có trách nhiệm phối hợp cùng Sở Giáo dục - Đào tạo, Phòng (Ban) Giáo dục - Đào tạo tăng cường quản lý, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn phụ trách, đồng thời chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc quản lý các lớp dạy thêm này.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Tổ chức, cá nhân nào mở lớp dạy thêm nếu vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm tại Quyết định này thì tuỳ từng mức độ bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
Điều 17. Tất cả các lớp (trung tâm) dạy thêm theo nhu cầu của người học có thu tiền đang hoạt động trước khi ban hành Quyết định này chỉ được phép hoạt động đến hết ngày 31/8/2001. Sau thời gian trên tất cả các lớp (trung tâm) dạy thêm có thu tiền đều phải đăng ký và khi được cấp quản lý giáo dục có thẩm quyền cho phép mới được hoạt động .
Điều 18. Sở Giáo dục - Đào tạo có trách nhiệm phối hợp với các địa phương, Trường Đại học Cần Thơ và các ngành liên quan tổ chức triển khai Chỉ thị 15/2000/CT-BGD&ĐT ngày 17/5/2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Quy định này trên địa bàn tỉnh Cần Thơ. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần phản ánh về UBND tỉnh để thống nhất giải quyết. Những vấn đề xét thấy không phù hợp phải phản ảnh kịp thời về UBND tỉnh để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung./.