cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 07/1999/CT-UB-KT ngày 24/03/1999 Về đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thành phố năm 1999 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu văn bản: 07/1999/CT-UB-KT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 24-03-1999
  • Ngày có hiệu lực: 24-03-1999
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 07-07-1999
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 31-10-2001
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 952 ngày (2 năm 7 tháng 12 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 31-10-2001
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 31-10-2001, Chỉ thị số 07/1999/CT-UB-KT ngày 24/03/1999 Về đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thành phố năm 1999 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 101/2001/QĐ-UB ngày 31/10/2001 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành từ ngày 01 tháng 01 năm 1997 đến ngày 31 tháng 12 năm 1999, đã hết hiệu lực thi hành (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 07/1999/CT-UB-KT

TP. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 3 năm 1999

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CHƯƠNG TRÌNH CỔ PHẦN HÓA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THÀNH PHỐ NĂM 1999.

Tình hình thực hiện cổ phần hóa một số Doanh nghiệp Nhà nước thành phố vẫn còn chậm theo yêu cầu chung.

Theo báo cáo của Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố, trong triển khai chỉ đạo hướng dẫn các Doanh nghiệp Nhà nước xây dựng đề án cổ phần hóa vẫn còn tiếp tục phát sinh một số vướng mắc về thủ tục xác lập, chuyển giao sở hữu, nhà xưởng vật kiến trúc và tổ chức hướng dẫn giải quyết các vướng mắc cho các Doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa.

Để khắc phục tình trạng trên nhằm khắc phục sự trì trệ trong chương trình cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị như sau :

1. Về thủ tục xác lập sở hữu Nhà nước và chuyển giao tài sản cố định là nhà xưởng, kho bãi, nhà làm việc, trạm xăng dầu... (sau đây gọi tắt là bất động sản) tại các Doanh nghiệp Nhà nước tiến hành cổ phần hóa :

a) Việc xác lập quyền sở hữu Nhà nước :

- Tất cả bất động sản do các cơ quan Nhà nước, ban-ngành, quận-huyện tiếp quản từ sau ngày 30-4-1975 và giao cho Doanh nghiệp Nhà nước quản lý sử dụng trong hoạt động sản xuất-kinh doanh, đã hạch toán trong sổ sách của Doanh nghiệp Nhà nước đều thuộc sở hữu Nhà nước, nay Ủy ban nhân dân thành phố không cần ra văn bản xác lập sở hữu Nhà nước. Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố hướng dẫn cho các Doanh nghiệp làm thủ tục xác định giá trị bất động sản trên để thực hiện cổ phần hóa theo quy định hiện hành.

- Trường hợp có đơn khiếu nại về quyền sở hữu tài sản trên, thì chuyển về Văn phòng tiếp dân Ủy ban nhân dân thành phố để xem xét và trình cấp có thẩm quyền giải quyết theo luật định ; tuy nhiên không vì có khiếu nại đó mà cản trở việc đưa tài sản này để cổ phần hóa, vì hiện nay Nhà nước không có chủ trương trả lại bất động sản cho chủ cũ thuộc tài sản do doanh nghiệp Nhà nước đã quản lý sử dụng.

b) Việc chuyển giao tài sản cố định cho Doanh nghiệp :

Các bất động sản do Doanh nghiệp Nhà nước sử dụng trong hoạt động sản xuất-kinh doanh, đang thuê của cơ quan Nhà nước hoặc doanh nghiệp Nhà nước quản lý kinh doanh nhà-kho bãi, được xem xét chuyển giao tài sản trên cho các Doanh nghiệp Nhà nước tiến hành cổ phần hóa. Hồ sơ do Doanh nghiệp xin chuyển giao tài sản cố định nộp tại thường trực Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xem xét ký quyết định chuyển giao.

Sau khi có quyết định chuyển giao tài sản cố định, Cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp thành phố ghi tăng vốn, tài sản cho Doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa ; giảm vốn, tài sản theo giá trị đang hạch toán trên sổ sách của cơ quan đơn vị chuyển giao (không phải định giá lại khi chuyển giao).

Tất cả bất động sản thuộc doanh nghiệp Nhà nước đang quản lý sử dụng, khi thực hiện cổ phần hóa không phải tham khảo với Kiến trúc sư Trưởng thành phố về việc quy hoạch.

c) Giám đốc các sở-ban-ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận-huyện có nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp trực thuộc không được cản trở giữ lại các mặt bằng, nhà xưởng đang cho các Doanh nghiệp Nhà nước thuê và đang quản lý sử dụng (trừ khi có ý kiến của Ủy ban nhân dân thành phố) để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các Doanh nghiệp Nhà nước đang tiến hành cổ phần hóa lập các thủ tục cần thiết.

2. Về xác định giá trị doanh nghiệp khi chuyển Doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần :

- Tất cả tài sản chuyển giao cho Doanh nghiệp Nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa đều phải xác định lại giá trị theo quy định tại Thông tư 104/1998/TT-BTC ngày 18 tháng 7 năm 1998 của Bộ Tài chính.

- Doanh nghiệp được ký Hợp đồng với các Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng của Nhà nước, để đo vẽ lập bản đồ vị trí - diện tích đất, nhà và xác định giá trị còn lại của nhà, vật kiến trúc khác trên đất.

- Việc áp giá để tính giá trị nhà xưởng vật kiến trúc trên đất, trước mắt sử dụng bảng đơn giá theo Quyết định số 5184/QĐ-UB-KT ngày 09 tháng 11 năm 1996 của Ủy ban nhân dân thành phố.

3. Về việc thuê đất và giao đất cho các Doanh nghiệp Nhà nước để cổ phần hóa :

- Các Doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa được ký hợp đồng thuê đất theo quy định hiện hành. Tiền thuê đất, thuê nhà (nếu có) được áp dụng theo khung giá như Doanh nghiệp Nhà nước.

- Trường hợp Doanh nghiệp đã cổ phần hóa muốn giao đất, phải đóng tiền sử dụng đất. Tiền sử dụng đất được áp dụng bảng giá các loại đất theo Quyết định 05/QĐ-UB-QLĐT ngày 04 tháng 01 năm 1995 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Giao Sở Địa chính-Nhà đất thành phố lập và làm thủ tục thuê đất hoặc giao đất cho các Doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa.

4. Các sở-ban-ngành, quận-huyện, Tổng Công ty 90 có từ 5 (năm) Doanh nghiệp Nhà nước trở lên trong diện cổ phần hóa, phải thành lập Tổ chuyên trách cổ phần hóa do một đồng chí lãnh đạo điều hành. Nếu có dưới 5 (năm) Doanh nghiệp Nhà nước trong diện cổ phần hóa, cần phân công Phòng chức năng (bán chuyên trách) chịu trách nhiệm theo dõi thường xuyên tình hình cổ phần hóa của doanh nghiệp, có một đồng chí lãnh đạo đơn vị phụ trách chỉ đạo. Bộ phận chuyên trách hoặc bán chuyên trách có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố để giải quyết nhanh các vấn đề vướng mắc của Doanh nghiệp và đôn đốc thực hiện xây dựng đề án cổ phần hóa theo kế hoạch tiến độ được giao. Giám đốc các sở-ban-ngành, Giám đốc các Tổng Công ty 90 và Công ty, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện có doanh nghiệp nằm trong danh sách thực hiện cổ phần hóa phải chịu trách nhiệm chỉ đạo hoàn tất các thủ tục đúng tiến độ cổ phần hóa đã được giao.

Giao cho Thường trực Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố hướng dẫn, chỉ đạo các Tổ chuyên trách và bán chuyên trách của sở-ban-ngành, quận-huyện, Tổng Công ty 90 thực hiện nhiệm vụ trên.

5. Các Doanh nghiệp Nhà nước ngành Dược cũng như các ngành khác trong diện cổ phần hóa, khi chuyển thể thành Công ty cổ phần được Ủy ban nhân dân thành phố bảo vệ quyền lợi trong hoạt động sản xuất-kinh doanh như các Doanh nghiệp Nhà nước cùng ngành nghề.

6. Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố được thành lập một Tổ tư vấn để trực tiếp cùng với Doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa giải quyết và xử lý các vấn đề khó khăn về thủ tục, về xây dựng đề án cổ phần hóa.... Thường trực Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố được ký hợp đồng tuyển dụng cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ tư vấn được giao.

Kinh phí sử dụng cho hoạt động tư vấn được Ủy ban nhân dân thành phố cấp để thực hiện nhiệm vụ và không được ký hợp đồng tư vấn trực tiếp với các doanh nghiệp cổ phần hóa.

- Ban Tổ chức Chính quyền thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Thường trực Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố thực hiện ký kết các hợp đồng tuyển dụng nhân sự.

- Sở Tài chính-Vật giá thành phố đảm bảo về kinh phí để Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố thực hiện nhiệm vụ tư vấn được giao theo dự toán do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt.

7. Giám đốc các sở-ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận-huyện, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty 90 lựa chọn các Doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc để lập danh sách đưa vào diện cổ phần hóa năm 1999 và năm 2000.

- Năm 1999, Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố hướng dẫn để thực hiện dứt điểm 41 Doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa (đã có danh sách và đang tiến hành xây dựng đề án) theo chỉ tiêu được Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương thông báo. Tiếp tục lựa chọn thêm 30 Doanh nghiệp Nhà nước đưa vào diện cổ phần hóa vào đầu quý II năm 1999, để đến cuối năm 1999 có 90% số doanh nghiệp này hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp trình Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp và 10% số doanh nghiệp hoàn tất đề án để trình Ủy ban nhân dân thành phố.

- Năm 2000 phấn đấu hoàn thành dứt điểm 50 Doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa. Để thực hiện nhiệm vụ này, quý III năm 1999 các sở-ngành, quận-huyện, Tổng Công ty 90 lập danh sách các Doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc đưa vào diện cổ phần hóa báo cáo về Thường trực Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố. Giao Thường trực Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố lập kế hoạch, phân giao chỉ tiêu cụ thể số lượng Doanh nghiệp Nhà nước đưa vào diện cổ phần hóa cho từng sở-ngành, quận-huyện, Tổng Công ty 90 và trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định trong quý III năm 1999.

8. Giao Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố tiếp tục nguyên cứu trình Ủy ban nhân dân thành phố các vấn đề sau :

- Các Công ty Cổ phần chuyển thể từ Doanh nghiệp Nhà nước thuộc thành phố quản lý được vay vốn ưu đãi từ nguồn tiền bán cổ phần thuộc vốn Nhà nước.

- Chọn các tổ chức tài chánh thích hợp để giao nhiệm vụ nhận bán cổ phần cho các Doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa.

Chủ trương cổ phần hóa là một trong những biện pháp tích cực trong tổ chức sắp xếp lại các Doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ nhằm mục đích huy động vốn trong dân để đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại, tạo động lực mới cho phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Yêu cầu các sở-ngành, Ủy ban nhân dân quận-huyện, Tổng Công ty 90 theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao có trách nhiệm chỉ đạo triển khai, kiểm tra đôn đốc và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Những quy định trước đây của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng của thành phố trái với chỉ thị nầy đều bãi bỏ.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ quan chức năng cần thường xuyên báo cáo tình hình, kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc và đề xuất các biện pháp cụ thể để Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo giải quyết kịp thời./.

 

 

Nơi nhận :
- Văn phòng Chính phủ
- Ban Đổi mới QLDN Trung ương
- Bộ Tài chính
- Thường trực Thành ủy
- Thường trực HĐND.TP
- Thường trực UBND.TP
- VP. Thành ủy và các Ban Đảng
- UBMTTQTP và các Đoàn thể TP
- Ủy ban nhân dân các quận-huyện 
- Các Sở-Ngành thành phố
- Các Tổng Công ty 90
- Ban Đổi mới Quảnlý doanh nghiệp TP
- VPUB : CPVP, các Tổ NCTH
- Lưu

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Võ Viết Thanh