Quyết định số 34/2001/QĐ-UB ngày 19/02/2001 Về Quy định tạm thời quản lý vốn đầu tư và xây dựng Chương trình 135 (gồm dự án định canh định cư, hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn, chương trình phát triển kinh tế-xã hội xã đặc biệt khó khăn, biên giới và trung tâm cụm xã) tỉnh Lào Cai (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 34/2001/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lào Cai
- Ngày ban hành: 19-02-2001
- Ngày có hiệu lực: 19-02-2001
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-04-2002
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 406 ngày (1 năm 1 tháng 11 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-04-2002
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2001/QĐ-UB | Lào Cai, ngày 19 tháng 02 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ VỐN ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH 135 (GỒM CÁC DỰ ÁN ĐỊNH CANH ĐỊNH CƯ, HỖ TRỢ DÂN TỘC ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN, CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN, BIÊN GIỚI VÀ TRUNG TÂM CỤM XÃ) TỈNH LÀO CAI
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;
Căn cứ Quyết định số 138/2000/QĐ-TTg ngày 29/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc họp nhất dự án định canh định cư, hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn, Chương trình xây dựng trung tâm cụm xã miền núi, vùng cao vào Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vừng sâu, vùng xa;
Căn cứ vào các Văn bản của các Bộ, Ngành Trung ương hướng dẫn quy chế quản lý, sử dụng vốn đầu tư thực hiện Chương trình phát triển, kinh tế - xã hội, các xã ĐBKK; các xã biên giới và trung tâm cụm xã;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai tại tờ trình số: 18 ngày 06 tháng 02 năm 2001,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định tạm thời về quản lý vốn đầu tư thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, các xã biên giới và các Trung tâm cụm xã, dự án định canh định cư, hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Lào Cai (gọi tắt là CT 135).
Điều 2. Giao cho Ban chỉ đạo Chương tình 135 tỉnh chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị xã, các xã thuộc Chương trình, tổ chức thực hiện Quyết định này, đồng thời tập hợp vướng mắc trong quá trình thực hiện báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết.
Điều 3. Các Ông Chánh văn phòng HĐND và UBND tỉnh, các thành viên Ban chỉ đạo Chương trình tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các Huyện, Thị xã, Chủ tịch UBND các xã thuộc Chương trình, các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế cho các Quyết định số 24/1999/QĐ-UB ngày 28/01/1999 và Quyết định số 157/QĐ-UB ngày 05/7/1999 của UBND tỉnh Lào Cai./.
| TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH 135 (GỒM CHƯƠNG TRÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN, BIÊN GIỚI VÀ TRUNG TÂM CỤM XÃ, DỰ ÁN ĐỊNH CANH ĐỊNH CƯ, HỖ TRỢ DÂN TỘC ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN) TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo QĐ số 34/2001/QĐ-UB ngày 19/02/2001 của UBND tỉnh Lào Cai)
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:
1. Tên chương trình:
Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa (Gọi tắt là chương trình 135).
2. Phạm vi áp dụng:
Phạm vi áp dụng của quy chế này là các xã đặc biệt khó khăn, các xã biên giới và các trung tâm cụm xã bao gồm các dự án như sau:
- Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với định canh, định cư.
- Dự án xây dựng trung tâm cụm xã, miền núi, vùng cao.
- Dự án quy hoạch bố trí lại dân cư ở những nơi cần thiết.
- Dự án ổn định và phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm.
- Dự án đào tạo cán bộ xã, bản, làng.
3. Nguyên tắc quản lý và sử dụng vốn đầu tư:
- Công trình xây dựng ở xã phải thực hiện dân chủ, do nhân dân lựa chọn và được HĐND, UBND xã thông qua.
- Vốn đầu tư của chương trình phải công khai cho dân biết (thông báo vốn, sử dụng vốn, thanh quyết toán) giảm tối thiểu các chi phí ở các khâu không trực tiếp để tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
- Các công trình thi công phải ưu tiên sử dụng lao động trong xã, gắn quyền lợi, trách nhiệm, tình cảm của người dân vói công trình được đầu tư, vừa giải quyết việc làm, vừa có thu nhập cho nhân dân địa phương.
- Sau khi dự toán công trình được duyệt Ban quản lý dự án Huyện phải thông báo cho Chủ tịch xã biết phần lao động thủ công do xã đảm nhận thi công để xã có kế hoạch chủ động, huy động nhân dân tại chỗ tham gia. UBND xã thông báo công khai và vận động nhân dân đăng ký tham gia để làm căn cứ ký kết hợp đồng lao động với Ban quản lý dự án Huyện.
- Các xã có công trình đầu tư, phải có ít nhất 2 người (cán bộ chủ chốt thuộc Đảng ủy, UBND hoặc cán bộ đoàn thể của xã) tham gia trong ban quản lý công trình, giám sát quá trình thi công, thanh quyết toán, huy động vốn trong dân...
II. ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG:
1. Nguyên tắc hỗ trợ đầu tư:
- Các nguồn vốn đầu tư cho Chương trình 135 đều phải được kế hoạch hóa do Ban chỉ đạo Chương trình của tỉnh thống nhất trình UBND tỉnh quyết định và giao chỉ tiêu kế hoạch trên cơ sở đề nghị của huyện, thị xã.
- Nguồn vốn Nhà nước là nguồn hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, địa phương phải huy động lao động tại chỗ và các nguồn lực khác để xây dựng công trình.
- Vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thuộc các chương trình khác được lồng ghép đầu tư thống nhất theo Chương trình 135. Vốn đầu tư phải bố trí tập trung để thi công dứt điểm công trình trong 1 năm. (trừ trường hợp thật đặc biệt).
2. Các dự án đầu tư thuộc Chương trình:
a. Đầu tư cồng trình giao thông:
- Đường liên xã
- Đường từ quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ đến Trung tâm cụm xã và trung tâm xã hoặc đường từ trung tâm cụm xã, đến trung tâm xã, (đường cấp A, B giao thông nông thôn).
- Đối với đường thôn bản và liên thôn bản (B = 2 m) do nhân dân trong xã làm là chính, vốn hỗ trợ của Nhà nước đầu tư xây dựng công trình là phá đá, xây đúc (Theo Quyết định 146/200l/QĐ-UB ngày 21/4/2000 của UBND tỉnh Lào Cai).
b. Đầu tư công trình thủy lợi:
Công trình thủy lợi nhỏ dưới 1 tỷ đồng, công trình tưới tiêu trong phạm vi của xã, nguồn vốn do Nhà nước hỗ trợ để làm các hạng mục xây đúc, vật tư thiết bị... còn phần đào đắp vận chuyển vật liệu đất đá, phải huy động lao động của xã tham gia thực hiện.
c. Đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt:
Nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng điểm cấp nước tập trung phù hợp với quy hoạch dân cư của xã. Các công trình tự chảy, bể chứa, giếng nước Nhà nước chỉ hỗ trợ phần xây lắp, vật tư thiết bị. Phần đào đắp đất, vận chuyển vật liệu, phải huy động lao động của xã tham gia. Những nơi dân cư sống phân tán thiếu nguồn nước, phải quy hoạch, sắp xếp lại dân cư để có điều kiện cấp nước.
d. Đầu tư công trình điện:
- Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng đường trục hạ thế sau trạm biến áp để đưa điện về trung tâm cụm hộ gia đình. Đường dây từ trục hạ thế về các hộ do các hộ tự đầu tư. Những hộ sống rải rác, quá xa trạm hạ thế, muốn đầu tư có hiệu quả phải quy hoạch sắp xếp lại dân cư.
- Những xã, thôn, bản chưa có điều kiện để kéo điện lưới quốc gia nếu có khả năng sử dụng thủy điện nhỏ thì dùng vốn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư xây dựng các trạm thủy điện nhỏ (không đầu tư các trạm thủy điện có công suất lớn).
đ. Đầu tư các công trình giáo dục
Chương trình hỗ trợ đầu tư:
- Trường phổ thông cơ sở ở các trung tâm cụm xã, trường, lớp tiểu học ở các xã và thôn, bản. Kinh phí chương trình được lồng ghép với nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia hoặc các nguồn tài trợ.
e. Y tế
- Trạm y tế xã đầu tư bằng nguồn vốn của chương trình quốc gia dân số KHHGĐ.
h. Đầu tư các công trình chợ nông thôn, chợ trung tâm cụm xã:
- Nhà nước hỗ trợ đầu tư, san gạt, mặt bằng, đầu tư xây dựng nhà chợ chính, các công trình thoát nước, vệ sinh, các ki ốt kinh doanh bán hàng ở chợ do dân tự đầu tư xây dựng.
3. Huy động và sử dụng vốn đầu tư:
a. Nguồn lực tại chỗ:
Các công trình xây dựng tại xã đều phải huy động nhân dân trong xã đóng góp, chủ yếu là công lao động của dân. Những nơi đóng góp bằng tiền, vật liệu phải cân đối vào dự toán của công trình. Chủ tịch UBND xã có trách nhiệm lập kế hoạch báo cáo UBND huyện để huy động sử dụng cho từng công trình. Trước hết là sử dụng toàn bộ ngày công lao động công ích được giao theo chỉ tiêu kế hoạch trong năm.
Phần lao động huy động ngoài nghĩa vụ công ích nhân dân tham gia xây dựng công trình được hưởng 100% theo định mức tính trong dự toán công trình.
Việc hợp đồng thi công phải xác định rõ khối lượng nhiệm vụ và kinh phí giao cho các nhà thầu thực hiện và phần nhân dân tham gia. Trường hợp nhân dân trong xã không đảm nhận hết phân lao động thủ công, UBND xã phải có văn bản báo cáo với Ban chỉ đạo Chương trình 135 huyện và Ban quản lý dự án huyện để giao lại cho các nhà thầu thực hiện.
b. Nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ:
Nguồn vốn ngân sách Chương trình 135 của Nhà nước hỗ trợ chủ yếu đầu tư cho các hạng mục kỹ thuật, vật liệu không có ở địa phương và công lao động kỹ thuật công trình do UBND tỉnh phân bổ theo kế hoạch hàng năm đến từng dự án căn cứ vào thiết kế dự toán được phê duyệt.
Các nguồn vốn khác được đầu tư trên địa bàn do UBND tỉnh giao kế hoạch lồng ghép với chương trình 135.
III. KẾ HOẠCH HÓA ĐẦU TƯ:
1. Xây dựng và tổng hợp kế hoạch:
a. Cấp xã:
Hàng năm căn cứ quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã. UBND huyện hướng dẫn cho UBND xã đề xuất các dự án cụ thể cần đầu tư cho năm kế hoạch năm sau thuộc chương trình 135, thông qua Hội đồng nhân dân xã vào tháng 7 để báo cáo UBND huyện.
b. Cấp huyện:
UBND huyện chỉ đạo các Phòng Ban chức năng tiến hành xây dựng kế hoạch chi tiết và tổng hợp kế hoạch đầu tư cho các xã ĐBKK, các xã biên giới, các trung tâm cụm xã của huyên gồm: Nguồn vốn huy động tại chỗ, vốn đề nghị cấp trên hỗ trợ đầu tư cho Chương trình, trình UBND tỉnh vào tháng 8 trước năm KH.
c. Cấp tỉnh:
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Ngành, các Huyện, Thị xã tổng hợp kế hoạch đầu tư của Chương trình trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh quyết định.
2. Giao chỉ tiêu kế hoạch:
Chủ tịch UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch Chương trình 135 cho UBND các huyện, thị xã, trong đó xác định rõ mức kinh phí chi tiết từng danh mục công trình, của từng xã trên địa bàn.
3. Xử lý trong quá trình thực hiện:
Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Ban chỉ đạo Chương trình xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, điều hành xử lý cụ thể những vướng mắc tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện. Những vấn đề vượt thẩm quyền tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để giải quyết.
4. Báo cáo thực hiện kế hoạch:
Hàng tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm các cấp: Xã, Huyện phải có báo cáo lên cấp trên đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch. Trong đó xác định rõ kết quả đạt được và tiến độ thực hiện, những tồn tại, đề xuất giải pháp, chính sách và kiến nghị. Gửi về Ban chỉ đạo Chương trình 135 tỉnh và UBND tỉnh theo quy định.
IV. QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG:
1. Điều kiện khởi công xây dựng công trình:
Tất cả các công trình cơ sở hạ tầng trước khi khởi công xây dựng đều phải được ghi trong kế hoạch hàng năm và đảm bảo đầy đủ các thủ tục trình tự XDCB theo quy định hiện hành.
2. Quy định đầu tư và xây dựng dự án:
Nguyên tắc quản lý sử dụng vốn đầu tư đảm bảo theo đúng quy định hiện hành. Các công trình cơ sở hạ tầng xây dựng ở các xã thuộc Chương trình 135, hầu hết có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp nên được vận dụng thống nhất ương tỉnh như sau:
- Tổng mức đầu tư, tổng dự toán phải tính đủ các loại chi phí theo quy định hiện hành gồm:
- Kinh phí khảo sát lập báo cáo đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi, kinh phí khảo sát lập TKKT - dự toán, kinh phí Ban quản lý dự án, kinh phí giám sát, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, kinh phí lán trại, kinh phí bảo hiểm công trình, kinh phí thẩm định các dự án, TKKT - dự toán, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, kinh phí thẩm định quyết toán vốn, kinh phí nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng, được tính trong tổng dự toán kinh phí thực hiện dự án và thực hiện theo Thông tư số 12/2000/TT-BXD ngày 25/10/2000 của Bộ Xây Dựng.
- Kinh phí Ban chỉ đạo chương trình tỉnh do ngân sách tỉnh cấp; kinh phí Ban chỉ đạo chương trình Huyện do ngân sách Huyện cấp, nếu thiếu lập tờ trình, Sở Tài chính - Vật giá thẩm định trình UBND tỉnh cấp.
- Trong dự toán phải xác định rõ phần lao động thủ công để dân có thể làm được và phần giao thầu cho nhà thầu thực hiện.
- Dự án có mức vốn dưới 500 triệu đồng UBND tỉnh ủy quyền cho Chủ tịch UBND các huyện, thị xã phê duyệt báo cáo đầu tư và TKKT - dự toán công trình theo đúng trình tự xây dựng cơ bản quy định (kể cả kinh phí giải phóng mặt bằng). Trong đó những dự án dưới 200 triệu được phê duyệt báo cáo đầu tư và thiết kế kỹ thuật - dự toán một bước.
- Dự án có mức vốn từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng các Huyện, Thị xã lập báo cáo đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét quyết định, các Sở xây dựng, chuyên ngành thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán (kể cả kinh phí giải phóng mặt bằng).
- Dự án có mức vốn lớn hơn 1 tỷ đồng Chủ đầu tư phải tổ chức thực hiện xây dựng dự án nghiên cứu khả thi. Giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt, các sở XDCB chuyên ngành thẩm định TKKT - dự toán trình UBND tỉnh phê duyệt, Sở Tài chính - Vật giá thẩm định kinh phí giải phòng mặt bằng.
- Đấu thầu, chọn thầu, thực hiện theo Nghị định số: 88/1999/NĐ-CP Nghị định số 14/2000/NĐ-CP của Chính Phủ và Quy định của UBND tỉnh về đấu thầu, chọn thầu trong xây dựng cơ bản.
+ Những dự án phân cấp cho UBND các Huyện, Thị xã phải giao cho các tổ chức tư vấn có đủ tư cách pháp nhân khảo sát thiết kế. UBND các huyện, thị xã tổ chức thẩm định và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, không được sử dụng tổ chức vừa lập thiết kế kỹ thuật dự toán vừa thẩm định.
3. Quản lý chất lượng công trình xây dựng:
- Chất lượng các công trình xây dựng thuộc Chương trình 135 phải thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước từ khâu khảo sát lập Thiết kế kỹ thuật - dự toán, xây lắp, thiết bị, vận hành, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng.
- UBND tỉnh giao cho Sở Xây Dựng và các Sở có xây dựng chuyên ngành giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình tại địa phương. Kiểm tra định kỳ hoặc đột suất công tác đảm bảo chất lượng công trình của Chủ đầu tư, Tư vấn thiết kế và Nhà thầu xây lắp tại địa phương. Kiến nghị xử lý các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng.
- UBND các huyên, thị xã chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng do UBND tỉnh phân cấp.
- Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh tổng hợp báo cáo định kỳ, 6 tháng và cả năm về tình hình chất lượng công trình và các hình thức xử lý báo cáo Ban chỉ đạo Chương trình 135 tỉnh và UBND tỉnh.
4. Quản lý tài chính:
- Vốn hỗ trợ đầu tư của Nhà nước cho các công trình hạ tầng thuộc Chương trình 135 được quản lý tập trung tại Kho bạc Nhà nước Huyện.
- Các dự án công trình được triển khai thực hiện khi có kế hoạch và đủ thủ tục quy định, được tạm ứng vốn để thi công và cấp phát vốn sau khi đã có khối lượng thực hiện theo phiếu giá nghiệm thu giai đoạn .
- Kho bạc Nhà nưóc Huyện cấp phát kinh phí theo phiếu giá nghiệm thu công trình.
- Kho Bạc Nhà nước cấp tỉnh hướng dẫn việc tạm ứng kinh phí cho Ban quản lý dự án để thanh toán cho lao động tham gia xây dựng công trình và Nhà thầu.
- Đối với các công trình hoàn thành bàn giao thanh toán 90% giá trị khối lượng thực hiện.( để lại 5% bảo hành, 5% quyết toán).
- Kho bạc Huyện có trách nhiệm báo cáo UBND Huyện và các Ngành quản lý tổng hợp hàng tháng, quý, cả năm về tình hình giải ngân và thanh toán vốn.
- Ban quản lý dự án Huyện chậm nhất sau 3 tháng phải quyết toán các công trình hoàn thành, bàn giao.
- Sở tài Chính - Vật giá và các phòng Tài chính Huyện, Thị xã có trách nhiệm thẩm tra quyết toán các công trình hoàn thành bàn giao theo phân cấp quản lý của tỉnh.( Sau khi bàn giao sử dụng chậm nhất là 6 tháng).
- Sở Tài chính - Vật giá chịu trách nhiệm thẩm tra các công trình quyết toán trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt quyết toán các công trình thuộc tỉnh quản lý, tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo chương trình 135 tỉnh và UBND tỉnh theo quy định.
V. TỔ CHỨC QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH CHƯƠNG TRÌNH:
1. Cấp tỉnh:
Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình 135 tỉnh do một đồng chí Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực và các thành viên thuộc các ngành có liên quan. Ban chỉ đạo Chương trình 135 tỉnh hoạt động theo Quy chế quy định tại Quyết định số 36/1999/QĐ-UB ngày 06/02/1999 của UBND tỉnh Lào Cai.
2. Cấp huyện:
Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình 135 huyện do một đồng chí Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND Huyện làm Trưởng ban. Phòng Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực, các thành viên thuộc các Phòng, Ban có liên quan.
Sử dụng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hiện có ở cấp Huyện, Thị xã và bổ sung thêm cán bộ để đủ năng lực quản lý. Mỗi xã cử 2 cán bộ tham gia quản lý điều hành ở xã cùng với Ban quản lý dự án Huyện..
UBND các Huyện, Thị xã thành lập tổ tư vấn thực hiện các nhiệm vụ thẩm định các dự án được phân cấp.
3. Cấp xã:
UBND xã có dự án chịu trách nhiệm, tổ chức bộ máy chỉ đạo ở xã gồm các thành viên được phân công ổn định như sau:
1 Lãnh đạo xã tham gia là thành viên ban quản lý và phối hợp chỉ đạo tiến hành.
1 cán bộ theo dõi tài chính (đóng góp của dân các khoản thanh toán đến dân).
Các thành viên Ban chỉ đạo xã được phân công nhiệm vụ cụ thể, phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý dự án Huyện và Cơ quan được phân công giúp đỡ xã trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình.
VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:
- Quy định quản lý đầu tư và xây dựng chương trình 135 được áp dụng đối với các dự án xây dựng sau ngày ký quyết định ban hành quy định này.
- Những dự án đã được phê duyệt trước ngày ban hành quyết định này được giữ nguyên tỷ lệ chi phí như đã phê duyệt.
+ Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký quyết định ban hành. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Ban chỉ đạo chương trình 135 của tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết./.