cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 29/1998/CT-UB ngày 12/09/1998 Về tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh ở các xã biên giới, hải đảo do tỉnh Quảng Nam ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 29/1998/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Ngày ban hành: 12-09-1998
  • Ngày có hiệu lực: 12-09-1998
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 26-03-2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3848 ngày (10 năm 6 tháng 18 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 26-03-2009
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 26-03-2009, Chỉ thị số 29/1998/CT-UB ngày 12/09/1998 Về tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh ở các xã biên giới, hải đảo do tỉnh Quảng Nam ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Chỉ thị số 12/2009/CT-UBND ngày 16/03/2009 Về tăng cường công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong tình hình mới do tỉnh Quảng Nam ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/1998/CT-UB

Tam Kỳ, ngày 12 tháng 09 năm 1998

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI, CỦNG CỐ QUỐC PHÒNG AN NINH Ở CÁC XÃ BIÊN GIỚI, HẢI ĐẢO.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị Quyết 22/NQ-TW của Bộ Chính trị, Quyết định 72/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và Chỉ thị 525/TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chủ trương, biện pháp tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội miền núi, các ngành và địa phương đã có sự quan tâm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện tạo được những kết quả đáng kể trong sự nghiệp xây dựng và phát triển KT- XH, củng cố quốc phòng an ninh ở miền núi, trong đó có các xã biên giới, hải đảo: Sản xuất ổn định, chuyển dịch và phát triển kinh tế theo hướng tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và cán bộ, chiến sỹ trên biên giới, hải đảo được cải thiện một bước ; cơ sở hạ tầng các xã biên giới, phòng tuyến quốc phòng an ninh ngày càng được củng cố, chủ quyền và an ninh biên giới được giữ vững, mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác phát triển kinh tế với nước bạn Lào được tăng cường.

Tuy nhiên, thực trạng KT - XH ở địa bàn biên giới vẫn hết sức khó khăn, nhiều vấn đề còn bức xúc: cơ sở hạ tầng nhất là giao thông kém phát triển chưa đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế, dân sinh, sản xuất vẫn còn trong tình trạng thấp, kém , lạc hậu, diện du canh du cư và tỷ lệ đói nghèo còn lớn, các bệnh xã hội vẫn còn ở tỷ lệ cao. Tình trạng khai thác vàng, lâm sản trái phép vào vùng biên giới vẫn còn. Từ đó, đã có ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH và quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới tổ quốc.

Để tiếp tục thực hịên các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đưa sự phát triển KT-XH miền núi nói chung và đặc biệt đối với các xã biên giới, hải đảo nói riêng lên một bước phát triển mới; xây dựng vùng biên giới hải đảo tỉnh nhà vững mạnh toàn diện, tăng cường mối quan hệ đoàn kết mở rộng giao lưu với nước Lào, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Chỉ thị:

I/ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KT-XH CÁC XÃ BIÊN GIỚI, HẢI ĐẢO THEO TINH THẦN CHỈ THỊ 15/1998/CT-TTG:

Để thực hiện Chỉ thị 15/1998/CT-TTg ngày 28/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng an ninh ở các xã, phường, biên giới, hải đảo, các Sở, Ban, ngành, các địa phương cần chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1/ Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện Chỉ thị 393/TTg, ngày 10/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ về qui hoạch dân cư, tăng cường cơ sở hạ tầng, sắp xếp sản xuất ở vùng dân tộc và miền núi, trong đó, quan tâm ưu tiên thực hiện ở các xã biên giới, hải đảo.

2/ Các cấp, các ngành cần có kế hoạch ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH thiết yếu, trước mắt ở các trung tâm cụm xã để tác động đến các xã trong cụm. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Trung ương theo tinh thần Nghị Quyết 4 của Chính phủ về chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn, các huyện phối hợp với các ngành, thống nhất kế hoạch lồng ghép và ưu tiên thích đáng đầu tư các chương trình, dự án vào các xã biên giới phù hợp với đặc thù, yêu cầu của từng xã và từng dân tộc nhằm phát huy hiệu quả đầu tư. Huy động một cách hợp lý sức dân tham gia, đóng góp cùng với sự đầu tư của Nhà nước.

3- Trong đầu tư xây dựng chú ý đến phát triển hệ thống giao thông từ các huyện lỵ đến các trung tâm cụm xã, các xã biên giới. Phấn đấu đến năm 2000, xe khách đến được 2 Trung tâm cụm xã biên giới: Chà Vàl ( Giằng); Lăng ( Hiên) và tiếp tục nâng cấp, bảo dưỡng để xe khách đến được các trung tâm cụm xã khác.

Ngành Giao thông - vận tải cần khẩn trương tổng kết phong trào và mô hình phát triển giao thông nông thôn có hiệu qủa ở miền núi để đề xuất UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ.

4- Ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn có kế hoạch hàng năm hỗ trợ theo địa bàn xã biên giới, các loại giống cây con như : lúa, ngô và các loại cây con khác ...phù hợp với đặc điểm từng nơi; các loại vật tư nông nghiệp cần thiết; cử cán bộ kỹ thuật khuyến nông, khuyến lâm lên các xã biên giới để hướng dẫn, giúp đỡ dân phát triển sản xuất. Ở những nơi có điều kiện thuỷ lợi thì phát động nhân dân tận dụng tối đa địa thế để phát triển ruộng lúa nước. Nhà nước sẽ có chính sách khuyến khích để nhân dân không ngừng mở rộng diện tích lúa nước ở các xã biên giới nhằm đảm bảo tự túc được lương thực tại chỗ, đồng thời cải thiện được điều kiện sinh hoạt cho đồng bào.

Đối với các xã còn du canh du cư ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục định canh định cư và vùng kinh tế mới phối hợp với địa phương lập các dự án định canh định cư ưu tiên có kế hoạch đầu tư để nhanh chóng chấm dứt du canh du cư.

5/ Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm soát xét lại các chương trình, dự án đầu tư cho vùng và các xã biên giới kể cả các chương trình quốc gia. Đánh giá hiệu quả các chương trình trên cơ sở đó bố trí kế hoạch năm 1999 và các năm tiếp theo; tiếp tục hoàn thiện dự án biên giới để trình Chính phủ phê duyệt đầu tư trong những năm đến.

Ban chỉ đạo các chương trình quốc gia về xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn cần có kế hoạch ưu tiên đầu tư và chỉ đạo phối hợp thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn các xã biên giới, đảm bảo có hiệu quả, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân vùng dự án trong việc thực hiện, đồng thời phải tăng cường công tác kiểm tra chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong quá trình quản lý thực hiện chương trình, dự án.

UBND các huyện có các xã miền núi chịu trách nhiệm trong việc quản lý điều hành các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn các xã biên giới dưới sự giám sát của HĐND huyện và sự hướng dẫn của ngành chủ quản ở tỉnh.

6/ Ban dân tộc và Miền núi, Sở Thương mại, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Y tế theo chức năng của mình chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi đối với miền núi, vùng biên giới theo tinh thần CT 23/CT-TW của Bộ Chính trị, đồng thời căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện đặc thù của các xã trong tỉnh để nghiên cứu, đề xuất một số chính sách ưu đãi phù hợp với thực trạng của địa phương về dạy và học, khám và chữa bệnh trên địa bàn các xã biên giới.

Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, Chi cục kiểm lâm, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh nghiên cứu, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc huy động lực lượng CC-VC, bộ đội tham gia thực hiện các chương trình phát triển KT-XH nhất là quản lý bảo vệ rừng, xây dựng kết cấu hạ tầng, xoá mù chữ, phòng chữa bệnh cho dân, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng thôn, bản văn hoá, bài trừ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống. Làm tốt công tác vận động quần chúng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, giữ vững an ninh quốc gia trên địa bàn biên giới.

7/ UBND huyện cần phối hợp với UBMTTQ và các đoàn thể ở huyện cùng tham gia xây dựng thực lực chính trị ở các xã biên giới. Có kế hoạch chủ động bồi dưỡng, đào tạo đội ngủ cán bộ xã thôn, đặc biệt chú trọng đào tạo người tại chỗ trước hết là lực lượng biên phòng, kiểm lâm, giáo viên, y, bác sỹ. Tranh thủ và xây dựng lực lượng nòng cốt già làng trưởng bản.

Đẩy mạnh việc củng cố và tăng cường xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và chính quyền đảm bảo trong sạch vững mạnh đủ sức lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc ở xã, thôn. Đồng thời chăm lo việc củng cố, kiện toàn các đoàn thể, mặt trận tổ quốc ở xã nhất là lực lượng thanh niên, phụ nữ làm nòng cốt trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở các xã biên giới .

II/ BẢO VỆ BIÊN GIỚI VÀ CỦNG CỐ AN NINH QUỐC PHÒNG:

1- Trên cơ sở các điều kiện kinh tế, các hiệp định, Nghị định, qui chế biên giới đã ký kết giữa nước ta với nước bạn Lào, các huyện biên giới, các cơ quan chức năng thường xuyên nắm chắc tình hình, vị trí đường biên, mốc giới, ranh giới quản lý từng khu vực, phát huy sức mạnh tổng hợp tại chỗ, có sự hỗ trợ của tuyến sau, bảo vệ tính bất khả xâm phạm của đường biên giới, sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, gĩư vững sự ổn định chính trị, an ninh trật tự khu vực biên giới và không ngừng tăng cường mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt với nước bạn Lào, tăng cường mở rộng mối quan hệ kinh tế - văn hoá - xã hội giữa hai tỉnh Quảng Nam và Sê Kông.

- Sự nghiệp an ninh quốc phòng bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia về lâu dài, phải huy động quần chúng nhân dân tự giác tham gia biến thành phong trào quần chúng rộng khắp, trước mắt tập trung xây dựng lực lượng BĐBP nòng cốt chuyên trách, đủ điều kiện thực hiện chiến lược lâu dài, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên vùng biên giới.

- Bộ đội Biên phòng tổ chức triển khai thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ biên giới duy trì thực hiện các hiệp định, qui chế về biên giới quốc gia trên bộ và trên biển, kiểm soát chặt chẽ việc xuất, nhập biên, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới, qua các đường tiểu mạch, ngăn chặng và xử lý các hành động vi phạm ở khu vực biên giới, vùng biển. Có kế hoạch tham gia với các địa phương, các ngành thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - văn hoá xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới.

2/ Cấp uỷ chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng ở khu vực biên giới, đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân nắm vững và thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, Công an các xã biên giới, biển đảo có đủ điều kiện, trình độ, năng lực bảo vệ sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế ở các địa phương, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.

Ban Dân tộc và Miền núi phối hợp Biên phòng tỉnh các ngành, địa phương liên quan lập kế hoạch chương trình hoạt động cụ thể để triển khai thực hiện, đồng thời tổ chức theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nội dung chỉ thị này.

UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, các cơ quan ban ngành liên quan trong tỉnh tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận
- TV Tỉnh uỷ- TTHĐND,UBND,UBMTTQVN
- Các Ban của Đảng, HĐND
- Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể
- HĐND, UBND các huyện, thị
- CPVP
- Lưu VT, KTN,NC,KTTH,TH,VX

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
CHỦ TỊCH




Lê Trí Tập