Chỉ thị số 28/1998/CT-UB-VX ngày 22/08/1998 Về đẩy mạnh công tác phòng-chống tệ nạn xã hội và giữ gìn trật tự vệ sinh đô thị do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 28/1998/CT-UB-VX
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 22-08-1998
- Ngày có hiệu lực: 01-09-1998
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 31-10-2001
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1156 ngày (3 năm 2 tháng 1 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 31-10-2001
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/1998/CT-UB-VX | TP. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 8 năm 1998 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHÒNG-CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI VÀ GIỮ GÌN TRẬT TỰ VỆ SINH ĐÔ THỊ.
Hiện nay tình trạng người lang thang sinh sống vỉa hè, lề đường, nơi công cộng, người đi xin ăn nhìn chung có giảm nhưng chưa đáng kể. Hoạt động mại dâm và nhất là ma túy đang gia tăng theo hướng tinh vi, đối phó với công tác kiểm tra, xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Một bộ phận dân cư chưa xem trọng việc giữ gìn trật tự, vệ sinh đô thị... Những tồn tại này đã làm ảnh hưởng xấu đến bộ mặt xã hội, đến an ninh, trật tự và cuộc sống của người dân thành phố.
Nhằm tạo môi trường văn hóa-xã hội lành mạnh, góp phần xây dựng thành phố văn minh-sạch đẹp, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 300 năm Sàigòn-thành phố Hồ Chí Minh, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố chủ trương : “Đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý các đối tượng tệ nạn xã hội và những hành vi vi phạm quy định về giữ gìn trật tự-vệ sinh đô thị” trên địa bàn thành phố. Từ nay đến Tết nguyên đán năm 1999, cần tập trung giải quyết một số việc sau đây :
1. Tiếp tục tổ chức kiểm tra, xử lý tình trạng người lang thang sống ở vỉa hè, lề đường, nơi công cộng, người đi xin ăn... trên địa bàn thành phố, đặc biệt ở các khu vực trọng điểm của quận 1, quận 3.
Hướng xử lý các đối tượng sống lang thang, xin ăn được đưa vào các Trung tâm hỗ trợ xã hội để giúp đỡ, đưa họ về quê nhà hoặc nuôi dưỡng nếu già yếu, tật nguyền, không nơi nương tựa.
2. Tăng cường kiểm tra xử lý, xóa các tụ điểm tổ chức hoạt động mại dâm (mua-bán-môi giới-chủ chứa), hoạt động ma túy (mua-bán-tàng trữ-vận chuyển-sử dụng...), nhất là ở các địa bàn trọng điểm.
- Đối với đối tượng mua bán dâm, đối tượng sử dụng ma túy : xử phạt theo điều 22, 23 Nghị định số 49/CP (15-8-1996) ; hoặc giáo dục tại địa phương theo Nghị định số 19/CP ; đưa vào cơ sở chữa bệnh theo Nghị định số 20/CP.
- Cho phép đưa ngay vào cơ sở chữa bệnh đối tượng : gái mại dâm bị bắt quả tang hoạt động thường xuyên, không có nơi cư trú nhất định.
3. Giải quyết có hiệu quả tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, trước cổng trường học ; tình trạng làm mất vệ sinh đường phố, ô nhiễm môi trường.
Cần áp dụng nhiều biện pháp tuyên truyền vận động thuyết phục, tổ chức lại việc làm ăn, sinh sống sao cho phù hợp (kể cả giúp vốn) cùng với biện pháp xử lý hành chánh.
Áp dụng mức xử phạt được quy định tại Điều 5, 7, 8 của Nghị định số 49/CP (15-8-1996) và điều 7, 18 Nghị định 49/CP (26-7-1995).
Để triển khai thực hiện 3 nội dung nói trên, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố lưu ý các ngành, Ủy ban nhân dân các cấp cùng phối hợp chặt chẽ với Mặt trận, các đoàn thể trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố giao trách nhiệm cụ thể sau đây cho các ngành và các quận-huyện :
- Giao cho Công an thành phố chủ trì phối hợp với Sở Giao thông công chánh, Sở Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân, Sở Lao động-Thương binh xã hội có kế hoạch xử lý các vấn đề nói trên.
- Giao Sở Giao thông công chánh (Thanh tra Giao thông công chánh) phối hợp các ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất cách thức thu tiền phạt bằng thu phạt đối với hành vi làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường trình Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị Bộ Tài chính cho phép thành phố thực hiện và chủ trì phối hợp triển khai xử lý tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, tình trạng làm mất vệ sinh nơi công cộng trên địa bàn quận 1, quận 3.
- Sở Lao động-Thương binh xã hội có kế hoạch triển khai xử lý tình trạng người lang thang, xin ăn và chỉ đạo các Trung tâm xã hội, các cơ sở chữa bệnh trực 24/24 để sẵn sàng tiếp nhận đối tượng xã hội.
- Giao Sở Văn hóa thông tin có trách nhiệm :
Xây dựng kế hoạch và nội dung tuyên truyền.
Tổ chức các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng-chống, đấu tranh ngăn chặn tệ nạn xã hội ; chấp hành nghiêm chỉnh quy định về giữ gìn an ninh-trật tự-vệ sinh đô thị.
Kiểm tra công nhận các đơn vị thực hiện tốt các tiêu chuẩn “Công sở văn minh, sạch đẹp, an toàn”.
- Sở Y tế có kế hoạch triển khai việc cai nghiện ma túy ở các cơ sở y tế và ở cộng đồng.
- Ủy ban nhân dân các quận-huyện có trách nhiệm :
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường-xã, lực lượng Công an, dân phòng tăng cường công tác quản lý địa bàn, quản lý nhân hộ khẩu làm cho địa bàn trong sạch.
Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” ; “Toàn dân làm sạch-đẹp thành phố” ; nhân rộng mô hình “phường-xã không còn tệ nạn xã hội”....
Cùng với Sở Y tế triển khai việc cai nghiện ma túy trên địa bàn.
- Giao cho Sở Tài chính-Vật giá có kế hoạch về kinh phí để đảm bảo thực hiện tốt Chỉ thị nầy.
Từ nay đến cuối năm 1998, hàng tháng các ngành được phân công và Ủy ban nhân dân các quận-huyện cần có báo cáo việc triển khai, thực hiện cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố. Cuối năm 1998 có sơ kết rút kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo nhằm đẩy lùi và ngăn chặn có hiệu quả tệ nạn xã hội nghiêm trọng, tạo sự chuyển biến rõ rệt về việc xây dựng nếp sống văn minh, vệ sinh đường phố./.
Nơi nhận : | T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |