cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 60/1999/QĐ/UB ngày 13/10/1999 Về chính sách phát triển cây chè tỉnh Lạng Sơn (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 60/1999/QĐ/UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Ngày ban hành: 13-10-1999
  • Ngày có hiệu lực: 28-10-1999
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 01-01-2002
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 11-06-2007
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2783 ngày (7 năm 7 tháng 18 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 11-06-2007
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 11-06-2007, Quyết định số 60/1999/QĐ/UB ngày 13/10/1999 Về chính sách phát triển cây chè tỉnh Lạng Sơn (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 1010/QĐ-UBND ngày 11/06/2007 Bãi bỏ văn bản quy định về cơ chế chính sách do tỉnh Lạng Sơn ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/1999/QĐ/UB

Lạng Sơn, ngày 13 tháng 10 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN CÂY CHÈ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

Căn cứ quyết định số: 43/1999/QĐ-TTg ngày 10/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch sản xuất chè năm 1999-2000 và định hướng phát triển chè đến năm 2005-2010;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phương hướng, mục tiêu phát triển:

Phát triển chè nhằm phát huy tiềm năng về đất đai, lao động, điều kiện tự nhiên để thúc đẩy sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy nhanh tốc độ phủ xanh đất trống đồi núi trọc; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống người lao động vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương;

Đến năm 2005 toàn tỉnh có diện tích chè đạt từ 800-1000 ha, trong đó vùng chè tập trung tại huyện Đình lập từ 700-800 ha, gồm các xã: Thái Bình, Đình Lập, Châu Sơn, Bắc Lãng và Xí nghiệp nông công nghiệp chè Thái Bình. Xí nghiệp nông công nghiệp chè Thái Bình là trung tâm trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè cả tươi và khô cho nông dân.

Điều 2. Điều khoản chung:

1- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư để phát triển sản xuất, chế biến chè và tiêu thụ sản phẩm chè.

2- Vùng chè huyện Đình Lập được đầu tư tập trung bằng các nguồn vốn nhằm khuyến khích sản xuất phát triển, tăng nhanh sản lượng chè hàng hóa. Người trồng chè bán chè nguyên liệu cho nhà máy chế biến chè theo hợp đồng kinh tế, đảm bảo lợi ích của người bán và người mua.

Điều 3. Đầu tư phát triển sản xuất, chế biến chè:

1- Thông qua các dự án định canh, định cư, trồng rừng phòng hộ sông Lục Nam được áp dụng suất đầu tư 2,5 triệu đồng một ha theo Quyết định số: 661/1998/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ và theo kế hoạch Nhà nước hàng năm.

2- Dựa vào quy trình kỹ thuật sản xuất chè, hộ sản xuất được vay vốn từ nguồn vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước để đầu tư sản xuất chè. Trường hợp người trồng chè phải vay vốn tín dụng của các ngân hàng theo lãi suất thương mại thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất bằng mức chênh lệch giữa lãi suất thương mại với lãi suất vay ưu đãi theo chế độ tài chính hiện hành.

3- Xí nghiệp nông công nghiệp chè Thái Bình làm nhiệm vụ cung ứng dịch vụ khoa học kỹ thuật về giống, kỹ thuật trồng, thâm canh chè và thu mua chè nguyên liệu theo giá quy định, tổ chức chế biến, tiêu thụ sản phẩm; Được vay vốn đầu tư theo kế hoạch Nhà nước để đổi mới, nâng cấp công nghệ chế biến chè; Làm chủ đầu tư các công trình thủy lợi tưới cho vùng chè; Khai hoang thêm diện tích cho nông dân trồng chè theo dự án được duyệt; Tiếp tục thực hiện chính sách di dân vào vùng chè; Được cấp bù chênh lệch giá thu mua chè nguyên liệu; Được thực hiện chính sách trợ cước vận chuyển tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản miền núi theo quy định hiện hành.

Điều 4. Tiêu thụ sản phẩm chè.

1- Xí nghiệp nông công nghiệp chè Thái Bình chịu trách nhiệm thu mua chè nguyên liệu theo giá quy định đối với người trồng chè thông qua ký kết hợp đồng kinh tế.

2- Giá chè tươi nguyên liệu ổn định đến hết năm 2003. Cụ thể:

- Chè loại I: 3.000 đồng/kg.

- Chè loại II: 2.400 đồng/kg.

- Chè loại III: 1.800 đồng/kg.

Chênh lệch giữa giá quy định trên và giá thu mua chè thực tế hàng năm Sở Tài chính - Vật giá thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.

Điều 5. Tổ chức thực hiện:

1- Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm:

- Quy hoạch các khu vực trồng chè tập trung trong vùng áp dụng chính sách.

- Lập quy hoạch và kế hoạch đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của vùng chè tập trung. Trước hết là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở chế biến chè.

- Phối hợp với Sở khoa học công nghệ và môi trường tổ chức tuyển chọn giống chè có năng suất, chất lượng cao để cung ứng cho người trồng chè.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá, Sở Lao động thương binh xã hội, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, các Ngân hàng thương mại và các ngành có liên quan để xây dựng các phương án trợ giá thu mua chè nguyên liệu, kế hoạch vay vốn đầu tư hàng năm, phương án cấp bù chênh lệch lãi suất vốn vay ngân hàng thương mại, xây dựng dự án phát triển chè từ các nguồn vốn của chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, định canh định cư; khai thác và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè.

2- Xí nghiệp nông công nghiệp chè Thái Bình có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định này theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn và các ngành chức năng.

Điều 6. Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện trồng chè, Giám đốc Xí nghiệp nông công nghiệp chè Thái Bình chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- TT tỉnh ủy.
- TT.HĐND tỉnh.
- Bộ NN &PTNT.
- CT, PCT UBND tỉnh.
- Như điều 6.
- PVP, các tổ CV.
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
CHỦ TỊCH




Dương Công Đá