cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 55/1999/QĐ-UB ngày 27/05/1999 Quy định thực hiện công tác quản lý đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa của tỉnh Nghệ An (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 55/1999/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Ngày ban hành: 27-05-1999
  • Ngày có hiệu lực: 27-05-1999
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 03-09-1999
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-02-2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3538 ngày (9 năm 8 tháng 13 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-02-2009
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-02-2009, Quyết định số 55/1999/QĐ-UB ngày 27/05/1999 Quy định thực hiện công tác quản lý đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa của tỉnh Nghệ An (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 18/2009/QĐ-UBND ngày 22/01/2009 Về xử lý kết quả tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành từ năm 1976 đến ngày 31/12/2007”. Xem thêm Lược đồ.

UBND TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/1999/QĐ-UB

Ngày 27 tháng 5 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG Ở CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN MIỀN NÚI VÀ VÙNG SÂU, VÙNG XA CỦA TỈNH NGHỆ AN.
(Theo quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31-7-1998 của thủ tướng Chính phủ)

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ luật tổ chức HĐND và UBND (sữa đổi) Quốc hội thông qua ngày 21 tháng 6 năm 1994;

Căn cứ Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của thủ tướng Chính phủ V/v phê duyệt chương trình phát triển kinh tế- xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Văn bản số 234/CP-NN ngày 09/3/1999 của Chính phủ V/v ban hành thông tư hướng dẫn cơ chế quản lý đầu tư xây dựng các công trình thuộc chương trình 135 và Thông tư liên tịch số 416/TTLT/BKH-UBDTMN-TC-XD ngày 29 tháng 4 năm 1999 V/v hướng dẫn quản lý đầu tư và xây dựng công trình hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa của liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Uỷ ban Dân tộc và miền núi - Bộ tài chính - Bộ xây dựng.

Xét đề nghị của Thường trực Ban chỉ đạo chương trình 135 của tỉnh Nghệ An.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nguyên tắc chung:

1.1. Công tác quản lý đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa của Nghệ An phải theo tinh thần Quyết Định số 35/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ, thông tư liên bộ số 416/TTLB/BKH-UBTMN-TC-XD ngày 29 tháng 4 năm 1999 của liên bộ: Kế hoạch và đầu tư, UB dân tộc và miền núi, Bộ tài chính, Bộ xây dựng; thông tư số 47/1999/TT.BTC ngày 05/5/1999 của Bộ tài chính hướng dẫn quản lý, cấp phát vốn đầu tư cho dự án hạ tầng cơ sở các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa và nội dung công tác chuẩn bị đầu tư theo quyết định số 1217/1998/QĐ-UB ngày 10 tháng 8 năm 1998 của UBND tỉnh Nghệ An về quản lý đầu tư và xây dựng.

1.2 Thống nhất quản lý lồng ghép các nguồn vốn thuộc các chương trình dự án đầu tư trên địa bàn của 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và huy động tại chỗ để đầu tư đúng mục đích, đúng đối tượng, đảm bảo chất lượng, không để thất thoát và có hiệu quả lâu dài.

1.3. Thực hiện công tác dân chủ trong quá trình xây dựng kế hoạch chọn công trình và quản lý xây dựng tại xã theo văn bản số 429/UBDTMN-BTK ngày 29/4/1999 của Uỷ ban Dân tộc và miền núi V/v hướng dẫn thực hiện dân chủ công khai xây dựng CSHT ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135, vai trò tổng hợp và điều hành của Chủ tịch UBND huyện để đầu tư có trọng tâm, dứt điểm theo đúng kế hoạch và dự án được duyệt.

Điều 2: Công tác kế hoạch hoá đầu tư.

2.1. Công tác quy hoạch chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị xây dựng.

a) Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các huyện.

- Huyện Quế Phong và huyện Kỳ Sơn:

Tiến hành rà soát, điều chỉnh, quy hoạch kinh tế - xã hội đã được phê duyệt theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đặc điểm cụ thể của huyện.

- Huyện Tương Dương: Do có khó khăn riêng chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể, cần tập trung làm rõ một số định hướng phát triển để trình Tỉnh phê duyệt làm căn cứ cho các xã lập dự án phát triển hạ tầng.

b) Xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư:

- Xây dựng dự án: Căn cứ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện được tỉnh phê duyệt, UBND huyện cần tổ chức xây dựng dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn theo hướng dẫn số 430/UBDTMN - BKT ngày 29/4/1999 của UB dân tộc và miền núi về việc quy hoạch xây dựng CSHT các xã ĐBKK thuộc chương trình 135.

- Dự án thành phần:

+ Mỗi xã đặc biệt khó khăn xây dựng một dự án thành phần (quy trình xây dựng thực hiện công khai dân chủ theo văn bản số 429/UBDTMN - BKT ngày 29/4/1999 của UB Dân tộc và miền núi).

- Dự án cấp huyện:

+ Huyện tổng hợp từ các dự án thành phần của xã. Nội dung chủ yếu của dự án là xác định các công trình hạ tầng cần xây dựng trên địa bàn theo quy định của Quyết định 135 gồm: Giao thông, thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt, cấp điện (kể cả xây dựng thuỷ lợi nhỏ)...

+ Nội dung đầu tư chủ yếu của dự án phải thể thiện, quy mô, kết câu d, khái toán vốn đầu tư, khả năng đáp ứng (các loại nguồn vốn, vật liệu và lao động), thời gian thực hiện.

- Thẩm định và phê duyệt dự án:

Thực hiện phân cấp quản lý theo Quyết định số 1217/QĐ-UB ngày 10 tháng 8 năm 1998 của UBND tỉnh Nghệ An:

+ Các công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp có mức vốn từ 500 triệu đồng trở lên thực hiện theo quy định của điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành.

+ Các công trình có quy mô vừa và nhỏ, kỹ thuật đơn giản, có mức vốn đầu tư dưới 500 triệu đồng thì Chủ tịch UBND huyện tổ chức thẩm định và ra quyết định phê duyệt.

c) Chuẩn bị xây dựng:

- Lập thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật tổng dự toán: Những công trình có mức vốn đầu tư dưới 500 triệu, UBND tỉnh uỷ quyền cho UBND huyên tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán trong đó xác định rõ cơ cấu vốn và nguồn vốn đầu tư cho công trình (những công trình có kết cấu phức tạp phải có ý kiến của Sở quản lý xây dựng chuyên ngành). Đối với những công trình hạ tầng xã hội: Y tế, giáo dục... thực hiện thiết kế định hình theo quyết định đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt.

- Phương thức tổ chức thực hiện đầu tư:

+ Những công trình có mức vốn dưới 500 triệu đồng, UBND tỉnh uỷ quyền cho UBND huyện nghiên cứu lựa chọn lực lượng thi công đủ tin cậy, lập hồ sơ báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo, văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Thường trực Ban chỉ đạo sẽ có văn bản phúc đáp trong thời gian 20 ngày. Nếu sau thời gian trên Ban chỉ đạo không có văn bản phúc đáp thì UBND huyện được quyền tổ chức thực hiện theo phương án huyện đã báo cáo.

+ Những công trình có mức vốn dưới 200 triệu đồng có kết cấu đơn giản, xã có thể làm được thì UBND huyện quyết định giao cho xã tổ chức thi công.

+ Các chương trình, dự án lồng ghép vào chương trình 135 giao cho ngành đơn vị quản lý chương trình đó, chủ dự án đó trực tiếp tổ chức quản lý và chỉ đạo thực hiện sau khi có quyết định giao kế hoạch chi tiết hàng năm của Chủ tịch UBND tỉnh trong chương trình 135. Nhưng vẫn chịu sự giám sát chỉ đạo chung của Ban chỉ đạo tỉnh, Ban quản lý huyện và Ban giám sát của xã sở tại.

2.2. chủ đầu tư và Ban quản lý dự án:

a) Chủ đầu tư dự án: Mỗi huyện lập một dự án đầu tư (gồm các dự án thành phần của các xã đặc biệt khó khăn), chủ đầu tư dự án là UBND huyện.

b) Ban quản lý dự án: Các huyện được sử dụng Ban quản lý dự án đã thành lập theo Quyết định số 1267/QĐ-UB ngày 17/5/1996 của UBND tỉnh ban hành quy định quản lý dự án đầu tư xây dựng và đề xuất ý kiến bằng văn bản để UBND tỉnh quyết định bổ sung nhiệm vụ và thành viên cho Ban quản lý dự án theo Quyết định 1267/QĐ-UB đối với các huyện có chương trình 135. Mỗi xã đặc biệt khó khăn cử một đồng chí lãnh đạo xã tham gia BQL dự án của huyện để trực tiếp theo dõi quản lý chỉ đạo dự án thành phần của xã.

c) Thành lập Ban giám sát: Mỗi xã đặc biệt khó khăn thành lập một Ban giám sát gồm đại diện Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội cự chiến binh. Đoàn Thanh niên, Hội phụ nức... để huy động lực lượng lao động tại chỗ tham gia xây dựng công trình của xã, giám sát trong quá trình thực hiện dự án (về việc huy động các nguồn lực của địa phương) và tham gia nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng. Trưởng ban giám sát do tập thể HĐND và UBND xã cửa.

2.3. Bố trí vốn đầu tư cho công trình:

a) Xác định nguồn vốn đầu tư:

Công trình được sử dụng nhiều nguồn vốn, bao gồm:

- Nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ hàng năm theo chương trình 135.

- Nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm cho chương trình 135.

- Nguồn lực huy động tại chỗ của nhân dân (chủ yếu là vật tư và lao động) các tổ chức trong và ngoài nưóc, trong tỉnh và trên địa ban dự án.

- Thực hiện lồng ghép các chương trình dự án và các nguồn lực trên địa bàn huyện, xã để thực hiện dự án.

b) Nguyên tắc phân bố vốn đầu tư và lồng ghép chương trình.

- Tất cả các xã thuộc chương trình 135 đều được đầu tư, mỗi xã chi ghi từ 1 - 2 công trình trong năm kế hoạch với thứ tự như sau:

+ Công trình bố trí vốn đầu tư phải là đối tượng được đầu tư theo QĐ 135.

+ Công trình khởi công mới nhưng phải thực hiện xong trong năm.

+ Hạn chế mở công trình mới đầu tư kéo dài tới 2 năm kế hoạch.

- Phải tổ chức lồng ghép các chương trình dự án khi bố trí vốn đầu tư.

+ UBND tỉnh cân đối lồng ghép các nguồn vốn do tỉnh giao cho Chủ tịch UBND huyện.

+ Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm tổng hợp lồng ghép các chương trình dự án và nguồn lực tại chỗ trên địa bàn để bố trí cụ thể, chi tiết cho các công trình do huyện quản lý.

2.4. Xây dựng, tổng hợp, giao và báo cáo kế hoạch hàng năm.

- Quy trình tiến độ xây dựng, tổng hợp và giao kế hoạch chương trình 135 được tiến hành đồng thời với quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nhưng phải báo cáo và giao thành một mục riêng trong kế hoạch hàng năm (quá trình xây dựng kế hoạch, chọn công trình phải lấy ý kiến của nhân dân trong xã làm rõ khả năng huy động các nguồn lực tại chỗ).

- Giao kế hoạch: Chính phủ giao kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn cho tỉnh (giao chung trong quyết định giao kế hoạch cho tỉnh); Chủ tịch UBND tỉnh cân đối các nguồn vốn và lồng ghép các chương trình dự án để giao cho huyện. Chủ tịch UBND huyện huy động thêm các nguồn lực trên địa bàn và bố trí chi tiết cho từng công trình (riêng nguồn Trung ương hỗ trợ phải theo mức phân bố của Chủ tịch UBND tỉnh).

- Chủ đầu tư chỉ đạo Ban quản lý dự án thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm) cho Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh (Ban dân tộc và miền núi) và Sở kế hoạch và DDầu tư để báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương. Nội dung báo cáo cần làm rõ kết quả thực hiện khối lượng, chất lượng công trình, tiến độ và kết quả huy động các nguồn lực để xây dựng công trình.

Triển khai kế hoạch năm 1999

Năm 1999 các văn bản hướng dẫn thực hiện của Trung ương, của tỉnh triển khai chậm; Những nội dung công việc phải khẩn trương triển khai gồm:

1) Công tác chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị xây dựng:

+ Chọn công trình xây dựng: Các xã có chương trình 135 tổ chức quán triệt chủ trương và lấy ý kiến của nhân dân để chọn công trình kể cả công trình xây dựng dở dang năm 1998 chuyển qua thấy cần làm tiếp và có hiệu quả thực sự, báo cáo UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo chương trình 135 để Ban chỉ đạo trình UBND tỉnh quyết định danh mục công trình mới được phép triển khai các bước tiếp theo.

+ Tổ chức lập thiết kế, tổng dự toán: Chủ tịch UBND huyện tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, tổng dự toán các công trình theo điểm c, mục 2 - 1 thuộc điều 2 của quyết định này.

+ Quá trình thiết kế kỹ thuật cần làm rõ các chi phí nào trong khâu thiết kế phí, KTCB khác có thể tiết kiệm chi được để đầu tư trở lại hoặc làm tăng hiệu quả công trình.

+ UBND huyện lập phương án tự thực hiện chỉ định định thầu hoặc báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo chỉ định thầu như đã nêu tại điều 2 mục c và tự tổ chức để làm trên cơ sở phối hợp với UBND xã tổ chức lực lượng lao động của xã và trên địa bàn nhưng phải đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng và hiệu quả công trình để trình UBND tỉnh phê chuẩn. (nếu công trình dưới 500 triệu đồng).

2. Bố trí vốn đầu tư:

- Tất cả các xã đặc biệt khó khăn đều được bố trí vốn đầu tư; (trừ 2 xã Châu Thôn và Yên Hoà đã có kinh phí nguồn trung tâm cụm xã).

- Tuỳ quy mô, tính chất và nhu cầu cụ thể của các công trình trong từng xã; không nhất thiết tất cả các xã đều phải được bố trí mức vốn như nhau nhưng mức thấp nhất không dưới 200 triệu đồng/xã và có những công trình bức xúc xét thấy cần phải xong trong năm 1999 để phát huy hiệu quả thì có thể bố trí trên mức bình quân nhưng không được gấp đôi mức bình quân chung.

- một số loại công trình cần lưu ý lồng ghép khi bố trí vốn đầu tư:

+ Không xây dựng trạm y tế xã từ nguồn vốn này vì đã có nguồn của chương trình Quốc gia và chương trình khác bố trí đủ trong năm 1999.

+ Vốn nâng cấp thiết bị y tế đã bố trí trong Quyết định 935/QĐ/CT ngày 26/3/1999 của Chủ tịch UBND tỉnh.

+ Vốn chương trình phủ sóng phát thanh và truyền hình Đài truyền hình tỉnh sẽ cấp máy về cho từng xã.

+ Chương trình nước sạch vùng cao: đã có chỉ tiêu hiện vật (tương đương 507 triệu đồng), cân đối vốn đối ứng từ chương trình 135 để bố trí cho các công trình trong kế hoạch được duyệt.

3. Chủ đầu tư dự án:

- Chủ tịch UBND tỉnh sẽ ra quyết định bổ nhiệm chủ đầu tư dự án cho 3 huyện và giao nhiệm vụ cho các ngành liên quan phối hợp tổ chức thực hiện.

- Chủ đầu tư tiến hành xây dựng dự án của huyện. Kinh phí xây dựng dự án các xã đặc biệt khó khăn (bình quân 5 triệu đồng/xã) được trích từ nguồn kinh phí của tỉnh sẽ bố trí cho chương trình 135 trong kế hoạch năm 1999.

4. Tiến độ triển khai kế hoạch 1999.

- Tất cả các nội dung: chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị xây dựng, bố trí và thông báo vốn đầu tư cho các công trình trong kế hoạch năm 1999 phải xong trước ngày 15 tháng 6 năm 1999 để triển khai thực hiện.

- Lập, tổ chức thẩm định và ra quyết định phê duyệt dự án cho các huyện (theo quy định chung của Ban chỉ đạo Trung ương) phải xong trong năm 1999.

Điều 3: Cơ chế cấp phát và thanh quyết toán vốn đầu tư:

3.1: Cơ chế cấp phát và thanh quyết toán vốn đầu tư theo chương trình 135 phải thực hiện theo Thông tư liên tịch số 416/TTL/BKH UBDTMN - TC-XD ngày 29/4/1999 của Liên bộ Kế hoạch và Đầu tư. UB Dân tộc và miền núi, Bộ tài chính và Bộ xây dựng; Thông tư số47/1999/TT-BTC ngày 05 tháng 5 năm 1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý cấp phát vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở các xã ĐBKK miền núi và vùng sâu vùng xa (theo Quyết định 135/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ)

3.2: Cấp phát vốn đầu tư cho dự án: theo quy mô, tính chất của công trình và phương thức tổ chức thực hiện đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt; Nếu công trình thực hiện phương thức xã tự làm thì chủ đầu tư dự án được tạm ứng trước 50% chỉ tiêu kế hoạch năm của công trình; Nếu thực hiện đấu thầu (hoạc chỉ định thầu) cho các doanh nghiệp, các tổ chức khác thì phải thực hiện quản lý cấp phát vốn theo quy định hiện hành của nhà nước.

3.3. Chi phí quản lý dự án:

Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo chương trình 135 của Tỉnh và Ban quản lý dự án chi theo dự toán được Chủ tịch UBND tỉnh duyệt và bố trí trong kế hoạch hàng năm. Mức được chi tối đa 6% trên tổng mức vốn đầu tư của ngân sách Trung ương hỗ trợ cho tỉnh; Cơ cấu phân bổ như sau:

- Các ngành cấp tỉnh 1,5 % để quản lý chỉ đạo.

- Chủ đầu tư (huyện, xã); 4,5% để chi cho công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị xây dựng hoạt động của Ban quản lý dự án và phụ cấp cho cán bộ được tăng cường đi chỉ đạo tại các xã đặc biệt khó khăn.

Điều 4: Tổ chức thực hiện.

4.1. chủ đầu tư (UBND huyện) phải quán triệt tư tưởng chỉ đạo của chương trình 135, tổ chức thực hiện đúng quy trình và quy định về cơ chế quản lý chương trình. Chủ tịch UBND xã phải khẩn trương tổ chức phổ biến nội dung chương trình, cơ chế chính sách và cách làm cho dân biết để dân tham gia.

4.2. Ban Dân tộc và Miền núi, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá, Kho bạc Nhà nước tỉnh có trách nhiệm trực tiếp kiểm tra đôn đốc tình hình thực hiện dự án, chế độ qủan lý tài chính hiện hành của Nhà nước và chủ trì tổng hợp đề xuất cơ chế chính sách quản lý chương trình để phát huy hiệu quả, các Sở, Ban, Ngành liên quan tăng cường phối hợp trong quá trình chỉ đạo thực hiện theo quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo tỉnh (được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định)

4.3. Các ông: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong; Chủ tịch 49 xã có chương trình 135, Chủ đầu tư và Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc, báo cáo về Thường trực Ban chỉ đạo chương trình 135 tỉnh xem xét trình UBND tỉnh bổ sung, điều chỉnh.

 

 

 

PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Tất Thắng