cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 16/CT-NH9 ngày 31/12/1996 Về công tác tổ chức cán bộ trong thời gian tới do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 16/CT-NH9
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Ngày ban hành: 31-12-1996
  • Ngày có hiệu lực: 31-12-1996
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 16-10-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 6863 ngày (18 năm 9 tháng 23 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 16-10-2015
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 16-10-2015, Chỉ thị số 16/CT-NH9 ngày 31/12/1996 Về công tác tổ chức cán bộ trong thời gian tới do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 2039/QĐ-NHNN ngày 16/10/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Về bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16/CT-NH9

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1996

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC TỔ CHỨC CÁN BỘ TRONG THỜI GIAN TỚI

Sau 6 năm đổi mới và triển khai thực hiện các Pháp lệnh về Ngân hàng, hoạt động Ngân hàng đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Trong đó, công tác tổ chức cán bộ và đào tạo đã có đóng góp quan trọng:

- Bộ máy tổ chức, cơ chế điều hành từng bước được hoàn chỉnh và hoạt động trong ngành đã dần dần đi vào nề nếp;

- Lao động trong ngành được sắp xếp bố trí lại phù hợp với mục tiêu hoạt động của hệ thống Ngân hàng 2 cấp, cơ cấu cán bộ được đổi mới căn bản;

- Công tác tuyển chọn, bồi dưỡng đào tạo cán bộ, nâng cao kiến thức kinh tế thị trường cho cán bộ có tiến bộ, trình độ quản lý kinh doanh được nâng lên, đội ngũ công chức viên chức Ngân hàng ngày càng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới;

- Đã theo sát định hướng của Đảng và Nhà nước trong công tác tổ chức cán bộ và đào tạo.

Tuy nhiên, trong sự trưởng thành nhanh chóng của một ngành kinh tế có vai trò đặc thù, với thời gian thử thách không dài, hoạt động Ngân hàng cũng bộc lộ những yếu kém nhất định, trong đó có nguyên nhân bắt nguồn từ những thiếu sót, hạn chế trong công tác tổ chức, cán bộ và đào tạo:

- Quy trình tuyển chọn, tiếp nhận, đào tạo, quản lý sử dụng, đề bạt, nâng lương đối với công chức, viên chức trong từng hệ thống Ngân hàng còn lỏng lẻo, chưa theo một quy định thống nhất, nguyên tắc tập trung dân chủ chưa được tôn trọng;

- Nội dung đào tạo chậm được đổi mới, còn chạy theo số lượng, chất lượng chưa cao; công tác đào tạo chưa gắn bó chặt chẽ với công tác quy hoạch và sử dụng công chức; viên chức;

- Công tác quản lý công chức, viên chức còn nhiều thiếu sót, có lúc có nơi bị buông lỏng, không gắn công tác quản lý với công tác giáo dục chính trị tư tưởng từ phía các tổ chức Đảng, Đoàn thể; việc xử lý công chức, viên chức có vi phạm quy định của Nhà nước và của ngành làm chưa kịp thời, chưa nghiêm túc;

- Số lượng công chức, viên chức tăng nhanh nhưng chất lượng tăng chưa tương ứng, có một số mặt còn bất cập.

Để khắc phục các tồn tại trên đây và tiếp tục triển khai có kết quả bước tiếp theo của tiến trình đổi mới các mặt hoạt động Ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có Chỉ thị Thủ trưởng các Vụ, Cục, Ban đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng quốc doanh, Tổng công ty vàng bạc đá quý Việt Nam và Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố phải triển khai thực hiện ngay các nội dung sau đây:

1. Thực hiện nghiêm túc Quy chế tổ chức và hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, ban hành kèm theo Quyết định số 361/QĐ-NH9 ngày 31/12/1996; Quy chế uỷ quyền quản lý công chức, viên chức Ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 362/QĐ-NH9 ngày 31/12/1996 và Quy định công tác quản lý và đào tạo công chức, viên chức trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 363/QĐ-NH9 ngày 31/12/1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

2. Trên cơ sở Quy chế uỷ quyền quản lý công chức, viên chức Ngân hàng, các đơn vị rà soát, đánh giá lại đội ngũ công chức, viên chức các cấp. Cuối mỗi năm, bắt đầu từ cuối năm 1996, phải tổ chức phân loại đánh giá đội ngũ công chức, viên chức do mình quản lý để làm cơ sở xem xét, bố trí sắp xếp và xử lý cán bộ. Xử lý nghiêm túc những công chức, viên chức có sai lầm khuyết điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Những công chức, viên chức có liên quan tới các vụ việc làm thất thoát tài sản, tiền bạc của đơn vị, của Nhà nước do nguyên nhân chủ quan gây nên đều phải nghiêm túc kiểm điểm tại đơn vị. Những công chức, viên chức trực tiếp gây thất thoát tài sản hoặc nợ khó đòi, phải cho ngừng thực hiện chức vụ và nhiệm vụ đang đảm nhiệm để đi thu nợ, thu hồi tài sản, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì phải chủ động đề xuất, và chuyển hồ sơ sang các cơ quan pháp luật để xử lý. Thay ngay những cán bộ thiếu năng lực, kém phẩm chất và thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ.

3. Đến hết quý I/1997, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc các Ngân hàng quốc doanh, Tổng công ty vàng bạc đá quý Việt Nam phải nghiên cứu xây dựng xong các quy chế, quy định về tuyển chọn, quản lý, sử dụng, quy hoạch, quy định đề bạt, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật đối với viên chức trong hệ thống của mình trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để làm cơ sở kiểm tra quá trình thực hiện. Điều chỉnh và sửa ngay những trường hợp đã làm không đúng chế độ, nguyên tắc quy định.

4. Trên cơ sở đánh giá, phân loại công chức, viên chức, Thủ trưởng các Vụ, Cục, Ban, đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương và Chi nhánh Ngân hành Nhà nước tỉnh, thành phố phải tiến hành sắp xếp, phân bổ lại đội ngũ công chức, viên chức hiện có của mình theo hướng phải đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ được giao với số lượng công chức, viên chức hiện có, chú ý cả năng lực và phẩm chất. Từ nay đến khi triển khai Luật Ngân hàng, Ngân hành Nhà nước Trung ương về cơ bản ngừng cấp bổ sung chỉ tiêu biên chế cho tất cả các đơn vị trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước.

5. Từng đơn vị trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng quốc doanh và Tổng công ty vàng bạc đá quý Việt Nam phải xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai làm tốt kế hoạch đào tạo, quy hoạch cán bộ để có thể đáp ứng nhu cầu hoạt động cho những năm tới.

6. Giám đốc Trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học Ngân hàng phải có kế hoạch củng cố trường lớp, bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên, xây dựng cơ chế để khai thác tốt đội ngũ cán bộ tham gia giảng dạy trong và ngoài ngành để thực hiện được chiến lược đào tạo và đào tạo lại cán bộ cho toàn ngành.

7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước và công tác kiểm soát nội bộ của các Ngân hàng quốc doanh, Tổng công ty vàng bạc đá quý Việt Nam trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước, của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, và của các Ngân hàng thương mại quốc doanh, Tổng công ty vàng bạc đá quý Việt Nam đối với công chức, viên chức trong từng hệ thống, từng đơn vị. Công chức viên chức ở bất kỳ cương vị công tác nào nếu có sai phạm đều phải được xử lý nghiêm túc theo Quy chế. Việc xử lý cán bộ có sai phạm Quy chế, cơ chế, từ nay về sau phải trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cấp lãnh đạo theo Quy chế uỷ quyền quản lý công chức, viên chức Ngân hàng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

8. Phải kết hợp chặt chẽ với tổ chức Đảng, Đoàn thể trong từng đơn vị, trong từng hệ thống để làm tốt công tác đào tạo, quy hoạch, quản lý, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật, công chức, viên chức trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng quốc doanh, Tổng công ty vàng bạc đá quý Việt Nam.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức, cán bộ và đào tạo chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và hàng quý báo cáo Thống đốc tình hình thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Cao Sĩ Kiêm

(Đã ký)