cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 1981/1998/QĐ-UB ngày 29/05/1998 Ban hành bản quy định tạm thời chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công chức thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Đoàn thể của tỉnh được cử đi học do Tỉnh Kiên Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 1981/1998/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Kiên Giang
  • Ngày ban hành: 29-05-1998
  • Ngày có hiệu lực: 01-06-1998
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 23-01-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5715 ngày (15 năm 8 tháng )
  • Ngày hết hiệu lực: 23-01-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 23-01-2014, Quyết định số 1981/1998/QĐ-UB ngày 29/05/1998 Ban hành bản quy định tạm thời chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công chức thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Đoàn thể của tỉnh được cử đi học do Tỉnh Kiên Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 198/QĐ-UBND ngày 23/01/2014 Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh Kiên Giang hết hiệu lực toàn bộ và một phần”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1981/1998/QĐ-UB

Rạch Giá, ngày 29 tháng 5 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH TẠM THỜI CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC THUỘC CÁC CƠ QUAN ĐẢNG, NHÀ NƯỚC, ĐOÀN THỂ CỦA TỈNH ĐƯỢC CỬ ĐI HỌC.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) được ban hành ngày         05/7/1994;

- Căn cứ Quyết định 874/TTg ngày 29/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước;

- Căn cứ Thông tư số 70/1998/TT-BTC ngày 21/5/1998 hướng dẫn sửa đổi một số điểm quy định tại Thông tư số 56/TC-NSNN ngày 21/8/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TW ngày 03/6/1995 của ban Bí thư Trung ương về kinh phí hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

- Căn cứ kết luận của Thường trực Tỉnh ủy và tập thể Thường trựcUBND tỉnh tại cuộc họp ngày 18/3/1998;

- Xét yêu cầu thực tế của địa phương và đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính - vật giá và Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh tại tờ trình số 31/TT-TCCQ ngày 28 tháng 3 năm 1998.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định tạm thời chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công chức thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Đoàn thể của tỉnh được cử đi học các lớp tập trung, tại chức dài hạn, ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng... trong và ngoài tỉnh.

Điều 2. Các ông Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức chính quyền tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính - vật giá, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan cấp tỉnh (Đảng, Chính quyền, Đoàn thể), Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, và cán bộ, công chức được cử đi học chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/6/1998. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ./.

 

 

Nơi nhận:
- Đ/c BT.TU (báo cáo),
- TT. TU (báo cáo),
- TT. HĐND & TT. UBND tỉnh,
- GĐ các Sở, Thủ trưởng CCQ
 cấp tỉnh (Đảng, CQ, ĐT), Đã ký
- Tòa án ND tỉnh + Viện KSND tỉnh,
- Chủ tịch UBND các huyện, thị xã
- Chánh phó VP + CVNC,
- Lưu VP.
 x(c:qddihoc)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Long

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC THUỘC CÁC CƠ QUAN ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ ĐOÀN THỂ CỦA TỈNH ĐƯỢC CỬ ĐI HỌC
(Ban hành kèm theo quyết định số 1981 /1998/QĐ-UB ngày 29 tháng 5 năm 1998 của UBND tỉnh Kiên Giang)

Để quản lý và sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích kinh phí đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ Đảng, công chức Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội và đoàn thể (sau đây được gọi chung là cán bộ, công chức) nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ công chức trong tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh quy định tạm thời như sau:

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

1- Cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan Đảng, Chính quyền, Đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trong tỉnh, được hưởng lương, hưởng phụ cấp do ngân sách Nhà nước cấp, được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi học các lớp dài hạn, ngắn hạn, bồi dưỡng, tập huấn tập trung hoặc tại chức trong và ngoài tỉnh được thực hiện chế độ phụ cấp đào tạo theo quy định này.

2- Việc cử cán bộ, công chức của các cơ quan Đảng, Chính quyền, Đoàn thể cấp tỉnh, huyện, thị, xã, phường, thị trấn đi học phải theo quy hoạch cán bộ và thực hiện đào tạo theo kế hoạch hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với từng sở, ngành, từng địa phương. Cán bộ được cử đi học phải có quyết định của cấp có thẩm quyền (theo phân cấp quản lý cán bộ hiện hành).

Điều 2. Về chế độ phụ cấp:

1/- Đối tượng đi học các lớp ngoài tỉnh:

a)- Đối với cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền cử đi học các lớp ngắn hạn, tập trung hoặc tại chức và đi luyện thi (nếu có) mỗi khóa (lớp) học không quá 4 tháng/năm được hưởng các chế độ phụ cấp như sau:

- Học phí theo thông báo của trường (nếu có).

- Tiền ăn: phụ cấp 10.000đồng/người/ngày (không thanh toán công tác phí).

- Tiền trọ: theo giấy báo (phiếu thu) của trường (trường hợp nhà trường thiếu nơi nội trú có xác nhận của trường, được thanh toán tiền trọ theo hóa đơn hoặc chủ hộ cho thuê trọ xác nhận nhưng không quá 20.000đồng/người/ngày.

- Tiền tài liệu (tài liệu học chính khóa): được thanh toán theo giấy báo (phiếu thu) của trường, nhưng không quá 100.000đồng/người/đợt học. Tổng cộng không quá 400.000 đồng/người/khóa học/năm.

- Tiền tàu xe: Được thanh toán một lượt đi và một lượt về/người cho mỗi đợt học khi có đủ vé tàu, vé xe hợp lệ. Trường hợp không có vé tàu, vé xe hoặc tự túc phương tiện thì chỉ thanh toán theo giá cước Nhà nước quy định cho từng tuyến đường.

Nếu cơ quan có thẩm quyền triệu tập tổ chức đưa rước tập thể thì được thanh toán tiền nhiên liệu, lệ phí giao thông, qua cầu phà (không thanh toán vé tàu, xe cho từng người) và tiền ăn đi đường với mức : 20.000đồng/người/ngày (thanh toán cho cơ quan tổ chức đưa rước).

b)- Đối với cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền cử đi học các lớp dài hạn tập trung hoặc tại chức, thời gian mỗi khóa (lớp) học từ trên 4 tháng trở lên, chế độ phụ cấp như sau :

- Tiền tài liệu (tài liệu học chính khóa): được thanh toán theo giấy báo (phiếu thu) của trường, nhưng không quá 150.000đồng/người/đợt học. Tổng cộng không quá 500.000 đồng/người/năm học.

- Tiền ăn: phụ cấp 6.000đồng/người/ngày (không thanh toán công tác phí).

- Tiền học phí, tiền tàu xe, tiền trọ được hưởng chế độ như các lớp ngắn hạn quy định tại điểm a nêu trên.

c)- Đối với nghiên cứu sinh và cao học là cán bộ, công chức học tại Hà Nội và cán bộ, công chức học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Hà Nội) chế độ phụ cấp sau đây:

- Được thanh toán tiền vé máy bay khứ hồi TP.HCM-Hà Nội 1lần/người/đợt học, nhưng không quá 2 lần/người/năm.

Được thanh toán tiền đi tham quan thực tế (nếu có) theo thông báo của trường, nhưng mức tối đa không quá:

+ Học tại Hà Nội :1.000.000 đồng/người/năm.

+ Học tại TP.HCM: 500.000 đồng/người/năm.

- Tiền tài liệu (tài liệu học chính khóa) được thanh toán theo giấy báo (phiếu thu) của trường, nhưng không quá 600.000đ/người/năm đối với cao học, 800.000đ/người/năm đối với nghiên cứu sinh.

- Các khoản phụ cấp khác được hưởng chế độ như các lớp dài hạn quy định tại điểm b nêu trên.

2/- Đối tượng học các lớp trong tỉnh:

a)- Đối với lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn tập trung hoặc tại chức tại tỉnh, huyện, thị mỗi lớp (khóa học) không quá 4 tháng được phụ cấp như sau:

- Học phí, tiền lệ phí ôn luyện thi, tiền trọ, tiền tài liệu theo chương trình chính khóa do nhà trường hoặc cơ quan được phép mở lớp học chi và thanh toán với cơ quan tài chính, không thanh toán cho từng cá nhân.

- Tiền ăn:

+ Học các lớp mở tại tỉnh:

. Cán bộ, công chức có lương được phụ cấp : 5.000đ/người/ngày

.Cán bộ, công chức không có lương được hưởng phụ cấp : 10.000đ/người/ngày

 (không thanh toán công tác phí)

- Tiền tàu, xe: được thanh toán một lượt đi và một lượt về/người cho mỗi đợt học khi có đủ vé tàu, vé xe hợp lệ. Trường hợp không có vé tàu, vé xe hoặc tự túc phương tiện thì chỉ thanh toán theo giá cước Nhà nước quy định cho từng chuyến đường (cơ quan cử cán bộ, công chức đi học thanh toán).

b)- Đối với lớp đào tạo dài hạn tập trung hoặc tại chức, tại tỉnh, mỗi khóa học có thời gian trên 4 tháng trở lên, được phụ cấp:

- Tiền ăn:

. Cán bộ, công chức có lương được phụ cấp : 4.000đ/người/ngày

.Cán bộ, công chức không có lương được hưởng phụ cấp : 8.000đ/người/ngày

 (không thanh toán công tác phí)

- Các khoản chi phí khác phụ cấp như quy định tại điều 2, khoản 2, mục a đối vơí các lớp ngắn hạn trong tỉnh.

3/- Đối với các lớp của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, thị được hưởng chế độ phụ cấp như sau:

- Tiền chi trả thù lao cho giảng viên, báo cáo viên kiêm chức 50.000đ/buổi và 100.000đ/ngày/người.

- Tiền ăn và các chế độ phụ cấp khác, tùy theo thời gian mở lớp được phụ cấp như quy định ở Điều 2, khoản 2, mục a và b đối với các lớp đào tạo trong tỉnh ngắn hạn hoặc dài hạn.

4/- Đối với các lớp ngoại ngữ:

a)- Về tổ chức mở lớp sẽ do Ban tổ chức chính quyền tỉnh, Sở Giáo dục - đào tạo chịu trách nhiệm.

b)- Về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng các lớp ngoại ngữ được phụ cấp theo chế độ sau:

- Đối với các lớp đào tạo dài hạn tập trung hoặc tại chức và đào tạo theo yêu cầu quy hoạch (có quyết định cử đi học của cơ quan có thẩm quyền) được phụ cấp học phí, tiền ăn, lệ phí ôn luyện thi, tiền trọ, tiền tàu xe, tiền tài liệu học tập (theo chương trình chính khóa) được phụ cấp như quy định tại điều 2 khoản 2 mục b đối với các lớp dài hạn trong tỉnh.

- Đối với các lớp học tổ chức tại cơ quan, đơn vị địa phương hoặc cá nhân cán bộ, viên chức tự học để nâng cao trình độ ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn. (Học trong giờ hành chính, hoặc ngoài giờ) thì được xét hỗ trợ một phần học phí cho từng lớp và từng đối tượng cụ thể theo kế hoạch hàng năm. Các cơ quan, đơn vị, địa phương có nhu cầu đào tạo lập kế hoạch gửi Ban tổ chức chính quyền và sở Tài chính vào tháng 5 của năm trước để duyệt kế hoạch cho năm sau.  

c)- Tiền dạy của giáo viên ngoài số giờ nghĩa vụ bắt buộc quy định chính khóa, các giáo viên tham gia dạy thêm kể cả ban ngày lẫn ban đêm được tính theo các định mức:

+ Dạy lớp vỡ lòng và căn bản:     12.000đồng/tiết học

+ Dạy lớp luyện thi trình độ A:    16.000đồng/tiết học

+ Dạy lớp luyện thi trình độ B:    18.000đồng/tiết học

+ Dạy lớp luyện thi trình độ C:    20.000đồng/tiết học (trường hợp phải hợp đồng giáo viên ngoài tỉnh thì tiền dạy giờ trả theo hợp đồng, nhưng mức cao nhất không quá 30.000đồng/tiết học).

4/- Các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND (thời gian không quá 20 ngày):

- Tiền ăn:

+ Đại biểu xã lên huyện, đại biểu huyện lên tỉnh (kể cả nước uống): 13.000đồng/người/ngày.

+ Đại biểu thị xã, phường, thị trấn (là huyện lỵ) lên huyện, thị, đại biểu thị xã lên tỉnh (kể cả nước uống): 10.000đồng/người/ngày.

- Các khoản khác như : tiền tài liệu, tiền tàu xe, tiền trọ... (nếu có) được thực hiện như các đối tượng học ngắn hạn trong tỉnh (điều 2, khoản 2, mục a).

5/- Các lớp liên kết với các trường ngoài tỉnh mở tại tỉnh:

- Các trường, trung tâm, các sở ngành cấp tỉnh, huyện, thị xã có yêu cầu mở lớp đào tạo, bồi dưỡng phải lập kế hoạch ngay từ đầu năm trình cho Ban tổ chức chính quyền tỉnh và Ban tổ chức Tỉnh ủy. Khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép mới được mở lớp. Căn cứ các khoản chi phí phụ cấp theo qui định này để lập dự trù kinh phí đào tạo. Riêng hợp đồng thầy cô giảng dạy với các trường phải trao đổi thống nhất với Ban tổ chức chính quyền, Sở Tài chính trước khi thực hiện.

6/- Đối với đào tạo sau đại học:

- Khi có quyết định trúng tuyển nghiên cứu sinh, cao học... của Bộ Giáo dục - đào tạo, được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi học, ngoài các khoản chi phí được thanh toán như các đối tượng học dài hạn ngoài tỉnh như quy định tại điều 2 khoản 1 mục b và c nêu trên, còn được phụ cấp kinh phí khi bảo vệ luận án tốt nghiệp theo các mức sau:

+ Bảo vệ luận án thạc sĩ : 20.000.000đồng/người

+ Bảo vệ luận án tiến sĩ : 30.000.000đồng/người

* Chứng từ để quyết toán khoản kinh phí hỗ trợ luận án tốt nghiệp gồm:

- Đơn xin hỗ trợ kinh phí bảo vệ luận án tốt nghiệp (có xác nhận của thủ trưởng đơn vị) được ứng trước kinh phí bảo vệ luận án. Khi quyết toán phải có bằng tốt nghiệp (bản sao có công chứng).

- Đối với nghiên cứu sinh đã có đăng ký đề tài luận án tốt nghiệp trong kế hoạch đề tài nghiên cứu khoa học của tỉnh thì không được hưởng chế độ phụ cấp bảo vệ luận án tốt nghiệp theo quy định này.

7/- Các chế độ khác:

- Các trường, các trung tâm đào tạo của tỉnh, huyện, thị khi được cấp có thẩm quyền duyệt cho phép mở lớp, được chi các khoản phục vụ cho lớp học như sau:

+ Tiền khai giảng + bế giảng (cả trang trí và trà nước) : 200.000đ/lớp

+ Tiền nước uống cho giáo viên giảng bài :                      10.000đ/ngày/lớp

+ Tiền nước uống cho học viên tại hội trường:     10.000đ/ngày/lớp

+ Tiền thuê cấp dưỡng(nếu không đủ cấp dưỡng):           15.000đ/ngày/25học viên/1 cấp dưỡng.

+ Thuê mướn hội trường, điện, âm ly (nếu có), nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan cho phép mở lớp.

- Cán bộ công chức tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn được cử đi học trong và ngoài tỉnh nêu tại điều 2 có thời gian học từ 30 ngày trở lên cho mỗi đợt học hoặc khóa học đối với cán bộ công chức nữ được phụ cấp thêm 50.000đ/người/tháng. Đối với cán bộ, công chức người dân tộc được phụ cấp thêm 20.000đồng/người/tháng.

- Cán bộ công chức thuộc khối doanh nghiệp nhà nước kinh phí đào tạo tự trang trải, dựa theo chế độ phụ cấp theo quy định này.

- Cán bộ công chức thuộc các ngành dọc Trung ương, lực lượng vũ trang... đào tạo theo hệ dọc, kinh phí hưởng từ nguồn Trung ương. Trường hợp tỉnh có quy hoạch và theo yêu cầu đào tạo của tỉnh, do Tỉnh ủy hoặc UBND tỉnh quyết định cử đi học thì được áp dụng chế độ phụ cấp theo quy định tại điều 2 của quy định này.

Điều 3. Việc lập kế hoạch đào tạo, mở lớp đào tạo và cử cán bộ công chức đi học và bồi dưỡng trong và ngoài tỉnh:

1- Về lập kế hoạch, vào tháng 5 hàng năm. Các sở ngành cấp tỉnh, (Đảng, chính quyền, đoàn thể), các trường, trung tâm, huyện, thị lập và gửi kế hoạch đào tạo, mở lớp và kế hoạch kinh phí đào tạo năm sau của ngành, đơn vị, địa phương mình gửi cho Ban tổ chức Tỉnh ủy (hệ Đảng, đoàn thể), Ban tổ chức chính quyền (hệ hành chính sự nghiệp). Hai ban tổ chức tổng hợp tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét quyết định kế hoạch đào tạo mở lớp và kế hoạch kinh phí đào tạo hàng năm của tỉnh.

2- Việc cử cán bộ đi học, bồi dưỡng các lớp trong tỉnh và ngoài tỉnh phải theo quy hoạch và kế hoạch đào tạo được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hàng năm. Cán bộ đi học phải có quyết định cử đi học của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ hiện hành.

3- Các trường hợp đi học không theo quy hoạch, kế hoạch, cán bộ công chức đi học không có quyết định cử đi học của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ hiện hành thì không được hưởng chế độ phụ cấp theo quy định này.

Điều 4. Về cấp phát và quyết toán:

- Căn cứ vào kế hoạch đào tạo và kinh phí đào tạo được duyệt hàng năm, Sở Tài chính phân bổ cấp phát và theo dõi quyết toán.

- Đối với các sở ngành cấp tỉnh (Đảng, chính quyền, đoàn thể) và huyện, thị có kế hoạch cử cán bộ đi học các lớp ngoài tỉnh được duyệt, kinh phí đào tạo được cấp thẳng cho sở ngành, địa phương đó. Sở ngành, địa phương đó trực tiếp cấp phát cho cán bộ, công chức thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương mình được cử đi học và quyết toán với cơ quan tài chính.

- Đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương có chức năng mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong tỉnh, huyện cho cán bộ tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn theo kế hoạch đã được duyệt, kinh phí đào tạo được cấp thẳng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương có chức năng mở lớp để chi cho học viên và quyết toán với cơ quan tài chính.

- Đối với các lớp do Ban tổ chức chính quyền tỉnh quản lý kinh phí cấp cho Ban tổ chức chính quyền tỉnh để cấp phát cho các lớp và quyết toán với cơ quan tài chính.

Điều 5. Giao cho Trưởng Ban tổ chức chính quyền tỉnh, Giám đốc Sở tài chính vật giá phối hợp với Ban tổ chức Tỉnh ủy hướng dẫn chi tiết thi hành quy định này./.