Chỉ thị số 08/CT-NH1 ngày 01/08/1996 Về một số biện pháp chấn chỉnh việc chấp hành quy định một khách hàng vay vốn nhiều tổ chức tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 08/CT-NH1
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Ngày ban hành: 01-08-1996
- Ngày có hiệu lực: 01-08-1996
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 16-10-2015
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 7015 ngày (19 năm 2 tháng 20 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 16-10-2015
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-NH1 | Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 1996 |
CHỈ THỊ
VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP CHẤN CHỈNH VIỆC CHẤP HÀNH QUY ĐỊNH MỘT KHÁCH HÀNG VAY VỐN NHIỀU TỔ CHỨC TÍN DỤNG
Thể lệ tín dụng ngắn hạn đối với các tổ chức kinh tế ban hành kèm theo Quyết định số 198/QĐ-NH1 ngày 16-9-1994 quy định cho phép một khách hàng được vay vốn tại nhiều tổ chức tín dụng và Thể lệ tín dụng trung, dài hạn đối với tổ chức kinh tế ban hành kèm theo Quyết định số 367/QĐ-NH1 ngày 21-12-1995 quy định nhiều tổ chức tín dụng được hợp vốn cho vay một dự án của khách hàng theo phương thức hợp đồng hợp tác kinh doanh với các điều kiện được quy định chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn vốn cho vay.
Quá trình thực hiện cơ chế trên đây của thể lệ tín dụng trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định; một mặt tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn được đầy đủ, đáp ứng yêu cầu vốn kịp thời cho sản xuất - kinh doanh, giảm bớt thủ tục và chi phí của người vay, mặt khác thúc đẩy mở rộng tín dụng, phân tán rủi ro giữa các tổ chức tín dụng và an toàn vốn. Nhiều tổ chức tín dụng đã chấp hành nghiêm túc các quy định, có văn bản hướng dẫn chi tiết về thể lệ tín dụng, nắm bắt thông tin nhiều chiều về khách hàng, đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trước, trong và sau khi cho vay; khi cho vay đã điều tra thống kê dư nợ của khách hàng để khống chế cho vay một khách hàng không vượt quá 10% vốn tự có và quỹ dự trữ của tổ chức tín dụng và khống chế mức dư nợ phù hợp với vốn tự có của khách hàng nên đã phát huy hiệu quả của vốn vay, hạn chế được rủi ro trong cho vay.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cơ chế một khách hàng vay nhiều Ngân hàng còn nổi lên một số tồn tại, dẫn đến gia tăng nợ quá hạn, khó đòi, cụ thể là:
1. Thể lệ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định có tính nguyên tắc chung, nhưng một số tổ chức tín dụng chưa hướng dẫn cụ thể các Thể lệ tín dụng chung của Ngân hàng Nhà nước để phù hợp với điều kiện cụ thể, chưa hướng dẫn quy trình của nghiệp vụ tín dụng. Một số tổ chức tín dụng đã có văn bản hướng dẫn nhưng chưa đầy đủ, chưa cụ thể hoá nên quá trình thực hiện gặp khó khăn.
2. Hiện tượng chấp hành thể lệ tín dụng chưa nghiêm túc còn tồn tại ở một số nơi, vi phạm quy trình cho vay, bỏ qua một số điều kiện cho vay, kiểm soát hồ sơ vay và điều tra khách hàng không đầy đủ, do còn có biểu hiện kinh doanh đơn thuần mà coi nhẹ an toàn vốn khi cho vay.
3. Một số kẻ xấu lợi dụng sơ hở xin cấp nhiều lần giấy tờ sở hữu tài sản, lập hồ sơ giả để vay vốn nhiều nơi, nhằm chụp giật lừa đảo các tổ chức tín dụng; đồng thời một số cán bộ ngân hàng thoái hoá, biến chất đã tiếp tay cho họ lợi dụng vay vốn không đúng chế độ quy định.
4. Sự phối hợp giữa các chi nhánh ngân hàng trong cùng hệ thống cũng như khác hệ thống, giữa các chi nhánh trên cùng một địa bàn, phối hợp giữa các tổ chức tín dụng với trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước còn yếu. Các tổ chức tín dụng cho vay không cung cấp cho nhau hoặc cung cấp thiếu chính xác các thông tin về khách hàng khác địa bàn; cung cấp thông tin cho trung tâm thông tin tín dụng chưa đầy đủ và chưa kịp thời, do đó đánh giá khách hàng không đầy đủ và dẫn đến quyết định cho vay thiếu chính xác.
5. Việc kiểm tra của các tổ chức tín dụng, thanh tra của Ngân hàng Nhà nước chưa thường xuyên và xử lý các trường hợp vi phạm thiếu nghiêm minh.
Những tồn tại trên đây, cũng chính là các nguyên nhân góp phần tăng thêm nợ quá hạn, nợ khó đòi dẫn đến rủi ro trong hoạt động tín dụng. Để khắc phục tình trạng tiêu cực trong thực hiện cơ chế một khách hàng vay vốn nhiều tổ chức tín dụng nói riêng và thể lệ tín dụng nói chung, từng bước nâng cao hiệu quả và an toàn vốn cho vay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ thị:
1. Tổng giám đốc (giám đốc) các tổ chức tín dụng khẩn trương có văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể các thể lệ tín dụng, quy định quy trình hoạt động tín dụng từ khâu thẩm định hồ sơ, xét cho vay, kiểm tra, kiểm soát, thu nợ và tính thu lãi, trách nhiệm của mỗi cấp cho vay đảm bảo yếu tố an toàn. Các tổ chức tín dụng nào đã hướng dẫn cần rà soát lại, nếu chưa đầy đủ và chi tiết thì cần hướng dẫn bổ sung. Phần hướng dẫn một khách hàng vay nhiều ngân hàng, hoặc nhiều ngân hàng cho vay một dự án phải đúng với quy định tại Điều 5 trong Thể lệ tín dụng ngắn hạn đối với các tổ chức kinh tế ban hành kèm theo Quyết định 198/QĐ-NH1 và Điều 21 của Thể lệ tín dụng trung, dài hạn đối với các tổ chức kinh tế ban hành kèm theo Quyết định 367/QĐ-NH1 các tổ chức tín dụng nào xét thấy chưa có đủ điều kiện và chưa có văn bản hướng dẫn, thì tạm thời chưa thực hiện cho vay và cho đến khi có văn bản hướng dẫn. Các văn bản hướng dẫn thực hiện các thể lệ tín dụng của các tổ chức tín dụng cần được gửi cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ nghiên cứu kinh tế, Thanh tra Ngân hàng) để theo dõi, kiểm tra.
2. Tổng giám đốc (giám đốc) các tổ chức tín dụng phải thực hiện nghiêm túc Thể lệ tín dụng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành và chịu trách nhiệm về quy trình do mình hướng dẫn, quy định và triển khai thực hiện trong hệ thống TCTD mình phụ trách.
Các tổ chức tín dụng phải tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát một cách thường xuyên việc chấp hành thể lệ tín dụng và quy trình cho vay, bao gồm việc kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay của cán bộ tín dụng, giám sát của kiểm soát viên tại tổ chức tín dụng.
3. Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp kiểm tra tại chỗ, thanh tra từ xa để phát hiện sai sót, uốn nắn kịp thời; trường hợp phát hiện có vi phạm nghiêm trọng phải xử lý nghiêm túc và quy trách nhiệm cụ thể, tránh tình trạng kiểm tra không sâu sát cụ thể, xử lý không hiệu quả, sự việc cứ tiếp diễn.
4. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động Ngân hàng để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ ban hành.
5. Các Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và Phát triển các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng liên doanh, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty tài chính, Hợp tác xã tín dụng, Quỹ tín dụng nhân dân có trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này. Thanh tra Ngân hàng và các đơn vị chức năng ở Ngân hàng trung ương, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố có trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình thi hành Chỉ thị.
| Lê Văn Châu (Đã ký)
|