cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 03-CT/NH6 ngày 28/02/1996 Về đảm bảo cơ cấu, tỷ lệ và làm sạch, đẹp tiền mặt trong lưu thông (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 03-CT/NH6
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Ngày ban hành: 28-02-1996
  • Ngày có hiệu lực: 28-02-1996
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 16-10-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 7170 ngày (19 năm 7 tháng 25 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 16-10-2015
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 16-10-2015, Chỉ thị số 03-CT/NH6 ngày 28/02/1996 Về đảm bảo cơ cấu, tỷ lệ và làm sạch, đẹp tiền mặt trong lưu thông (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 2039/QĐ-NHNN ngày 16/10/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Về bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03-CT/NH6

Hà Nội, ngày 28 tháng 2 năm 1996

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẢM BẢO CƠ CẤU, TỶ LỆ VÀ LÀM SẠCH, ĐẸP TIỀN MẶT TRONG LƯU THÔNG

Năm 1995, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ hợp lý hoá và ổn định cơ cấu các loại tiền trong lưu thông, làm sạch đẹp tiền mặt lưu thông. Đến này đã thu rút được một lượng đáng kể những loại tiền có mệnh giá thấp, cũ nát. Đồng thời đưa vào lưu thông những loại tiền có mệnh giá lớn hơn, phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế. Bộ mặt đồng tiền lưu thông đã được cải thiện đáng kể, góp phần giải toả bớt sức ép đối với hệ thống kho tiền trong toàn ngành Ngân hàng, tăng nhanh vòng quay, tiết giảm chi phí giao nhận, kiểm đếm tiền.

Tuy nhiên, vẫn còn một số lượng lớn tiền mặt có mệnh giá vừa và thấp được phát hành từ thời kỳ lạm phát cao cuối những năm 80. Đến nay, chúng đã trở nên quá cũ, nát làm cản trở lưu thông và gây tâm lý bất lợi. Trong khi đó hệ thống Ngân hàng, kho bạc Nhà nước chưa triển khai mạnh mẽ việc tiếp nhận, thu đổi và rút khỏi lưu thông các loại tiền rách đi đôi với việc đưa vào lưu thông các loại tiền mới.

Phấn đấu để đến khoảng giữa năm 1996 đạt được mục đích ổn định về cơ cấu các loại tiền và nâng cao chất lượng tiền mặt lưu thông, tạo tiền đề cho việc cơ giới hoá, tự động hoá thu chi tiền mặt, phù hợp với tiến trình đổi mới hệ thống Ngân hàng, Thống đốc NHNN chỉ thị các cấp Ngân hàng và Kho bạc Nhà nước (dưới đây gọi chung là các Ngân hàng) thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Cũng với việc đưa vào lưu thông các loại tiền có mệnh giá lớn, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, cần chú trọng việc đưa thêm các loại tiền có mệnh giá nhỏ, đáp ứng nhu cầu chi trả đa dạng của các tầng lớp dân cư. Giám đốc Chi nhánh, Sở Giao dịch NHNN tính toán nhu cầu trên địa bàn để điều hành việc phát đủ tiền nhỏ, tiền lẻ đến tay dân cư, tránh tình trạng các Ngân hàng nhận tiền nhỏ từ Ngân hàng Nhà nước sau đó không chi trả mà tìm cách nộp trở lại. Tại các trọng điểm dân cư, bến tàu, bến xe ... nếu nhân dân có nhu cầu về các loại tiền nhỏ, thì Giám đốc Chi nhánh NHNN trên địa bàn cần tổ chức bàn đổi tiền di động, phục vụ tại chỗ, tránh để nhân dân phải đi lại phiền hà.

2. Tiếp tục đẩy mạnh việc tuyển chọn, phân loại tiền đã qua lưu thông tại các Ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng theo tiêu chuẩn Ngân hàng TW đã hướng dẫn. Đảm bảo 100% các loại tiền đã qua lưu thông, trước khi phát trở lại lưu thông phải được tuyển chọn, đủ tiêu chuẩn lưu thông (TCLT), theo quy định tại Quyết định số 69-QĐ/NH6 ngày 16-3-1995 của Thống đốc NHNN. Kiên quyết thu rút bớt 2 loại tiền 1.000đ và 2.000đ (mẫu cũ sản xuất năm 1987), không phải trở lại lưu thông. Đối với số tiền giao nộp trở lại Ngân hàng Nhà nước, phải được phân loại tiền đủ TCLT và tiền rách nát. Các Ngân hàng thương mại, KBNN có thể áp dụng một số biện pháp động viên, khuyến khích khách hàng tự phân loại tiền trước khi nộp về đơn vị mình. Sở Giao dịch, Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố phải tổ chức tiếp nhận dễ dàng, thuận tiện các loại tiền rách nát do các Ngân hàng TMQD và KBNN nộp về, không cần đợi số tiền chẩn đoán; đồng thời thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện đối với các Ngân hàng trên địa bán, được quyền từ chối không nhận những món tiền chưa qua tuyển chọn.

3. Tại các Chi nhánh, Sở giao dịch NHNN và các kho tiền TW phải tổ chức một bộ phận chuyên trách việc tuyển chọn các loại tiền đã qua lưu thông, thu hồi về kho quỹ đơn vị mình. Tuỳ theo khối lượng cụ thể để điều động nhân lực (kiểm ngân) nội bộ hoặc trưng dụng từ các NHTMQD, KBNN. Về mức bồi dưỡng cho những người tham gia tuyển chọn tiền, trong khi chờ cơ chế mới, các đơn vị NHNN được áp dụng mức 10.000đ/1 người/1ngày - ghi vào chi phí nghiệp vụ.

Các Chi nhánh NHNN có điều kiện về kho tàng, mặt bằng, nhân lực, sẽ nhận thêm tiền cũ từ các kho tiền TW để tuyển chọn tại đơn vị mình.

4. Tại NHTW cần gấp rút đẩy nhanh tiến độ tiêu huỷ các loại tiền rách nát đã qua tuyển chọn. Các kho tiền TW đảm bảo điều chuyển kịp thời tiền rách nát, không để ùn tắc các kho tiền địa phương, ảnh hưởng đến sức chứa của kho tiền và tiến độ tuyển chọn tiền.

5. Vụ PHKQ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để nhập và cấp ngay cho các Chi nhánh. Sở Giao dịch NHNN và nhượng lại cho các tổ chức tín dụng (nếu có nhu cầu) các phương tiện kỹ thuật như máy đếm tiền, đèn cực tím để kiểm tra tiền và ngoại tệ được phép thu nhận, nhằm nâng cao năng suất tuyển chọn tiền và chống thất thoát tài sản trong phạm vi toàn ngành trong quá trình giao nhận tiền.

Nhận được chỉ thị này, yêu cầu các Tổng giám đốc NHTMQD, Tổng Công ty vàng bạc đá quý, Kho bạc Nhà nước, các Ngân hàng ngoài quốc doanh, Thủ trưởng các Vụ, Cục thuộc NHTW, Giám đốc Sở Giao dịch, Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện.

Chánh thanh tra, Tổng kiểm soát, Vụ trưởng Vụ Phát hành - Kho quỹ NHNN chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành chỉ thị này.

 

 

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC




Cao Sỹ Kiêm