cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 1647/QĐ-UB ngày 16/12/1996 Ban hành bản phân công trách nhiệm quản lý chất lượng hàng hóa tại tỉnh Lâm đồng (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 1647/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Ngày ban hành: 16-12-1996
  • Ngày có hiệu lực: 16-12-1996
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 19-02-2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4448 ngày (12 năm 2 tháng 8 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 19-02-2009
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 19-02-2009, Quyết định số 1647/QĐ-UB ngày 16/12/1996 Ban hành bản phân công trách nhiệm quản lý chất lượng hàng hóa tại tỉnh Lâm đồng (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 360/QĐ-UBND ngày 19/02/2009 Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành hết hiệu lực thi hành”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1647/QĐ-UB

Đàlạt, ngày 16 tháng 12 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH BẢN PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA TẠI TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Nghị định 86/CP, ngày 08/12/1996 của Chính phủ “Quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa”;

- Căn cứ Thông tư 560/TT-KCM ngày 21/03/1996 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và các Thông tư Liên bộ hướng dẫn thi hành Nghị định 86/CP;

- Xét tờ trình số 326/TT-KHCNMT ngày 28/10/1996 của Sở Khoa học Công nghệ-Môi trường;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bản: “Phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa tại tỉnh Lâm Đồng”.

Điều 2: Các sở, ngành được phân công có kế hoạch kiện toàn các bộ phận quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hóa chuyên ngành để triển khai hoạt động quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa đúng theo nội dung tinh thần Nghị định 86/CP.

Điều 3: Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ-Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở y tế, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa Thông tin-Thể thao, Sở Thương mại, thủ trưởng các ngành chức năng có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký ban hành./-

 

 

TM. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Đức Lợi

 

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA

(Ban hành kèm theo quyết định số 1647/QĐ-UB ngày 16/12/1996 của UBND tỉnh Lâm Đồng).

- Căn cứ Nghị định 86/CP ngày 8/12/1995 của Chính phủ về việc Quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa, Thông tư 560/TT-KCM ngày 21/3/1996 của Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường và các Thông tư liên bộ hướng dẫn thực hiện Nghị định 86/CP.

- Để nâng cao vai trò trách nhiệm của sở, ngành và tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa ở địa phương trong các hoạt động sản xuất, lưu thông, xuất nhập khẩu, nhằm kịp thời bổ sung, uốn nắn các sai sót, ngăn chặn những thiệt hại tài sản Nhà nước, quyền lợi và uy tín quốc gia, quyền lợi và sức khỏe nhân dân, đồng thời thúc đẩy việc đảm bảo, nâng cao chất lượng hàng hóa tạo điều kiện cho việc phát triển nền kinh tế;

UBND tỉnh Lâm Đồng phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa cho các Sở, ngành trong tỉnh như sau:

I. TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA

Việc phân công quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa thực hiện như điều 4 Nghị định 86/CP.

1. sở y tế:

Quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa: dược phẩm, dược liệu, trang thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm liên quan đến vệ sinh an toàn theo quy định của Bộ y tế, cụ thể là:

1. Quản lý chất lượng hàng hóa là dược phẩm dược liệu dùng để chữa bệnh cho người được sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông trên thị trường.

2. Quản lý chất lượng hàng hóa là mỹ phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người được sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông trên thị trường.

3. Quản lý chất lượng hàng hóa là trang thiết bị, dụng cụ y tế được sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông trên thị trường.

4. Quản lý vệ sinh an toàn các loại hàng hóa là thực phẩm (tươi sống, đã qua chế biến), các loại nước uống, rượu, thuốc lá được sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông trên thị trường.

2. sở nông nghiệp và phát triển nông thôn:

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được phân công quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa như sau:

1. Quản lý chất lượng hàng hóa là giống cây trồng, giống vật nuôi, kể cả giống thủy sản được sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông trên thị trường theo Nghị định 07/CP ngày 5/2/1996 về quản lý giống cây trồng, Nghị định 14/CP ngày 19/3/1996 về quản lý giống vật nuôi của Chính phủ và các văn bản quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Thủy sản.

2. Quản lý chất lượng hàng hóa là thuốc thú y, kể cả thuốc dùng cho động vật thủy sản được sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông trên thị trường theo Pháp lệnh thú y ngày 15/2/1993, Nghị định 93/CP ngày 27/11/1993 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh thú y và các quy định của Bộ Thủy sản.

3. Quản lý chất lượng hàng hóa là thuốc bảo vệ thực vật, kể cả thuốc dùng cho nuôi trồng thủy sản được sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông trên thị trường theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Thủy sản.

4. Quản lý chất lượng hàng hóa là phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, kể cả dùng cho nuôi trồng thủy sản được sản xuất, xuất nhập khẩu. lưu thông trên thị trường theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Thuỷ sản.

5. Quản lý chất lượng hàng hóa là thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi, kể cả nuôi trồng thủy sản được sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông trên thị trường theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Thủy sản.

6. Quản lý chất lượng hàng hóa là sản phẩm thủy sản đã qua chế biến được sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông trên thị trường theo quy định của Bộ Thủy sản.

7. Quản lý chất lượng hàng hóa là ngư lưới, dụng cụ đánh cá được sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông trên thị trường theo quy định của Bộ Thủy sản.

3. Sở Giao thông vận tải:

Quản lý Nhà nước về chất lượng các phương tiện, công trình giao thông theo quy định của Bộ Giao thông vận tải cụ thể là:

1. Quản lý chất lượng các phương tiện giao thông vận tải: đường bộ, đường thủy, đường sắt.

2. Quản lý chất lượng các công trình hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt.

3. Quản lý chất lượng các thiết bị nâng hàng từ 1 tấn trở lên.

4. Quản lý chất lượng các loại nồi hơi, thiết bị áp lực sử dụng trong giao thông vận tải.

4. Sở Công nghiệp:

Quản lý Nhà nước về chất lượng các loại vật liệu nổ công nghiệp từ khâu chuẩn bị sản xuất đến sản xuất ra sản phẩm, cung ứng, sử dụng, xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của Bộ Công nghiệp.

5. Sở Xây dựng:

Quản lý chất lượng các công trình xây dựng theo Nghị định 177/CP ngày 20/10/1994 về việc ban hành Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng và Quyết định số 20/BXD-GD ngày 10/6/1995 của Bộ Xây dựng ban hành Điều lệ quản lý chất lượng công trình xây dựng.

6. Sở văn hóa thông tin:

Quản lý Nhà nước về chất lượng các loại ấn phẩm, các nhạc cụ và sản phẩm văn hóa khác.

7. Sở Khoa học Công nghệ-Môi trường:

Sở Khoa học Công nghệ-Môi trường (trực tiếp là Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường chất lượng) được phân công như sau:

1. Là cơ quan chức năng giúp UBND tỉnh chỉ đạo và thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa ở địa phương:

* Tổng hợp tình hình quản lý, tham mưu kiến nghị cho UBND tỉnh.

* Quản lý thống nhất về nghiệp vụ, thực hiện việc kiểm tra và đôn đốc các cơ quan ở địa phương trong việc chấp hành thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về chất lượng đã được phân công.

* Phổ biến, triển khai, hướng dẫn kỹ thuật nghiệp vụ về Hệ thống đảm bảo chất lượng.

* Quản lý hoạt động tiêu chuẩn hóa tại địa phương.

* Quản lý hoạt động đánh giá, giám định chất lượng hàng hóa tại địa phương.

2. Quản lý Nhà nước về chất lượng đối với các loại hàng hóa khác (trừ các hàng hóa đặc thù đã phân công cho các sở, ngành như trên) theo danh mục và quy định do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường công bố.

8. Sở thương mại ;

Sở Thương mại (trực tiếp là Chi cục Quản lý thị trường) chủ trì, tổ chức sự phối hợp với thanh tra Sở Khoa học Công nghệ-Môi trường, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng và Thanh tra chuyên ngành ở địa phương để thực hiện việc kiểm tra, xử lý các vi phạm về chất lượng đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường, kể cả hàng hóa đặc thù do các ngành quản lý.

II. CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA:

Công tác đăng ký chất lượng thực hiện như điều 6 Nghị định 86/CP, cụ thể là:

1. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tổ chức việc đăng ký chất lượng hàng hóa ở địa phương cho các loại hàng hóa thuộc danh mục do Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường công bố (bao gồm các loại hàng hóa do ngành Khoa học Công nghệ và Môi trường quản lý và các hàng hóa đặc thù khác được các ngành quản lý khác đề xuất). Việc đăng ký chất lượng hàng hóa phải tuân thủ các quy định của các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt đối với các loại hàng hóa có các yêu cầu về khảo nghiệm, thử nghiệm, chứng nhận, cho phép sản xuất của các ngành quản lý Nhà nước về chất lượng liên quan, phải đảm bảo đầy đủ các hồ sơ cần thiết mới được đăng ký chất lượng hàng hóa tại Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức việc đăng ký cho các loại thuốc thú y, chế phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng thủy sản, thức ăn thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Thủy sản. Tổ chức việc khảo nghiệm, thử nghiệm, chứng nhận, cho phép sản xuất đối với các loại hàng hóa được phân công quản lý, trước khi được đăng ký chất lượng tại các cơ quan liên quan theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Thủy sản.

3. Sở Y tế tổ chức việc đăng ký cho các loại dược phẩm, dược liệu, mỹ phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người quy định của Bộ Y tế. Tổ chức việc khảo nghiệm, thử nghiệm, chứng nhận, cho phép sản xuất về vệ sinh an toàn đối với các loại hàng hóa thực phẩm (tươi sống, đã qua chế biến), các loại nước uống, rượu, thuốc lá trước khi được đăng ký chất lượng tại các cơ quan liên quan theo đúng quy định của Bộ Y tế.

III. THANH TRA VÀ KIỂM TRA NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA

1. Công tác Thanh tra nhà nước về chất lượng hàng hóa do Thanh tra chuyên ngành của các sở, ngành thực hiện đối với các đối tượng thuộc ngành mình quản lý theo các quy định về công tác Thanh tra của Nhà nước.

2. Việc kiểm tra và xử lý các vi phạm về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường do Sở Thương mại (trực tiếp là Chi cục Quản lý thị trường) phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ-Môi trường và các cơ quan hữu quan tiến hành theo Quyết định 96/TTg ngày 18/2/1995 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Việc kiểm tra chất lượng hàng hóa do các cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng tiến hành được thực hiện theo các quy định sau:

* Nội dung kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa bao gồm:

Việc đăng ký chất lượng hàng hóa, việc duy trì chất lượng hàng hóa so với tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc với các TCVN bắt buộc áp dụng, các quy định về vệ sinh an toàn và môi trường.

Việc thực hiện quy định về ghi nhãn, bao gói, định lượng theo quy định.

Việc duy trì các hệ thống đảm bảo chất lượng, dấu chất lượng đã được chứng nhận.

Việc sản xuất, buôn bán hàng giả

Các vụ việc liên quan đến việc thi hành Pháp lệnh Nhà nước về chất lượng hàng hóa và các quy định liên quan của Nhà nước.

* Các sở, ngành hoặc các cơ quan chức năng được ngành chỉ định tiến hành kiểm tra đối với các đối tượng trong phạm vi thuộc ngành mình quản lý. Thủ trưởng cơ quan thực hiện kiểm tra phải ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra, ghi rõ mục đích, nội dung, đối tượng, chương trình kiểm tra.

Cơ sở là đối tượng kiểm tra phải cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết liên quan đến nội dung kiểm tra, tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ.

* Kết quả kiểm tra được ghi nhận bằng biên bản, do Đoàn kiểm tra lập. Biên bản kiểm tra được lập và lưu giữ, xử lý theo đúng quy định về thủ tục hành chính.

* Đoàn kiểm tra, thủ trưởng cơ quan kiểm tra thực hiện xử lý kết quả kiểm tra theo biên bản đảm bảo đúng chức năng, quyền hạn được qui định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Các sở, ngành, cơ quan được phân công khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự, nghiệp vụ chuyên môn, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện tốt trách nhiệm quản lý chất lượng hàng hóa theo quy định này.

2. Giao cho Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường (trực tiếp là Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường chất lượng) là cơ quan đầu mối thực hiện đôn đốc, theo dõi và hướng dẫn các cơ quan liên quan triển khai thực hiện qui định này.

3. Định kỳ hàng quý, năm các sở, ngành được phân công trực tiếp báo cáo công tác quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa lên UBND tỉnh đồng thời gửi cho Sở Khoa học Công nghệ Môi trường để tổng hợp báo cáo chung, Sở Khoa học Công nghệ Môi trường căn cứ chức năng được phân công tổng hợp báo cáo tình hình quản lý chất lượng toàn tỉnh, đề xuất các chủ trương, biện pháp cần thiết cho UBND xem xét, quyết định.

4. Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cùng với các cơ quan được phân công hoàn thành việc bàn giao nhiệm vụ quản lý về chất lượng hàng hóa trước ngày 30/12/1996.

5. Công tác đăng ký chất lượng theo qui định này được thực hiện từ ngày 01/01/1997. Từ nay đến 30/12/1996 việc đăng ký chất lượng hàng hóa vẫn tiếp tục thực hiện tại Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng theo quyết định 119/QĐ ngày 24/2/1992 của ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường) và Quy định về đăng ký chất lượng theo quyết định số 55/TĐC-QĐ ngày 2/3/1994 của Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng.

6. Trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị định 86/CP và quy định này, nếu có vướng mắc, trở ngại thì các sở, ngành kịp thời phản ảnh lên UBND tỉnh và Sở Khoa học Công nghệ-Môi trường để có nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, chỉ đạo cần thiết.