cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 01/CT-NH20 ngày 03/01/1996 Về mở rộng dịch vụ thanh toán của ngân hàng trong khu vực dân cư do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 01/CT-NH20
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Ngày ban hành: 03-01-1996
  • Ngày có hiệu lực: 03-01-1996
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 16-10-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 7226 ngày (19 năm 9 tháng 21 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 16-10-2015
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 16-10-2015, Chỉ thị số 01/CT-NH20 ngày 03/01/1996 Về mở rộng dịch vụ thanh toán của ngân hàng trong khu vực dân cư do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 2039/QĐ-NHNN ngày 16/10/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Về bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/CT-NH20

Hà Nội, ngày 03 tháng 1 năm 1996

 

CHỈ THỊ

VỀ MỞ RỘNG DỊCH VỤ THANH TOÁN CỦA NGÂN HÀNG TRONG KHU VỰC DÂN CƯ

Chủ trương mở rộng dịch vụ thanh toán của Ngân hàng trong khu vực dân cư đã được triển khai thí điểm tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và mở rộng thêm ở 4 tỉnh: thành phố Hải Phòng, Quảng Nam - Đà Nẵng, Vũng Tàu, Cần Thơ. Qua một năm thực hiện đã đạt được kết quả bước đầu khả quan, khẳng định sự cần thiết phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa. Theo đề nghị của Ban chỉ đạo thí điểm 6 tỉnh, thành phố. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định triển khai đến tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, yêu cầu giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố; Tổng giám đốc, giám đốc các NHTM quốc doanh và cổ phần; Thủ trưởng các Vụ, Cục, Ban ở Ngân hàng Nhà nước TW quán triệt mục tiêu và thực hiện tốt các công việc sau đây:

1. Mở rộng dịch vụ Ngân hàng trong khu vực dân cư là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam. Quan đó cần đạt các mục tiêu về khai thác vốn đầu tư; từng bước đưa công cụ thanh toán truyền thống và hiện đại vào dân cư, cải tạo và xoá bỏ dần tập quán chỉ sử dụng tiền mặt trong dân cư, nâng cao hiệu quả thanh toán trong nền kinh tế.

2. Giao cho Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố chủ động cùng với các giám đốc NHTM trên địa bàn lập Ban chỉ đạo triển khai do giám đốc Ngân hàng Nhà nước làm trưởng Ban. Ban chỉ đạo cần lập kế hoạch, biện pháp triển khai kịp thời có hiệu quả: Phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp Uỷ và Chính quyền địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các Ban, ngành liên quan, làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hàng tháng tổ chức sơ kết tình hình báo cáo kết quả cụ thể, bổ sung biện pháp chỉ đạo, làm báo cáo gửi ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và cấp Uỷ, chính quyền tỉnh, thành phố sở tại theo mẫu báo cáo kèm theo chỉ thị này.

3. Yêu cầu Tổng giám đốc, giám đốc NHTM quốc doanh và cổ phần có kế hoạch, biện pháp và có văn bản chỉ đạo các chi nhánh tổ chức triển khai thực hiện trong hệ thống và phối hợp chặt chẽ với các Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố.

4. Các Vụ: Nghiên cứu kinh tế, Kế toán - tài chính; Trung tâm tin học; phát hành và kho quỹ; Ban thường trực HĐTT (Trong đó giao cho Ban thường trực HĐTT làm đầu mối) trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các Ban chỉ đạo ở các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện; Giải quyết kịp thời yêu cầu của các địa phương; Tổng hợp tình hình làm báo cáo, thông báo hàng tháng.

5. Cần triển khai việc mở tài khoản cá nhân và sử dụng công cụ thánh toán không dùng tiền mặt xuống các đối tượng có điều kiện như người có thu nhập cao, doanh nghiệp tư nhân có doanh số thu, chi tiền mặt lớn; Phối hợp với các ngành thương nghiệp, dịch vụ các đơn vị cung ứng điện, dịch vụ Bưu điện, cho thuê nhà... tổ chức thanh toán qua tài khoản Ngân hàng. Cần có biện pháp triển khai từng bước, vững chắc, tránh ồ ạt, hình thức. Mỗi tỉnh, thành phố cần phải có điểm trọng tâm tập trung chỉ đạo có kết quả để mở rộng.

6. Đối với 6 tỉnh, thành phố đã triển khai thí điểm cần tiếp tục khai thác tốt những biện pháp tích cức đang áp dụng; chú trọng tiếp cận các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thu nhập cao; các Ngân hàng thương mại chủ động tổ chức ký hợp đồng tay ba giữa người sử dụng, bên cung ứng dịch vụ và ngân hàng mở tài khoản để thanh toán định kỳ tiền điện, nước, dịch vụ Bưu điện, nộp thuế...; Hợp tác với các nhà hàng, khách sạn, Hàng không, Trạm xăng dầu... để tăng thêm diện thu nhận thanh toán bằng séc cá nhân.

Đối với 47 tỉnh mới triển khai đợt này cần tích cực khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị trong tháng 1 năm 1996 để triển khai đến khách hàng vào đầu tháng 2 năm 1996.

 

 

Cao Sĩ Kiêm

(Đã ký)