Quyết định số 195/QĐ-UB ngày 28/05/1990 Ban hành điều lệ (sửa đổi) về tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học và kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 195/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 28-05-1990
- Ngày có hiệu lực: 28-05-1990
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 11-11-1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3089 ngày (8 năm 5 tháng 19 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 11-11-1998
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 195/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 5 năm 1990 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ (SỬA ĐỔI) VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TP.HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1989;
- Tiếp theo quyết định số 130/QĐ-UB ngày 13 tháng 6 năm 1985 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thành lập Hội đồng khoa học kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh;
- Xét đề nghị của Ban Thường trực Hội đồng khoa học kỹ thuật thành phố (công văn số 17/HĐ-KH ngày 26/9/1989) và Trưởng Ban tổ chức chính quyền thành phố;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1 .- Nay ban hành điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học và kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (được thành lập theo quyết định số 130/QĐ-UB ngày 13/6/1985 của Ủy ban nhân dân thành phố).
Điều 2 .- Điều lệ này thay cho điều lệ được ban hành kèm theo quyết định số 130/QĐ-UB ngày 13/6/1985 và có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3 .- Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học kỹ thuật thành phố và các thành viên Hội đồng khoa học và kỹ thuật thành phố có trách nhiệm thi hành quyết định này.-
| T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
ĐIỀU LỆ
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 195/QĐ-UB ngày 28/5/1990 của UBND thành phố Hồ Chí Minh)
Chương I
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 1.- Hội đồng khoa học và kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (dưới đây gọi tắt là Hội đồng) là cơ quan tư vấn về khoa học và kỹ thuật cho Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 2.- Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn cho Ủy ban nhân dân thành phố về các vấn đề sau :
2.1. Phương hướng phát triển khoa học và kỹ thuật của thành phố.
2.2. Nhiệm vụ, nội dung chủ yếu của kế hoạch khoa học và kỹ thuật của thành phố, bao gồm kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm; đặc biệt là nhiệm vụ áp dụng các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, liên kết hợp tác khoa học kỹ thuật với các tỉnh, thành phố trong cả nước và với nước ngoài.
2.3. Phương hướng, biện pháp về đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật.
2.4. Xác minh, đánh giá, kiến nghị khen thưởng các sáng kiến, sáng chế, các đề tài nghiên cứu có giá trị, các công trình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội lớn trong sản xuất và đời sống trên địa bàn thành phố.
2.5. Kiến nghị việc triển khai hoặc đình chỉ các công trình nghiên cứu, ứng dụng, đầu tư, xây dựng… trên cơ sở các kết luận khoa học của Hội đồng.
2.6. Chính sách khoa học kỹ thuật của thành phố và biện pháp tổ chức các hoạt động khoa học kỹ thuật nhằm khai thác hiệu quả các tiềm lực khoa học kỹ thuật bao gồm đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật, các nguồn thông tin, các nguồn tài chánh trên địa bàn và để tranh thủ sự hỗ trợ của các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Điều 3.- Hội đồng có các quyền hạn sau :
3.1. Được quyền yêu cầu các cơ quan của thành phố và đơn vị của ngành trung ương đóng và hoạt động trên địa bàn thành phố cung cấp các tài liệu, thông tin về hoạt động khoa học kỹ thuật và kinh tế-xã hội của thành phố để nghiên cứu tình hình thực tế có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ (ghi ở điều 2).
3.2. Được tham khảo các dự kiến phát triển của thành phố. Được quyền yêu cầu các cơ quan chức năng trình bày các vấn đề liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng.
3.3. Được công bố các ý kiến và các kết luận của Hội đồng.
3.4. Được bảo đảm các điều kiện cần thiết và các chế độ quy định để thực hiện tốt nhiệm vụ của Hội đồng.
Chương II
TỔ CHỨC CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 4.- Thành phần của Hội đồng gồm có :
- Chủ tịch Hội đồng
- Các Phó Chủ tịch Hội đồng
- Tổng Thư ký
- Các ủy viên
Các thành viên của Hội đồng do Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định cử theo đề nghị của Ủy ban Khoa học và kỹ thuật thành phố và các cơ quan chức năng liên quan.
Tổng số thành viên của Hội đồng từ 50 đến 55 người.
Điều 5.- Thành viên Hội đồng gồm các cán bộ công tác ở các ngành kinh tế-kỹ thuật chủ yếu của địa phương và một số cán bộ công tác ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc các ngành trung ương đóng tại thành phố.
Việc mời cán bộ khoa học kỹ thuật của các cơ quan đơn vị tham gia Hội đồng phải được sự đồng ý của cá nhân và thủ trưởng cơ quan của cán bộ được mời bằng văn bản.
Tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng :
- Có trình độ, khả năng và kinh nghiệm trong công tác quản lý khoa học và kỹ thuật, quản lý kinh tế, nghiên cứu khoa học hoặc chỉ đạo kỹ thuật sản xuất.
- Có uy tín trong đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật của thành phố.
- Có nhiệt tình, có khả năng và có điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ của Hội đồng giao cho.
Điều 6.- Ban Thường trực Hội đồng gồm có : Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký (chuyên trách).
Ban Thường trực Hội đồng có nhiệm vụ :
- Chuẩn bị nội dung và chương trình làm việc tại các kỳ họp của Hội đồng.
- Quyết định danh sách các đại biểu (ngoài số thành viên chính thức) của các ngành mời dự các kỳ họp, hoặc tham gia các hoạt động của Hội đồng.
- Thay mặt Hội đồng giải quyết các công việc giữa hai kỳ họp và báo cáo lại Hội đồng.
- Báo cáo để Hội đồng thông qua dự toán kinh phí hoạt động hàng năm, và bản thanh quyết toán kinh phí hoạt động năm của Hội đồng.
- Triệu tập các cuộc họp liên tiểu ban khi cần thiết.
- Kiến nghị cho thôi hoặc bãi miễn các thành viên không có điều kiện thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao và đề nghị khen thưởng các thành viên hoạt động tích cực, có hiệu quả.
Điều 7.- Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phụ trách khoa học và kỹ thuật làm Chủ tịch Hội đồng.
Chủ tịch Hội đồng có các nhiệm vụ sau :
- Lãnh đạo Hội đồng hoạt động theo các quy định trong bản điều lệ này.
- Lãnh đạo Ban Thường trực chuẩn bị đầy đủ các tài liệu cần thiết về các vấn đề sẽ đưa ra thảo luận tại các kỳ họp Hội đồng; duyệt các báo cáo, tài liệu trước khi đưa ra thảo luận ở Hội đồng.
- Thực hiện các chế độ, quy định và đảm bảo các điều kiện cho mọi hoạt động của Hội đồng.
- Triệu tập và chủ trì các kỳ họp của Ban Thường trực và toàn thể Hội đồng.
Điều 8.- Các Phó Chủ tịch Hội đồng :
8.1. Chủ nhiệm Ủy ban khoa học và kỹ thuật thành phố giữ cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực có các nhiệm vụ chủ yếu sau :
- Duyệt chương trình làm việc của Hội đồng giữa 2 kỳ họp của Ban Thường trực Hội đồng.
- Giải quyết các công việc của Hội đồng giữa 2 kỳ họp của Ban Thường trực.
- Bố trí cán bộ chuyên trách đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố cử làm nhiệm vụ Tổng thư ký Hội đồng và cử cán bộ tham gia Ban Thư ký.
- Thay mặt Chủ tịch giải quyết các công việc trong thời gian Chủ tịch vắng mặt.
8.2. Các Phó Chủ tịch khác của Hội đồng do Hội nghị toàn thể Hội đồng bầu và được Ủy ban nhân dân thành phố phê chuẩn. Mỗi Phó Chủ tịch phụ trách các công việc do Chủ tịch Hội đồng phân công. Số lượng các Phó Chủ tịch do Hội nghị toàn thể Hội đồng quyết định.
Các Phó Chủ tịch có các nhiệm vụ :
- Thay mặt Ban Thường trực Hội đồng theo dõi, chỉ đạo hoạt động của một số tiểu ban, chuyên ngành cụ thể theo sự phân công.
- Kiến nghị thành lập các tiểu ban chuyên đề khi cần thiết.
- Chuẩn bị và có ý kiến về các vấn đề liên quan đến công tác được giao trong các kỳ họp của Ban Thường trực.
Điều 9.- Hội đồng có các tiểu ban chuyên ngành được tổ chức theo các ngành kinh tế-kỹ thuật chủ yếu của thành phố :
1) Tiểu ban công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp
2) Tiểu ban xây dựng kiến trúc giao thông
3) Tiểu ban năng lượng
4) Tiểu ban nông-lâm-ngư
5) Tiểu ban tài nguyên-môi trường
6) Tiểu ban y tế- văn hóa- giáo dục
7) Tiểu ban kinh tế-xã hội
8) Tiểu ban viễn thông-tin học và điện tử
Tùy theo yêu cầu và nhiệm vụ đòi hỏi trong từng thời kỳ, Hội đồng khoa học và kỹ thuật sẽ họp toàn thể để quyết định thành lập thêm hoặc giảm bớt các tiểu ban chuyên ngành và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê chuẩn.
9.1. Nhiệm vụ của tiêu ban chuyên ngành là :
Đề xuất và góp ý kiến về những vấn đề khoa học và kỹ thuật chuyên ngành. Các kiến nghị của tiểu ban chuyên ngành được chuyển cho Ban Thường trực Hội đồng. Trong các biên bản, kiến nghị phải ghi rõ ý kiến chung của tiểu ban, và ý kiến riêng của từng thành viên.
9.2. Số lượng chính thức của mỗi tiểu ban chuyên ngành không quá 15 người gồm :
- Một số ủy viên chính thức của Hội đồng.
- Một số cán bộ khoa học kỹ thuật tiêu biểu công tác trong các ngành có liên quan.
- Các thành viên chính thức của tiểu ban phải được Thường trực Hội đồng phê chuẩn.
- Mỗi thành viên Hội đồng có thể tham gia hoạt động ở một vài tiểu ban.
9.3. Trưởng Phó tiểu ban do tiểu ban bầu từ các thành viên chính thức của tiểu ban và phải được Thường trực Hội đồng phê chuẩn.
Trưởng tiểu ban phải là thành viên của Hội đồng.
9.4. Tiểu ban có 1 thư ký do Trưởng tiểu ban đề xuất và được tiểu ban thông qua.
9.5. Các cuộc họp của tiểu ban do Trưởng tiểu ban triệu tập. Chậm nhất 1 tuần sau mỗi kỳ họp phải gởi biên bản cho Thường trực Hội đồng.
Điều 10.- Hội đồng có thể thành lập các tiểu ban chuyên đề khi cần thiết. Tiểu ban chuyên đề được thành lập để góp ý kiến về những vấn đề khoa học, kỹ thuật cụ thể đối với từng thời gian và sẽ kết thúc hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Ban Thường trực Hội đồng quyết định việc thành lập các tiểu ban chuyên đề.
- Trưởng tiểu ban chuyên đề do Thường trực Hội đồng cử từ các thành viên chính thức của Hội đồng.
Thành phần tiểu ban chuyên đề gồm :
- Một số ủy viên chính thức của Hội đồng thuộc lĩnh vực chuyên môn có liên quan.
- Một số cán bộ khoa học và kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn có liên quan.
Điều 11.- Ban Thư ký Hội đồng có từ 3 đến 5 người do Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng chọn từ các cán bộ của Ủy ban khoa học và kỹ thuật thành phố.
11.1. Ban Thư ký Hội đồng có nhiệm vụ và quyền hạn :
- Giúp Ban Thường trực Hội đồng chuẩn bị tài liệu, văn bản và các vấn đề có liên quan phục vụ cho các công tác của Hội đồng và của Ban Thường trực.
- Giúp Ban Thường trực theo dõi tình hình hoạt động của Hội đồng và của các tiểu ban.
- Giúp Phó Chủ tịch Thường trực giải quyết các công việc của Hội đồng giữa 2 kỳ họp của Ban Thường trực, chuẩn bị cho các kỳ họp của Hội đồng và Ban Thường trực.
- Đảm trách công tác hành chánh, tài chánh và hậu cần của Hội đồng.
- Được tạo điều kiện, được dành một số thời gian chính quyền để làm việc và được hưởng phụ cấp hoạt động.
11.2. Tổng Thư ký Hội đồng lãnh đạo hoạt động của Ban Thư ký.
- Tổng Thư ký của Hội đồng là cán bộ chuyên trách lấy trong biên chế của Ủy ban khoa học và kỹ thuật thành phố do Phó Chủ tịch Thường trực cử.
- Tổng Thư ký Hội đồng là thành viên của Ban Thường trực Hội đồng.
Điều 12.- Nhiệm kỳ công tác của Hội đồng là 5 năm. Khi thành lập Hội đồng mới sẽ chọn một số thành viên mới thay thế số thành viên cũ không bảo đảm được nhiệm vụ thành viên Hội đồng.
Điều 13.- Ủy ban khoa học và kỹ thuật thành phố làm nhiệm vụ cơ quan Thường trực giúp cho Hội đồng hoạt động.
Chương III
PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 14.- Hội đồng họp định kỳ 6 tháng 1 lần vào tháng 5 và tháng 11 hàng năm. Khi cần thiết có thể họp bất thường. Hội đồng được sử dụng thời gian chính quyền để tổ chức các kỳ họp của mình.
Điều 15.- Ban Thường trực Hội đồng có nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu về những vấn đề sẽ đưa ra thảo luận ở Hội đồng và chuyển đến các thành viên Hội đồng trước khi họp ít nhất là 7 ngày. Tài liệu của các kỳ họp bất thường phải chuyển đến các thành viên của Hội đồng ít nhất là 2 ngày trước khi họp.
Điều 16.- Các phiên họp thường kỳ và bất thường của Hội đồng phải có quá một nửa tổng số thành viên chính thức của Hội đồng tham dự.
Khi cần thiết, Chủ tịch Hội đồng có thể tổ chức họp mở rộng với sự tham gia của đại biểu chính quyền tổ chức Đảng, các đoàn thể hoặc đại biểu của một số cơ quan, đơn vị hoặc đại biểu của Hội đồng khoa học, kỹ thuật cấp sở, ban, ngành, cơ sở sản xuất lớn thuộc thành phố .
Chỉ có các thành viên chính thức của Hội đồng mới có quyền biểu quyết các vấn đề của Hội đồng.
Điều 17.- Phương thức làm việc của Hội đồng là Ban Thường trực nêu vấn đề thảo luận và biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín để lấy ý kiến. Việc biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín sẽ do Hội nghị toàn thể của Hội đồng quyết định. Các quyết nghị của Hội đồng chỉ có giá trị nếu được quá 1/2 tổng số thành viên chính thức của Hội đồng nhất trí. Mọi ý kiến phát biểu và kiến nghị của các thành viên Hội đồng phải được ghi chép đầy đủ bằng văn bản để chuyển cho Ủy ban nhân dân thành phố xem xét và quyết định, hoặc cho ý kiến chỉ đạo để Hội đồng nghiên cứu và thảo luận thêm các vấn đề chưa được rõ ràng.
Điều 18.- Chi phí hoạt động của Hội đồng được lấy từ kinh phí sự nghiệp khoa học-kỹ thuật của thành phố. Hội đồng phải lập dự toán kinh phí hoạt động để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt. Hội đồng phải thực hiện đầy đủ các quy định về tài chánh của Nhà nước. Dự toán kinh phí hoạt động của Hội đồng được ghép chung với dự toán kinh phí của Ủy ban khoa học và kỹ thuật thành phố.
Chương IV
QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC THÀNH VIÊN CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THÀNH PHỐ
Điều 19.- Thành viên của Hội đồng được cung cấp những thông tin cần thiết về các vấn đề có liên quan tới các kỳ họp và các hoạt động của Hội đồng, được kiến nghị thảo luận những vấn đề thuộc phạm vi tư vấn của Hội đồng. Các thành viên của Hội đồng sẽ được hưởng các khoản phụ cấp để hoạt động.
Các thành viên của các tiểu ban chuyên ngành, chuyên đề cũng có quyền yêu cầu được cung cấp thông tin và được hưởng phụ cấp về hội họp, đi lại và được trả thù lao theo chất lượng công việc.
Mức phụ cấp sẽ do Ban Thường trực Hội đồng đề xuất, Ủy ban nhân dân thành phố xem xét và quyết định.
Điều 20.- Khi có yêu cầu của Hội đồng, các thành viên của Hội đồng phải xuống các cơ sở để khảo sát, nắm tình hình, xác minh… Mọi chi phí đi lại, ăn ở do Ban Thường trực Hội đồng đài thọ từ quỹ hoạt động của Hội đồng.
Trường hợp do cơ sở yêu cầu thì do cơ sở đài thọ.
Điều 21.- Các thành viên Hội đồng có nghĩa vụ :
- Tham gia đều đặn và đầy đủ các kỳ họp và các hoạt động của Hội đồng.
- Nghiên cứu trước các tài liệu để đóng góp ý kiến về những vấn đề đã đưa ra thảo luận tại Hội đồng.
- Giữ gìn tài liệu, số liệu theo quy định về bảo mật của Nhà nước.
- Khi có yêu cầu, các thành viên Hội đồng phải bố trí công việc, đến các cơ sở xem xét nắm tình hình. Sau khi làm xong công việc ở cơ sở, các thành viên phải thông báo cho lãnh đạo cơ sở đó về các ý kiến nhận xét, đánh giá, đồng thời phải báo cáo bằng văn bản cho Ban Thường trực Hội đồng, để Hội đồng có ý kiến kết luận và thông báo bằng văn bản cho cơ sở biết.
Điều 22.- Thành viên Hội đồng được dành một số thời gian chính quyền để thực hiện những nhiệm vụ của Hội đồng giao. Việc hoàn thành công việc của Hội đồng được ghi nhận như việc hoàn thành kế hoạch công tác cá nhân do đơn vị phân công.
- Những thành viên có thành tích trong các hoạt động của Hội đồng sẽ được Ủy ban nhân dân thành phố khen thưởng.
- Những thành viên không có điều kiện thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đã quy định, sau một thời gian lâu nhất là một năm sẽ do hội nghị toàn thể của Hội đồng đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho thôi tham gia Hội đồng.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 23.- Bản điều lệ này thay cho bản điều lệ đã ban hành kèm theo quyết định 130/QĐ-UB ngày 13/6/1985 của Ủy ban nhân dân thành phố và có hiệu lực kể từ ngày ký quyết định ban hành.
Việc xây dựng và sửa đổi bản điều lệ này do Hội đồng đề nghị và Ủy ban nhân dân thành phố xét quyết định.-
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ