cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 610/QĐ-UB ngày 12/10/1989 Ban hành Quy định về "Cửa hàng cầm đồ" trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 610/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 12-10-1989
  • Ngày có hiệu lực: 12-10-1989
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 31-10-2001
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4402 ngày (12 năm 22 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 31-10-2001
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 31-10-2001, Quyết định số 610/QĐ-UB ngày 12/10/1989 Ban hành Quy định về "Cửa hàng cầm đồ" trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 100/2001/QĐ-UB ngày 31/10/2001 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành từ năm 1976 đến năm 1996 đã hết hiệu lực thi hành (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 610/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 10 năm 1989

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ “CỬA HÀNG CẦM ĐỒ” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND đã được Quốc hội thông qua ngày 30/6/1983;
- Căn cứ đề nghị của Giám đốc Sở Thương nghiệp thành phố,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. – Nay ban hành quy định về tổ chức và hoạt động của các cửa hàng cầm đồ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. – Các đồng chí Chánh Văn phòng UBND/TP, Giám đốc Sở TN/TP, Giám đốc Công ty dịch vụ tổng hợp thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố, Trưởng Ban vật giá thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Khắc Bình

 

QUY ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CỬA HÀNG CẦM ĐỒ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trong khi chờ đợi có quy định thống nhất trong cả nước, Ủy ban nhân dân thành phố cho phép mở các “cửa hàng cầm đồ” theo các điều quy định như sau:

Chương I

TỔ CHỨC

Điều 1.- Các Công ty dịch vụ thành phố, Công ty dịch vụ quận, huyện (dưới đây gọi tắt là Công ty dịch vụ) và tư nhân (dưới hình thức tập thể hay cá thể) được mở “cửa hàng cầm đồ” để cho nhân dân vay tiền có cầm thế đồ vật.

Điều 2.- Mỗi Công ty dịch vụ có thể lập một hay nhiều “cửa hàng cầm đồ” trong phạm vi địa bàn hoạt động của mình.

“Cửa hàng cầm đồ” là đơn vị hạch toán báo sổ trực thuộc Công ty dịch vụ chủ quản, kinh doanh bằng vốn của Công ty dịch vụ và do Công ty trực tiếp quản lý.

Điều 3.- Công ty dịch vụ là đơn vị chủ quản của cửa hàng cầm đồ phải chịu trách nhiệm giải quyết về việc bồi thường nếu cửa hàng cầm đồ để xảy ra việc thất thoát vật cầm của khách hàng.

Điều 4.- Điều hành “cửa hàng cầm đồ” có cửa hàng trưởng, kế toán trưởng do Giám đốc Công ty dịch vụ chủ quản bổ nhiệm.

Tùy nhu cầu hoạt động có một hay nhiều kỹ thuật viên do cửa hàng trưởng chọn được Giám đốc Công ty phê chuẩn, kỹ thuật viên chịu trách nhiệm về đánh giá vật cầm, cửa hàng trưởng chịu trách nhiệm về quyết định cho cầm, chuộc đúng giá trị ấn định, bảo quản vật cầm thế.

Cán bộ nhân viên cửa hàng ngoài việc được trả lương như cán bộ nhân viên Công ty dịch vụ còn được hưởng một tỷ lệ hoa hồng trong số tiền lời do Công ty ấn định.

Điều 5.- Tư nhân dưới hình thức tập thể hay cá thể có thể mở “cửa hàng cầm đồ” với những điều kiện như sau:

1/ Người Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh, từ 25 đến 60 tuổi, không có tiền án, có sức khỏe tốt.

2/ Phải xin phép kinh doanh, đăng ký thuế và không có kinh doanh mua bán khác

3/ Phải ký quỹ tại Ngân hàng một số tiền bằng 10% số vốn dự trù để hoạt động. Số tiền ký quỹ này phải được điều chỉnh kịp thời theo số vốn chính thức hoạt động của “cửa hàng cầm đồ” . Tiền ký quỹ tại Ngân hàng được hưởng lãi suất tiền gửi tiết kiệm dài hạn.

Điều 6.- “Cửa hàng cầm đồ” (thuộc Công ty dịch vụ hay tư nhân) phải xây cất chắc chắn, trong đó có kho chứa đồ và một hay nhiều tủ sắt đề giữ đồ vật quý giá.

Điều 7.- “Cửa hàng cầm đồ” phải có các sổ sách như sau:

1/ Sổ tồn căn để phát biên lai cầm đồ

2/ Sổ cầm đồ trong đó biên các món cầm, ngày cầm, tên họ chủ đồ, giấy chứng minh nhân dân, nghề nghiệp, địa chỉ, ngày chuộc, số tiền vay.

3/ Sổ chuộc đồ cho biết ngày cầm và hay biên lai ngày chuộc ra, món đồ gì, số vốn và lời.

4/ Sổ bán đấu giá, ghi rõ món đồ bán, số mấy, cầm ngày nào, bao nhiêu tiền, số tiền lời, ngày bán, tiền bán, bán trội hay lỗ bao nhiêu.

5/ Sổ ghi các đồ bị trộm hay mất do cơ quan công an chuyển đến

6/ Sổ tổng kết giá đồ cầm mỗi ngày

Các Sổ này phải được Sở Tài chánh ký, đóng dấu giáp lai và đánh số tờ đầu đến tờ cuối trước khi sử dụng.

Điều 8.- Trong việc cho vay, giữa vật cầm thế của các “cửa hàng cầm đồ”, Công ty dịch vụ và tư nhân mở “cửa hàng cầm đồ” chịu trách nhiệm dân sự đối với khách hàng và chịu trách nhiệm về việc thực hiện chủ trương, phương thức kinh doanh của cửa hàng trước Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 9.- Hoạt động của các “cửa hàng cầm đồ” dựa trên các nguyên tắc:

+ Cho vay theo yêu cầu và tỷ lệ giá trị của vật cầm thế

+ Thủ tục vay, chuộc đơn giản, nhanh chóng

+ Lãi suất thấp

+ Không được kinh doanh mua bán

Chương II

HOẠT ĐỘNG – GIÁ CẦM ĐỒ THỜI HẠN – LÃI SUẤT

Điều 10.- Việc vay tiền có cầm thế là khế ước song phương giữa người vay và “cửa hàng cầm đồ”. Hai bên đều có nghĩa vụ và trách nhiệm ngang nhau.

Điều 11.- Khi đến cầm đồ người vay phải từ đủ 18 tuổi trở lên, có chứng minh nhân dân, có chứng từ sở hữu đối với những vật dụng phải trước bạ cùng hiện vật muốn cầm thế và phải chịu trách nhiệm về xuất xứ của vật mình cầm trước pháp luật.

Cửa hàng được phép giữ những vật này cùng với vật cầm

Điều 12.- Vật được cầm thế để vay tiền bao gồm:

- Vàng bạc, bạch kim, đá quý đã được chế biến thành đồ trang sức.

- Tất cả các tư liệu sinh hoạt gia đình bao gồm hàng kim khí điện máy, đồ gỗ, hàng vải sợi v.v…

- Tranh tượng điêu khắc, văn hóa phẩm khác ngoại trừ các loại Nhà nước có quy định cấm lưu hành

Điều 13.- Giá cầm đồ:

Chủ vật cầm được vay một số tiền tối đa bằng 2/3 giá trị của vật cầm, giá trị vật cầm được tính bằng tiền theo sự đánh giá của kỹ thuật viên của cửa hàng với sự nhất trí của chủ vật cầm. Giá này phải ghi rõ trong biên lai cầm thế.

Điều 14.- Thời hạn: thời hạn tối đa phải chuộc lại vật cầm là:

- 2 tháng đối với các loại hàng vải sợi

- 3 tháng đối với các loại hàng kim khí điện máy

- 4 tháng đối với các loại nữ trang bằng quý kim, đá quý

Đối với các loại hàng khác thời hạn cầm đồ do cửa hàng và người cầm thỏa thuận nhưng không vượt quá thời hạn 4 tháng

Điều 15.- Quá thời hạn quy định tại điều 14 trên đây, vật cầm thế chưa được chuộc, sẽ được đem bán đấu giá theo thể thức và quy định ở các điều sau.

Điều 16.- Lãi suất:

Lãi suất cầm đồ được ấn định như sau:

- 10% tháng đối với vật cầm thời hạn 2 tháng

- 11% tháng đối với vật cầm thời hạn 3 tháng

- 12% tháng đối với vật cầm thời hạn 4 tháng

Thời hạn cầm từ 1 đến 7 ngày tính lãi suất bằng 1/4 lãi suất tháng

Thời hạn cầm từ 6 đến 15 ngày tính lãi suất bằng 1/2 lãi suất tháng

Thời gian cầm từ 16 ngày trở lên được tính nguyên tháng. Sau thời hạn 1 tháng lãi suất cũng được tính theo phương thức trên cho tới thời hạn cầm tối đa đối với các loại vật cầm quy định tại điều 14 trên đây (ví dụ món cầm đồ trong thời hạn 1 tháng 2 ngày được tính lãi = lãi suất 1 tháng + 1/4 lãi suất tháng). Lãi suất quy định trên đây có thể thay đổi từng thời gian cho phù hợp với quy định về lãi suất chung cho Ngân hàng. Quyền thay đổi lãi suất thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố theo đề nghị của Ngân hàng và ngành dịch vụ.

Chương III

VẬT CẦM BỊ MẤT, BỊ HƯ

Điều 17.- Cửa hàng có trách nhiệm phải bảo quản thật tốt vật cầm và phải bồi thường thiệt hại nếu vật cầm bị mát hay bị hư

Giá bồi thường bằng giá trị của vật cầm đã được hai bên thỏa thuận lúc đầu đã ghi trong biên nhận. Nếu vật cầm là đồ trang sức bằng quý kim thì giá bồi thường phải tính theo giá bán ra của cửa hàng kinh doanh vàng bạc vào thời điểm người đến chuộc phát hiện mất. Nếu vật cầm bị hư hao, giá bồi thường căn cứ vào tỷ lệ hư hao vật cầm do kỹ thuật viên và người cầm thỏa thuận.

Việc bồi thường phải thực hiện trong thời gian tối đa 3 ngày kể từ ngày khách hàng đến chuộc.

Sau 3 ngày nói trên mà việc bồi thường vẫn chưa thỏa thuận được, nội vụ phải chuyển đến Tòa án nhân dân quận, huyện nơi cửa hàng cầm đồ hoạt động đề giải quyết theo trình tự xét xử dân sự.

Chương IV

BÁN ĐẤU GIÁ VẬT CẦM QUÁ HẠN

Điều 18.- Vật cầm không chuộc đúng thời hạn quy định tại điều 14 sẽ được đem ra bán đấu giá công khai trước công chúng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết hạn chuộc.

Việc bán đấu giá do một Hội đồng gồm:

- Đại diện cơ quan giá (thành phố hay quận, huyện) làm Chủ tịch Hội đồng

- Đại diện Công ty dịch vụ chủ quản của cửa hàng

- Cửa hàng trưởng cửa hàng cầm đồ

Ngày, giờ, địa điểm bán đấu giá phải được thông báo cho người có vật cầm bị bán đấu giá biết.

Trước giờ bán đấu giá nếu chủ vật cầm xin chuộc đúng giá cầm và trả đủ tiền lời thì thỉnh cầu ấy phải được chấp nhận.

Giá thấp nhất để ra giá bán đầu tiên là giá cầm cộng với tiền lời phát sinh. Người trả giá cao nhất sẽ là người được mua món hàng cầm.

Điều 19.- Trường hợp vật cầm được bán cao hơn giá cầm cộng với tiền lời phát sinh thì số tiền sai biệt sẽ do cửa hàng cầm đồ hưởng sau khi trừ tỷ lệ chi phí cho cuộc đấu giá đối với vật cầm.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20.- Các Công ty dịch vụ và tư nhân mở “cửa hàng cầm đồ” phải đăng ký kinh doanh hợp lệ và chấp hành nghiêm túc các điều khoản về tổ chức và hoạt động của bảng quy định này.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ