Chỉ thị số 02/CT-UB ngày 13/01/1994 Về quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 02/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 13-01-1994
- Ngày có hiệu lực: 13-01-1994
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 31-10-2001
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2848 ngày (7 năm 9 tháng 23 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 31-10-2001
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 01 năm 1994 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
Chánh phủ đã ban hành Nghị định số 63/CP ngày 24 tháng 9 năm 1993 về quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra Thông tư số 07/NH-TT ngày 29 tháng 10 năm 1993, hướng dẫn thực hiện Nghị định 63/CP của Chánh phủ trên phạm vi toàn quốc.
Ngày 24 tháng 12 năm 1993, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố đã tổ chức hội nghị, với đại diện các ngành chức năng liên quan ở thành phố và Thường trực Ủy ban nhân dân các quận, huyện để triển khai quán triệt nội dung các văn bản nói trên và bàn bạc biện pháp phối hợp tổ chức thực hiện.
Để thi hành nghiêm chỉnh Nghị định của Chánh phủ và luật pháp hiện hành, bảo đảm việc triển khai thực hiện thống nhất việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng trên toàn địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :
1- Các cấp, các ngành chức năng liên quan của thành phố có trách nhiệm quán triệt và phổ biến những chủ trương, chánh sách mới của Nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng cho các tổ chức và cá nhân biết để thực hiện, theo đúng Nghị định 63/CP của Chánh phủ và Thông tư 07/NH-TT của Ngân hàng Nhà nước.
Ủy ban nhân dân thành phố cần nói rõ thêm một số vấn đề cụ thể để quá trình chỉ đạo thực hiện khỏi vướng mắc.
a- Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp về vàng của mọi tổ chức và cá nhân dưới mọi hình thái; không kể khối lượng nhiều hay ít, được quyền cầm cố, chuyển nhượng, cất giữ, vận chuyển hoặc gởi Ngân hàng giữ hộ. Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quyền cất giữ, vận chuyển hoặc gởi vàng ở Ngân hàng.
b- Đối tượng được phép hoạt động kinh doanh vàng là các doanh nghiệp, bao gồm : doanh nghiệp Nhà nước, Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. (Các tổ chức và cá nhân muốn kinh doanh vàng phải thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, theo luật định và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh).
Riêng đối với doanh nghiệp Nhà nước, cần lưu ý phân biệt hai loại đối tượng. Thứ nhất, là loại doanh nghiệp kinh doanh vàng theo chức năng chuyên ngành kỹ thuật thì đăng ký kinh doanh theo nội dung Nghị định 388 và do Hội đồng thẩm định chuyên ngành kỹ thuật Trung ương xét duyệt hồ sơ đăng ký. Thứ hai, là loại doanh nghiệp Nhà nước không thực hiện chức năng chuyên ngành kỹ thuật mà chỉ là kiêm chức năng hoạt động kinh doanh vàng thì trong quyết định thành lập doanh nghiệp phải được ghi chức năng kinh doanh này, trường hợp quyết định thành lập chưa cho phép kinh doanh vàng nay mới xin đăng ký kinh doanh vàng thì phải xin quyết định bổ sung chức năng này của cơ quan ra quyết định thành lập doanh nghiệp để đăng ký xin giấy phép kinh doanh vàng theo quy định.
c- Theo chủ trương nói trên thì tất cả các tổ chức và cá nhân đã có giấy phép kinh doanh vàng trước khi ban hành Nghị định 63/CP của Chánh phủ và Thông tư 07/NH-TT của Ngân hàng Nhà nước đều phải làm thủ tục đăng ký để xin cấp lại giấy phép kinh doanh vàng trên cơ sở giấy phép thành lập doanh nghiệp.
d- Những điều kiện cơ bản để được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh vàng :
+ Vốn pháp định (Vốn đăng ký kinh doanh) :
- Đối với doanh nghiệpNhà nước : 250 triệu đồng.
- Đối với Công ty cổ phần và CTy TNHH : 200 triệu đồng.
- Đối với doanh nghiệp tư nhân : 150 triệu đồng.
Xuất phát từ tình hình thực tế, thành phố đã xin phép Trung ương cho thực hiện mức vốn pháp định đối với doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng ở các huyện ngoại thành bằng mức quy định đối với các địa phương thuộc vùng đồng bằng là : 50 tr đồng.
Khi đăng ký kinh doanh, nếu là doanh nghiệp thành lập mới thì bắt buộc phải hội đủ mức vốn pháp định nói trên và phải gởi vào tài khoản phong tỏa ở Ngân hàng. Còn các tổ chức và cá nhân đã và đang kinh doanh cũng phải hội đủ mức vốn quy định này, gồm tiền và vàng đang kinh doanh, bằng cách kê khai giá trị phương tiện thiết bị kỹ thuật và hiện kim cộng với tiền đến thời điểm đăng ký xin thành lập doanh nghiệp và giấy phép kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước thành phố thẩm định tại chỗ việc kê khai vốn của doanh nghiệp.
+ Về chuyên môn kỹ thuật : Các doanh nghiệp kinh doanh vàng phải có : thợ chuyên môn về vàng tối thiểu từ bậc 3 trở lên, được các trường, lớp đào tạo chính thức hợp pháp cấp giấy chứng nhận. Ngân hàng Nhà nước thành phố sẽ tổ chức kiểm tra, thi tay nghề và cấp giấy chứng nhận cho số thợ chuyên môn về vàng chưa có giấy chứng nhận bậc thợ chính thức. Bắt buộc các doanh nghiệp phải có dụng cụ cân đo vàng chính xác, được Chi cục Đo lường kiểm định thành phố cấp giấy phép sử dụng các phương tiện đó.
e- Thủ tục hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vàng : Gởi đến Ngân hàng Nhà nước thành phố.
+ Đối với doanh nghiệp Nhà nước và các loại Công ty, hồ sơ gồm có :
- Đơn xin cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp (thực hiện theo Nghị định 388, Luật Công ty và các văn bản hướng dẫn).
- Đơn xin cấp giấy phép kinh doanh vàng (theo mẫu của Ngân hàng).
+ Đối với doanh nghiệp tư nhân, hồ sơ gồm có :
- Đơn xin cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp (thực hiện theo Luật doanh nghiệp tư nhân và các văn bản đã hướng dẫn).
- Đơn xin cấp giấy phép kinh doanh vàng (theo mẫu của Ngân hàng).
g- Về phạm vi kinh doanh : Các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vàng được thực hiện theo quy định tại Thông tư 07/NH-TT của Ngân hàng Nhà nước, cụ thể :
Các doanh nghiệp được phép :
- Mua bán ở thị trường trong nước vàng khối, vàng thỏi, vàng cục, vàng lá, vàng cốm và vàng tư trang. Chế tác, cầm đồ vàng hoặc nhận gia công vàng cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
- Xuất khẩu hàng tư trang bằng vàng ra nước ngoài để thu ngoại tệ khi có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước. Liên doanh với tổ chức và cá nhân người nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh vàng theo các quy định của Luật đầu tư.
h- Các tổ chức và cá nhân kinh doanh vàng trên địa bàn thành phố phải làm thủ tục hồ sơ đăng ký xin cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh. (Riêng đối với các doanh nghiệp đã kinh doanh trước khi có Nghị định 63/CP phải đăng ký trong thời gian không quá 60 ngày, kể từ ngày ban hành chỉ thị này).
Sau khi được cấp giấy phép thành lập phải đăng ký tại Trọng tài Kinh tế thành phố.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước :
1- Ngân hàng Nhà nước thành phố, là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn thành phố, có trách nhiệm chủ động phối hợp với các ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, theo đúng quy chế của Nhà nước.
- Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh vàng của các doanh nghiệp (đã có giấy phép thành lập) tiến hành thẩm định nếu đủ điều kiện thì cấp giấy phép kinh doanh ngay cho doanh nghiệp. Riêng các tổ chức và cá nhân chưa có giấy phép thành lập doanh nghiệp thì sau khi tiếp nhận và thẩm định hồ sơ nếu đủ điều kiện thì Ngân hàng Nhà nước thành phố phải trình ngay cho Ủy ban nhân dân thành phố xem xét cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp cho đơn vị, trên cơ sở đó Ngân hàng cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp và thông báo kịp thời, đầy đủ cho Cục Thuế thành phố biết để phối hợp công tác.
2- Trọng tài Kinh tế Nhà nước thành phố, là cơ quan quản lý Nhà nước về đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp, có trách nhiệm phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn đăng ký kinh doanh và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vàng cho các doanh nghiệp.
3- Cục Thuế thành phố, chịu trách nhiệm kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong việc chấp hành chế độ kế toán, thống kê, hóa đơn chứng từ mua bán, gia công, chế tác vàng theo quy định của Nhà nước, bảo đảm chống thất thu thuế.
4- Chi cục Đo lường kiểm định thành phố, tổ chức việc kiểm định và kiểm tra chất lượng các phương tiện, dụng cụ cân đo vàng chính xác và cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp sử dụng phương tiện đó.
5- Các ngành Công an, Hải quan, Quản lý thị trường thành phố, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân các cấp, thực hiện việc kiểm tra chấp hành chánh sách, quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Nhà nước đối với các doanh nghiệp trên địa bàn.
6- Ủy ban nhân dân các quận, huyện phối hợp với các ngành chức năng của thành phố, tập trung đầu mối chỉ đạo quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng, hướng dẫn các tổ chức và cá nhân đăng ký lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động kinh doanh vàng đồng thời tổ chức phối hợp việc kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện chánh sách, quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Nhà nước.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành trước đây chỉ đạo về lĩnh vực hoạt động kinh doanh vàng hết hiệu lực thi hành.
Nhằm phát huy vai trò quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn thành phố, yêu cầu các cấp, các ngành liên quan nói trên phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ thị này.
Quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện có gì khó khăn, vướng mắc, báo cáo về Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết.-
| T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |