cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 172/QĐ-UB ngày 26/07/1985 Ban hành Quy định tạm thời về một số chế độ đối với cán bộ, công nhân và thanh niên xung phong của thành phố được điều động đến công tác lâu dài ở huyện Duyên Hải và khu kinh tế Nam Tây Nguyên do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 172/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 26-07-1985
  • Ngày có hiệu lực: 26-07-1985
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 31-10-2001
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5941 ngày (16 năm 3 tháng 11 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 31-10-2001
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 31-10-2001, Quyết định số 172/QĐ-UB ngày 26/07/1985 Ban hành Quy định tạm thời về một số chế độ đối với cán bộ, công nhân và thanh niên xung phong của thành phố được điều động đến công tác lâu dài ở huyện Duyên Hải và khu kinh tế Nam Tây Nguyên do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 100/2001/QĐ-UB ngày 31/10/2001 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành từ năm 1976 đến năm 1996 đã hết hiệu lực thi hành (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 172/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 07 năm 1985

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ CÔNG NHÂN VÀ TNXP CỦA THÀNH PHỐ ĐƯỢC ĐIỀU ĐỘNG ĐẾN CÔNG TÁC LÂU DÀI Ở HUYỆN DUYÊN HẢI VÀ KHU KINH TẾ NAM TÂY NGUYÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30-6-1983;
Xét tình hình của khu vực huyện Duyên Hải và khu kinh tế Nam Tây Nguyên có nhiều khó khăn do điều kiện thiên nhiên và môi trường;
Xét đề nghị của đ/c Giám đốc Sở Lao động và các ngành chức năng;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành Quy định tạm thời “Về một số chế độ đối với cán bộ, công nhân và TNXP của thành phố được điều động đến công tác lâu dài ở huyện Duyên Hải và khu kinh tế Nam Tây Nguyên”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Lao động và Ban Tổ chức chánh quyền hướng dẫn việc thi hành quyết định này.

Điều 3. Các đ/c Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền thành phố, Giám đốc Sở Lao động, Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch thành phố, Giám đốc Sở Tài chánh, Ngân hàng thành phố, Sở Y tế, Sở Văn hóa Thông tin, Sở Lâm nghiệp, Sở Thương nghiệp, Chỉ huy trưởng lực lượng TNXP, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận huyện có tổ chức đơn vị công tác sản xuất ở các địa bàn nói trên chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Lê Văn Triết

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ CÔNG NHÂN VÀ TNXP CỦA THÀNH PHỐ ĐƯỢC ĐIỀU ĐỘNG ĐẾN CÔNG TÁC LÂU DÀI Ở HUYỆN DUYÊN HẢI VÀ KHU KINH TẾ NAM TÂY NGUYÊN
(Ban hành kèm theo quyết định số 172/QĐ-UB ngày 26-7-1985 của Ủy ban Nhân dân thành phố)

Điều 1 : Để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và công tác của cán bộ, công nhân và thanh niên xung phong của thành phố đi công tác lâu dài tại huyện Duyên Hải và khu kinh tế Nam Tây Nguyên (có người trong gia đình cùng đi theo hoặc lập gia đình tại chỗ), từ nay các ngành và quận huyện được áp dụng chế độ cấp phát và trang bị ban đầu cho các đối tượng nói trên cũng giống như chế độ áp dụng đối với đồng bào đi xây dựng vùng kinh tế mới và đối với cán bộ, công nhân được điều động lên các tỉnh miền núi và hải đảo đã được quy định tại Quyết định số 82/CP ngày 12-3-1980 và Quyết định số 150/CP ngày 26-1-1985 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Đối với lực lượng TNXP, cho phép, áp dụng chế độ làm nghề gì, được hưởng tiêu chuẩn, chế độ của nghề đó (kể cả bằng hiện vật) theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Từ nay các đối tượng nói trên được hưởng mọi chế độ, chánh sách và tiêu chuẩn mới do Nhà nước quy định đối với các vùng kinh tế mới.

Điều 2 : Cán bộ, công nhân và thanh niên xung phong lao động trực tiếp tại hai khu vực nói trên từ nay được cấp thêm 01 bộ quần áo bảo hộ lao động ngoài tiêu chuẩn hàng năm được hưởng hiện nay; kinh phí này được hạch toán vào giá thành sản phẩm của đơn vị.

Điều 3 : Cán bộ, công nhân và thanh niên xung phong tình nguyện hoặc được điều động đi công tác lâu dài tại hai khu vực nói trên, nếu đã hưởng mức lương hiện tại đủ 2 năm thì khi nhận công tác được nâng một bậc lương và thời hạn nâng lương sắp đến được rút ngắn 1/3 nếu liên tục đạt tiêu chuẩn chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến trong quá trình công tác tại hai khu vực này. Trong khi thực hiện chủ trương nâng bậc lương sớm thì chiếu cố đến hoàn cảnh thực tế của từng đơn vị ở hai khu vực nói trên để giải quyết nâng lương theo Quyết định số 274/CP ngày 25-7-1979 của Hội đồng Chánh phủ quy định việc xét nâng bậc lương cho cán bộ công nhân viên chức tỷ lệ số người được nâng lương sớm so với tổng số cán bộ công nhân viên chức của các đơn vị ở 2 khu vực nói trên được quy định cao hơn so với các đơn vị ở những nơi khác và có thể cho thực hiện tỷ lệ cao nhất là 15%.

Điều 4 : Học sinh tốt nghiệp các trường công nhân, trường trung học chuyên nghiệp và đại học được phân công về công tác ở hai khu vực này, được giảm ½ thời gian tập sự; nếu có công tác tốt, không vi phạm chế độ chánh sách của Nhà nước thì thủ trưởng đơn vị xét cho hưởng sớm mức lương khởi điểm theo bậc đào tạo tại Nghị định số 23/CP ngày 30-6-1960 và 25/CP ngày 5-7-1960 của Hội đồng Chính phủ về việc ban hành thang lương chức vụ của cán bộ, nhân viên kỹ thuật và nghiệp vụ của Nhà nước.

Điều 5 : Các cơ quan, xí nghiệp, nông trường, lâm trường,… phải thực hiện đầy đủ chế độ khen thưởng về vật chất và tinh thần đối với cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, và đề nghị cấp trên khen thưởng theo đúng chế độ Nhà nước, kịp thời động viên và phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật làm việc tại hai khu vực này.

Điều 6 : Cán bộ, công nhân và thanh niên xung phong công tác ở huyện Duyên Hải và Khu kinh tế Nam Tây Nguyên được hưởng chế độ nghỉ phép 20 ngày/năm và các chế độ quy định tại Quyết định số 82/CP ngày 12-3-1980 của Hội đồng Chính phủ.

Điều 7 : Ngành giao thông vận tải phải có kế hoạch đảm bảo vận chuyển nước ngọt đủ phục vụ cho huyện Duyên Hải.

Điều 8 : Gia đình cán bộ, công nhân và TNXP đang công tác tại hai khu vực trên, nếu gặp khó khăn trong đời sống, sẽ được ưu tiên trợ cấp khó khăn (với tỷ lệ cao hơn so với mức trợ cấp bình thường, lấy từ quỹ trợ cấp khó khăn cho cán bộ công nhân viên của thành phố do Liên hiệp Công đoàn thành phố quản lý), tùy trường hợp cụ thể, các đối tượng này có thể được xét giải quyết trợ cấp thường xuyên theo kỳ hạn trợ cấp đột xuất.

Liên hiệp Công đoàn thành phố có kế hoạch ưu tiên giải quyết chế độ nghỉ an dưỡng hàng năm cho cán bộ công nhân viên chức tại hai khu vực này với tỷ lệ cao hơn so với các khu vực khác của thành phố.

Điều 9 : Các Sở Thương nghiệp, Y tế, Giáo dục theo chức năng của từng ngành, có trách nhiệm tổ chức phục vụ tốt hai khu vực trên, phát triển mạng lưới mua bán, dịch vụ, ưu tiên dành hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt (xe đạp, vải, chăn màn, nồi soong, dụng cụ gia đình,…) thuốc phòng chữa bệnh, gỗ đóng xuồng… Tăng cường đội ngũ cán bộ, phát triển cơ sở, y tế, trường học, nhà trẻ,… tạo điều kiện ổn định đời sống, công tác và sinh hoạt của cán bộ, công nhân, thanh niên xung phong và gia đình ở hai khu vực nói trên.

Điều 10 : Sở Văn hóa và Thông tin phải có kế hoạch đưa các đoàn nghệ thuật và các đội chiếu phim lưu động đến phục vụ thường xuyên cán bộ, nhân dân hai khu vực này.