cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định 42/QĐ-UB năm 1983 về chế độ quản lý công trình xây dựng cơ bản trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu văn bản: 42/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 21-07-1983
  • Ngày có hiệu lực: 21-07-1983
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 11-11-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5592 ngày (15 năm 3 tháng 27 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 11-11-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 11-11-1998, Quyết định 42/QĐ-UB năm 1983 về chế độ quản lý công trình xây dựng cơ bản trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 5985/QĐ-UB-NC ngày 11/11/1998 Bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý đô thị ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 42/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 07 năm 1983

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CƠ BẢN TRỌNG ĐIỂM CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban hành chánh các cấp ngày 27-10-1962 ;
Căn cứ Nghị định 232-CP ngày 6-6-1981 của Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ quản lý xây dựng cơ bản ;
Căn cứ Quyết định 02-CP ngày 8-1-1982 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về chế độ quản lý các công trình trọng điểm của Nhà nước ;
Theo đề nghị của Uỷ ban xây dựng cơ bản thành phố Hồ Chí Minh.

QUYẾT ĐỊNH

MỤC I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Các công trình xây dựng cơ bản trọng điểm của thành phố (gọi tắt là công trình trọng điểm thành phố) được quản lý theo chế độ ưu tiên nhằm đưa công trình vào sản xuất, sử dụng đúng thời hạn quy định, với chất lượng tốt, giá thành hạ, phát huy hiệu quả kinh tế cao.

Điều 2. Công trình trọng điểm thành phố là:

Những công trình xây dựng cơ bản có tầm quan trọng quyết định cơ cấu, tốc độ phát triển kinh tế, có ý nghĩa và tác dụng lớn về mặt văn hóa, chánh trị, xã hội và quốc phòng, có quan hệ trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch chủ yếu của thành phố và được Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố quyết định là công trình trọng điểm.

Điều 3. Danh mục công trình trọng điểm của thành phố được Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố quyết định đồng thời với việc quyết định kế hoạch xây dựng cơ bản hàng năm, theo đề nghị của Uỷ ban kế hoạch và Uỷ ban xây dựng cơ bản thành phố.

Mỗi công trình trọng điểm đưa vào danh mục bao gồm cả công trình chính, những công trình liên quan trực tiếp và nhà ở được đầu tư đồng bộ với công trình chính.

MỤC II. CHẾ ĐỘ ƯU TIÊN

Điều 4. Các công trình trọng điểm phải được hoàn thành đồng bộ, bảo đảm chất lượng tốt, đúng thời hạn quy định, vì vậy được quản lý theo chế độ ưu tiên.

1/ Ưu tiên đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh, cân đối vững chắc về các mặt vốn, vật tư, vật liệu xây dựng, lao động thiết bị… đảm bảo việc chuẩn bị xây dựng và tiến hành xây lắp không bị trở ngại.

2/ Ưu tiên tập trung chỉ đạo trong cả quá trình đầu tư xây dựng nhằm đưa nhanh công trình vào sản xuất, sử dụng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện kế hoạch Nhà nước.

a) Bảo đảm cân đối vững chắc cho các công trình trọng điểm về vốn, vật tư kỹ thuật, lao động, năng lượng, vận tải, lương thực, thực phẩm, hàng hóa phục vụ đời sống công nhân viên của công trường theo yêu cầu thực hiện tiến độ xây dựng, trên cơ sở các định mức kinh tế, kỹ thuật của Nhà nước. Chỉ tiêu kế hoạch được ghi riêng và thông báo thẳng cho chủ đầu tư cũng như các tổ chức thiết kế, thi công xây lắp.

Chỉ tiêu của công trình nào thì chỉ được dùng cho công trình đó.

b) Trường hợp thực hiện vượt kế hoạch, rút ngắn thời gian xây dựng thì chi nhánh Ngân hàng đầu tư và xây dựng thành phố có trách nhiệm tiếp tục cho vay và cấp vốn bổ sung, Ủy ban kế hoạch có trách nhiệm bổ sung chỉ tiêu vốn, vật tư, lao động v.v… cần thiết.

c) Ngay từ giai đọan chuẩn bị đầu tư, các cơ quan có trách nhiệm phải ưu tiên giải quyết các yêu cầu của cơ quan chủ quản đầu tư và chủ đầu tư trong việc điều tra, khảo sát, thu thập số liệu, tài liệu để, lập và trình duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật, thiết kế và dự toán cũng như các thủ tục cần thiết khác trước khi khởi công.

MỤC III. TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM

Điều 5. Tất cả các cơ quan có liên quan, tùy theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đều có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch đã ghi cho công trình trọng điểm để thực hiện cho được tiến độ xây dựng quy định.

Điều 6. Chủ đầu tư và các tổ chức nhận thầu thiết kế, thi công xây lắp, cung ứng có trách nhiệm

1/ Thực hiện đúng kế hoạch được giao và các hợp đồng kinh tế, chấp hành nghiêm chỉnh các chỉ thị, nghị quyết về công trình trọng điểm, quản lý chặt chẽ tiền vốn, lao động, vật tư, định mức, tiêu chuẩn, quy trình quy phạm về thiết kế, thi công, bảo đảm chất lượng và đưa công trình vào sử dụng đúng thời hạn.

2/ Thực hiện chế độ báo cáo thẳng lên văn phòng Uỷ ban Nhân dân thành phố, Ủy ban xây dựng cơ bản, Ủy ban kế hoạch, Ngân hàng đầu tư và xây dựng, Chi cục thống kê và sở chủ quản theo định kỳ 10 ngày, tháng, quý, 6 tháng, năm và báo cáo ngay khi có việc đột xuất. Nội dung báo cáo chủ yếu phản ảnh tình hình thực hiện tiến độ xây dựng và các vấn đề thuộc cấp trên phải giải quyết.

Điều 7. Các cơ quan quản lý cấp trên: chủ quản đầu tư, cơ quan cấp trên của các tổ chức khảo sát, thiết kế, chế tạo, cung ứng thiết bị, thi công xây lắp, vật tư, vận tải v.v… có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc định kỳ hàng tháng, quý hoặc đột xuất khi cần thíêt, để các tổ chức trực thuộc thực hiện nghiêm chỉnh kế hoạch và hợp đồng kinh tế theo đúng chế độ ưu tiên cho công trình trọng điểm.

Điều 8. Ủy ban kế hoạch thành phố có trách nhiệm:

1/ Ghi kế hoạch và lập danh mục công trình trọng điểm trình Ủy ban Nhân dân thành phố sau khi đã cùng với Ủy ban xây dựng cơ bản, chủ quản đầu tư, các ngành có lực lượng thiết kế, thi công, cung ứng vật tư thiết bị v.v… xem xét cân đối vững chắc và đã hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

2/ Cân đối thường xuyên và đồng bộ chỉ tiêu kế hoạch (kể cả chỉ tiêu bổ sung) theo đúng yêu cầu của việc thực hiện tổng tiến độ xây dựng.

Điều 9. Ủy ban xây dựng cơ bản có trách nhiệm:

- Hướng dẫn và xét duyệt kịp thời các thủ tục cấp đất, cấp giấy phép xây dựng, thiết kế, dự toán, định mức, đơn giá, kiểm tra việc quản lý chất lượng công trình, quản lý dự toán, quản lý kinh tế kỹ thuật trong xây dựng.

- Giúp Uỷ ban Nhân dân thành phố kiểm tra các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện những nhiệm vụ quy định trên đây, báo cáo và đề xuất ý kiến giải quyết những yêu cầu của công trường nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng.

Điều 10. Chi cục thống kê có trách nhiệm lập mẫu báo cáo riêng và báo cáo 15 ngày, tháng, quý, 6 tháng, năm về công trình trọng điểm gởi cho Ủy ban Nhân dân và các cơ quan quản lý tổng hợp thành phố.

Điều 11. Công an thành phố có trách nhiệm:

Tổ chức và chỉ đạo công tác bảo vệ các công trình trọng điểm.

Điều 12. Các ngành và quận huyện có liên quan có trách nhiệm:

- Chủ động giải quyết những công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình ; khi nhận được yêu cầu của công trình trọng điểm phải xem xét ngay trong ngày và có trách nhiệm giải quyết nhanh chóng.

- Đối với những vấn đề thuộc mình phụ trách mà không giải quyết được phải báo cáo trực tiếp lên cấp trên giải quyết.

MỤC IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 14. Các đồng chí Chánh Văn phòng Uỷ ban Nhân dân, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các quận huyện có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Danh