cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định 182/QĐ-UB năm 1978 quy định về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Vật giá thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu văn bản: 182/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 31-08-1978
  • Ngày có hiệu lực: 31-08-1978
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 11-11-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 7377 ngày (20 năm 2 tháng 17 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 11-11-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 11-11-1998, Quyết định 182/QĐ-UB năm 1978 quy định về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Vật giá thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 5986/QĐ-UB-NC ngày 11/11/1998 Bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 182/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 8 năm 1978

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN VẬT GIÁ THÀNH PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chánh các cấp ngày 27-10-1962;
Căn cứ nghị định số 24/CP ngày 2-2-1976 của Hội đồng Chính phủ ban hành bản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chánh quyền Nhà nước cấp tỉnh, thành phố trong lĩnh vực quản lý kinh tế;
Căn cứ vào điều lệ về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Vật giá Nhà nước (ban hành kèm theo nghị định số 14-CP ngày 13-1-1975 của Hội đồng Chính phủ) và thông tư hướng dẫn của Ủy ban Vật giá Nhà nước số 398/VGNN-TCCB ngày 12-7-1977 về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Căn cứ vào phương hướng nhiệm vụ cải tạo, xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa của thành phố;
Xét đề nghị của đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá và Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền thành phố,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban kèm theo quyết định này bản quy định về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Vật giá thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền, Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá thành phố, Giám đốc Sở Tài chánh và thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Chánh

 

QUY ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN VẬT GIÁ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 182/QĐ-UB ngày 31-8-1978  của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)

I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Điều 1. Ủy ban Vật giá là cơ quan chuyên môn của Ủy ban Nhân dân thành phố, chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân thành phố thống nhất quản lý giá cả ở thành phố. Ủy ban Vật giá thành phố vừa chịu sự lãnh đạo toàn diện của Ủy ban Nhân dân thành phố, vừa chịu sự lãnh đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Ủy ban Vật giá Nhà nước.

Ủy ban Vật giá thành phố được phép sử dụng con dấu và mở tài khoản ở Ngân hàng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 2. Ủy ban Vật giá thành phố có trách nhiệm giúp Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức thực hiện phương hướng, nhiệm vụ, phương châm, kế hoạch, chính sách giá cả, các chế độ, thể lệ quản lý giá do Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Vật giá Nhà nước và các ngành hữu quan ở trung ương ban hành, trên cơ sở đó quản lý công tác vật giá ở thành phố trong phạm vi trách nhiệm được trung ương phân cấp cho thành phố. Ủy ban Vật giá thành phố có những nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Nghiên cứu giúp Ủy ban Nhân dân thành phố tham gia ý kiến với Ủy ban Vật giá Nhà nước về phương hướng, nhiệm vụ, phương châm, kế hoạch, chính sách giá cả cụ thể đối với những mặt hàng thiết yếu và các chế độ, thể lệ quản lý giá có liên quan đến thành phố trước khi trình Hội đồng Chính phủ quyết định.

2. Hướng dẫn các ngành, các cấp nghiêm chỉnh thực hiện phương hướng, nhiệm vụ, phương châm, kế hoạch, chính sách giá cả, các hệ thống giá chỉ đạo của Nhà nước và các chế độ, thể lệ quản lý giá do Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Vật giá Nhà nước, các bộ, tổng cục hữu quan quy định.

3. Tổ chức xây dựng phương án giá các sản phẩm hàng hóa do địa phương sản xuất chưa có giá quy định, thuộc thẩm quyền của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Vật giá Nhà nước và các ngành trung ương quyết định, để Ủy ban Nhân dân thành phố trình lên Trung ương.

4. Hướng dẫn các ngành xây dựng phương án giá các sản phẩm hàng hóa thuộc quyền phân cấp cho địa phương để trình Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định.

5. Được Ủy ban Nhân dân thành phố ủy quyền quyết định giá một số sản phẩm hàng hóa được phân cấp cho địa phương theo những nguyên tắc, chính sách giá cả và hệ thống giá chỉ đạo của Nhà nước.

6. Tham gia với các ngành, các cấp ở địa phương về những biện pháp để đấu tranh ổn định thị trường, ổn định giá cả ở địa phương.

7. Tổ chức kiểm tra các cơ quan, các ngành, các cấp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh và sự nghiệp ở địa phương (kể cả các đơn vị thuộc các ngành ở trung ương đặt tại địa phương) trong việc chấp hành chánh sách giá cả, chế độ, thể lệ quản lý giá cả, các hệ thống giá chỉ đạo của Nhà nước; đề xuất với Ủy ban Nhân dân thành phố biện pháp xử lý những vụ vi phạm giá cả theo luật pháp của Nhà nước.

8. Hướng dẫn về nghiệp vụ giá cả cho các tổ chức làm giá ở các sở quản lý sản xuất, kinh doanh, các quận, huyện và các cơ sở.

9. Tham gia với Ủy ban Kế hoạch, Sở Tài chánh và sở quản lý sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn xí nghiệp xây dựng giá thành kế hoạch và phí lưu thông.

Tham gia với Chi cục Thống kê, Ủy ban Kế hoạch, Sở Tài chánh và các ngành hữu quan về phân tích hoạt động kinh tế, hoạt động của giá cả đối với sản xuất, lưu thông phân phối, đời sống và về việc thực hiện kế hoạch Nhà nước ở thành phố.

10. Cung cấp cho Chi cục Thống kê và các sở, ban, ngành, quận, huyện tình hình giá cả thị trường ở thành phố và được Chi cục Thống kê, sở, ban, ngành, các quận, huyện, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cung cấp thường xuyên những tài liệu về thông tin kinh tế, về giá thành, giá cả và các tài liệu có liên quan đến giá cả.

11. Chịu trách nhiệm về việc đào tạo cán bộ nghiệp vụ dưới bậc trung học và bồi dưỡng về chánh sách và nghiệp vụ giá cho cán bộ làm công tác giá của thành phố.

12. Quản lý về tổ chức cán bộ, biên chế, kinh phí và tài sản của Ủy ban Nhân dân thành phố theo chính sách và chế độ chung Nhà nước.

II. CƠ CẤU TỔ CHỨC

Điều 3. Ủy ban Vật giá thành phố làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với tập thể thảo luận, do một Chủ nhiệm chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân thành phố, lãnh đạo toàn bộ công tác của Ủy ban Vật giá.

Giúp Chủ nhiệm, có một số Phó Chủ nhiệm chuyên trách.

Chủ nhiệm quyết định các vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn do Ủy ban Nhân dân thành phố quy định ở điều 1 và điều 2 bản quy định này.

Các Phó Chủ nhiệm giúp Chủ nhiệm về phần công tác được phân công phụ trách. Phó Chủ nhiệm được quyền quyết định những vấn đề thuộc phạm vi được Chủ nhiệm ủy nhiệm giải quyết.

Trong các Phó Chủ nhiệm, có một Phó Chủ nhiệm thường trực. Ngoài phần công tác được phân công phụ trách, Phó Chủ nhiệm thường trực trực tiếp giúp Chủ nhiệm chỉ đạo, điều hòa phối hợp công việc chung của Ủy ban Vật giá, ký một số văn bản của Ủy ban Vật giá. Phó Chủ nhiệm thường trực giải quyết công việc thuộc quyền hạn của Chủ nhiệm khi Chủ nhiệm vắng mặt.

Điều 4. Bộ máy tổ chức của Ủy ban Vật giá thành phố gồm có:

1. Văn phòng (làm công tác hành chánh, quản trị, lao động tiền lương, tổ chức, tuyên huấn và đào tạo);

2. Phòng Tổng hợp vật giá;

3. Phòng thanh tra giá cả;

4. Phòng giá tư liệu sản xuất, cước vận tải và vật liệu xây dựng;

5. Phòng giá đối với công nghiệp và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp;

6. Phòng giá đối với đời sống.

Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá thành phố, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Vật giá nêu ở các điều 1 và 2 trên đây, có trách nhiệm ra văn bản, sau khi đã trao đổi nhứt trí với Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền, quy định nhiệm vụ cụ thể, chế độ, lề lối làm việc, mối quan hệ công tác của Văn phòng và các phòng nêu trên.

Biên chế lao động và quỹ tiền lương của cơ quan Ủy ban Vật giá thành phố được Ủy ban Nhân dân thành phố giao chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, trên nguyên tắc bộ máy tinh, gọn, có hiệu lực.

Điều 5. Ủy ban Vật giá thành phố có trách nhiệm cùng với các sở có quản lý sản xuất, kinh doanh, căn cứ vào khối lượng công tác giá cả của ngành để xây dựng tổ chức và bố trí cán bộ làm giá ở cơ quan và các tổ chức sản xuất, kinh doanh, nhằm bảo đảm tốt công tác giá cả của ngành.

Về cơ quan quản lý công tác giá cả ở quận, huyện, thi hành theo quyết định số 353/QĐ-UB ngày 23-3-1978 của Ủy ban Nhân dân thành phố về việc thành lập phòng Vật giá ở các quận, huyện.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 6. Các quy định của thành phố ban hành trước đây về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Vật giá thành phố trái với quy định này, nay bãi bỏ.

Việc thay đổi nhiệm vụ, quyền hạn và bộ máy tổ chức của Ủy ban Vật giá thành phố do Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định.

Bản quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.