cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định 169-CP năm 1977 về công tác điều tra và thống kê tình hình cơ bản về đất trong cả nước do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu văn bản: 169-CP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 24-06-1977
  • Ngày có hiệu lực: 09-07-1977
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-07-1991
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5108 ngày (13 năm 12 tháng 3 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 04-07-1991
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 04-07-1991, Quyết định 169-CP năm 1977 về công tác điều tra và thống kê tình hình cơ bản về đất trong cả nước do Hội đồng Chính phủ ban hành bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 207-HĐBT ngày 04/07/1991 của Hội đồng Bộ trưởng Huỷ bỏ các văn bản pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 169-CP

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 1977

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CÔNG TÁC ĐIỀU TRA VÀ THỐNG KÊ TÌNH HÌNH CƠ BẢN VỀ ĐẤT TRONG CẢ NƯỚC.

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cơ bản mà nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng đã đề ra đối với sản xuất nông, lâm nghiệp;
Căn cứ vào yêu cầu của công tác kế hoạch hóa và của việc tổ chức lại sản xuất nông, lâm nghiệp ở các cấp;
Căn cứ vào tình hình quản lý sử dụng đất và tình hình biến động của đất trong những năm qua :
Hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 09 tháng 06 năm 1977 sau khi nghe báo cáo của Tổng cục Thống kê và Bộ Nông nghiệp về tình hìnhh chuẩn bị cho công tác điều tra và thống kê tình hình cơ bản về đất trong cả nước.

QUYẾT ĐỊNH: 

Điều 1. _ Tiến hành công tác điều tra và thống kê tình hình cơ bản về đất trong cả nước trong năm 1977 và năm 1978, theo phương án của liên Bộ Nông nghiệp và Tổng cục Thống kê nhằm phục vụ kịp thời ngay cho công tác kế hoạch hóa, xây dựng kế hoạch 5 năm.

Những chỉ tiêu cơ bản và chủ yếu lần này cần thu nhập tổng hợp là :

1. Tổng diện tích các loại đất.

2. Diện tích các loại đất nông nghiệp (trong đó: diện tích đất trồng lúa, màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây công nghiệp dài ngày; đất để chăn nuôi; đất hồ ao nuôi cá).

3. Diện tích đất lâm nghiệp (trong đó: diện tích rừng gỗ quý, rừng dầy, rừng thưa, rừng đước, rừng tràm, đất đồi trọc).

4. Đất chuyên dùng.

5. Đất có khả năng nông nghiệp.

6. Đất có khả năng lâm nghiệp.

7. Các loại đất khác.

Về phương pháp tiến hành cần kết hợp 2 mặt :

a) Sử dụng tổng hợp những tài liệu ta đã có, trong đó có tài liệu đã nắm được qua việc nghiên cứu phân vùng kinh tế, làm quy hoạch thủy lợi; những bản đồ, ảnh chụp bằng máy bay, tài liệu của chế độ cũ để lại; những bản đồ, tài liệu do các ngành, các địa phương trong cả nước đang giữ…

b) Điều tra lại thực địa.

Điều 2. _ Lực lượng phụ trách công tác điều tra và thống kê tình hình cơ bản về đất trong cả nước bao gồm lực lượng của các ngành thống kê, nông nghiệp, lâm nghiệp, đo đạc bản đồ. Ở các tỉnh và thành phố thì huy động thêm lực lượng của hợp tác xã (ở phía Bắc) và lực lượng của nông hội (ở phía Nam).

Tùy theo yêu cầu và khả năng, có thể kết hợp sử dụng một số học sinh các trường đại học và trung cấp chuyên nghiệp mà nội dung học tập phù hợp với nội dung điều tra và học sinh các trường phổ thông, nhưng phải bố trí, sắp xếp cho khéo, không làm ảnh hưởng đến chương trình học tập của học sinh. Có thể huy động thêm một số học sinh đã tốt nghiệp lớp 10 (phía Bắc), lớp 12 (phía Nam) và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng dần thành lực lượng chuyên nghiệp.

Điều 3. _ Về đơn vị điều tra: lấy xã, hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh làm đơn vị điều tra; ở một số vùng chưa có xã hoặc địa giới hành chính xã chưa được xác định rõ thì huyện trực tiếp phụ trách. Ngoài ra, có thể có một vài nơi cấp tỉnh phải trực tiếp phụ trách.

Cần làm tốt công tác tổng hợp ở cấp huyện để phục vụ cho việc quy hoạch và tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện như nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng đã đề ra.

Điều 4. _ Về tổ chức chỉ đạo:

- Ở cấp trung ương: Tổng cục Thống kê, Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Cục đo đạc và bản đồ Nhà nước có trách nhiệm thường trực công tác điều tra và thống kê tình hình cơ bản về đất trong cả nước; Tổng cục Thống kê làm thường trực tổng hợp.

Phó thủ tướng Võ Chí Công thay mặt Thường vụ Hội đồng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo công tác này.

- Ở các cấp tỉnh, thành phố, huyện và xã sẽ do các ngành liên quan (tương tự như ở trung ương) phụ trách công tác điều tra và thống kê tình hình cơ bản về đất và do một phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, huyện hoặc xã trực tiếp chỉ đạo.

- Bộ Nông nghiệp (Vụ quản lý ruộng đất), Bộ Lâm nghiệp (Viện quy hoạch và đo đạc), Bộ Quốc phòng (Cục đo đạc quân đội) và Cục đo đạc và bản đồ Nhà nước cần có kế hoạch cụ thể hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác hoàn chỉnh bản đồ, tài liệu về ruộng đất, kể cả việc trích in ảnh chụp bằng máy bay, tính diện tích cho từng lô, thửa; đo đạc lại bằng phương pháp giản đơn số diện tích trong ảnh chụp chưa rõ và số diện tích từ trước tới nay chưa đo đạc. Tất cả các công việc trên cần hoàn thành xong trước ngày 30 tháng 09 năm 1977 ở các tỉnh phía Bắc và xong trước ngày 31 tháng 12 năm 1977 ở các tỉnh phía Nam.

- Tổng cục Thống kê và Bộ Nông nghiệp chịu trách nhiệm hướng dẫn, phổ biến, quán triệt toàn bộ nội dung và yêu cầu của việc điều tra này đến các ngành, các cấp; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ các cấp và số cán bộ trưng tập.

- Bộ Tài chính xem xét và cấp phát một số kinh phí cần thiết phải chi thêm cho công tác điều tra và thống kê tình hình cơ bản về đất theo tinh thần triệt để tiết kiệm, đồng thời có thông tư hướng dẫn kế hoạch chi tiêu về việc này cho các Sở, Ty tài chính.

- Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Văn hóa giải quyết giấy in, giao kế hoạch in cho một số xí nghiệp, bảo đảm in đủ số lượng biểu mẫu theo yêu cầu.

- Ban tổ chức của Chính phủ và Bộ Nội vụ có trách nhiệm xác định ranh giới địa lý hành chính ở những địa phương chưa làm xong.

- Các cơ quan báo chí, đài phát thanh có kế hoạch tuyên truyền giải thích rộng rãi để mọi người hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của công tác điều tra và thống kê tình hình cơ bản về đất trong cả nước, giải quyết thông suốt về tư tưởng và khắc phục những nhận thức không đúng đắn.

Điều 5. _ Các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn bộ công tác điều tra, và thống kê tình hình cơ bản về đất thuộc phạm vi cấp mình, kể từ lúc chuẩn bị cho đến khi kết thúc như huy động cán bộ các ngành tham gia, làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho cán bộ và nhân dân địa phương, giải quyết các phương tiện vật tư cần thiết, tạo điều kiện tiến hành nhanh, gọn, tốt cuộc điều tra và mức độ chính xác của số liệu trước cấp trên v.v…

Điều 6. _ Thời gian phải hoàn thành công tác điều tra và thống kê tình hình cơ bản về đất:

a) Các tỉnh phía Bắc kết thúc vào cuối tháng 4 năm 1978;

b) Các tỉnh phía Nam kết thúc vào cuối tháng 7 năm 1978;

c) Tổng cục Thống kê tổng hợp đầy đủ tài liệu, số liệu để báo cáo Hội đồng Chính phủ vào cuối năm 1978 và báo cáo kết quả sơ bộ vào cuối năm 1977 để kịp thời phục vụ ngay cho việc xây dựng kế hoạch Nhà nước 5 năm 1976-1980.

Điều 7. _ Đồng chí Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, các đồng chí Thủ trưởng Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Tổng cục Thống kê, Cục đo đạc và bản đồ Nhà nước. Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Ban tổ chức của Chính phủ, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

T.M HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ.
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng.