cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định 121-TTg năm 1972 về việc thành lập ban tuyển sinh trung ương do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu văn bản: 121-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 26-04-1972
  • Ngày có hiệu lực: 11-05-1972
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-07-1991
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 6993 ngày (19 năm 1 tháng 28 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 04-07-1991
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 04-07-1991, Quyết định 121-TTg năm 1972 về việc thành lập ban tuyển sinh trung ương do Thủ tướng Chính phủ ban hành bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 207-HĐBT ngày 04/07/1991 của Hội đồng Bộ trưởng Huỷ bỏ các văn bản pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 121-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 1972

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN TUYỂN SINH TRUNG ƯƠNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào quyết định số 68-TTg ngày 06-3-1971 về việc tăng cường lãnh đạo công tác tuyển sinh vào các trường đại học;
Theo đề nghị của đồng chí Bộ Trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. – Thành lập Ban tuyển sinh trung ương, gồm thành phần như sau:

Trưởng ban: Bộ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp;

Các ủy viên:

- Thứ trưởng Bộ Giáo dục,

- Thứ trưởng Bộ lao động,

- Đại diện Ủy ban Dân tộc trung ương

- Đại diện Ủy ban Thống nhất trung ương,

- Đại diện Tổng công đoàn Việt Nam,

- Đại diện Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh.

Khi giải quyết những vấn đề về tuyển sinh có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ quốc phòng và Bộ nội vụ, Ban tuyển sinh trung ương có trách nhiệm mời đại diện của hai Bộ đó đến họp bàn.

Điều 2. – Nhiệm vụ của Ban tuyển sinh trung ương là căn cứ vào đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác tuyển sinh và đào tạo cán bộ, giúp Chính phủ chỉ đạo cộng tác tuyển sinh vào các trường đại học trong nước và gửi đi học nước ngoài.

Cụ thể là:

1.- Giúp Chính phủ chỉ đạo các nghành có liên quan và các địa phương trong việc tiến hành tốt công tác tuyển sinh vào các trường đại học và gửi đi học ở nước ngoài và trong việc phối hợp công tác này với công tác tuyển quân, công tác tuyển sinh vào các trường đào tạo công nhân kỹ thuật, nhằm bảo đảm thực hiện đúng đắn đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác tuyển sinh.

2.- Tham gia ý kiến với Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp trong các công tác: quản lý các nguồn thuộc đối tượng tuyển sinh vào Đại học; xây dựng quy chế tuyển sinh và kiến nghị với Chính phủ những chế độ, chính sách cụ thể về công tác tuyển sinh; chuẩn bị và tổ chức thi tuyển; phân phối học sinh đã trúng tuyển vào các trường đại học trong nước và gửi đi học ở nước ngoài; xét duyệt số học sinh được tuyển vào các lớp dự bị đại học.

3.- Cùng với Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp theo dõi và đôn đốc việc thực hiện công tác tuyển sinh ở các ngành, các cấp, sơ kết và tổng kết công tác tuyển sinh .

Điều 3. – Việc phân công, phân nhiệm và lề lối làm việc cụ thể của Ban tuyển sinh trung ương sẽ do Ban tập thể bàn bạc và quyết định.

Điều 4. - Các đồng chí Thủ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục, Bộ lao động, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc trung ương, Ủy ban thống nhất trung ương, cơ quan lãnh đạo Tổng công đoàn Việt Nam và Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG



Lê Thanh Nghị