cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 96-CT ngày 28/03/1987 Đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản, hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1987 và kế hoạch 5 năm 1986-1990 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 96-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Ngày ban hành: 28-03-1987
  • Ngày có hiệu lực: 12-04-1987
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-07-1991
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1544 ngày (4 năm 2 tháng 24 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 04-07-1991
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 04-07-1991, Chỉ thị số 96-CT ngày 28/03/1987 Đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản, hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1987 và kế hoạch 5 năm 1986-1990 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 207-HĐBT ngày 04/07/1991 của Hội đồng Bộ trưởng Huỷ bỏ các văn bản pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 96-CT

Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 1987

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT, XUẤT KHẨU THUỶ SẢN, PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH VƯỢT MỨC KẾ HOẠCH NĂM 1987 VÀ KẾ HOẠCH 5 NĂM 1986 - 1990

Thuỷ sản là một thế mạnh của nước ta. Trong những năm gần đây, ngành thuỷ sản đã có nhiều cố gắng về khai thác cá biển, nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt, nước lợ, về thu mua, chế biến, cung ứng sản phẩm thuỷ sản cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, ngăn chặn được sự sa sút và đã bước đầu tạo được thế đi lên. Nhưng so với khả năng và yêu cầu thì những kết quả đạt được là còn thấp, nhất là về nuôi trồng thuỷ sản.

Để phát huy thế mạnh của ngành thuỷ sản, làm cho ngành thuỷ sản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đắc lực vào việc thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn do Đại hội Đảng lần thứ VI đề ra. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị Bộ Thuỷ sản, các ngành có liên quan và Uỷ ban Nhân dân các cấp thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:

1. Có kế hoạch, biện pháp cụ thể đẩy mạnh việc nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt và nước lợ, làm cho sản lượng nuôi trồng ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng sản lượng thuỷ sản của đất nước. Phải có chính sách thiết thực huy động cả 5 thành phần kinh tế tham gia tích cực vào việc nuôi trồng thuỷ sản. Tất cả các diện tích mặt nước có thể nuôi trồng thuỷ sản đều phải được sử dụng hết, không được bỏ trống, dù nhỏ.

Tập trung đầu tư chiều sâu để khai thác tốt năng lực hiện có của nghề khai thác hải sản, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của nghề khai thác hải sản. Đi đôi, phải tăng cường công tác nghiên cứu nguồn lợi và bảo vệ tốt nguồn lợi của biển, làm cho nguồn lợi của biển chẳng những không giảm mà ngày càng phong phú thêm.

Nhanh chóng làm tốt công tác tổ chức lại sản xuất trên các ngư trường. Trước mắt, trong năm 1987, Bộ Thuỷ sản và Uỷ ban Nhân dân hai tỉnh Kiên Giang, Minh Hải tổ chức lại sản xuất ngay ở ngư trường Tây Nam bộ và trên cơ sở đó mở rộng việc tổ chức lại sản xuất ở các ngư trường khác vào các năm tiếp theo.

Về xuất khẩu, toàn ngành phải phấn đấu thực hiện vượt mức kim ngạch xuất khẩu năm 1987 và 5 năm 1986 - 1990. Thực hiện kết hối ngoại tệ cho Trung ương bình quân 40% số ngoại tệ xuất khẩu thuỷ sản. Riêng đối với các mặt hàng đặc sản gồm tôm, mực, yến sào, điệp, vây, bóng cá... kết hối 45%; các mặt hàng về cá 10%; các mặt hàng vay vốn nước ngoài trong thời gian còn trả nợ kết hối 20%; các mặt hàng mới sản xuất và xuất thử như rong câu... được miễn kết hối. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ nạp kết hối cho Trung ương, số ngoại tệ còn lại phải để cho ngành thuỷ sản đầu tư tái sản xuất mở rộng. Số ngoại tệ kết hối cho Trung ương được Trung ương trả lại tiền Việt Nam với một tỷ giá thoả đáng, không những bảo đảm cho ngành thuỷ sản không bị lỗ mà còn có lãi thích đáng.

Để bảo đảm thực hiện được nhiệm vụ và quản lý xuất khẩu, từ nay các địa phương và các ngành có sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu đều tập trung giao Công ty Xuất khẩu thuỷ sản Trung ương (Seaprodex) xuất, kể cả sản phẩm ngoài kế hoạch. Công ty Xuất khẩu thuỷ sản Trung ương có trách nhiệm giải quyết thoả đáng lợi ích cho các địa phương theo quy định của Hội đồng quản trị xuất, nhập khẩu thuỷ sản Trung ương căn cứ theo chính sách của Nhà nước. Hội đồng quản trị xuất, nhập khẩu thuỷ sản do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định thành lập (sẽ có quy định riêng).

Đẩy mạnh việc nuôi trồng và khai thác các loại thuỷ sản xuất khẩu, đặc biệt là đối với tôm. Phải coi việc nuôi trồng và khai thác thuỷ sản xuất khẩu là một nhiệm vụ chiến lược của ngành, vừa để thúc đẩy nghề cá phát triển, vừa đóng góp xứng đáng cho Nhà nước và phục vụ đời sống ngư dân.

Đồng thời với sản xuất, phải tăng cường công tác thu mua, nắm nguồn hàng, chế biến, bảo quản nhằm cung ứng tốt sản phẩm thuỷ sản cho tiêu dùng nội địa và tăng nhanh sản lượng, chất lượng mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu.

2. Để bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ nói trên, cần từng bước ổn định nhiệm vụ và tổ chức của ngành thuỷ sản. Về nhiệm vụ ngành thuỷ sản phải tiếp tục thực hiện quản lý thống nhất các khâu từ khai thác hải sản, nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt và nược lợ đến thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nội địa, cung ứng dịch vụ cho nghề cá và xuất khẩu thuỷ sản theo các quy định hiện hành.

Về tổ chức, phải từng bước sắp xếp lại theo hướng phân biệt quản lý hành chính Nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh. Trước mắt, các tỉnh ven biển cần kiện toàn các Sở Thuỷ sản tỉnh và các Ban Thuỷ sản huyện, bảo đảm đủ sức quản lý, chỉ đạo nghề cá ở địa phương nhưng không được tăng biên chế. Đối với các tỉnh nội địa, nơi nào có sản lượng lớn và đã thành lập Sở Thuỷ sản cần tiếp tục duy trì, còn những tỉnh khác, tuỳ tình hình cụ thể, có thể tổ chức Phòng Thuỷ sản hoặc tổ chuyên viên thuỷ sản đặt trong Sở Nông nghiệp (nhưng việc nuôi trồng thuỷ sản vẫn do Bộ Thuỷ sản quản lý). ở huyện, có tổ chuyên viên thuỷ sản trực thuộc Uỷ ban Nhân dân huyện.

Biên chế cán bộ từ cơ quan Bộ đến các tỉnh, huyện phải rất gọn nhẹ, có hiệu lực và hiệu quả thiết thực. Phải tinh giản mạnh bộ máy quản lý Nhà nước, hạ thấp tỷ lệ gián tiếp ở tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh.

3. Nghiên cứu sắp xếp lại các tổ chức sản xuất - kinh doanh, nhằm gắn liền các khâu sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ và gắn liền với từng ngư trường: Các tổ chức sản xuất - kinh doanh phải chuyển mạnh sang hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

Tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải tạo và tổ chức lại nghề cá nhân dân.

Ngân hàng Nhà nước xúc tiến nhanh việc thành lập Ngân hàng chuyên doanh thuỷ sản nhằm bảo đảm nguồn vốn cho ngành thuỷ sản nói chung và ngành xuất khẩu thuỷ sản nói riêng hoạt động có hiệu quả.

Bộ Thuỷ sản cùng các ngành có liên quan và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm cụ thể hoá, hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)