Chỉ thị số 291-TTg ngày 24/10/1980 Về đẩy mạnh đánh bắt, thu mua, chế biến và vận chuyển hải sản cung cấp cho cán bộ, công nhân, viên chức (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 291-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Ngày ban hành: 24-10-1980
- Ngày có hiệu lực: 08-11-1980
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-07-1991
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3890 ngày (10 năm 8 tháng 0 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 04-07-1991
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 291-TTg | Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 1980 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH ĐÁNH BẮT, THU MUA, CHẾ BIẾN VÀ VẬN CHUYỂN HẢI SẢN CUNG CẤP CHO CÁN BỘ,CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC
Thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Quyết định của Hội đồng Chính phủ về việc bảo đảm cung cấp phục vụ đời sống cho bộ đội, công nhân, viên chức, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Hải sản và các Bộ, các ngành, các địa phương có liên quan làm tốt những việc sau đây.
1. Ngay từ quý IV năm 1980 ngành hải sản cần phấn đấu bảo đảm thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu kế hoạch và tiêu chuẩn phân phối mà Chính phủ đã quy định. Cung cấp hải sản cho quân đội, công nhân, viên chức ở các thành phố lớn và khu công nghiệp tập trung.
Bộ Hải sản cần tập trung củng cố ngay các xí nghiệp quốc doanh đánh cá, thực hiện tốt kế hoạch hợp tác đánh cá với Liên Xô và chỉ đạo chặt chẽ các công ty hải sản các tỉnh trọng điểm tăng cường khai thác, thu mua hải sản tươi và chế biến để đảm bảo cung cấp hải sản cho xuất khẩu, cho nhu cầu tiêu dùng của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, một số khu công nghiệp lớn và quân đội.
Đối với các tỉnh khác, Bộ Hải sản cần chỉ đạo và giúp đỡ các công ty hải sản đẩy mạnh đánh bắt, thu mua và chế biến để bảo đảm cung cấp cho nhu cầu địa phương, kể cả các cơ quan Trung ương đóng ở địa phương và giao nộp một phần sản phẩm cho Trung ương theo kế hoạch đã định. Trong các tỉnh này, cần tăng cường lực lượng đánh bắt và chế biến cho các khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng để đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu cung ứng hải sản cho công nhân, viên chức các khu công nghiệp ở địa phương. Đối với thành phố Hồ Chí Minh, ngoài nguồn cá, nước mắm điều từ các tỉnh khác về. Bộ Hải sản cần giúp thành phố tăng cường lực lượng đánh bắt của địa phương để tự giải quyết phần lớn nhu cầu của mình.
2. Để thực hiện nhiệm vụ trên đây, ngành hải sản có trách nhiệm tổ chức và quản lý toàn diện từ khâu đánh bắt đến thu mua, chế biến và vận chuyển hải sản đến các nhà ga, bến cảng thuận tiện nhất để giao cho ngành nội thương tổ chức phân phối, bán lẻ. Riêng đối với quân đội và Hà Nội, Bộ Hải sản căn cứ vào kế hoạch phân phối hải sản của Nhà nước để ký hợp đồng giao, nhận trực tiếp, không qua cấp I nội thương. Đối với những nơi sản xuất lẻ tẻ, ngành hải sản chưa vươn tới để thu mua được hết sản phẩm, có thể uỷ thác cho cơ quan thương nghiệp địa phương thu mua, chế biến phục vụ nhu cầu ở địa phương.
3. Để tập trung thống nhất quản lý vật tư và thống nhất thu mua nắm nguồn hàng hải sản, ngành hải sản được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, phân phối toàn bộ vật tư cần thiết cho nghề cá như xăng dầu, dây, lưới sợi, máy thuỷ, phụ tùng máy thuỷ, gỗ đóng và sửa chữa tàu thuyền đánh cá, vải buồm, v.v... Hàng năm và hàng quý, Bộ Hải sản lập kế hoạch vật tư đi đôi với kế hoạch đánh bắt, thu mua chế biến và vận chuyển hải sản của toàn ngành. Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch được Nhà nước giao, các ngành có liên quan có trách nhiệm cung ứng các loại vật tư cho Bộ Hải sản để phân phối theo kế hoạch cho các xí nghiệp, các công ty hải sản Trung ương và địa phương để cung ứng cho các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và ngư dân theo hợp đồng hai chiều, bảo đảm thu hồi đủ số sản phẩm tương ứng với số vật tư Nhà nước phân phối.
Đối với việc cung ứng lương thực và các mặt hàng công nghệ tiêu dùng khác cho ngư dân, ngành hải sản căn cứ vào chính sách, tiêu chuẩn của Nhà nước, đồng thời căn cứ vào hợp đồng hai chiều để xây dựng chỉ tiêu kế hoạch cung ứng đề nghị Chính phủ xét duyệt. Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch phân phối của Nhà nước, ngành hải sản chủ động phối hợp với các ngành lương thực, nội thương tổ chức tốt việc cung ứng hàng hoá cho xí nghiệp quốc doanh cũng như cho các đơn vị sản xuất tập thể và ngư dân cá thể có quan hệ hợp đồng hai chiều với Nhà nước ở từng địa phương.
4. Bộ Hải sản cần có kế hoạch đầu tư cho toàn ngành về xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các tổ chức cung ứng vật tư nghề cá, thu mua và chế biến, vận chuyển hải sản. Từ 1981 trở đi, Bộ Hải sản cần có kế hoạch tổ chức lực lượng vận tải chủ lực của ngành bao gồm cả phương tiện cơ giới và thủ công (ghe, mành) để sớm tự đảm nhận lấy việc vận chuyển phần lớn cá, nước mắm từ Nam ra Bắc. Trước mắt, Bộ Hải sản cần phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội thương để vận chuyển hải sản từ miền Nam ra cung ứng cho quân đội, cho công nhân, viên chức ở Hà Nội và khu công nghiệp miền Bắc.
Bộ Hải sản, Bộ Nội thương và các Bộ, các ngành, các địa phương có liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị này.
| Tố Hữu (Đã ký) |