cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 111/CT-UB ngày 23/08/1979 Về đẩy mạnh cuộc vận động thực hiện trật tự vệ sinh đảm bảo an toàn giao thông, xây dựng nếp sống mới do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 111/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 23-08-1979
  • Ngày có hiệu lực: 23-08-1979
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 11-11-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 7020 ngày (19 năm 2 tháng 25 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 11-11-1998
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 11-11-1998, Chỉ thị số 111/CT-UB ngày 23/08/1979 Về đẩy mạnh cuộc vận động thực hiện trật tự vệ sinh đảm bảo an toàn giao thông, xây dựng nếp sống mới do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 5985/QĐ-UB-NC ngày 11/11/1998 Bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý đô thị ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 111/CT-UB

 Tp. Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 08 năm 1979

 

CHỈ THỊ

ĐẨY MẠNH CUỘC VẬN ĐỘNG THỰC HIỆN TRẬT TỰ VỆ SINH ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG, XÂY DỰNG NẾP SỐNG MỚI

Ủy ban nhân dân thành phố phát động đợt “cuộc vận động thực hiện trật tự vệ sinh, đảm bảo an toàn giao thông và xây dựng nếp sống mới”, nhằm 4 nội dung và yêu cầu sau đây :

1. Nghiêm chỉnh chấp hành các quy tắc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của thành phố ;

2. Tiếp tục giải tỏa lòng đường, lề đường, gỡ bỏ tất cả vật chướng ngại cũ và mới làm cản trở việc lưu thông công cộng ; gỡ và xóa bỏ hết những bảng hiệu, bảng quảng cáo và khẩu hiệu không còn thích hợp về nội dung cũng như về hình thức ;

3. Động viên toàn dân tham gia giữ gìn mỹ quan của thành phố ; xây dựng nề nếp toàn dân tham gia làm vệ sinh hàng tuần ở đường phố, nhà ở, cơ quan, xí nghiệp, trường học ;

4. Xây dựng thái độ và hành vi văn minh, lịch sự tại các nơi công cộng ; đặc biệt tôn trọng trật tự, kỷ luật ở các bến xe, bến cảng, chợ, rạp hát, công viên.

Để làm tốt đợt vận động này, cần thực hiện tốt các yêu cầu sau đây về mặt chỉ đạo :

1. Các cấp chánh quyền phải thực hiện sự chỉ đạo phong trào, tranh thủ sự phối hợp chặt chẽ của các ngành và đoàn thể địa phương, Chánh quyền quận, huyện, phường, xã, phải thực sự phát huy hiệu lực quản lý Nhà nước, gắn liền việc động viên, giáo dục, thuyết phục với biện pháp xử lý thích đáng theo luật pháp.

2. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cần được tiến hành sâu rộng và liên tục trong nhân dân, trước hết là trong cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, lực lượng võ trang, sinh viên học sinh, hội viên các tổ chức, đoàn thể, và phải nhằm xây dựng nhận thức sau đây :

- Đợt vận động này, cũng như toàn bộ cuộc vận động, chẳng những nhằm đáp ứng đòi hỏi bức thiết của thành phố trong tình hình mới, mà còn vì lợi ích thiết thân về cuộc sống và lao động của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức, đơn vị cơ sở.

- Thực chất đây là một cuộc đấu tranh gây gắt giữa cái cũ và cái mới, một bộ phận của cuộc cách mạng văn hóa và tư tưởng, đòi hỏi phải làm bền bỉ, liên tục, kết hợp nhiều biện pháp, và không được một lúc nào lơi lỏng, hễ lơi lỏng thì lại phải tốn công sức gấp bội xây dựng lại từ đầu.

3. Phải thực sự đưa phong trào xuống quần chúng ở cơ sở, cổ vũ ý thức về quyền làm chủ tập thể của quần chúng ; thường xuyên kiểm tra, rút kinh nghiệm, phát huy những điển hình tiên tiến, đồng thời kịp thời phát hiện sơ hở, thiếu sót để khắc phục.

II

Đợt vận động này chia làm nhiều bước. Bước 1 tiến hành từ 18/8 đến 25-9-1979. (Các bước kế tiếp sẽ được thông báo sau). Sau đây là một số việc trước mắt cần làm :

1. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã xây dựng kế hoạch vận động đợt 4 trên cơ sở sơ kết 3 đợt vận động trước đây, nêu rõ những kết quả đạt được, những công viên còn phải làm, có phân tích nguyên nhân, biểu dương điển hình tốt, rút kinh nghiệm những việc làm chưa tốt, đề ra biện pháp thích hợp với địa phương, cơ sở mình.

Các ban, ngành, sở của thành phố và cơ quan cấp Trung ương tại thành phố đều phải có kế hoạch cụ thể hưởng ứng đợt vận động, đặc biệt theo dõi, đôn đốc các đơn vị cơ sở trực thuộc nghiêm chỉnh thực hiện các yêu cầu của đợt vận động, nhứt là các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp xúc với dân chúng.

Các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Công đoàn, Mặt trận và các cơ quan báo chí, đài truyền thanh, đài truyền hình, văn hóa thông tin cần có kế hoạch triển khai tốt 4 nội dung của cuộc vận động theo chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm hỗ trợ đắc lực cho các quận, huyện, phường, xã.

2. Đảm bảo trật tự giao thông trên những đường chính và qua các nơi đông người như bến xe, bến cảng, trước chợ, rạp hát, trường học. Tăng cường công tác giáo dục luật lệ giao thông và qua lại trên đường đối với những người đi xe đạp, đi bộ và xử lý thích đáng những trường hợp vi phạm luật lệ giao thông, nhất là đối với những phần tử lưu manh, ngang bướng.

3. Giải tỏa các lòng lề đường ; trước hết là trên 6 trục lộ chính : Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cách Mạng Tháng Tám, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ.

4. Quy định những tuyến đường giờ giấc, cấm một số loại xe đi lại như xe vận tải nặng, xe ba bánh xịt khối (Sở Công an và Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm).

5. Sắp xếp lại việc buôn bán trên lề đường ở những nơi đã được quy định trong từng quận, huyện, phường ; kiên quyết gom những người bán sách trên vỉa hè vào những nơi quy định để tiện cho việc kiểm soát, nghiêm cấm việc bán sách báo phản động, đồi trụy (sử dụng biện pháp tịch thu, xử phạt).

6. Quy định thời gian trước 31/8 cho gỡ, xóa bỏ những biển hiệu không thích hợp, những khẩu hiệu, những bảng quảng cáo không còn thích hợp. Không để phơi phóng quần áo ở mặt nhà trông ra đường, nhất là trên những đường phố chính.

7. Vệ sinh công cộng : Bố trí sọt rác, quy định giờ, nơi đổ rác và nghiêm cấm việc đổ rác bừa bãi ngoài nơi và giờ đã được quy định, nhất là trên những đường chính, nơi đông người qua lại.

Có những quy định cụ thể đồng thời xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo vệ sinh ở bến xe, cảng, chợ, rạp hát, công viên...

Làm thêm hố xí công cộng (lưu động hoặc cố định). Sở Quản lý công trình công cộng có trách nhiệm giúp các quận nội thành như quận 1, quận 5, quận 6 làm công trình này nhiều đợt, một đợt trước 2/9, một đợt trước 31/12.

8. Có kế hoạch gom những người sống lang thang ở vỉa hè và công viên. Trước 2/9 giải quyết xong số người ở trên vỉa hè và công viên dọc theo con đường 30/4, Đồng Khởi, Bến Bạch Đằng, Lê Lợi, Lý Tự Trọng.

9. Có kế hoạch giải quyết chợ trời, trước mắt giải tán các nhóm chợ trời trên các đường chính, ở hai bên đầu cầu (như Cầu Bông giáp ranh giữa quận 1 và quận Bình Thạnh).

Xử lý các ổ xì ke ma túy, đĩ điếm, cờ bạc, bói toán.

10. Xây dựng nếp sống văn minh lành mạnh ở nơi công cộng có trật tự vệ sinh, đối xử lễ phép tại các bến xe, bến cảng, trên xe, rạp hát, chợ, nơi ăn uống, công viên...

Về tổ chức thực hiện :

1. Ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp chỉ đạo vận động nơi nào đã lập ban chỉ đạo thì vẫn duy trì như một hình thức làm việc phối hợp, nhưng phải do Ủy ban nhân dân chủ trì).

Ở cấp thành, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Quang Chánh được phân công đặc trách, có sự tham mưu thường xuyên của Sở văn Hóa và thông tin, Sở Công an, Ban cải tạo thành phố, và có sự phối hợp của các ngành, đoàn thể thành phố.

Ở cấp quận, huyện, phường, xã, Ủy ban nhân dân phân công một đồng chí Phó Chủ tịch trực tiếp phụ trách, có sự tham mưu và sự phối hợp của các ngành đoàn thể ở cấp thành. Các đồng chí Phó Chủ tịch này chủ trì kế hoạch vận động, tổ chức sự phối hợp giữa các lực lượng ở địa phương, tổ chức kiểm tra, sơ kết, báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp mình và Ủy ban nhân dân cấp trên.

- Các cán bộ, nhân viên của các ngành, đoàn thể ở cấp nào được sử dụng vào công tác kiểm tra (thường xuyên hoặc đột xuất) đều được coi là kiểm tra viên của Ủy ban nhân dân cấp đó, được Ủy ban nhân dân cấp đó cấp giấy giới thiệu công tác kiểm tra phong trào tại địa phương.

2. Các cơ quan chức năng ở cấp thành, quận, huyện, vừa có trách nhiệm tiến hành cuộc vận động ở cấp mình, vừa có trách nhiệm hỗ trợ về mọi mặt cuộc vận động ở cấp dưới.

3. Hết sức coi trọng công tác tuyên truyền động viên. Cần vận dụng tổng hợp các lực lượng văn hóa thông tin kết hợp với lực lượng vận động của mặt trận, các đoàn thể Công đoàn, Nông hội, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ và ngành Giáo dục cần tích cực phối hợp, trong cuộc vận động này vì đây cũng làm một mặt xây dựng con người mới cho đoàn thể và ngành mình.

Nhận được chỉ thị này, các cấp, các ngành cần có kế hoạch triển khai và báo cáo cho Ủy ban nhân dân thành phố.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Chánh