cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 16-BYT/TT ngày 26/06/1978 Về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác giám định y khoa (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 16-BYT/TT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Bộ Y tế
  • Ngày ban hành: 26-06-1978
  • Ngày có hiệu lực: 11-07-1978
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-08-1999
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 7715 ngày (21 năm 1 tháng 20 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 25-08-1999
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 25-08-1999, Chỉ thị số 16-BYT/TT ngày 26/06/1978 Về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác giám định y khoa (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 2398/QĐ-BYT ngày 10/08/1999 của Bộ trưởng Bộ Y tế Bãi bỏ 120 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-BYT/TT

Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 1978 

                                                             

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC GIÁM ĐỊNH Y KHOA

Công tác giám định y khoa là công tác phục vụ cho việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, công nhân, thương bệnh binh khi bị ốm đau, mất sức lao động, bị thương, bị tai nạn lao động. Trong những năm gần đây công tác giám định y khoa đã được các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương quan tâm chú ý, tạo điều kiện cho các Hội đồng giám định y khoa hoạt động được tốt.

Ở các tỉnh phía Nam, Hội đồng giám định y khoa hầu hết đã được nhanh chóng thành lập và bước đầu hoạt động đi vào nề nếp. Việc giám định khả năng lao động, khám xếp hạng thương tật cho cán bộ, công nhân, thương bệnh binh và những đối tượng hướng các chính sách như thương binh ở các địa phương đã được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, bước đầu tham gia vào việc sắp xếp bố trí lực lượng sản xuất ở các xí nghiệp, công trường và các cơ quan nhà nước.

Bên cạnh những ưu điểm trên, công tác giám định y khoa vẫn còn một số tồn tại.

- Hội đồng giám định y khoa ở một số địa phương vẫn chưa được tổ chức kiện toàn một cách đầy dủ theo tinh thần thông tư số 377-TT/LB ngày 21/3/1977 của liên Bộ Y tế – Thương binh và xã hội.

- Biên chế chuyên trách của các Hội đồng giám định y khoa chưa được bổ sung tăng cường theo quy định chung. Phòng giám định y khoa ở tỉnh, thành phố và tổ giám định y khoa ở huyện thì hầu hết chưa được thành lập.

- Một số Hội đồng giám định y khoa khám xét còn sơ sài, thiếu khách quan, còn có hiện tượng khoán trắng việc khám xét cho đồng chí thường trực của Hội đồng giám định y khoa. Do vậy đã gây nên cho cán bộ, công nhân, thương bệnh binh thắc mắc, khiếu nại, thiếu tin tưởng ở Hội đồng.

Để đẩy mạnh công tác này hơn nữa, và để phục vụ tốt việc thực hiện các chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, công nhân, thương bệnh binh khi ốm đau, mất sức lao động, bị thuơng, bị tai nạn lao động… Bộ đề nghị các Sở, Ty y tế, Hội đồng giám định y khoa các ngành, các cấp làm một số việc sau đây:

I. KIỆN TOÀN CỦNG CỐ TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỊNH Y KHOA

1. Ở những nơi Hội đồng giám định y khoa chưa được tổ chức kiện toàn theo tinh thần thông tư số 377-TT/LB ngày 21/3/1977 của liên Bộ Y tế – Thương binh và xã hội, cần được tổ chức kiện toàn Hội đồng giám định y khoa ngay theo đúng tinh thần thông tư trên.

2. Cho thành lập phòng giám định y khoa tỉnh, thành phố để làm thường trực cho Hội đồng giám định y khoa và quản lý các mặt công tác giám định y khoa của địa phương.

3. Ở những địa phương có đủ điều kiện thành lập tổ chức giám định y khoa huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, khu phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương cho thành lập tổ giám định y khoa làm nhiệm vụ giám định cho cán bộ, công nhân, thương bệnh binh thuộc huyện, thị mình.

II. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KHÁM GIÁM ĐỊNH Y KHOA

1. Chọn các bác sĩ, y sĩ phụ trách các chuyên khoa của tỉnh có đạo đức tốt, có khả năng chuyên môn kỹ thuật làm giám định viên chuyên khoa cho Hội đồng để mỗi khi Hội đồng cần tham khảo ý kiến chuyên khoa được trả lời nhanh chóng kịp thời phục vụ tốt cho công việc khám xét của Hội đồng.

2. Việc khám, lập hồ sơ cho các đối tượng cần ra Hội đồng giám định y khoa phải được tiến hành khám xét cẩn thận, tỷ mỷ, toàn diện, cần kết hợp chặt chẽ với cơ quan thương binh xã hội của địa phương có tham khảo ý kiến y tế cơ quan và cơ quan quản lý đương sự để khi đưa ra Hội đồng đánh giá được toàn diện, khách quan.

3. Các buổi họp của Hội đồng giám định y khoa để giám định cho các đối tượng phải được tiến hành tập thể dân chủ. Mỗi buổi họp phải có hai phần ba (2/3) ủy viên chính thức của Hội đồng, ít nhất phải có 2 ủy viên chuyên môn, Chủ tịch và các phó chủ tịch Hội đồng giám định y khoa cần được sắp xếp thời gian luân phiên điều khiển các buổi họp Hội đồng, tránh hiện tượng chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng chỉ ký biên bản giám định mà không dự họp với Hội đồng, giám định vắng mặt đương sự hay giám định trên cơ sở bệnh lịch.

4. Để tạo điều kiện cho Hội đồng giám định y khoa hoạt động có chất lượng, các Sở, Ty y tế cần dành nơi làm  trụ sở thường trực. Trang bị y dụng cụ cần thiết và các dụng cụ thông thường khác phục vụ cho nhu cầu công tác chuyên môn. Hàng năm, lập dự trù và sử dụng thích đáng kinh phí giám định y khoa theo tinh thần thông tư số 09-TT/LB ngày 13/4/1977 của liên Bộ Y tế – Tài chính đã ban hành.

Trên đây là một số điểm Bộ nêu lên để các Sở, Ty y tế, Hội đồng giám định y khoa các ngành, các cấp vận dụng vào tình hình thực tế hoàn cảnh địa phương mình, nhằm mục đích củng cố kiện toàn Hội đồng giám định y khoa và nâng cao chất lượng công tác này hơn nữa. Trong quá trình thực hiện, có khó khăn gì, đề nghị báo cáo về Bộ để giải quyết kịp thời.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

 

 

 

Bác sĩ Vũ Văn Cẩn