cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 64-TTg/VG ngày 31/05/1965 Về xây dựng và mở rộng hệ thống trường thanh niên dân tộc (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 64-TTg/VG
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 31-05-1965
  • Ngày có hiệu lực: 31-05-1965
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-07-1991
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 9530 ngày (26 năm 1 tháng 10 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 04-07-1991
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 04-07-1991, Chỉ thị số 64-TTg/VG ngày 31/05/1965 Về xây dựng và mở rộng hệ thống trường thanh niên dân tộc (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 207-HĐBT ngày 04/07/1991 của Hội đồng Bộ trưởng Huỷ bỏ các văn bản pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 64-TTg/VG

Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 1965

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG VÀ MỞ RỘNG HỆ THỐNG TRƯỜNG THANH NIÊN DÂN TỘC

Từ năm 1961, sau khi Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ đã có nghị quyết chuẩn y việc mở các trường bổ túc văn hoá cho thanh niên các dân tộc tại các tỉnh miền núi, một loạt trường thanh niên các dân tộc được hình thành để đáp ứng yêu cầu bổ sung những lực lượng lao động mới cho các hợp tác xã.

Đến nay toàn miền Bắc đã có 61 trường thuộc 20 tỉnh và tổng số học sinh có tới trên 5.000 người.

Từ ngày thành lập, các trường thanh niên dân tộc đã cung cấp cho các hợp tác xã, các ngành của tỉnh và huyện miền núi hàng nghìn thanh niên có trình độ văn hoá và kỹ thuật nhất định để tham gia vào công cuộc xây dựng kinh tế và văn hoá của các địa phương. Một số trường đã phát huy tác dụng đầu tàu trong phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật nông nghiệp, lâm nghiệp, phổ biến cho hợp tác xã nơi trường đóng một số kinh nghiệm về chăn nuôi và trồng trọt. Điều đó chứng tỏ rằng trường thanh niên dân tộc là một loại trường đào tạo thanh niên để bổ sung cho đội ngũ cán bộ dân tộc, thích hợp với hoàn cảnh kinh tế của nước ta và những điều kiện riêng biệt của miền núi. Tuy nhiên trên bước đường trưởng thành, một số trường thanh niên dân tộc hiện đương gặp khó khăn về tổ chức và lãnh đạo, về tự túc lương thực nhất là những năm bị thiên tai mất mùa, có nơi vì thiếu lương ăn trường đã phải tạm đóng cửa một thời gian để giáo viên và học sinh đi làm những công việc không thuộc phạm vi yêu cầu và mục đích giáo dục của trường.

Trường thanh niên dân tộc là một loại trường văn hoá vừa học, vừa làm. Mục đích của trường là giáo dục, rèn luyện những thanh niên nam, nữ các dân tộc từ 16 trở lên, đào tạo họ thành những lực lượng lao động mới có văn hoá làm nòng cốt trong các hợp tác xã và thành lực lượng dự trữ cho việc đào tạo cán bộ dân tộc.

Ngoài việc học tập để nâng cao kiến thức văn hoá và khoa học phổ thông, tu dưỡng đạo đức cách mạng, rèn luyện tư tưởng chính trị, học sinh còn tham gia sản xuất ra của cải vật chất để xây dựng trưởng sở, tiến tới tự túc về ăn, ở, học tập.

Căn cứ vào yêu cầu phát triển kinh tế của miền núi trong những năm sắp tới, cần phát triển rộng rãi hệ thống trường thanh niên dân tộc, tiến tới mỗi huyện có một hoặc hai trường cấp I trên dưới 100 học sinh, mỗi tỉnh ít nhất có một trường cấp II vào khoảng 200 học sinh.

Để giúp cho các trường thanh niên dân tộc có điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng, phát triển và thực hiện tốt phương hướng, mục đích giáo dục của trường, các cấp chính quyền và Đoàn thanh niên lao động địa phương, cần lưu ý giải quyết một số yêu cầu cụ thể sau đây:

1. Về địa điểm: trường cần đặt ở những khu vực có điều kiện sản xuất và thực hành kỹ thuật. Tuỳ theo khả năng về đất đai, Uỷ ban hành chính địa phương cần phân phối cho trường một số ruộng đất để trồng trọt và tự túc dần về lương thực và thực phẩm.

2. Về giáo viên: giáo viên phải là Đảng viên hoặc đoàn viên thanh niên lao động ưu tú, có tinh thần trách nhiệm tốt, có kinh nghiệm nhất định về giảng dạy thanh niên, về tổ chức lãnh đạo nhà trường và có ít nhiều kinh nghiệm về sản xuất. Ngoài số giáo viên văn hoá, mỗi trường tuỳ theo số lượng học sinh nhiều hay ít cần có thêm giáo viên chính trị, giáo viên kỹ thuật nông nghiệp, lâm nghiệp, chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.

3. Về tài chính và lượng thực, thời kỳ đầu trường đang xây dựng, chưa có khả năng tự túc, Nhà nước sẽ cung cấp cho mỗi học sinh 15 kg lương thực một tháng. Về sau sẽ rút dần mức cung cấp tuỳ theo tình hình tự túc lương thực của trường và vẫn phải bảo đảm cung cấp cho trường theo số lương thực cần thiết khi bị thiên tai mất mùa. Nếu trường được địa phương giao kế hoạch chăn nuôi, trồng cây nông nghiệp, cây ăn quả và chế biến lương thực thì các cơ quan lương thực và thương nghiệp cần giải quyết tốt việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm và bán lương thực, thực phẩm cho trường để đảm bảo việc ăn, học của học sinh.

Ngoài khoản tiền mà ngân sách địa phương trợ cấp lúc đầu để xây dựng trường sở, mua sắm thiết bị, đồ dùng giảng dạy, hàng năm Bộ Giáo dục, Uỷ ban hành chính địa phương cần lưu ý cung cấp thêm cho trường một số dụng cụ thí nghiệm, đồ dùng giảng dạy còn thiếu và hướng dẫn trường tự trang bị thêm.

Từ ba đến sáu tháng đầu của khoá học, mỗi học sinh được hưởng một khoản học bổng hàng tháng từ 18 đến 20 đồng do ngân sách địa phương đài thọ.

4. Về lãnh đạo: trường thanh niên dân tộc do ngành giáo dục phụ trách. Đoàn thanh niên lao động và các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp địa phương có trách nhiệm giúp đỡ và chỉ đạo trường về mặt nghiệp vụ của ngành mình. Các cơ quan nói trên, nhất là Đoàn thanh niên lao động cần phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục trong việc chiêu sinh, giảng dạy, giáo dục, phân phối và sử dụng học sinh sau khi ra trường.

Uỷ ban hành chính các cấp cần lãnh đạo chặt chẽ trường thanh nhiên dân tộc về mặt chính trị, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên và học sinh tinh thần tự lực cánh sinh, hăng say học tập và lao động sản xuất, giúp đỡ trường xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch sản xuất tự cấp tự túc theo phương hướng sản xuất của địa phương.

Bộ Giáo dục, Bộ Nông nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp, Đoàn thanh niên lao động, Bộ Tài chính, Tổng cục Lương thực trong phạm vi quyền hạn của mình, có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương thi hành Chỉ thị này.

 

 

T/M HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng