Thông tư số 15/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/03/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Về Quy chế thông tin đối với tàu cá hoạt động trên biển
- Số hiệu văn bản: 15/2011/TT-BNNPTNT
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Ngày ban hành: 29-03-2011
- Ngày có hiệu lực: 13-05-2011
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4944 ngày (13 năm 6 tháng 19 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2011 |
THÔNG TƯ
BAN HÀNH “QUY CHẾ THÔNG TIN ĐỐI VỚI TÀU CÁ HOẠT ĐỘNG TRÊN BIỂN”
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008;
Căn cứ Quyết định số 137/2007/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển”;
Căn cứ Quyết định số 133/2009/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy chế thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển”;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản,
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành “Quy chế thông tin đối với tàu cá hoạt động trên biển”.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này “Quy chế thông tin đối với tàu cá hoạt động trên biển”
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến tàu cá hoạt động trên biển chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
QUY CHẾ
THÔNG TIN ĐỐI VỚI TÀU CÁ HOẠT ĐỘNG TRÊN BIỂN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 15 /2011/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 03 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định việc trang bị thiết bị thông tin liên lạc trên tàu cá hoạt động trên biển, lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 CV trở lên hoặc không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 m trở lên; chế độ thông tin đối với tàu cá hoạt động trên biển và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan đến thông tin đối với tàu cá hoạt động trên biển.
2. Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có tàu cá hoạt động nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Các vùng biển:
a) Vùng biển A1: là vùng biển thuộc phạm vi phủ sóng của hệ thống VHF có bán kính từ bờ khoảng 35 hải lý.
b) Vùng biển A2: là vùng biển nằm ngoài vùng biển A1, thuộc phạm vi phủ sóng của hệ thống MF (băng tần 2 MHz) có bán kính từ bờ là 250 hải lý.
c) Vùng biển A3: là vùng biển nằm ngoài vùng biển A1, A2, thuộc phạm vi phủ sóng từ 700 vĩ độ Bắc đến 700 vĩ độ Nam và nằm trong vùng phủ sóng của hệ thống HF và hệ thống Inmarsat.
2. Trực canh: là các Đài tàu duy trì canh nghe liên tục trên các tần số gọi cấp cứu, thông tin cảnh báo khí tượng, cảnh báo hàng hải và những thông tin khẩn cấp khác ở những dải tần số cố định do các Đài thông tin duyên hải hoặc các Đài tàu khác cung cấp.
3. Tìm kiếm cứu nạn: là việc sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để xác định vị trí người, phương tiện bị nạn và cứu người bị nạn thoát khỏi nguy hiểm đang đe dọa đến tính mạng của họ, bao gồm cả tư vấn biện pháp y tế ban đầu hoặc các biện pháp khác để đưa người bị nạn đến vị trí an toàn.
4. Hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam: là Hệ thống gồm 32 Đài Thông tin Duyên hải trải dọc từ Móng Cái đến Cà Mau do Công ty TNHH một thành viên Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam (VISHIPEL) quản lý và khai thác.
Điều 3. Thông tin cung cấp cho các tàu cá hoạt động trên biển:
1. Cảnh báo khí tượng và dự báo thời tiết biển:
a) Dự báo thời tiết biển hàng ngày;
b) Cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới;
c) Tin thời tiết nguy hiểm trên biển (gió mạnh, dông mạnh, sương mù, sóng lớn,...);
d) Cảnh báo sóng thần.
2. Cảnh báo hàng hải:
a) Các thông báo hàng hải về thay đổi đặc tính ánh sáng đèn biển, thay đổi báo hiệu phao luồng hàng hải, về chướng ngại vật nguy hiểm, về khu vực chuyên dùng, về sự cố tràn dầu, về sự cố đường truyền cáp quang, về bắn đạn thật, diễn tập quân sự trên biển;
b) Thông báo khác liên quan đến an toàn đối với tàu cá hoạt động trên biển.
3. Thông tin tìm kiếm - cứu nạn:
a) Thông tin do các tàu, thuyền cung cấp về tình hình tai nạn của người và tàu cá hoạt động trên biển;
b) Thông tin về người và tàu cá có nguy cơ gặp phải nguy hiểm cần được hỗ trợ, cứu giúp ngay;
c) Thông tin do các đài Thông tin Duyên hải thuộc hệ thống đài thông tin Duyên hải Việt Nam thông báo cho các tàu, thuyền đang hoạt động gần địa điểm của người, tàu thuyền gặp nạn trên biển;
d) Thông tin do các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm về tìm kiếm cứu nạn trên biển cung cấp và những thông tin khác.
4. Thông tin nghề cá
a) Thông tin dự báo khai thác hải sản, bao gồm các nội dung: Đối tượng, năng suất, thời gian và ngư trường khai thác theo định kỳ hàng tháng;
b) Bản tin bạn của ngư dân, bao gồm thông tin hướng dẫn tránh, trú bão; công nghệ khai thác hải sản hoặc khắc phục các sự cố kỹ thuật; sơ, cấp cứu người hoặc mục hỏi và trả lời về các vấn đề liên quan đến hoạt động của người và tàu cá hoạt động trên các vùng biển.
c) Thông tin chỉ đạo, bao gồm những thông tin gọi tàu về bờ khi có bão, yêu cầu tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ,… từ các cơ quan quản lý, chỉ đạo hoạt động của tàu cá hoạt động trên các vùng biển.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ THIẾT BỊ THÔNG TIN VÀ CHẾ ĐỘ THÔNG TIN ĐỐI VỚI TÀU CÁ HOẠT ĐỘNG TRÊN BIỂN
Điều 4. Thiết bị thông tin liên lạc trang bị trên tàu cá
1. Tàu cá hoạt động trên vùng biển A1 phải có các thiết bị:
a) 01 thiết bị thu phát thoại vô tuyến sóng cực ngắn (VHF);
b) 01 máy thu chuyên dụng thông tin dự báo thiên tai (SSB).
2. Tàu cá hoạt động trên vùng biển A2 phải có các thiết bị:
a) 01 thiết bị định vị vệ tinh (GPS);
b) 01 máy thu chuyên dụng thông tin dự báo thiên tai (SSB);
c) 01 thiết bị thu phát thoại đơn biên sóng ngắn (HF) có chức năng trực canh trên tần số 7903 kHz của Hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam và tần số sóng ngày 9339 kHz , sóng đêm 6973 kHz của Bộ đội Biên phòng;
d) 01 phao phát tín hiệu báo nạn qua hệ thống thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat hoạt động ở băng tần 406 MHz (thiết bị EPIRB).
3. Tàu cá hoạt động trên vùng biển A3 phải có các thiết bị:
a) 01 thiết bị định vị vệ tinh (GPS);
b) 01 máy thu chuyên dụng thông tin dự báo thiên tai (SSB);
c) 01 thiết bị thu phát thoại đơn biên sóng ngắn (HF) có chức năng trực canh trên tần số 7903 kHz của Hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam và tần số sóng ngày 9339 kHz, sóng đêm 6973 kHz của Bộ đội Biên phòng;
d) 01 phao phát tín hiệu báo nạn qua hệ thống thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat hoạt động ở băng tần 406 MHz (thiết bị EPIRB).
4. Đối với các tàu cá được đóng trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, hoạt động trên các vùng biển A1, A2, A3, phải bổ sung trang bị đầy đủ các thiết bị thông tin liên lạc theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này, chậm nhất trước ngày 31 tháng 12 năm 2011.
Điều 5. Chế độ thông tin đối với tàu cá hoạt động trên biển
1. Trong điều kiện thời tiết bình thường, các tàu cá phải:
a) Duy trì chế độ trực canh tự động 24/24 giờ trong ngày, đối với các thiết bị:
- Thu thoại đơn biên trên tần số 7906 kHz để tiếp nhận các bản tin do các đài thuộc Hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam phát.
- Thu phát thoại đơn biên sóng ngắn (HF), trên tần số 7903 kHz của Hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam (đối với các tàu cá hoạt động từ vùng biển A2 trở ra).
b) Giữ liên lạc và báo cáo ít nhất ba ngày một lần cho Bộ đội Biên phòng tỉnh về vị trí tàu, số lượng lao động, tình trạng tàu cá hoạt động trên biển, thành viên của tổ mình và tình hình an ninh trên vùng biển đang hoạt động, trên tần số sóng ngày 9339 kHz và sóng đêm 6973 kHz (đối với các tàu cá hoạt động từ vùng biển A2 trở ra).
2. Khi có áp thấp nhiệt đới, bão xa hoặc tin thời tiết nguy hiểm trên biển:
a) Duy trì chế độ trực canh như quy định tại Khoản 1, Điều này;
b) Thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão xa hoặc thời tiết nguy hiểm trên biển qua các phương tiện, hệ thống thông tin; liên hệ chặt chẽ với các tàu cá hoạt động trên biển trong tổ và các tàu cá hoạt động trên biển gần nhất để chủ động phối hợp phòng tránh;
c) Các tàu cá hoạt động từ vùng biển A2 trở ra phải thực hiện chế độ báo cáo ít nhất hai lần trong ngày, mỗi lần cách nhau 12 giờ, trên tần số sóng ngày 9339 kHz, sóng đêm 6973 kHz cho đài trực canh Bộ đội Biên phòng tỉnh hoặc đài trực canh của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản địa phương (những Chi cục được trang bị máy thu phát thoại vô tuyến sóng ngắn HF) về vị trí tàu, số lượng lao động, tình trạng tàu cá.
3. Khi bão gần, bão đã vào Biển Đông:
a) Duy trì chế độ trực canh quy định tại Khoản 1, Điều này;
Các tàu cá hoạt động từ vùng biển A2 trở ra phải thực hiện chế độ báo cáo ít nhất ba lần trong ngày, mỗi lần cách nhau 08 giờ trên tần số sóng ngày 9339 kHz, sóng đêm 6973 kHz, cho đài trực canh gần nhất của Bộ đội Biên phòng hoặc đài trực canh của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản địa phương (những Chi cục được trang bị máy thu phát thoại vô tuyến sóng ngắn HF) về vị trí tàu, số lượng lao động, tình trạng tàu cá;
b) Thông báo kịp thời cho các tàu cá khác đang hoạt động trong khu vực;
c) Chấp hành lệnh của cơ quan quản lý nhà nước trong bờ (gọi vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn).
4. Khi tàu cá đang trong vùng ảnh hưởng của bão:
a) Duy trì chế độ trực canh quy định tại Khoản 1, Điều này;
b) Các tàu cá hoạt động từ vùng biển A2 trở ra phải giữ liên lạc liên tục 24/24 giờ trong ngày với Đài của Bộ đội Biên phòng trên tần số sóng ngày 9339 kHz, sóng đêm 6973 kHz, Hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam trên tần số 7903 kHz và các tàu cá gần nhất về vị trí tàu cá của mình đang hoạt động và phát tín hiệu cấp cứu khi phương tiện bị nạn.
5. Khi bão tan:
a) Duy trì chế độ trực canh quy định tại Khoản 1, Điều này;
b) Các tàu cá hoạt động trong vùng biển từ A2 trở ra phải sử dụng mọi biện pháp có thể thông báo cho Bộ đội Biên phòng nơi gần nhất, Uỷ ban nhân dân các xã phường, thị trấn nơi cư trú hoặc chính quyền địa phương nơi tàu đang trú ẩn về vị trí, tình trạng người và tàu cá của mình, đồng thời duy trì liên lạc liên tục 24/24 giờ với Đài của Bộ đội Biên phòng tỉnh trên tần số sóng ngày 9339 kHz, sóng đêm 6973 kHz, Hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam trên tần số 7903 kHz để tham gia điều động cứu nạn, cứu hộ (nếu có).
6. Khi phát hiện có hiện tượng thiên tai trên biển, thông báo ngay cho Hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam và hệ thống thông tin của Bộ đội Biên phòng để các cơ quan chỉ đạo phòng, chống thiên tai đề ra những biện pháp xử lý kịp thời.
7. Khi tàu cá hoạt động trên biển bị tai nạn:
a) Trường hợp tàu cá của mình (hoặc tàu cá trong Tổ) bị tai nạn cần sự giúp đỡ, cứu hộ, cứu nạn phải kịp thời thông báo cho các tàu cá nơi gần nhất và đồng thời thông báo cho Hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam trên tần số 7903 kHz hoặc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng trên tần số sóng ngày 9339 kHz, sóng đêm 6973 kHz về vị trí tàu cá của mình đang hoạt động và có biện pháp ứng phó kịp thời.
b) Khi phát hiện tàu cá khác bị nạn, phải đưa tàu đến hỗ trợ ứng cứu kịp thời và nhanh chóng thông báo cho các tàu cá, các đài thuộc Hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam hoặc các đài thuộc Bộ đội Biên phòng nơi gần nhất biết để cùng hỗ trợ và phải chấp hành sự chỉ đạo, điều động của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền về tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐỐI VỚI THÔNG TIN QUẢN LÝ TÀU CÁ TRÊN BIỂN
Điều 6. Tổng cục Thủy sản
1. Chỉ đạo Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
a) Tổ chức tiếp nhận các loại thông tin liên quan để biên soạn và ra các bản tin thông tin nghề cá cung cấp cho các đài thuộc Hệ thống thông tin Duyên hải Việt Nam;
b) Tiếp nhận và báo cáo Tổng cục Thủy sản về tình hình tàu cá hoạt động trên các vùng biển, bao gồm:
- Tàu cá ra vào các cảng cá, bến cá, khu neo đậu;
- Tàu cá hoạt động trên các ngư trường trọng điểm;
- Tai nạn trên biển, trong đó bao gồm cả việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt, giữ và tàu cá nước ngoài bị Việt Nam bắt, giữ.
c) Chủ trì việc tổ chức thực hiện công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ thông tin liên lạc cho các thuyền viên trên các tàu cá hoạt động trên biển;
2. Phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam thực hiện một số nhiệm vụ sau:
a) Tổ chức tiếp nhận và thực hiện việc phát tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển trên các kênh thông tin của hệ thống đài thông tin Duyên hải Việt Nam, như sau:
- Dự báo thời tiết biển hàng ngày trên tần số 7906 kHz theo quy định, trong đó phát tín hiệu tự động kích hoạt máy thu tối thiểu 3 phiên/ ngày đối với mỗi bản tin;
- Cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới trên tần số 7906 kHz theo quy định, trong đó phát tín hiệu tự động kích hoạt máy thu tối thiểu 06 phiên/ngày đối với mỗi bản tin;
- Cảnh báo sóng thần, tin thời tiết nguy hiểm trên biển phát theo quy định hiện hành.
b) Tổ chức tiếp nhận và phát thông tin nghề cá theo quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thủy sản và Cục Hàng hải Việt Nam.
c) Tổ chức thực hiện việc trực canh trên tần số 7903 kHz liên tục 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý thông tin cấp cứu - khẩn cấp từ các tàu cá và chuyển đến các cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định hiện hành, đồng thời thông báo trên tần số 7906 kHz để các tàu cá hoạt động trong khu vực biết, tham gia tìm kiếm-cứu nạn.
3. Phối hợp với Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đồn Biên phòng:
a) Hỗ trợ việc tổ chức truyền, phát thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và quản lý tàu cá hoạt động trên biển theo quy định hiện hành;
b) Tổ chức trực canh trên tần số sóng ngày 9339 kHz và sóng đêm 6973 kHz của Bộ đội Biên phòng;
c) Tổ chức kiểm soát tàu cá ra, vào bờ và chuyển thông tin về các cơ quan theo quy định hiện hành.
Điều 7. Các Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Chỉ đạo các Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản:
a) Đảm bảo các tàu cá khi ra biển có đủ trang thiết bị thông tin theo quy định tại Điều 4, Quy chế này.
b) Phối hợp với Tổng cục Thủy sản (Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản) tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin cho ngư dân;
c) Tuyên truyền, hướng dẫn chủ tàu cá về công tác đảm bảo an toàn, các quy định về trang thiết bị thông tin, an toàn hàng hải ...;
2. Phối hợp với Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng tăng cường công tác kiểm soát tàu cá. Trước khi ra khơi phải có đủ các trang thiết bị thông tin như quy định tại Điều 4, Quy chế này. Tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Thủy sản) về tình hình tàu cá trước, trong và sau các cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoặc các đợt gió mùa, tình hình tai nạn trong vùng biển của địa phương.
Điều 8. Viện nghiên cứu Hải sản
1. Báo cáo Bộ và cung cấp các thông tin, dữ liệu cho Tổng Cục Thủy sản (Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản) phục vụ việc xây dựng và biên soạn các bản tin dự báo nguồn lợi theo ngư trường để phục vụ khai thác hải sản.
2. Phối hợp với Tổng cục Thủy sản (Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản), các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngư dân, doanh nghiệp khai thác ở các tỉnh, thành ven biển theo dõi, tổng hợp tình hình khai thác hải sản của tàu cá trên các vùng biển hàng năm, làm cơ sở kết hợp dự báo khai thác.
Điều 9. Các tổ chức, cá nhân có tàu cá hoạt động trên biển
1. Trang bị đầy đủ các thiết bị thông tin như quy định tại Điều 4 và các thiết bị an toàn khác theo quy định đối với thuyền viên, tàu cá khi hoạt động trên biển.
2. Tạo điều kiện để các thuyền viên tham gia các khóa đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, sử dụng các trang thiết bị thông tin liên lạc lắp trên các tàu cá.
3. Tổ chức và tham gia mô hình đánh bắt hải sản theo tổ, đội; thường xuyên theo dõi để tiếp nhận kịp thời các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thông tin nghề cá; quản lý, kiểm tra và giữ liên lạc thường xuyên giữa các tàu cá trong tổ, đội; giữa tàu cá của mình với các tàu cá khác, các Đài thuộc Hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam; các Đài thuộc hệ thống thông tin của Bộ đội Biên phòng và các hệ thống thông tin khác gần nhất trong khu vực tàu cá hoạt động.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Tổ chức thực hiện
Tổng cục Thủy sản, các tổ chức, cá nhân và địa phương có liên quan tổ chức thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện Quy chế này nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân, địa phương phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, điều chỉnh./.