cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 42/2009/TT-BNNPTNT ngày 10/07/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Về quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng hạt giống lúa siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận, giống bố mẹ lúa lai và hạt lai F1

  • Số hiệu văn bản: 42/2009/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Ngày ban hành: 10-07-2009
  • Ngày có hiệu lực: 24-08-2009
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 29-12-2011
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5627 ngày (15 năm 5 tháng 2 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 42/2009/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ SẢN XUẤT, KINH DOANH VÀ SỬ DỤNG HẠT GIỐNG LÚA SIÊU NGUYÊN CHỦNG, NGUYÊN CHỦNG, XÁC NHẬN, GIỐNG LÚA BỐ MẸ LÚA LAI VÀ HẠT LAI F1

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Pháp lệnh giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24 tháng 3 năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng hạt giống lúa siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận, giống lúa bố mẹ và hạt lai F1như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng hạt giống lúa siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận, giống bố mẹ lúa lai và hạt lai F1 (dưới đây gọi tắt là hạt giống lúa).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hạt giống lúa tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hạt giống lúa tác giả là hạt giống thuần do tác giả chọn, tạo ra.

2. Hạt giống lúa siêu nguyên chủng (SNC) là hạt giống lúa được nhân ra từ hạt giống tác giả hoặc phục tráng từ hạt giống sản xuất theo quy trình phục tráng hạt giống lúa siêu nguyên chủng và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

3. Hạt giống lúa nguyên chủng (NC) là hạt giống lúa được nhân ra từ hạt giống SNC theo quy trình sản xuất hạt giống lúa nguyên chủng và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

4. Hạt giống lúa xác nhận là hạt giống lúa được nhân ra từ hạt giống nguyên chủng qua một hoặc hai thế hệ gồm:

a) Hạt giống lúa xác nhận thế hệ thứ nhất (gọi là hạt giống lúa xác nhận 1, XN1) là hạt giống lúa được nhân ra từ hạt giống nguyên chủng theo quy trình sản xuất hạt giống lúa xác nhận và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo TCVN 1776 – 2004.

b) Hạt giống lúa xác nhận thế hệ thứ hai (gọi là hạt giống lúa xác nhận 2, XN2) là hạt giống lúa được nhân từ hạt giống lúa xác nhận 1 theo quy trình sản xuất hạt giống lúa xác nhận và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định tạm thời tại Phụ lục của Thông tư này.

5. Hạt giống lúa bố mẹ lúa lai là hạt giống lúa của dòng mẹ bất dục đực di truyền tế bào chất (CMS), dòng mẹ bất dục đực di truyền nhân mẫn cảm với nhiệt độ (TGMS) hoặc độ dài chiếu sáng (PGMS) và dòng bố phục hồi hữu dục, được sản xuất theo quy trình kỹ thuật nhân dòng bố mẹ lúa lai và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

6. Hạt giống lúa lai F1 là hạt giống lúa thu được do lai giữa một dòng mẹ bất dục đực (CMS, TGMS, PGMS) với một dòng bố (dòng phục hồi tính hữu dục) theo quy trình sản xuất hạt giống lúa lai và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

Điều 4. Điều kiện sản xuất, kinh doanh hạt giống lúa

1. Tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh hạt giống lúa xác nhận (XN1, XN2) nhằm mục đích thương mại phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về lĩnh vực giống cây trồng;

b) Có địa điểm sản xuất, kinh doanh phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh hạt giống lúa xác nhận;

c) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp phục vụ cho khâu sản xuất, chế biến và bảo quản giống lúa;

d) Có hoặc thuê cán bộ kỹ thuật có trình độ từ trung cấp trồng trọt, bảo vệ thực vật trở lên hoặc có chứng chỉ đào tạo về kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa do Cục Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức;

đ) Giống lúa sản xuất phải có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh;

e) Tuân thủ Quy trình sản xuất hạt giống lúa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành cho hạt giống xác nhận.

2. Tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh hạt giống lúa SNC, NC, giống lúa bố mẹ và hạt lai F1 nhằm mục đích thương mại, ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Đăng ký chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn tại tổ chức chứng nhận chất lượng giống cây trồng theo quy định, trước khi sản xuất hạt giống;

b) Có hoặc thuê cán bộ kỹ thuật có trình độ tối thiểu đại học chuyên ngành trồng trọt hoặc bảo vệ thực vật;

c) Tuân thủ Quy trình sản xuất hạt giống lúa SNC, NC, giống lúa bố mẹ và hạt lai F1 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Đối với sản xuất hạt giống lúa SNC, NC phải thực hiện nghiêm ngặt các nội dung sau:

- Nếu vật liệu khởi đầu là hạt giống tác giả hoặc hạt giống SNC thì phải qua hai vụ để có hạt giống SNC và ba vụ để có hạt giống NC;

- Nếu vật liệu khởi đầu từ nguồn hạt giống chưa đạt tiêu chuẩn hạt giống SNC thì phải qua ba vụ để có hạt giống SNC và bốn vụ để có hạt giống NC;

- Nghiêm cấm việc sản xuất hạt giống SNC theo phương pháp chọn và nhân đơn dòng.

3. Hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, hộ gia đình nông dân tham gia chương trình, dự án sản xuất giống lúa có đầu tư, hỗ trợ của chính quyền hoặc cơ quan khuyến nông các cấp:

a) Đối với sản xuất hạt giống NC, hạt lai F1: Có đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1,2 Điều này.

b) Đối với sản xuất hạt giống xác nhận (XN1, XN2): Khuyến khích có đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này hoặc tối thiểu phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Các điều kiện quy định tại điểm b,c,d,e khoản 1 Điều này;

- Giống lúa đưa vào sản xuất phải theo hướng dẫn của chính quyền hoặc cơ quan khuyến nông.

Điều 5. Kiểm định, kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng giống lúa

1. Hạt giống lúa do các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh nhằm mục đích thương mại:

a) Hạt giống lúa SNC, NC, giống lúa bố mẹ và hạt lai F1 phải được kiểm định, kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng phù hợp tiêu chuẩn theo quy định;

b) Hạt giống lúa xác nhận (XN1, XN2) phải được kiểm định, kiểm nghiệm; khuyến khích chứng nhận chất lượng phù hợp tiêu chuẩn theo quy định;

c) Kiểm định ruộng giống, lấy mẫu lô giống, kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng phù hợp tiêu chuẩn do người kiểm định, người lấy mẫu, phòng kiểm nghiệm và tổ chức chứng nhận được chỉ định hoặc công nhận tiến hành;

d) Toàn bộ hạt giống lúa SNC, giống bố mẹ lúa lai do Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia (Cục Trồng trọt) tổ chức kiểm định, kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng phù hợp tiêu chuẩn theo quy định.

2. Hạt giống lúa do hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, hộ gia đình nông dân sản xuất được đầu tư, hỗ trợ từ chương trình, dự án sản xuất giống lúa của chính quyền hoặc cơ quan khuyến nông các cấp:

a) Đối với giống lúa NC, hạt lai F1: Thực hiện theo quy định tại điểm a,c khoản 1 Điều này.

b) Đối với giống lúa xác nhận (XN1, XN2):

- Ruộng giống phải được kiểm định do người của hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, hộ gia đình có chứng chỉ đào tạo về sản xuất hạt giống lúa hoặc thuê người kiểm định được chỉ định hoặc công nhận tiến hành;

- Hạt giống sau thu hoạch nếu để mua bán hoặc trao đổi nhằm mục đích thương mại thì phải lấy mẫu lô giống và kiểm nghiệm chất lượng hạt giống do người lấy mẫu, phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc công nhận tiến hành;

- Hạt giống sau thu hoạch nếu để trao đổi theo kế hoạch của chính quyền hoặc cơ quan khuyến nông, không nhằm mục đích thương mại thì khuyến khích kiểm nghiệm mẫu tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc công nhận; khuyến khích ghi nhãn đầy đủ theo quy định hoặc tối thiểu trên bao bì phải có tên giống lúa; tên hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, hộ gia đình sản xuất; dòng chữ “Giống lúa XN1” hoặc “Giống lúa XN2” và ngày, tháng, năm đóng bao.

- Hạt giống sau thu hoạch nếu để tự sử dụng hoặc trao đổi nội bộ thì khuyến khích thực hiện các quy định trên.

3. Quy định về hạ cấp chất lượng hạt giống lúa:

Trường hợp lô hạt giống lúa đăng ký sản xuất là hạt giống NC hoặc XN1 nhưng chỉ đạt tiêu chuẩn ở cấp thấp hơn thì được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn ở cấp thấp hơn đó; cuối cùng nếu lô giống không đạt tiêu chuẩn hạt giống lúa XN2 thì không được phép sử dụng làm giống.

Điều 6. Hậu kiểm hạt giống lúa

Thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Quy định chứng nhận chất lượng giống cây trồng phù hợp tiêu chuẩn ban hành kèm theo Quyết định số 41/2007/QĐ-BNN ngày 15 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 7. Sử dụng hạt giống lúa

1. Hạt giống lúa SNC chỉ sử dụng để sản xuất hạt giống lúa NC.

2. Hạt giống lúa NC sử dụng để sản xuất hạt giống lúa XN1.

3. Hạt giống lúa XN1 sử dụng sản xuất lúa thương phẩm hoặc sử dụng để sản xuất hạt giống lúa XN2.

4. Hạt giống lúa XN2 chỉ sử dụng để sản xuất lúa thương phẩm.

5. Hạt giống bố mẹ lúa lai chỉ sử dụng để sản xuất hạt lai F1.

6. Hạt lai F1 chỉ sử dụng để sản xuất lúa thương phẩm.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

2. Thông tư này thay thế Quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng hạt giống lúa cấp siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận và hạt lai F1 ban hành kèm theo Quyết định số 53/2006/QĐ-BNN ngày 26 tháng 6 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Cục trưởng Cục Trồng trọt, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Trồng trọt) để kịp thời xử lý./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Công báo Chính phủ;
- Website Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ liên quan;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- HĐND, UBND, Sở NN & PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục TT, Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan thuộc Bộ NN và PTNT;
- Lưu VT, Cục TT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Bá Bổng

 

PHỤ LỤC

TIÊU CHUẨN TẠM THỜI HẠT GIỐNG LÚA XÁC NHẬN 2

(Ban hành kèm theo Thông tư số 42 /2009/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

1. Kiểm định ruộng giống: Ruộng sản xuất hạt giống lúa XN2 phải được kiểm định như quy định trong TCVN 1776-2004 đối với sản xuất hạt giống lúa xác nhận.

2. Tiêu chuẩn ruộng giống

2.1. Cách ly: Ruộng sản xuất hạt giống lúa XN2 phải cách ly như quy định trong trong TCVN 1776-2004 đối với sản xuất hạt giống lúa xác nhận.

2.2. Độ thuần và cỏ dại nguy hại của ruộng sản xuất giống lúa XN2: Tại mỗi lần kiểm định theo quy định dưới đây:

Chỉ tiêu

Hạt giống lúa xác nhận 2

1. Độ thuần ruộng giống, % số cây, không nhỏ hơn

99,2

2. Cỏ dại nguy hại*, số cây/100 m2, không lớn hơn

10

3. Tiêu chuẩn hạt giống lúa XN2: Theo qui định dưới đây:

Chỉ tiêu

Hạt giống lúa xác nhận 2

1. Độ sạch, % khối lượng, không nhỏ hơn

98,0

2. Hạt cỏ dại*, số hạt/kg, không lớn hơn

10

3. Hạt khác giống có thể phân biệt được, % số hạt, không lớn hơn

0,35

4.Tỷ lệ nẩy mầm, % số hạt, không nhỏ hơn

80,0

5. Độ ẩm, % khối lượng, không lớn hơn **

13,5

* Cỏ lồng vực cạn (Echinochloa colona); cỏ lồng vực nước (E. crus-galli); cỏ lồng vực tím (E. glabrescens); cỏ đuôi phượng (Leplochloa chinesnis); lúa cỏ (Oryza sativa L. var. fatua Prain).

** Hạt giống lúa XN2 để tự sử dụng hoặc trao đổi không nhằm mục đích thương mại thì cho phép độ ẩm không lớn hơn 14%.