cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 41/2009/TT-BNNPTNT ngày 09/07/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Về quản lý và sử dụng mẫu giống cây trồng

  • Số hiệu văn bản: 41/2009/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Ngày ban hành: 09-07-2009
  • Ngày có hiệu lực: 23-08-2009
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 06-08-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4366 ngày (11 năm 11 tháng 21 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 06-08-2021
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 06-08-2021, Thông tư số 41/2009/TT-BNNPTNT ngày 09/07/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Về quản lý và sử dụng mẫu giống cây trồng bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 03/2021/TT-BNNPTNT ngày 22/06/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sửa đổi Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 41/2009/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 09 tháng 7 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG MẪU GIỐNG CÂY TRỒNG

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11, Phần thứ tư: Quyền đối với giống cây trồng ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24 tháng 3 năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý và sử dụng mẫu giống cây trồng như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về việc giao nộp, thu thập; duy trì, lưu giữ và sử dụng mẫu giống của giống cây trồng được biết đến rộng rãi thuộc Danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống cây trồng tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) Bản mô tả chi tiết của giống cây trồng (sau đây gọi là Bản mô tả giống) là tài liệu thể hiện các tính trạng của giống cây trồng theo quy phạm khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và được xác nhận của cơ quan bảo hộ hoặc cơ quan công nhận giống cây trồng mới;

b) Mẫu giống là mẫu hạt giống, cây giống hoặc củ giống có các tính trạng đặc trưng phù hợp với bản mô tả giống, được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền công nhận;

c) Giống cây trồng được biết đến rộng rãi là giống cây trồng thuộc một trong các trường hợp sau đây: 

- Giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký công nhận hoặc đơn đăng ký bảo hộ được chấp nhận;

- Giống cây trồng được công nhận để bổ sung vào Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh hoặc được cấp bằng bảo hộ;

- Giống cây trồng không thuộc các đối tượng nêu trên, nhưng được sản xuất, kinh doanh trên thị trường, bao gồm các giống địa phương.

Điều 4. Giao nộp, thu thập mẫu giống

1. Mẫu giống và hồ sơ mẫu giống

Mỗi giống cây trồng được biết đến rộng rãi có 01 mẫu giống và Hồ sơ mẫu giống gồm Tờ khai kỹ thuật mẫu giống cây trồng theo quy định tại Phụ lục 3 của Thông tư  này  và Bản mô tả giống theo quy phạm khảo nghiệm DUS của từng loài cây trồng. Mẫu giống và Hồ sơ mẫu giống được giao nộp hoặc thu thập và lưu giữ theo quy định tại Thông tư này.

2. Giao nộp mẫu hạt giống

a) Tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được biết đến rộng rãi thuộc loài nhân giống hữu tính, như quy định dưới đây, phải giao nộp 01 mẫu hạt giống và Hồ sơ mẫu giống cho Cơ quan lưu giữ mẫu hạt giống (sau đây gọi là Cơ quan lưu giữ) được quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này:

- Tổ chức, cá nhân đăng ký công nhận giống cây trồng;

- Tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ giống cây trồng;

- Tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được công nhận;

- Tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp bằng bảo hộ hoặc được chuyển nhượng, thừa kế bằng bảo hộ giống cây trồng từ tổ chức, cá nhân khác;

- Tổ chức, cá nhân, không thuộc các đối tượng nêu trên, có giống cây trồng đưa vào  sản xuất, kinh doanh.

b) Cơ quan lưu giữ mẫu hạt giống đồng thời cũng là cơ quan khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định (khảo nghiệm DUS) của giống cây trồng.

c) Thời điểm giao nộp mẫu hạt giống, tờ khai kỹ thuật và bản mô tả giống (nếu có) quy định như sau:

- Giống cây trồng được đăng ký công nhận giống: Muộn nhất là trước khi giống được công nhận cho sản xuất thử;

- Giống cây trồng được đăng ký bảo hộ: Trước thời vụ gieo trồng khảo nghiệm DUS ít nhất hai mươi ngày;

- Giống cây trồng không thuộc các đối tượng nêu trên: Trước khi đưa giống mới vào sản xuất, kinh doanh.

d) Mẫu hạt giống và hồ sơ mẫu hạt giống được giao nhận trực tiếp hoặc thông qua bưu điện tại Cơ quan lưu giữ. Cơ quan lưu giữ có thể nhận mẫu giống và hồ sơ mẫu hạt giống tại tổ chức, cá nhân có giống cần lưu giữ.

Cơ quan lưu giữ lập Biên bản giao nộp mẫu hạt giống theo mẫu tại Phụ lục 4 của Thông tư này. Bản phô tô Biên bản giao nộp mẫu hạt giống được lưu trong hồ sơ công nhận giống hoặc hồ sơ bảo hộ giống mới.

đ) Khối lượng mẫu hạt giống tối thiểu cần lưu giữ theo quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này. Chất lượng mẫu hạt giống tối thiểu phải đạt giống xác nhận hoặc tương đương.

e) Tổ chức, cá nhân có dòng bố mẹ tự lưu giữ mẫu giống và cung cấp cho Cơ quan lưu giữ khi được yêu cầu bằng văn bản.

3. Thu thập mẫu hạt giống

a) Cơ quan lưu giữ tổ chức thu thập mẫu hạt giống và lập hồ sơ mẫu hạt giống của các giống địa phương, giống không rõ chủ sở hữu hoặc tác giả giống nhưng đang được sản xuất, kinh doanh.

b) Các tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các giống cây trồng nêu tại điểm a khoản này có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan lưu giữ thu thập mẫu giống và lập hồ sơ mẫu giống.

4. Mẫu cây giống, củ giống

Tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được biết đến rộng rãi thuộc loài nhân giống vô tính, như quy định điểm a khoản 2 Điều này, tự lưu giữ mẫu cây giống, củ giống và lập Hồ sơ mẫu giống để đáp ứng các yêu cầu sử dụng, không phải giao nộp mẫu giống cho cơ quan lưu giữ.

Điều 5. Duy trì, lưu giữ mẫu giống

1. Duy trì, lưu giữ mẫu hạt giống

a) Đánh giá mẫu hạt giống

- Trong vòng 20 ngày, kể từ ngày nhận được mẫu hạt giống, Cơ quan lưu giữ kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn hiện hành. Nếu chất lượng không đảm bảo thì yêu cầu tổ chức, cá nhân có giống giao nộp hoặc tiến hành thu thập mẫu hạt giống mới.Trong vòng ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Cơ quan lưu giữ, tổ chức, cá nhân có giống phải giao nộp mẫu hạt giống mới cho Cơ quan lưu giữ.    

- Trường hợp giống cây trồng được đăng ký bảo hộ: mẫu hạt giống đồng thời là vật liệu khảo nghiệm DUS sẽ được Cơ quan lưu giữ gieo trồng theo quy phạm khảo nghiệm DUS để đánh giá tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định.

- Các trường hợp khác, khi cần thiết, mẫu hạt giống có thể được Cơ quan lưu giữ gieo trồng để đánh giá tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định. Nếu nhận thấy mẫu hạt giống không phù hợp thì Cơ quan lưu giữ mẫu giống yêu cầu cung cấp mẫu khác.

b) Bảo quản mẫu hạt giống: Trong thời gian Bằng bảo hộ giống cây trồng mới còn hiệu lực hoặc giống cây trồng vẫn đang được sản xuất, kinh doanh thì Cơ quan lưu giữ  phải:

- Bảo quản mẫu hạt giống trong điều kiện phù hợp để duy trì sức nẩy mầm và tỷ lệ nẩy mầm của hạt giống;

- Định kỳ kiểm tra sức nẩy mầm, tỷ lệ nẩy mầm của hạt giống. Nếu mẫu hạt giống không đảm bảo chất lượng thì gửi văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân có giống giao nộp bổ sung hoặc thu thập mẫu hạt giống mới, trừ những giống được cơ quan lưu giữ nhân giống theo quy định tại điểm c, Khoản này.

- Gieo trồng mẫu hạt giống mới bổ sung để so sánh với mẫu cũ (nếu có) và bản mô tả giống; nếu thấy có sự khác biệt thì yêu cầu giao nộp hoặc thu thập mẫu khác.

c) Trong quá trình bảo quản Cơ quan lưu giữ được nhân tăng khối lượng mẫu hạt giống của các giống thuần để đáp ứng yêu cầu lưu giữ và sử dụng mẫu hạt giống, với điều kiện chất lượng mẫu nhân thêm phải phù hợp với tiêu chuẩn và bản mô tả giống.

d) Sau khi đánh giá mẫu hạt giống, Cơ quan lưu giữ phải bàn giao một phần mẫu hạt giống (trừ giống lai) với khối lượng theo quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này, bản phô tô Tờ khai kỹ thuật, Bản mô tả giống (nếu có) cho Trung tâm Tài nguyên thực vật để lưu giữ lâu dài mẫu hạt giống như một nguồn gen quốc gia.

đ) Khi Cơ quan lưu giữ có yêu cầu bằng văn bản, Trung tâm Tài nguyên thực vật phải phối hợp để bảo quản các mẫu hạt giống đã thu thập; chi phí bảo quan mẫu do các bên thoả thuận theo hợp đồng.

e) Tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được biết đến rộng rãi phải duy trì giống theo đúng bản mô tả giống để phục vụ sản xuất, kinh doanh; giao nộp cho Cơ quan lưu giữ và cung cấp cho các nhu cầu sử dụng khác quy định tại Điều 6 của Thông tư này.

Khi bằng bảo hộ hết hiệu lực hoặc giống cây trồng không được tiếp tục sản xuất, kinh doanh nữa thì thông báo bằng văn bản cho Cơ quan lưu giữ để quyết định lưu giữ tiếp tục hoặc loại bỏ mẫu hạt giống đó.

2. Duy trì, lưu giữ mẫu cây giống, củ giống 

a) Tổ chức, cá nhân có giống cây trồng nhân giống vô tính phải duy trì, lưu giữ mẫu cây giống (cây đầu dòng hoặc vườn cây đầu dòng) hoặc mẫu củ giống phù hợp tiêu chuẩn và lập Hồ sơ mẫu giống để phục vụ sản xuất, kinh doanh và đáp ứng các nhu cầu sử dụng quy định tại Điều 6 của Thông tư này.

b) Tổ chức, cá nhân có giống cây trồng phải báo cáo địa điểm lưu giữ mẫu cây giống, củ giống cho Cục Trồng trọt (Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới) khi nộp đơn đăng ký bảo hộ hoặc báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi sở tại khi giống được công nhận hoặc  đưa vào sản xuất, kinh doanh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo Bộ (Cục Trồng trọt).

Điều 6. Sử dụng mẫu giống

1.Mẫu giống cây trồng nông nghiệp được sử dụng như sau:

a) Là giống đối chứng, giống tương tự, giống điển hình trong khảo nghiệm DUS;

b) Là mẫu chuẩn trong kiểm định, kiểm nghiệm, hậu kiểm giống cây trồng;

c) Là mẫu chuẩn trong thanh tra, kiểm tra, giải quyết các tranh chấp về giống cây trồng;

d) Là nguồn gen tài nguyên di truyền phải được bảo quản lưu giữ. 

2. Tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu sử dụng mẫu giống thì có văn bản đề nghị Cơ quan lưu giữ hoặc tổ chức, cá nhân có giống để được cung cấp nhưng phải trả chi phí theo quy định Nhà nước hoặc theo thoả thuận nếu Nhà nước chưa có quy định.

3. Cơ quan lưu giữ, Trung tâm Tài nguyên thực vật, các tổ chức, cá nhân sử dụng mẫu giống không được vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân có mẫu giống cây trồng theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

2. Chậm nhất đến hết ngày 31/12/2009 yêu cầu:

a) Tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được biết đến rộng rãi, nhưng chưa gửi mẫu  giống cho cơ quan lưu giữ thì phải giao nộp mẫu hạt giống và hồ sơ mẫu hạt giống cho Cơ quan lưu giữ hoặc báo cáo địa điểm lưu giữ mẫu cây giống, củ giống cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của Thông tư này.

b) Cơ quan lưu giữ mẫu hạt giống phải kiểm tra, lập danh sách giống cây trồng chưa có mẫu hạt giống lưu giữ hoặc mẫu hạt giống không đáp ứng quy định; thông báo cho các tổ chức, cá nhân có giống giao nộp hoặc tiến hành thu thập mẫu giống theo quy định của Thông tư này.

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, lập danh sách địa điểm lưu giữ mẫu cây giống, củ giống đối với giống cây trồng nhân vô tính trên địa bàn báo cáo về Cục Trồng trọt.

3. Cục trưởng Cục Trồng trọt, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.  

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời xử lý./.           

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư;
- Công báo Chính phủ;
- Website Chính phủ;
- Lưu: VT, TT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Bá Bổng

 

PHỤ LỤC 1

CƠ QUAN LƯU GIỮ MẪU HẠT GIỐNG

(Ban hành kèm theo Thông tư số 41 /2009/TT-BNNPTNT ngày 9 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

STT

Cơ quan lưu giữ

Tên loài cây trồng

Ghi chú

1

Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia, Hà Nội

Lúa (Phía Bắc), Ngô, Lạc, Đậu tương, Cà chua, Dưa chuột, Bắp cải, Xu hào,  Cúc vạn thọ, Rau Giền, Xà Lách, Củ cải, Cà rốt, Sen

 

2

Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Vùng Miền Trung và Tây Nguyên, Quảng Ngãi

Dưa hấu

 

3

Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón vùng Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh

Lúa (Phía Nam), Đu đủ, Mướp đắng, Ớt

 

4

Trung tâm tài nguyên thực vật

Bí ngô

 

5

Viện nghiên cứu Bông và cây có sợi, Ninh Thuận

Bông

 

6

Viên chăn nuôi Quốc gia

Cỏ (giống trồng bằng hạt)

 

 

PHỤ LỤC 2

KHỐI LƯỢNG MẪU HẠT GIỐNG LƯU GIỮ

(Ban hành kèm theo Thông tư số 41 /2009/TT-BNNPTNT ngày 9 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

STT

Loài cây trồng

Tên la tinh

Khối lượng mẫu hạt giống tối thiểu cần lưu giữ

Đơn vị tính

Cơ quan lưu giữ mẫu hạt giống

Trung tâm Tài nguyên thực vật

1

Lúa

Oryza sativa L.

 

 

 

 

Giống thuần

 

kg

1,5

0,5

 

Giống lai

 

kg

1,0

-

2

Ngô

Zea mays L.

 

 

 

 

Giống TPTD

 

kg

1,5

0,5

 

Giống lai

 

kg

1,0

-

3

Lạc

Arachis hypogaea L.

kg

2,0

0,5

4

Đậu tương

Glycine max L. Merril

kg

1,0

0,5

5

Bông

Gossypium hirsutum L.;  Gossypium barbadense L.

kg

hạt đã tách xơ

1,0

0,5

6

Cà chua

Lycopersicon esculentum Mill

 

 

 

 

Giống thuần

 

gam

25

10

 

Giống lai

 

gam

10

-

7

Dưa chuột

Cucumis sativus L.

 

 

 

 

Giống thuần

 

gam

40

15

 

Giống lai

 

gam

3

-

8

Dưa hấu

Citrullus lanatus (Thumb) Matsum et Nakai

hạt

400

200

9

Bắp cải

Brassica oleraccea L. var. capitata

gam

50

15

10

Su hào

Brassica oleracea L. var. caulorapa                                                       

gam

50

15

11

Đu đủ

Carica papaya  L.

hạt

200

100

12

Mướp đắng

Momordica charantia L.

hạt

1500

500

13

Ớt

Capsicum annum L.

gam

20

10

14

Bí ngô

Cucurbita pepo L.

gam

200

100

15

Cà rốt

 Daucus carota L.

gam

20

10

16

Rau giền

Amaranthus L.

gam

100

15

17

Xà lách

Lactuca sativa L.

gam

45

10

18

Cải củ

Raphanus sativus L.

gam

100

50

19

Sen

Lotus corniculatus L.; Lotus pendunculatus Cav; Lotus uliginosus Schkuhr; Lotus tenuis Waldst. et Kit. ex Willd; Lotus subbiflorus Lag.

kg

0,5

0,2

20

Cỏ (nhân giống bằng hạt)

Pennisetum americanum (L.) Leeke; Pennisetum purpureum Schumach

kg

0,3

0,1

 

PHỤ LỤC 3

MẪU TỜ KHAI KỸ THUẬT MẪU GIỐNG CÂY TRỒNG

(Ban hành kèm theo Thông tư số 41 /2009/TT-BNNPTNT ngày 9 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

TỜ KHAI KỸ THUẬT MẪU GIỐNG CÂY TRỒNG

1. Loài cây trồng:     

2. Tên giống:

- Tên đăng ký chính thức:

- Tên gốc nếu là giống nhập nội:

- Tên gọi khác (nếu có):

3. Tổ chức, cá nhân có giống:

- Tên tổ chức, cá nhân: 

- Địa chỉ:

- Điện thoại:                                           Fax:                               E-mail:

4. Họ và tên, địa chỉ tác giả giống:

1.

2.

5. Nguồn gốc giống, phương pháp chọn tạo:

5.1. Vật liệu:

- Tên dòng/giống bố mẹ (kể cả dòng phục hồi, dòng duy trì...)

- Nguồn gốc vật liệu:

5.2. Phương pháp:

- Công thức lai:

- Xử lí đột biến:

- Phương pháp khác : 

6. Tình hình bảo hộ, công nhận, sản xuất kinh doanh:

- Giống được chấp nhận đơn hoặc được cấp bằng bảo hộ: ( số, ngày tháng năm

Ban hành  thông báo hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền);

- Giống được công nhận cho sản xuất thử hoặc công nhận chính thức: (số, ngày

tháng năm ban hành quyết định của cấp có thẩm quyền);

- Giống được đưa vào sản xuất kinh doanh: Từ ngày… tháng… năm…

7. Các tính trạng đặc trưng chính của giống (để phân biệt với các giống khác trong cùng loài)

 

 

Ngày       tháng        năm

Đại diện tổ chức/cá nhân có mẫu giống

(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

PHỤ LỤC 4

MẪU BIÊN BẢN GIAO NHẬN MẪU HẠT GIỐNG

(Ban hành kèm theo Thông tư số 41 /2009/TT-BNNPTNT ngày 9 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

____________________

...,ngày...tháng ...năm ...

BIÊN BẢN GIAO NHẬN MẪU HẠT GIỐNG

1. Tên giống cây trồng:                                           Tên loài cây trồng:

2. Tổ chức, cá nhân giao mẫu hạt giống:

- Tên tổ chức, cá nhân: 

- Địa chỉ:

- Điện thoại:                                           Fax:                               E-mail:

3. Tên tổ chức, cá nhân nhận mẫu hạt giống:

- Tên tổ chức, cá nhân: 

- Địa chỉ:

- Điện thoại:                                           Fax:                               E-mail:

4. Địa điểm giao nhận mẫu hạt giống:

5. Thời gian giao nhận mẫu hạt giống:

6. Khối lượng mẫu hạt giống ( kg, hạt...)

7. Chất lượng mẫu hạt giống : cấp chất lượng, kết quả kiểm nghiệm ( nếu có)...

8. Ký hiệu mẫu hạt giống ( nếu có)

9. Các tài liệu khác kèm theo ( tờ khai kỹ thuật, bản mô tả giống...)

Biên bản này lập thành 02 bản, mỗi bên giữ một 01 bản, có gia trị như nhau./.

 

Đại diện

Tổ chức, cá nhân giao mẫu hạt giống

(Họ tên và chữ ký)

Đại diện

Tổ chức, cá nhân nhận mẫu hạt giống

(Họ tên và chữ ký)