cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 131/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng theo danh mục hàng hoá của biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 131/2008/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 26-12-2008
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-2009
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 18-04-2009
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 2: 04-05-2009
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 10-08-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2047 ngày (5 năm 7 tháng 12 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 10-08-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 10-08-2014, Thông tư số 131/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng theo danh mục hàng hoá của biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 83/2014/TT-BTC ngày 26/06/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng theo Danh mục hàng hóa nhập khẩu Việt Nam”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 131/2008/TT-BTC

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2008

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG THEO DANH MỤC HÀNG HOÁ CỦA BIỂU THUẾ NHẬP KHẨU ƯU ĐÃI

Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008;
Căn cứ Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng theo Danh mục hàng hoá của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi như sau:

1. Biểu thuế giá trị gia tăng (GTGT) ban hành kèm theo Thông tư này được xây dựng trên cơ sở Danh mục hàng hoá của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BTC ngày 20/12/2007 và các Quyết định sửa đổi, bổ sung của Bộ trưởng Bộ Tài chính, được áp dụng cho hàng hoá ở khâu nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam.

2. Trường hợp hàng hoá được quy định cụ thể thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5%, 10% theo quy định tại Luật thuế GTGT, Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT và Nghị định số 123/2008/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định tại các văn bản này.

Ví dụ 1: Trong Biểu thuế GTGT có ghi mức thuế suất thuế GTGT nhóm 9011 “Kính hiển vi quang học phức hợp, kể cả loại để xem vi ảnh, vi phim quay hay vi chiếu” là 10%. Theo đó, toàn bộ các mặt hàng thuộc mã số này áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 10%. Nhưng trường hợp các kính hiển vi thuộc nhóm 9011 được xác định là thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học theo quy định tại điểm m, Khoản 2, Điều 8 Luật thuế GTGT thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất là 5%.

Ví dụ 2: Trong Biểu thuế GTGT có ghi mức thuế suất thuế GTGT mã số 8526.10.90.00 “Loại khác” thuộc phân nhóm hàng “Rađa” là 10%. Theo đó rađa thuộc mã số 8526.10.90.00 được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 10% không bao gồm loại chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định tại Khoản 18, Điều 5 Luật thuế GTGT thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

3. Biểu thuế GTGT chi tiết đầy đủ tên hàng hoá như Danh mục hàng hoá của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, hướng dẫn thuế GTGT đến mã 10 số và chi tiết thêm một số mục “Riêng”. Việc áp dụng Biểu thuế GTGT được thực hiện cụ thể như sau:

3.1. Trong Biểu thuế GTGT ngoài việc hướng dẫn thuế GTGT cho mã 10 số, còn chi tiết mức thuế suất thuế GTGT tương ứng với mục “Riêng” cho nhóm 4 số hay phân nhóm 6 số, 8 số hoặc mã 10 số, theo đó:

- Mặt hàng được nêu cụ thể tên tại mục “Riêng” được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT ghi cho mặt hàng đó tại mục “Riêng”.

- Thuế GTGT ghi cho từng nhóm hoặc phân nhóm 6 số, 8 số hoặc mã 10 số được áp dụng cho các mặt hàng thuộc nhóm, phân nhóm hoặc mã số đó, trừ các mặt hàng ghi tại mục “Riêng”.

Ví dụ 1: Nhóm 9017, mức thuế suất thuế GTGT được ghi cho mã 10 số là 10% và mục "Riêng: Giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập thuộc nhóm 9017 có mức thuế suất thuế GTGT là 5%”. Như vậy, các mặt hàng đã nêu tại mục “Riêng” mà thuộc các mã 10 số trong nhóm 9017 áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 5%. Các mặt hàng còn lại không thuộc mục “Riêng” áp dụng mức thuế suất thuế GTGT chi tiết cho từng mã 10 số. Ví dụ: Thước thuộc mã số 9017.20.10.00 áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 10% nhưng thước dùng để giảng dạy và học tập thuộc mã số này áp dụng mức thuế suất là 5%.

Ví dụ 2: Nhóm 9021 thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng và mục “Riêng: Băng, nẹp (trừ nẹp gắn trong cơ thể người), dụng cụ chỉnh hình thuộc nhóm 9021” có mức thuế suất thuế GTGT là 5%. Theo đó các mặt hàng nêu tại mục “Riêng” thuộc nhóm 9021 áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 5%, các mặt hàng còn lại thuộc nhóm này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

3.2. Các mặt hàng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT được ký hiệu bằng dấu (*) tại cột thuế suất trong Biểu thuế GTGT.

Ví dụ: Xe dành cho người tàn tật nhập khẩu thuộc nhóm 8713, mã số 8713.10.00.00, 8713.90.00.00 thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

3.3. Trường hợp tại cột thuế suất được ký hiệu bằng dấu (*) và chữ số 5 ở bên cạnh (*, 5) thì các mặt hàng là sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT khi tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu nhưng phải chịu thuế GTGT tại khâu kinh doanh thương mại với mức thuế suất thuế GTGT là 5%.

Ví dụ: Lợn sống thuộc nhóm 0103 thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT khi tổ chức, cá nhân tự sản xuất bán ra và ở khâu nhập khẩu nhưng phải chịu thuế GTGT tại khâu kinh doanh thương mại với mức thuế suất thuế GTGT là 5%.

3.4. Trường hợp tại cột thuế suất được ký hiệu bằng dấu (*) và chữ số 10 ở bên cạnh (*, 10) thì các mặt hàng là vàng nhập khẩu dạng thỏi, miếng chưa được chế tác thành sản phẩm mỹ nghệ, đồ trang sức hay sản phẩm khác thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT tại khâu nhập khẩu nhưng phải chịu thuế GTGT tại khâu kinh doanh thương mại với mức thuế suất thuế GTGT là 10%.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009. Bãi bỏ Thông tư số 62/2004/TT-BTC ngày 24/6/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế suất thuế GTGT theo Danh mục Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Trường hợp thuế GTGT áp dụng không thống nhất đối với cùng một loại hàng hoá nhập khẩu và sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong nước, cơ quan thuế và cơ quan Hải quan địa phương báo cáo về Bộ Tài chính để kịp thời hướng dẫn thực hiện thống nhất./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ
và các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng TƯ và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- HĐND, UBND, Sở Tài Chính, Cục thuế, Cục Hải quan, Kho bạc NN các địa phương;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính;
- Website Chính phủ, Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, CST.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN