cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 153/2007/TT-BQP ngày 29/09/2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hướng dẫn Nghị định 18/2007/NĐ-CP về quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 153/2007/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Ngày ban hành: 29-09-2007
  • Ngày có hiệu lực: 12-11-2007
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-04-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4161 ngày (11 năm 4 tháng 26 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 04-04-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 04-04-2019, Thông tư số 153/2007/TT-BQP ngày 29/09/2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hướng dẫn Nghị định 18/2007/NĐ-CP về quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 1316/QĐ-BQP ngày 04/04/2019 Công bố hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng kỳ 2014-2018”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ QUỐC PHÒNG
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 153/2007/TT-BQP

Hà Nội, ngày 29 tháng 09 năm 2007

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 18/2007/NĐ-CP NGÀY 01 THÁNG 02 NĂM 2007 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Thi hành Nghị định số 18/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ về quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện một số điểm như sau:

I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Thông tư này hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi và chế độ phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp quy định tại Nghị định số 18/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ về quâHn nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nghị định số 18/2007/NĐ-CP); trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi và chế độ phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp.

II. TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT VÀ CHỨC DANH CỦA QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP

1. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của quân nhân chuyên nghiệp được chia thành quân nhân chuyên nghiệp sơ cấp, trung cấp và cao cấp:

a) Quân nhân chuyên nghiệp sơ cấp là quân nhân đã được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và được cấp có thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp sơ cấp hoặc chứng chỉ nghề; quân nhân được huấn luyện, học tập, bồi dưỡng tại đơn vị về trình độ chuyên môn kỹ thuật tương đương sơ cấp, được cấp có thẩm quyền công nhận có trình độ sơ cấp.

b) Quân nhân chuyên nghiệp trung cấp là quân nhân đã được đào tạo chuyên môn kỹ thuật và được cấp có thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp nghề.

c) Quân nhân chuyên nghiệp cao cấp là quân nhân đã được đào tạo chuyên môn kỹ thuật và được cấp có thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng hoặc cao đẳng nghề.

2. Các chức danh bố trí quân nhân chuyên nghiệp do Bộ tổng Tham mưu quy định tại biểu tổ chức, biên chế các đơn vị trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

III. CÔNG TÁC QUẢN LÝ QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP

1. Cơ quan cán bộ giúp cấp uỷ và người chỉ huy quản lý nhân sự đối với những quân nhân chuyên nghiệp được bổ nhiệm giữ các chức vụ thuộc diện cơ quan cán bộ quản lý.

2. Cơ quan quân lực giúp cấp uỷ và người chỉ huy quản lý nhân sự đối với những quân nhân chuyên nghiệp còn lại.

3. Việc quản lý nhân sự theo chế độ quân nhân chuyên nghiệp được tiến hành từ khi đối tượng được chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp cho đến khi không còn là quân nhân chuyên nghiệp hoặc không còn thuộc quyền Quân đội quản lý.

4. Thực hiện bàn giao đối tượng quản lý giữa cơ quan cán bộ, cơ quan quân lực và bàn giao người không còn thuộc quyền Quân đội quản lý cho các cơ quan, tổ chức ngoài Quân đội hoặc địa phương theo đúng chế độ và thủ tục quy định.

5. Trách nhiệm, quyền hạn và phân cấp quản lý quân nhân chuyên nghiệp thực hiện theo Quyết định số 1670/1999/QĐ-BQP ngày 04 tháng 10 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về quản lý quân số và Hướng dẫn số 02/TM-TC ngày 02 tháng 01 năm 2001 của Bộ Tổng tham mưu-Tổng cục Chính trị về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1670/1999/QĐ-BQP ngày 04 tháng 10 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về quản lý quân số.

6. Quân nhân chuyên nghiệp khi thôi phục vụ tại ngũ, nếu còn độ tuổi phục vụ trong ngạch dự bị thì phải đăng ký chuyển sang phục vụ ở ngạch dự bị theo quy định đối với lực lượng dự bị động viên và chịu sự quản lý của địa phương nơi đăng ký theo quy định của pháp luật hiện hành.

IV. CẤP HIỆU, PHÙ HIỆU VÀ QUÂN HÀM CỦA QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP

1. Cấp hiệu, phù hiệu của quân nhân chuyên nghiệp

a) Cấp hiệu của quân nhân chuyên nghiệp

Cấp hiệu của quân nhân chuyên nghiệp thực hiện theo khoản 2 Điều 2 Nghị định số 52/2002/NĐ-CP ngày 29 tháng 04 năm 2002 của Chính phủ, cụ thể như sau:

- Cấp hiệu của quân nhân chuyên nghiệp như cấp hiệu của sĩ quan cấp úy, cấp tá; nền cấp hiệu màu vàng tươi, riêng nền cấp hiệu của Bộ đội Biên phòng mầu xanh lá cây.

- Đường viền của cấp hiệu:

+ Lục quân và Bộ đội Biên phòng mầu đỏ tươi.

+ Phòng không - Không quân mầu xanh  hòa bình.

+ Hải quân mầu tím than.

- Trên cấp hiệu có vạch hình chữ V mầu bạc, cấp tá có hai vạch, cấp uý có một vạch, số lượng sao trên cấp hiệu quy định như sau:

+ Chuẩn uý chỉ có vạch, không có sao.

+ Thiếu uý, thiếu tá: 01 sao.

+ Trung uý, trung tá: 02 sao.

+ Thượng uý, thượng tá: 03 sao.

+ Đại uý: 04 sao.

b) Phù hiệu của quân nhân chuyên nghiệp (đeo trên ve cổ áo):

- Màu nền phù hiệu:

+ Lục quân màu đỏ tươi.

+ Phòng Không - Không quân màu xanh  hòa bình.

+ Hải quân màu tím than.

+ Bộ đội Biên phòng màu xanh lá cây.

Trên nền phù hiệu có hình phù hiệu quân chủng, binh chủng, ngành nghề chuyên môn; màu hình phù hiệu màu bạc.

- Phù hiệu kết hợp của quân nhân chuyên nghiệp: cấp uý, cấp tá giống như phù hiệu kết hợp của sĩ quan, riêng cấp chuẩn uý không có sao.

2. Quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp và việc phong, phiên quân hàm quân nhân chuyên nghiệp.

a) Quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp, gồm có:

- Chuẩn uý quân nhân chuyên nghiệp;

- Thiếu uý quân nhân chuyên nghiệp;

- Trung uý quân nhân chuyên nghiệp;

- Thượng uý quân nhân chuyên nghiệp;

- Đại uý quân nhân chuyên nghiệp;

- Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp;

- Trung tá quân nhân chuyên nghiệp;

- Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp.

b) Phong, phiên quân hàm quân nhân chuyên nghiệp:

- Quân nhân chuyên nghiệp có hệ số mức lương dưới đây được phong, phiên quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng, cụ thể như sau:

Số TT

Hệ số mức lương

Phong, phiên cấp bậc quân hàm QNCN

01

Từ 2,95 đến dưới 3,45

Chuẩn úy

02

Từ 3,45 đến dưới 3,95

Thiếu úy

03

Từ 3,95 đến dưới 4,45

Trung uý

04

Từ 4,45 đến dưới 4,90

Thượng uý

05

Từ 4,90 đến dưới 5,30

Đại uý

06

Từ 5,30 đến dưới  6,10

Thiếu tá

07

Từ 6, 10 đến dưới 6,80

Trung tá

08

Từ 6,80 trở lên

Thượng tá

 

Quân nhân chuyên nghiệp hưởng lương sơ cấp nhóm 2, nếu được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung từ 5% trở lên thì được phiên quân hàm Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp.

- Quân nhân chuyên nghiệp hưởng lương trung cấp nhóm 2, nếu được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung từ 5% trở lên thì được phiên quân hàm Trung tá quân nhân chuyên nghiệp.

c) Quyền hạn nâng và hạ bậc, loại, ngạch lương, phong, phiên, giáng cấp bậc quân hàm đối với quân nhân chuyên nghiệp thực hiện theo Quyết định số 150/2005/QĐ-BQP ngày 07 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

V. VIỆC CHUYỂN CHẾ ĐỘ QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP VÀ THỜI HẠN PHỤC VỤ CỦA QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP

1. Việc chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp

a) Đối tượng và điều kiện xét chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp thực hiện theo khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Nghị định số 18/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ.

b) Thời gian thực hiện xét chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp:

- Hàng năm, việc xét chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp cho hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, được tiến hành từ một đến hai đợt; thời điểm xét chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp hàng năm do Bộ Tổng tham mưu quy định.

- Học viên đang học tại các học viện, nhà trường trong Quân đội hoặc các nhà trường ngoài Quân đội theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng, sau khi tốt nghiệp được xét chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp.

- Các đối tượng khác và những trường hợp đặc biệt, tuỳ theo yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu quyết định.

2. Thời hạn phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp theo từng chức danh

a) Thời hạn phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp đảm nhiệm các chức danh: Tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng, phó trung đội trưởng và tương đương, nhân viên chuyên môn kỹ thuật sơ cấp thuộc các đơn vị từ trung đoàn và tương đương trở xuống là 06 năm hoặc cho đến 45 tuổi.

b) Thời hạn phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp giữ các chức vụ thuộc diện cán bộ quản lý, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trung cấp, cao cấp, nhân viên chuyên môn kỹ thuật được biên chế làm việc tại các đơn vị chuyên môn kỹ thuật từ trạm, xưởng, cơ quan sư đoàn và tương đương trở lên là 06 năm hoặc cho đến 50 tuổi.

c) Trong trường hợp đặc biệt có thể được xuất ngũ trước thời hạn theo quy định tại mục VI Thông tư này.

3. Trách nhiệm, quyền hạn của cá nhân, tổ chức về việc chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp và thời hạn phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp

a) Trách nhiệm quyền hạn chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp:

- Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức:

+ Cá nhân nếu tình nguyện phục vụ tại ngũ theo chế độ quân nhân chuyên nghiệp thì phải làm đơn gửi lên người chỉ huy trực tiếp xem xét, báo cáo cấp trên.

+ Người chỉ huy đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên có trách nhiệm xem xét đơn đề nghị chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp của cá nhân thuộc quyền; tổng hợp bằng văn bản theo quy định, báo cáo cấp trên trực tiếp xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định.

+ Các đối tượng trước khi được chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp phải được học tập chính trị, huấn luyện quân sự; nội dung, chương trình học tập, huấn luyện do Bộ tổng Tham mưu quy định.

- Quyền hạn chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp:

+ Tổng Tham mưu trưởng: Quyết định nhân sự cho đối tượng hưởng lương trung cấp, cao cấp; quyết định nhân sự cho đối tượng hưởng lương sơ cấp thuộc các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, cơ quan Bộ Quốc phòng; quyết định số lượng, danh sách cho đối tượng hưởng lương sơ cấp trong toàn quân.

+ Chỉ huy các đơn vị căn cứ Quyết định của Tổng Tham mưu trưởng về số lượng, danh sách để quyết định nhân sự cho đối tượng hưởng lương sơ cấp thuộc quyền quản lý.

+ Các đối tượng thuộc diện cơ quan cán bộ quản lý, quyền hạn chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp theo phân cấp quản lý cán bộ.

Trường hợp đặc biệt, nếu đơn vị không thể thực hiện Quyết định của Tổng Tham mưu trưởng về việc chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp cho nhân sự thì phải báo cáo bằng văn bản về Bộ Tổng Tham mưu để giải quyết.

Việc phong, phiên quân hàm, giáng, tước cấp bậc quân hàm đối với quân nhân chuyên nghiệp: Thực hiện theo Quyết định số 177/2004/QĐ-BQP ngày 30 tháng 12 năm 2004 và Quyết định số 96/2007/QĐ-BQP ngày 07 tháng 06 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Quyết định số 150/2005/QĐ-BQP ngày 07 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về quyền hạn nâng và hạ bậc, loại, ngạch lương; chuyển nhóm, ngạch lương đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng; phong, phiên và giáng quân hàm quân nhân chuyên nghiệp. Việc tước lương, tước quân hàm đối với quân nhân chuyên nghiệp thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng.

b) Trách nhiệm quyền hạn của cá nhân, tổ chức về việc thực hiện thời hạn phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp:

Người chỉ huy đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên, có trách nhiệm thông báo cho quân nhân chuyên nghiệp (thuộc quyền quản lý) sắp hết thời hạn phục vụ tại ngũ biết trước 06 tháng so với ngày hết thời hạn, hướng giải quyết của đơn vị để quân nhân báo cáo nguyện vọng của mình.

- Quân nhân chuyên nghiệp sau khi nhận thông báo nêu trên, nếu có nguyện vọng tiếp tục phục vụ tại ngũ trong Quân đội thì trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được thông báo phải làm đơn gửi lên người chỉ huy trực tiếp xem xét, báo cáo lên cấp trên.

- Người chỉ huy đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên có trách nhiệm xem xét, đề nghị bằng văn bản theo quy định lên cấp trên trực tiếp xem xét và đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định.

Nếu quân nhân chuyên nghiệp không tự nguyện đăng ký thêm thì được xuất ngũ hoặc chuyển ngành theo quy định hiện hành.

VI. VIỆC CHO QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP XUẤT NGŨ TRƯỚC THỜI HẠN

Quân nhân chuyên nghiệp được xuất ngũ trước thời hạn khi có một trong các điều kiện sau đây:

1. Phẩm chất đạo đức và năng lực công tác không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bao gồm: Ý thức tổ chức kỷ luật kém, không tích cực tu dưỡng rèn luyện, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh không nghiêm; đã được tổ chức giáo dục nhiều nhưng không sửa chữa tiến bộ; hiệu quả công tác thấp, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, ảnh hưởng tới khả năng  hòan thành nhiệm vụ của đơn vị.

2. Không đủ sức khoẻ phục vụ tại ngũ, được Hội đồng giám định Y khoa quân khu, quân đoàn, quân chủng hoặc Hội đồng giám định Y khoa khu vực của Quân đội kết luận.

3. Gia đình có  hòan cảnh khó khăn đặc biệt, bản thân quân nhân chuyên nghiệp và gia đình có đơn xin xuất ngũ trước thời hạn, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xác nhận.

4. Do yêu cầu chấn chỉnh tổ chức, biên chế (đơn vị giải thể, sáp nhập hoặc do tinh giản biên chế) Quân đội không có nhu cầu sử dụng.

VII. NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP

1. Nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp

a) Quân nhân chuyên nghiệp có nghĩa vụ theo quy định tại Điều 9 của Nghị định số 18/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2007 và quy định tại Điều lệnh Quản lý bộ đội của Quân đội nhân dân Việt Nam.

b) Quân nhân chuyên nghiệp dự bị đã sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Điều 15 của Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên ngày 27 tháng 08 năm 1996 và có thể được tham gia huấn luyện, diễn tập, kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu theo chỉ tiêu, kế hoạch của đơn vị. Khi có lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu, quân nhân chuyên nghiệp dự bị phải chấp hành nghiêm chỉnh lệnh gọi tập trung của cấp có thẩm quyền. Trong thời gian tập trung huấn luyện, quân nhân chuyên nghiệp dự bị chịu sự quản lý của các đơn vị quân đội theo Điều lệnh Quản lý bộ đội của Quân đội nhân dân Việt Nam.

2. Quyền lợi của quân nhân chuyên nghiệp:

Quân nhân chuyên nghiệp được hưởng các quyền lợi quy định tại Điều 10 của Nghị định số 18/2007NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2007, cụ thể như sau:

a) Quân nhân chuyên nghiệp phục vụ tại ngũ

- Chế độ tiền lương, phụ cấp: được hưởng tiền lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp (nếu có) theo quy định hiện hành của Nhà nước; được hưởng lương đúng ngành nghề đang làm và trình độ đào tạo phù hợp với ngành nghề đó.

Chế độ nghỉ phép: Quân nhân chuyên nghiệp được nghỉ phép theo quy định tại Quyết định số 149/2002/QĐ-BQP ngày 15 tháng 10 năm 2002 của Bộ Quốc phòng, cụ thể:

+ Chế độ nghỉ phép năm: Dưới 15 năm phục vụ được nghỉ 20 ngày; từ 15 năm đến dưới 25 năm phục vụ được nghỉ 25 ngày; từ 25 năm phục vụ trở lên được nghỉ 30 ngày.

+ Chế độ nghỉ ưu tiên khi nghỉ phép: Quân nhân chuyên nghiệp đóng quân cách xa gia đình từ 500 km hoặc tại các đảo thuộc Quần đảo Trường xa, DK được nghỉ thêm 10 ngày mỗi năm; quân nhân chuyên nghiệp đóng quân cách xa gia đình từ 300 km đến dưới 500 km hoặc các đảo xa được nghỉ thêm 05 ngày mỗi năm.

+ Chế độ nghỉ phép đặc biệt: Ngoài chế độ nghỉ phép năm, quân nhân chuyên nghiệp còn được nghỉ phép đặc biệt, thời gian nghỉ không quá 10 ngày, trong những trường hợp gia đình gặp khó khăn đột xuất do bố, mẹ (cả bên chồng và bên vợ), vợ (hoặc chồng), con ốm đau nặng, tai nạn rủi ro, từ trần hoặc bị hậu quả thiên tai nặng.

- Chế độ nghỉ lễ, tết: Hàng năm quân nhân chuyên nghiệp được nghỉ những ngày lễ, tết theo quy định của Bộ Luật lao động và ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12).

- Chế độ nghỉ chuẩn bị trước khi nghỉ hưu:

Quân nhân chuyên nghiệp khi có quyết định thông báo nghỉ hưu, thời gian được nghỉ để chuẩn bị hậu phương gia đình thực hiện như sau:

+ Có 25 năm công tác trở xuống được nghỉ 9 tháng.

+ Có trên 25 năm công tác trở lên được nghỉ 12 tháng.

+ Sau khi quân nhân chuyên nghiệp đã hết thời hạn nghỉ chuẩn bị trước khi nghỉ hưu, cấp có thẩm quyền ban hành quyết định nghỉ hưu cho quân nhân; đơn vị quản lý có trách nhiệm giải quyết đầy đủ mọi chế độ cho quân nhân trước khi nghỉ hưu theo đúng quy định của pháp luật; kể từ khi quyết định nghỉ hưu có hiệu lực thi hành, mọi chế độ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam bảo đảm. Trong trường hợp đặc biệt, nếu phải kéo dài thời hạn nghỉ chuẩn bị trước khi nghỉ hưu cho quân nhân thì chỉ huy đơn vị phải báo cáo bằng văn bản lên cấp có thẩm quyền quyết định

- Quân nhân chuyên nghiệp được hưởng chế độ an dưỡng, điều dưỡng theo quy định của Bộ Quốc phòng.

- Thân nhân chủ yếu của quân nhân chuyên nghiệp (kể cả quân nhân chuyên nghiệp đang công tác tại Ban Cơ yếu Chính phủ), được hưởng chế độ bảo hiểm y tế như đối với thân nhân của sĩ quan tại ngũ.

- Được hưởng các chế độ chính sách theo quy định tại Nghị định số 04/2001/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sĩ quan năm 1999 về chế độ chính sách đối với sĩ quan tại ngũ.

- Được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 04 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội đối với quân nhân, công an nhân đơn và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân.

b) Quân nhân chuyên nghiệp phục vụ ở ngạch dự bị

- Quân nhân chuyên nghiệp dự bị trong thời gian đi đăng ký nghĩa vụ quân sự hoặc kiểm tra sức sức khoẻ được hưởng các chế độ theo quy định tại Điều 34 của Nghị định số 83/2001/NĐ-CP ngày 09/11/2001 của Chính phủ về đăng ký nghĩa vụ quân sự.

- Quân nhân chuyên nghiệp dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên được hưởng phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị theo quy định tại Điều 25 của Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên ngày 27 tháng 8 năm 1996 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Quân nhân chuyên nghiệp dự bị được gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ chính sách theo quy định tại Điều 23 của Nghị định số 39/CP ngày 28 tháng 04 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên ngày 27 tháng 08 năm 1996 và các văn bản hiện hành khác theo quy định của pháp luật.

Quân nhân chuyên nghiệp dự bị được huy động tăng cường cho lực lượng thường trực của Quân đội khi có nhu cầu chiến đấu để bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ chưa đến mức phải động viên cục bộ thì trong thời gian làm nhiệm vụ được hưởng chế độ chính sách theo quy định tại mục II, Thông tư số 2221/2000/TT-BQP ngày 09 tháng 08 năm 2000 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách đối với quân nhân dự bị được huy động đi làm nhiệm vụ bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ chưa đến mức phải động viên cục bộ.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo. Các quy định trước đây về quân nhân chuyên nghiệp trái với quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ.

2. Chỉ huy các đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên tổ chức quán triệt Nghị định số 18/2007/NĐ-CP và Thông tư này trong toàn đơn vị.

Chỉ huy các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ảnh kịp thời về Bộ Quốc phòng để nghiên cứu, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Các đơn vị trực thuộc BQP;
- Cục Tài Chính/BQP;
- Cục Chính sách, Cục Cán bộ/TCCT
- Cục Quân lực BTTM;
- Cục Quân y/TCHC;
- Vụ Pháp chế/BQP;
- Công báo Chính phủ 2b;
- Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- Lưu: VT
.

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG




Phùng Quang Thanh