Thông tư số 86/2005/TT-BNV ngày 22/08/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hướng dẫn về biên chế của ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng khi thực hiện đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh
- Số hiệu văn bản: 86/2005/TT-BNV
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Nội vụ
- Ngày ban hành: 22-08-2005
- Ngày có hiệu lực: 15-09-2005
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 7067 ngày (19 năm 4 tháng 12 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ NỘI VỤ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 86/2005/TT-BNV | Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 2005 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 86/2005/TT-BNV NGÀY 22 THÁNG 8 NĂM 2005 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN VỀ BIÊN CHẾ CỦA BAN QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ, BAN QUẢN LÝ RỪNG ĐẶC DỤNG KHI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN SẮP XẾP, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH
Thi hành Quyết định số 179/2003/QĐ-TTg ngày 3 tháng 9 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình, Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị- Ban Chấp hành Trương ương Đảng khoá IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 3 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh, Bộ Nội vụ hướng dẫn về biên chế của Ban Quản lý rừng phòng hộ, Ban Quản lý rừng đặc dụng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập theo Đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như sau:
I. BIÊN CHẾ CỦA BAN QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ, BAN QUẢN LÝ RỪNG ĐẶC DỤNG (sau đây gọi chung là Ban quản lý rừng)
1. Biên chế ban đầu khi thành lập
Căn cứ quy mô, khối lượng công việc, nhiệm vụ cụ thể của Ban Quản lý rừng và khả năng của ngân sách địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định biên chế cụ thể khi thành lập Ban Quản lý rừng nhưng tối thiểu là 5 người (đối với rừng đặc dụng) và 7 người (đối với rừng phòng hộ) để thực hiện nhiệm vụ tổ chức và quản lý các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (không tính biên chế của tổ chức kiểm lâm trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và biên chế bảo vệ rừng).
Biên chế của lực lượng kiểm lâm trong rừng đặc dụng hoặc rừng phòng hộ là biên chế hành chính được Chính phủ phê duyệt và giao hàng năm trong tổng chỉ tiêu biên chế hành chính của các cơ quan hành chính Nhà nước ở trung ương và địa phương.
Việc bố trí công chức kiểm lâm tại các Hạt, Trạm kiểm lâm trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có Ban Quản lý rừng do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể theo đề nghị của Ban Quản lý rừng, phù hợp với kế hoạch bảo vệ rừng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc bảo vệ và phát triển rừng thực hiện quy định tại các Điều 54, 61 và 62 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 là khoán bảo vệ và phát triển rừng cho hộ gia đình, cá nhân tại chỗ để ổn định đời sống dân cư sống trong các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.
Biên chế bảo vệ rừng là biên chế sự nghiệp do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo khả năng ngân sách địa phương dành cho hoạt động quản lý và bảo vệ rừng chỉ bố trí trong trường hợp không thực hiện được phương thức giao khoán bảo vệ và phát triển rừng.
2. Chỉ tiêu biên chế hàng năm
Chỉ tiêu biên chế hàng năm của Ban Quản lý rừng bao gồm:
2.1. Biên chế ban đầu khi thành lập Ban Quản lý rừng;
2.2. Biên chế thực hiện sự điều chỉnh nhiệm vụ hàng năm của Ban Quản lý rừng theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
2.3. Biên chế thực hiện hoạt động sự nghiệp khác, dịch vụ theo yêu cầu thực tiễn và phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý rừng.
3. Cơ chế tự chủ về chỉ tiêu biên chế
Căn cứ vào nguồn kinh phí của Nhà nước được cấp hàng năm về quản lý và bảo vệ rừng, dự án đầu tư phát triển rừng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các nguồn thu dịch vụ khác để đảm bảo khả năng tự trang trải chi phí hoạt động thường xuyên, Giám đốc Ban Quản lý rừng được quyền tự chủ về chỉ tiêu biên chế hàng năm theo các mức sau:
3.1. Ban Quản lý rừng là đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên; được quyết định biên chế tăng hàng năm của mình.
3.2. Ban Quản lý rừng là đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao kinh phí để thực hiện cơ chế khoán một số loại dịch vụ công hoặc giao kinh phí bằng hình thức định mức chi theo khối lượng công việc; được quyết định biên chế tăng thêm của đơn vị mình phù hợp với nhiệm vụ và kinh phí tăng thêm hàng năm theo tỷ lệ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.
3.3. Ban Quản lý rừng là đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao kinh phí để thực hiện cơ chế khoán một số loại dịch vụ công hoặc giao kinh phí bằng hình thức định mức chi theo khối lượng công việc: có trách nhiệm đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt biên chế tăng thêm hàng năm phù hợp với nhiệm vụ và kinh phí tăng thêm hàng năm.
3.4. Ban Quản lý rừng là đơn vị sự nghiệp không có thu: có trách nhiệm đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định biên chế tăng thêm hàng năm của đơn vị mình phù hợp với nhiệm vụ và kinh phí tăng thêm hàng năm theo tỷ lệ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định.
4. Quản lý và sử dụng biên chế
4.1. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với viên chức lãnh đạo Ban Quản lý rừng thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo.
4.2. Việc tuyển dụng viên chức theo hình thức hợp đồng làm việc trong biên chế của Ban Quản lý rừng phải thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức (Pháp lệnh cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung năm 2003, Nghị định 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, Nghị định 112/2004/NĐ-CP ngày 8 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý biên chế đối với đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và các văn bản khác hướng dẫn việc thực hiện các Nghị định nêu trên).
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
2. Giám đốc lâm trường có trách nhiệm lập phương án sắp xếp, tinh giản biên chế theo quy định của pháp luật trong Đề án chuyển lâm trường thành Ban Quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và chuyển giao Giám đốc Ban Quản lý rừng thực hiện sau khi Đề án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Thông tư này chỉ đạo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với giám đốc Sở Nội vụ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Đề án chuyển đổi lâm trường quốc doanh thành Ban quản lý rừng đã được phê duyệt.
4. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh hoặc có khó khăn, vướng mắc đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phản ánh kịp thời về Bộ Nội vụ để nghiên cứu, giải quyết.
| Đỗ Quang Trung (Đã ký)
|