cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 83/2005/TT-BNV ngày 10/08/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Sửa đổi chế độ nâng bậc lương và các chế độ phụ cấp lương đối với cán bộ, công nhân viên chức

  • Số hiệu văn bản: 83/2005/TT-BNV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Nội vụ
  • Ngày ban hành: 10-08-2005
  • Ngày có hiệu lực: 10-09-2005
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 15-09-2013
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 6995 ngày (19 năm 2 tháng )
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ NỘI VỤ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 83/2005/TT-BNV

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2005

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 83/2005/TT-BNV NGÀY 10 THÁNG 8 NĂM 2005 HƯỚNG DẪN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CHẾ ĐỘ NÂNG BẬC LƯƠNG VÀ CÁC CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP LƯƠNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP) Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương và các chế độ phụ cấp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay trong quá trình triển khai thực hiện ở các Bộ, ngành, địa phương đã phát sinh một số vướng mắc, sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan, Bộ Nội vụ hướng dẫn sửa đổi, bổ sung chế độ nâng bậc lương và các chế độ phụ cấp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức như sau:

I- VỀ CHẾ ĐỘ NÂNG BẬC LƯƠNG

Chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Điều 7 Nghị định số 204/2004/NĐ/CP được thực hiện từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 theo hướng dẫn tại Thông tư 03/2005/TT-BNV ngày 5 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ (sau đây viết tắt là Thông tư số 03/2003/TT). Nay hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư 03/2005/TT như sau:

1- Bổ sung vào khoản 2 mục I về đối tượng không áp dụng chế độ nâng bậc lương như sau:

Công chức cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động, ngoài lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hiện hưởng, hàng tháng được trả thêm tiền lương theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.

2- Bổ sung vào điểm 1.2 khoản 1 mục II về thời gian được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên như sau:

Thời gian cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền quyết định bằng văn bản cử sang làm việc tại các tổ chức quốc tế, dự án, văn phòng đại diện nước ngoài mở tại Việt Nam mà tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ (kể cả phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có) do cơ quan, đơn vị chi trả (vẫn thuộc biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị).

3- Bổ sung vào cuối điểm 1.1 khoản 1 mục III về cách tính số người thuộc chỉ tiêu được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc theo tỷ lệ trong một năm không quá 5% tổng số cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị như sau:

Cứ trong mỗi 20 biên chế trả lương (không tính số biên chế dư ra dưới 20 người sau khi lấy tổng số biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị chia cho 20), cơ quan, đơn vị được xác định có 01 người thuộc chỉ tiêu được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc. Căn cứ vào cách tính này, vào quý IV hàng năm khi báo cáo về kết quả nâng bậc lương theo mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư số 03/2005/TT, cơ quan, đơn vị (bao gồm cả cơ quan, đơn vị có dưới 20 biên chế trả lương) báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để theo dõi và kiểm tra về số người thuộc chỉ tiêu được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong năm sau liền kề của cơ quan, đơn vị mình. Cơ quan quản lý cấp trên căn cứ vào tổng số biên chế dư ra dưới 20 người theo báo cáo của các cơ quan, đơn vị trực thuộc để giao thêm số người được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc (trong năm sau liền kề) ngoài số người thuộc chỉ tiêu theo tỷ lệ không quá 5% của cơ quan, đơn vị trực thuộc (trong đó ưu tiên cho các đơn vị có dưới 20 biên chế và đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác), nhưng phải bảo đảm tổng số người được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc không vượt quá 5% tổng số biên chế trả lương tính theo báo cáo của tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Riêng việc xác định số người thuộc chỉ tiêu được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 cho đến hết năm 2005 được tính tỷ lệ của 5 quý (quý IV năm 2004 và cả năm 2005) với tỷ lệ không quá 6,25% tổng số biên chế trong danh sách chuyển xếp lương cũ sang lương mới của cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (cứ trong 16 người được xác định có 01 người được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc). Nếu đến hết quý I năm 2006, cơ quan, đơn vị không thực hiện hết số người thuộc chỉ tiêu được nâng bậc lương trước thời hạn theo tỷ lệ 6,25% này (chỉ tiêu của quý IV năm 2004 và cả năm 2005) thì không được tính vào chỉ tiêu của năm 2006.

Từ năm 2006 trở đi, số người được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc được thực hiện theo đúng tỷ lệ quy định không quá 5% tổng số biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị (trường hợp có thay đổi về biên chế trả lương so với số đã báo cáo cơ quan quản lý cấp trên từ 20 người trở lên, thì cơ quan, đơn vị tự điều chỉnh số người thuộc chỉ tiêu được nâng bậc lương trước thời hạn theo đúng cách tính tỷ lệ không quá 5% biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để theo dõi và kiểm tra). Nếu đến hết quý I ở năm sau liền kề, cơ quan, đơn vị không thực hiện hết số người thuộc chỉ tiêu được nâng bậc lương trước thời hạn của năm đó (kể cả số người được cơ quan quản lý cấp trên giao thêm, nếu có) thì không được tính vào chỉ tiêu nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc của các năm sau.

4- Sửa đổi ví dụ tại điểm 1.2 khoản 1 mục III như sau:

Ví dụ: Ông nguyễn Văn A, chuyên viên đã xếp bậc3 hệ số lương cũ 2,34 từ ngày 01 tháng 4 năm 2003 đến ngày 01 tháng 10 năm 2004 được chuyển sang hệ số lương mới là 3,00 bậc 3 ngạch chuyên viên (thời gian xét nâng bậc lương lần sau được tính từ ngày 01 tháng 4 năm 2003). Trong năm 2005 ông A lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, đến ngày 01 tháng 02 năm 2006 được cấp có thẩm quyền quyết định nâng bậc lương trước thời hạn 9 tháng (nâng lên bậc 4 hệ số lương mới 3,33), thì thời điểm ông A được hưởng bậc lương mới (bậc 4) được tính kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2005 (thời điểm còn thiếu 9 tháng để nâng bậc lương thường xuyên). Do ông A được quyết định nâng bậc lương trước thời hạn vào ngày 01 tháng 02 năm 2006 (sau ngày 01 tháng 7 năm 2005 là thời điểm được tính hưởng bậc lương mới) nên ông A được truy lĩnh tiền lương và truy nộp bảo hiểm xã hội phần chênh lệch hệ số lương giữa bậc 4 so với bậc 3 là 0,33 (3,33 – 3,00) từ tháng 7 năm 2005 đến hết tháng 01năm 2006; thời gian xét nâng bậc lương lần sau của ông A được tính kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2005.

5- Bổ sung vào khoản 1 mục V về có hiệu lực thi hành như sau:

Bãi bỏ khoản 5 mục III về chế độ nâng bậc lương thường xuyên đối với công chức cấp xã quy định tại Thông tư liên tịch số 34/2004/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 14 tháng 5 năm 2004 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn (để thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/2005/TT).

II- VỀ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO

Chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với cán bộ, công chức, viên chức quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP được thực hiện từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2005/TT-BNV ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ (sau đây viết tắt là Thông tư số 02/2005/TT). Nay hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 02/2005/TT như sau:

1- Sửa đổi điểm c2 khoản 2 mục II như sau:

Nếu thôi giữ chức danh lãnh đạo do được kéo dài thêm thời gian công tác khi đến độ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định số 71/2000/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ hoặc thôi giữ chức danh lãnh đạo để làm thủ tục nghỉ hưu theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền mà vẫn thuộc biên chế trả lương có đóng bảo hiểm xã hội của cơ quan, đơn vị (sau đây gọi chung là thôi giữ chức danh lãnh đạo), thì kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 được chuyển mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hệ số cũ sang hưởng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hệ số mới của chức danh lãnh đạo đã đảm nhiệm tại thời điểm thôi giữ chức danh lãnh đạo cho đến ngày nhận sổ hưu (trường hợp thôi giữ chức danh lãnh đạo từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 trở đi thì hưởng bảo lưu mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hệ số mới kể từ ngày thôi giữ chức danh lãnh đạo cho đến ngày nhận sổ hưu).

2- Bổ sung vào cuối điểm d2 khoản 2 mục II như sau:

Nếu so sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị ở Trung ương theo Nghị định của Chính phủ hoặc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thì tùy từng trường hợp cụ thể, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ vào tương quan đội ngũ cán bộ lãnh đạo thuộc phạm vi quản lý xem xét, quyết định cho hưởng bảo lưu mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo (theo hệ số mới) của hạng cũ hoặc vị trí cũ của cơ quan, đơn vị đó và gửi báo cáo về Bộ Nội vụ để theo dõi.

3- Sửa đổi đoạn cuối khoản 2 mục IV về việc áp dụng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với các cơ quan, đơn vị có quy định khung phụ cấp chức vụ lãnh đạo tại bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP như sau:

Trong thời gian chưa có hướng dẫn về xếp hạng của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, tạm thời giữ mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hệ số cũ hiện hưởng (nếu có). Sau khi có quyết định xếp hạng tổ chức (theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP) của cơ quan có thẩm quyền (theo hướng dẫn về xếp hạng tổ chức của bộ quản lý ngành, lĩnh vực), thì được truy lĩnh phụ cấp và truy nộp bảo hiểm xã hội phần chênh lệch giữa mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hệ số mới so với mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hệ số cũ (nếu có) kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2004. Trường hợp giữ chức danh lãnh đạo sau ngày 01 tháng 10 năm 2004 đến trước ngày có quyết định xếp hạng thì được truy lĩnh phụ cấp chức vụ và truy nộp bảo hiểm xã hội kể từ ngày giữ chức danh lãnh đạo.

Trường hợp hạng mới của tổ chức được xếp cao hơn so với hạng cũ (sau đây gọi là nâng hạng), thì trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 đến trước ngày có quyết định nâng hạng được truy lĩnh phụ cấp và truy nộp bảo hiểm xã hội giữa mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hệ số mới so với mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hệ số cũ của hạng cũ; kể từ ngày có quyết định nâng hạng được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hệ số mới của hạng mới.

Riêng các trường hợp giữ chức danh lãnh đạo có quyết định nghỉ hưu sau ngày 01 tháng 10 năm 2004 của cấp có thẩm quyền mà tại thời điểm tính lương hưu chưa có quyết định xếp hạng tổ chức (theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP để được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hệ số mới) thì kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 cho đến trước ngày nghỉ hưu hàng tháng được tính hưởng thêm hệ số 0,10 (đối với các trường hợp đang hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo có hệ số cũ từ 0,30 trở xuống), hưởng thêm 0,20 (đối với các trường hợp đang hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo có hệ số cũ từ 0,35 trở lên) để tính nộp bảo hiểm xã hội và làm căn cứ tính lương hưu. Các trường hợp đã có quyết định nghỉ hưu được hưởng thêm phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo quy định này không đặt vấn đề tính lại lương hưu (làm lại sổ hưu) sau khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền xếp hạng tổ chức mà người đó đã làm việc trước khi nghỉ hưu.

4- Đối với Chi cục thuộc Cục thuộc Tổng cục và các tổ chức khác mà tại bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP có quy định “Bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định cụ thể sau khi có thỏa thuận của liên Bộ Nội vụ - Tài chính”, thì trong thời gian chưa có quyết định cụ thể về phụ cấp chức vụ lãnh đạo (theo hệ số mới) của cơ quan có thẩm quyền, được áp dụng phụ cấp chức vụ lãnh đạo như các trường hợp có quy định khung phụ cấp chức vụ lãnh đạo hướng dẫn tại khoản 3 mục II Thông tư này.

5- Đối với Ban quản lý Khu công nghiệp, Ban quản lý Khu kinh tế , Ban quản lý khu kinh tế mở, Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu, Ban quản lý khu kinh tế - thương mại, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Ban quản lý khu kinh tế có tên gọi khác (sau đây gọi chung là Ban quản lý Khu công nghiệp); thực hiện việc xếp hạng theo hướng dẫn tại Thông tư số 36/2005/TT-BNV ngày 06 tháng 4 năm 2005 của Bộ Nội vụ. Trong thời gian chưa có văn bản của Bộ Nội vụ đồng ý được xếp hạng I, thì các chức danh lãnh đạo Ban quản lý Khu công nghiệp hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hạng II quy định tại bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.

6- Đối với hội và các tổ chức phi Chính phủ ở Trung ương.

a) Về xếp hạng hội và các tổ chức phi Chính phủ ở Trung ương:

Hạng I (quy định tại bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP) được áp dụng đối với các hội ở Trung ương (kể cả các hội đã đổi tên) quy định tại Thông tư số 199/TCCP ngày 06 tháng 5 năm 1994 của Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hướng dẫn phụ cấp chức vụ lãnh đạo chuyên trách của hội (sa đây viết tắt là Thông tư số 199/TCCP) và các hội, các tổ chức phi Chính phủ ở Trung ương được Nhà nước giao biên chế và đã có quyết định (hoặc văn bản thỏa thuận) trước ngày 01 tháng 10 năm 2004 của cơ quan có thẩm quyền áp dụng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo như các hội ở Trung ương quy định tại Thông tư số 199/TCCP.

Từ nay việc xếp hạng I đối với hội và tổ chức phi Chính phủ ở Trung ương được Nhà nước giao biên chế do Bộ trưởng Bộ Nội vụ trao đổi ý kiến với các cơ quan có liên quan ở Trung ương để xem xét, quyết định .

Hạng II (quy định tại bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP) được áp dụng đối với các hội và các tổ chức phi Chính phủ ở Trung ương được Nhà nước giao biên chế còn lại.

b) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế Nhà nước được cử sang giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách hội và tổ chức phi Chính phủ ở Trung ương (hạng I và hạng II mới) và đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền xếp lương cũ của chức danh Bộ trưởng và tương đương trở lên hoặc xếp phụ cấp chức vụ lãnh đạo (theo hệ số cũ) cao hơn so với quy định tại Thông tư số 199/TCCP, thì hội và tổ chức phi Chính phủ ở Trung ương có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ theo phân cấp hiện hành xem xét, quyết định chuyển xếp lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo sang hệ số mới cho phù hợp.

c) Trường hợp theo Điều lệ hoạt động của hội và tổ chức phi Chính phủ ở Trung ương có quy định và có bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, Phó Tổng thư ký, thì áp dụng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với chức danh Tổng thư ký thấp hơn 0,10 so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh Phó Chủ tịch; phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với chức danh Phó Tổng thư ký thấp hơn 0,05 so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh Tổng thư ký.

7- Đối với hội và các tổ chức phi Chính phủ ở địa phương.

a) Hội và các tổ chức phi Chính phủ ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) được Nhà nước giao biên chế thì áp dụng phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo quy định tại bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.

b) Trường hợp theo Điều lệ hoạt động của hội và tổ chức phi Chính phủ ở cấp tỉnh có quy định và có bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, Phó Tổng thư ký, thì áp dụng phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với chức danh Tổng thư ký, Phó tổng thư ký như nguyên tắc quy định tại điểm c khoản 6 nêu trên.

c) Trường hợp theo Điều lệ hoạt động của hội và tổ chức phi Chính phủ có cơ cấu tổ chức đến huyện, quận, thị xã và thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cấp huyện) và được Nhà nước giao biên chế thì áp dụng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo bằng cơ quan chuyên môn (cấp phòng) thuộc Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

8- Đối với bảo hiểm xã hội cấp huyện, được áp dụng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo bằng cấp phòng thuộc Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

9- Đối với các chức danh lãnh đạo ở các tổ chức không quy định cụ thể về mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo hoặc không quy định về khung phụ cấp chức vụ lãnh đạo tại bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP thì thực hiện như sau:

a) Đối với các tổ chức được thành lập theo Nghị định của Chính phủ hoặc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Ty từng trường hợp cụ thể cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo (theo hệ số mới) đối với các chức danh lãnh đạo tổ chức đó cho phù hợp.

b) Đối với các tổ chức còn lại được thực hiện như sau:

Nếu do Bộ trưởng,Thủ trưởng cơ quan ở Trung ương quyết định thành lập theo đúng thẩm quyền, thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ở Trung ương đó xem xét, quyết định với mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo (theo hệ số mới) cao nhất bằng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo của Phó vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ, cơ quan ở Trung ương đó (trừ các tổ chức có thỏa thuận của Bộ trưởng Bộ Nội vụ).

Nếu do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập theo đúng thẩm quyền, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đó xem xét, quyết định với mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo (theo hệ số mới) cao nhất bằng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo của Phó Giám đốc Sở;

Nếu do Giám đốc Sở, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định thành lập theo đúng thẩm quyền, thì Giám đốc Sở, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó xem xét, quyết định với mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo (theo hệ số mới) cao nhất bằng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh Trưởng phòng trực thuộc.

III- VỀ CÁC CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP KHÁC

Các chế độ phụ cấp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Điều 6 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP được thực hiện theo các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ và các Thông tư liên tịch giữa Bộ Nội vụ với các Bộ, ngành liên quan. Nay hướng dẫn bổ sung việc thực hiện một số chế độ phụ cấp như sau:

1- Về đối tượng không áp dụng các chế độ phụ cấp lương.

Cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động, ngoài lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hiện hưởng, hàng tháng được trả thêm tiền lương theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, không thuộc đối tượng xếp lương theo các thang lương, bảng lương, vì vậy không thuộc đối tượng áp dụng các chế độ phụ cấp lương quy định tại Điều 6 Nghị định số 204/2004/NĐ/CP.

2- Về chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc.

Chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2005/TT-BNV ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ, nay hướng dẫn bổ sung một số điểm sau:

a) Đối với Ban quản lý chợ: Hưởng mức phụ cấp trách nhiệm công việc hệ số 0,1 và 0,2 tùy theo quy mô từng chợ do Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quản lý xem xét, quyết định.

b) Đối với Ban quản lý nghĩa trang, hưởng mức phụ cấp trách nhiệm công việc như sau:

Đội trưởng và tương đương: Hệ số 0,2.

Phó Đội trưởng và tổ trưởng: Hệ số 0,1.

c) Đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại Trường chuyên biệt đang hưởng mức phụ cấp trách nhiệm công việc hệ số 0,3 theo quy định hiện hành thì vẫn được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có).

d) Đối với cán bộ, viên chức thuộc biên chế trả lương của bệnh viện Thống nhất (thành phố Hồ Chí Minh): Hưởng mức phụ cấp trách nhiệm công việc hệ số 0,2.

3- Về chế độ phụ cấp đặc biệt.

Chế độ phụ cấp đặc biệt từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 09/2005/TT-BNV ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp đặc biệt đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Thông tư số 09/2005/TT).

Thông tư số 09/2005/TT được ban hành trên cơ sở các địa bàn đã được hưởng phụ cấp đặc biệt theo quy định tại Thông tư liên Bộ số 02/LB-TT ngày 25 tháng 01 năm 1994 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp đặc biệt, Thông tư liên tịch số 04/2001/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 18 tháng 10 năm 2001 của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung các xã được áp dụng chế độ phụ cấp đặc biệt và các văn bản thỏa thuận của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội từ sau ngày 18 tháng 01 năm 2001 đến trước ngày 01 tháng 10 năm 2004. Vì vậy, kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 trở đi, khi có thay đổi địa giới hành chính hoặc bổ sung địa bàn hưởng phụ cấp đặc biệt thì áp dụng mức phụ cấp đặc biệt theo nguyên tắc sau:

a) Trường hợp đổi tên địa danh đối với địa bàn đã được hưởng phụ cấp đặc biệt thì được giữ nguyên mức phụ cấp đặc biệt hiện hưởng. Theo phạm vi quản lý, Thủ trưởng Bộ, ngành ở Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo (kèm theo bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc đổi tên địa danh) về Bộ Nội vụ để theo dõi.

b) Trường hợp chia tách hoặc sáp nhập địa giới hành chính đối với các địa bàn đã được hưởng phụ cấp đặc biệt, thì theo phạm vi quản lý, Thủ trưởng Bộ, ngành ở Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản đề nghị mức phụ cấp đặc biệt đối với các địa bàn mới được chia tách hoặc sáp nhập (kèm theo bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc chia tách hoặc sáp nhập địa giới hành chính và tính toán kinh phí tăng thêm do việc đề nghị áp dụng phụ cấp đặc biệt này) gửi về Bộ Nội vụ.

Căn cứ đề nghị của Thủ trưởng Bộ, ngành ở Trung ương và của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Nội vụ trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan để xem xét trả lời. Trong thời gian chưa có văn bản trả lời của Bộ Nội vụ thì giữ nguyên mức phụ cấp đặc biệt đối với các đối tượng đang được hưởng.

c) Trường hợp Bộ, ngành hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị bổ sung địa bàn hưởng phụ cấp đặc biệt hoặc đề nghị thay đổi (tăng hoặc giảm) mức phụ cấp đặc biệt đối với các địa bàn đã được hưởng phụ cấp đặc biệt, thì Thủ trưởng Bộ, ngành ở Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Nội vụ (trong văn bản giải trình rõ lý do đề nghị; tính toán kinh phí tăng thêm do việc đề nghị này; tên địa bàn đề nghị thêm, tên địa bàn đề nghị thay đổi mức phụ cấp, mức phụ cấp của các địa bàn giáp ranh đã được hưởng, nếu có).

Căn cứ đề nghị của Thủ trưởng Bộ, ngành ở Trung ương và của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Nội vụ trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan để xem xét trả lời. Trong thời gian chưa có văn bản trả lời của Bộ Nội vụ thì giữ nguyên mức và địa bàn đã được hưởng phụ cấp đặc biệt.

4- Về chế độ phụ cấp khu vực

Chế độ phụ cấp khu vực từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính và Uỷ ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT).

Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT (đã được đính chính tại Công văn số 803/BNV-TL ngày 14 tháng 4 năm 2005 của Bộ Nội vụ) được ban hành trên cơ sở các địa bàn đã được hưởng phụ cấp khu vực theo quy định tại phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 03/2001/TTLT-BLĐTBXH-BTC-UBDTMN ngày 18 tháng 01 năm 2001 của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính và Uỷ ban dân tộc và miền núi (nay là Uỷ ban dân tộc) hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực và các văn bản thỏa thuận của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội từ sau ngày 18 tháng 01 năm 2001 đến trước ngày 01 tháng 10 năm 2004. Vì vậy, kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 trở đi, khi có thayđổi địa giới hành chính (đổi tên, chia tách, sáp nhập) đối với các địa bàn đã được hưởng phụ cấp khu vực, thì được áp dụng phụ cấp khu vực theo nguyên tắc áp dụng phụ cấp đặc biệt quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 mục III Thông tư này.

Trường hợp Bộ, ngành hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị bổ sung địa bàn hưởng phụ cấp khu vực hoặc đề nghị thay đổi (tăng hoặc giảm) mức phụ cấp khu vực, thì thực hiện theo đúng hướng dẫn tại khoản 1 mục III Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT. Căn cứ đề nghị của Thủ trưởng Bộ, ngành ở Trung ương và của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Nội vụ trao đổi ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính, Uỷ ban dân tộc và các Bộ, ngành liên quan để xem xét trả lời. Trong thời gian chưa có văn bản trả lời của Bộ Nội vụ thì giữ nguyên mức và địa bàn đã được hưởng phụ cấp khu vực.

IV- HIỆU LỰC THI HÀNH

1- Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2- Các nội dung sửa đổi, bổ sung về chế độ nâng bậc lương và các chế độ phụ cấp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Thông tư này được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2004.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Bộ Nội vụ để nghiên cứu, giải quyết.

 

Đỗ Quang Trung

(Đã ký)