cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 02/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với cán bộ, công chức, viên chức

  • Số hiệu văn bản: 02/2005/TT-BNV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Nội vụ
  • Ngày ban hành: 05-01-2005
  • Ngày có hiệu lực: 25-01-2005
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 10-09-2005
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 7241 ngày (19 năm 10 tháng 6 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ NỘI VỤ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2005/TT-BNV

Hà Nội, ngày 05 tháng 1 năm 2005

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 02/2005/TT-BNV NGÀY 05 THÁNG 01 NĂM 2005 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Thi hành Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toàn án, ngành Kiểm sát và Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước như sau:

I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Cán bộ bầu cử trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện) thuộc diện xếp lương theo ngạch, bậc công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

2. Cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả các chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát) được bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện và trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập.

3. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế nhà nước và xếp lương theo ngạch, bậc công chức, viên chức được cử đến giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội và các tổ chức phi Chính phủ.

II. NGUYÊN TẮC VÀ CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC HƯỞNG, THÔI HƯỞNG PHỤ CẤP CHỨC VỤ LÃNH ĐẠO

1. Nguyên tắc

Cán bộ, công chức, viên chức được bầu cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo nào thì hưởng mức phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo đó; nếu một người giữ nhiều chức danh lãnh đạo khác nhau thì hưởng mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cao nhất.

2. Các trường hợp được hưởng và thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo:

a) Theo yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức đang giữ chức danh lãnh đạo được luân chuyển đến giữ chức danh lãnh đạo khác, nếu có mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo mới thấp hơn thì được giữ mức phụ cấp chức vụ theo chức danh lãnh đạo cũ.

b) Cán bộ, công chức, viên chức được bầu cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo khác, nếu có mức phụ cấp chức vụ mới thấp hơn mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cũ mà không thuộc diện luân chuyển theo yêu cầu nhiệm vụ, thì được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cũ trong 6 tháng kể từ ngày được cấp có thẩm quyền phê chuẩn kết quả bầu cử hoặc ngày được bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo mới; từ tháng thứ 7 trở đi hưởng mưc phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo mới.

c) Các trường hợp thôi giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm):

c1) Nếu thôi giữ chức danh lãnh đạo do bị kỷ luật miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc không được bổ nhiệm lại, thì thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo kể từ ngày quyết định thôi giữ chức danh lãnh đạo có hiệu lực thi hành,

c2) Nếu thôi giữ chức danh lãnh đạo do được kéo dài thêm thời gian công tác khi đến độ tuổi nghỉ hưu hoặc thôi giữ chức danh lãnh đạo để nghỉ hưu theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền, thì được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo hiện hưởng.

c3) Nếu thôi giữ chức danh lãnh đạo do sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ, thì thực hiện theo hướng dẫn riêng trong lần sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế đó.

c4) Các trường hợp thôi giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) còn lại ngoài các trường hợp tại các tiết c1, c2 và c3 nêu trên, được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cũ trong 6 tháng kể từ ngày có quyết định thôi giữ chức danh lãnh đạo; từ tháng thứ 7 trở đi thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

d) Các trường hợp khác:

d1) Nếu cơ quan, đơn vị chưa có cấp trưởng hoặc có cấp trưởng nhưng cấp trưởng không trực tiếp điều hành (do đi học, ốm đau và các nguyên nhân khác), thì người có quyết định (bằng văn bản) của cơ quan có thẩm quyền giao phụ trách hoặc giao quyền cấp trưởng (chưa phải là quyết định phê chuẩn kết quả bầu cử hoặc quyết định bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo) được hưởng mức phụ cấp chức vụ bằng mức phụ cấp chức vụ của cấp trưởng. Khi có quyết định thôi giao phụ trách hoặc thôi giao quyền cấp trưởng thì thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo của cấp trưởng kể từ ngày quyết định có hiệu lực thi hành.

d2) Nếu do thay đổi tổ chức mà hạng của cơ quan, đơn vị được xếp thấp hơn hạng cũ, thì những người đã giữ chức danh lãnh đạo trước ngày có quyết định của cấp có thẩm quyền thay đổi hạng tổ chức của cơ quan, đơn vị, được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ cũ trong 6 tháng; từ tháng thứ 7 trở đi hưởng phụ cấp chức vụ theo hạng tổ chức mới.

d3) Trường hợp do thay đổi địa giới hành chính, những người có quyết định của cấp có thẩm quyền chỉ định giữ chức danh lãnh đạo lâm thời, được hưởng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo của chức danh lãnh đạo tương ứng. Khi hết thời hạn giữ chức danh lãnh đạo lâm thời được bầu cử hoặc bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo nào thì hưởng phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo đó, không bảo lưu mức phụ cấp chức vụ đã được hưởng trong thời gian giữ chức danh lãnh đạo lâm thời.

III. MỨC PHỤ CẤP VÀ CÁCH TRẢ PHỤ CẤP

1. Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo:

Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo được áp dụng theo quy định tại bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong các cơ quan nhà nước và trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ.

2. Cách trả phụ cấp chức vụ lãnh đạo

Phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bao gồm cả hệ số chênh lệch đối với Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại bảng phụ cấp chức vụ ban hành kèm theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) được trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, người đứng đầu Hội và các tổ chức phi Chính phủ ở Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý soát xét lại cơ cấu tổ chức và các chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) để thực hiện thống nhất chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Các cơ quan, đơn vị có quy định khung phụ cấp chức vụ lãnh đạo tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ thì Bộ, cơ quan ngang Bộ (gọi chung là Bộ) quản lý ngành hoặc lĩnh vực đó có trách nhiệm quy định cụ thể sau khi có thoả thuận của liên Bộ Nội vụ - Tài chính.

Hồ sơ đề nghị, gồm:

a) Nguyên tắc và các tiêu chí xếp hạng tổ chức;

b) Số hạng của từng tổ chức;

c) Các chức danh lãnh đạo và mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo tương ứng.

Trong thời gian chưa có quy định của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, tạm thời giữ mức phụ cấp chức vụ hiện hưởng (nếu có); sau khi có quy định của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực được truy lĩnh và truy nộp bảo hiểm xã hội phần chênh lệch phụ cấp chức vụ lãnh đạo giữa mức phụ cấp mới so với mức phụ cấp cũ phù hợp với hiệu lực thi hành của Thông tư này.

3. Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thu bảo hiểm xã hội theo đúng mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo được hưởng của cán bộ, công chức, viên chức. Nếu phát hiện việc hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo không đúng quy định thì Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản đề nghị người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định xếp lại phụ cấp chức vụ theo đúng quy định của Nhà nước (đồng gửi Bộ Nội vụ 01 bản để theo dõi và kiểm tra).

V. HIỆU LỰC THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Bãi bỏ các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ về chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước và trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

2. Chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) quy định tại Thông tư này được tính hưởng kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2004.

Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) sau ngày 01 tháng 10 năm 2004 thì hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hướng dẫn tại Thông tư này kể từ ngày được cấp có thẩm quyền phê chuẩn kết quả bầu cử hoặc quyết định bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo.

3. Các chức danh lãnh đạo trong tổ chức cơ yếu và trong lực lượng vũ trang có hướng dẫn riêng.

4. Các chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận và các đoàn thể, thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Bộ Nội vụ để nghiên cứu, giải quyết.

 

Đỗ Quang Trung

(Đã ký)