cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 73/2003/TT-BTC ngày 31/07/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 73/2003/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 31-07-2003
  • Ngày có hiệu lực: 29-08-2003
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Ngày hết hiệu lực: 00/00/0000
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Văn bản này đã hết hiệu lực.

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 73/2003/TT-BTC

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2003

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 73/2003/TT-BTC NGÀY 31 THÁNG 7 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ GÓP VỐN, MUA CỔ PHẦN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TRONG DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Thực hiện Quyết định số 36/2003/QĐ-TTg ngày 11/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc về việc ban hành Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam (gọi tắt là Quy chế kèm theo Quyết định số 36/2003/QĐ-TTg ngày 11/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về tài chính như sau:

I- QUY ĐỊNH CHUNG

1- Đối tượng và phạm vi áp dụng

1.1- Đối tượng áp dụng Thông tư này

- Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam quy định tại Điều 2 Quy chế kèm theo Quyết định số 36/2003/QĐ-TTg ngày 11/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

- Doanh nghiệp Việt Nam nhận vốn góp, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá, công ty cổ phần (bao gồm cả công ty cổ phần hình thành do cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần thành lập theo Luật Doanh nghiệp), công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, Liên hiệp hợp tác xã và hợp tác xã hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề do Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ở từng thời kỳ.

- Cổ đông sở hữu cổ phần trong công ty cổ phần, các thành viên sở hữu vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, Liên hiệp hợp tác xã và hợp tác xã.

1.2- Phạm vi áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và dưới các hình thức quy định tại Điều 5 Quy chế kèm theo Quyết định số 36/2003/QĐ-TTg ngày 11/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

Thông tư này không áp dụng đối với hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

2- Mức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam

Các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam tối đa bằng 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp Việt Nam.

- Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần phát hành lần đầu của doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá thì tổng giá trị cổ phần không vượt quá 30% vốn điều lệ dự kiến trong phương án cổ phần hoá được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (đối với doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý), Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý) phê duyệt.

- Trường hợp có nhiều nhà đầu tư nước ngoài cùng đăng ký góp vốn, mua cổ phần với giá trị lớn hơn 30% vốn điều lệ thì doanh nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định lựa chọn đối tác không qua đấu giá hoặc tổ chức đấu giá để lựa chọn đối tác (tự tổ chức đấu giá hoặc thông qua tổ chức tài chính trung gian).

- Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần vào một doanh nghiệp Việt Nam thì cũng được phép góp vốn, mua cổ phần tối đa bằng 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

3- Thẩm quyền quyết định nhận vốn góp, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài

3.1- Đối với doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá tổ chức bán cổ phần lần đầu theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19/6/2002 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần:

- Doanh nghiệp nhà nước thuộc Trung ương quản lý: do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định.

- Doanh nghiệp nhà nước thuộc địa phương quản lý: do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

3.2- Đối với công ty cổ phần, cổ đông trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, Liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã và các thành viên trong các tổ chức này: thẩm quyền quyết định thực hiện theo quy định tại Khoản 2, khoản 3 Điều 6 Quy chế kèm theo Quyết định số 36/2003/QĐ-TTg ngày 11/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

II- QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1- Thực hiện mua, bán cổ phần và góp vốn

1.1- Bán cổ phần

1.1.1- Đối với doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá:

- Doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá có nhu cầu và khả năng huy động vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý của nước ngoài thì khi lập phương án cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước phải xác định giá trị cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư nước ngoài trong cơ cấu bán cổ phần lần đầu trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (đối với doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý), trình Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đối với doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý) phê duyệt.

- Cơ cấu cổ phần lần đầu của doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá và việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19/6/2002 của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần. Sau khi xác định cổ phần của Nhà nước cần nắm giữ (nếu có), cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp và cổ phần bán ưu đãi cho người sản xuất và cung ứng nguyên liệu, số cổ phần còn lại được bán ra ngoài doanh nghiệp, trong đó có bán cho nhà đầu tư nước ngoài.

- Sau khi có phương án cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước được cấp có thẩm quyền duyệt, doanh nghiệp cổ phần hoá phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng việc bán cổ phần ra ngoài doanh nghiệp và công bố công khai những thông tin chủ yếu của doanh nghiệp để nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu. Việc bán cổ phần phát hành lần đầu ra ngoài doanh nghiệp thực hiện theo Thông tư số 80/2002/TT-BTC ngày 12/9/2002 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn bảo lãnh phát hành và đấu giá bán cổ phần ra bên ngoài của các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá.

1.1.2- Đối với công ty cổ phần đang hoạt động:

- Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc công ty xây dựng phương án đầu tư, phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn trong đó có bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trình Đại hội cổ đông hoặc Hội đồng quản trị (theo điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty cổ phần) quyết định.

Trường hợp công ty cổ phần bán cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư nước ngoài thì Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc công ty cũng phải xây dựng phương án trình Đại hội cổ đông hoặc Hội đồng quản trị (theo quy định tại điều lệ tổ chức và hoạt động công ty) quyết định.

- Công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán: thực hiện bán cổ phần công khai trên thị trường chứng khoán theo các quy định của luật pháp Việt Nam về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

- Công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán: thực hiện bán cổ phần tại doanh nghiệp hoặc thông qua tổ chức tài chính trung gian thành lập theo quy định của pháp luật. Công ty cổ phần phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (số lượng cổ phần bán, giá dự kiến bán, ngày bắt đầu bán,…); cung cấp các thông tin cần thiết về tình hình kinh doanh, vốn, quỹ của công ty năm báo cáo và 2 năm trước cho nhà đầu tư. Công ty cổ phần và nhà đầu tư nước ngoài thoả thuận và tự quyết định việc mua, bán cổ phần.

Các công ty cổ phần có thể thuê tổ chức tài chính trung gian thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài theo các quy định tại Thông tư số 80/2002/TT-BTC ngày 12/9/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn bán đấu giá và bảo lãnh phát hành bán cổ phần ra ngoài doanh nghiệp.

1.1.3- Đối với các cổ đông trong công ty cổ phần

Các cổ đông trong công ty cổ phần bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện đúng các quy định của Luật Doanh nghiệp, điều lệ công ty và phải đăng ký với công ty để đảm bảo tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ doanh nghiệp.

1.2- Nhận vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài

Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, Liên hiệp hợp tác xã và hợp tác xã nhận vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 và Khoản 3 Điều 11 Quy chế kèm theo Quyết định số 36/2003/QĐ-TTg ngày 11/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

1.3- Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Quy chế kèm theo Quyết định số 36/2003/QĐ-TTg ngày 11/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không có điều kiện trực tiếp tham gia đấu giá (có nhiều nhà đầu tư nước ngoài cùng đăng ký …) thì thoả thuận với bên bán về giá mua, bán cổ phần, giá góp vốn theo quy định tại điểm 2 Mục II Thông tư này.

2- Giá bán cổ phần, giá vốn góp

2.1- Giá bán cổ phần

- Giá bán cổ phần phát hành lần đầu của doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá xác định theo quy định tại Nghị định số 64/2002/NĐ-CP ngày 19/6/2002 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần và Thông tư số 79/2002/TT-BTC ngày 12/9/2002, Thông tư số 80/2002/TT-BTC ngày 12/9/2002 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2002/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.

- Giá bán cổ phần của công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán theo giá của thị trường chứng khoán.

- Giá bán cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán là giá thoả thuận giữa bên mua, bên bán nhưng không được thấp hơn giá bán cho nhà đầu tư trong nước.

- Giá bán cổ phần thuộc sở hữu của cổ đông là giá thoả thuận giữa cổ đông với nhà đầu tư nước ngoài, do cổ đông tự quyết định và không thấp hơn giá bán trên thị trường chứng khoán đối với công ty cổ phần đã niêm yết hoặc không thấp hơn giá bán cho đầu tư trong nước đối với công ty cổ phần chưa nêm yết.

2.2- Giá vốn góp

- Giá vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài để trở thành thành viên mới trong công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, trong Liên hiệp hợp tác xã và hợp tác xã do: hội đồng thành viên (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên), các thành viên hợp danh, thành viên góp vốn (đối với công ty hợp danh), đại hội xã viên (đối với Liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã) quyết định sau khi thoả thuận với bên góp vốn.

- Giá bán lại phần vốn góp của thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, Liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã là giá thoả thuận giữa thành viên đó với nhà đầu tư nước ngoài và không thấp hơn giá bán cho các thành viên trong doanh nghiệp.

3- Thông tin trước và sau khi thực hiện xong việc bán cổ phần, nhận vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài

3.1- Thông tin trước khi bán cổ phần, nhận vốn góp

Trong thời hạn 30 ngày trước khi thực hiện việc bán cổ phần, nhận vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả trường hợp đấu giá và không đấu giá), doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp các thông tin chủ yếu: tên, địa chỉ của doanh nghiệp; số lượng cổ phần bán, số vốn nhận góp; các thông tin cần thiết về tình hình kinh doanh, vốn, quỹ của doanh nghiệp năm báo cáo và 2 năm trước; điều kiện tham gia đấu giá; phương thức thanh toán và các vấn đề khác có liên quan trên phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài phát thanh, đài truyền hình Trung ương và địa phương) tối thiểu ba lần liên tiếp.

3.2- Thông báo kết quả bán cổ phần, nhận vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài

Sau 15 ngày kết thúc việc bán cổ phần, nhận vốn góp doanh nghiệp làm báo cáo và gửi đến các cơ quan sau:

- Doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá: gửi đến Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (đối với doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý); gửi đến chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý).

- Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, Liên hiệp hợp tác xã và hợp tác xã: gửi đến cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

4. Quyền lợi và nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài: thực hiện theo quy định tại Điều 15, 16 Quy chế kèm theo Quyết định số 36/2003/QĐ-TTg ngày 11/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ

III- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo và thay thế Thông tư số 132/1999/TT-BTC ngày 15/11/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.

 

Lê Thị Băng Tâm

(Đã ký)