cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 33/2003/TT-BTC ngày 16/04/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính và vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 33/2003/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 16-04-2003
  • Ngày có hiệu lực: 30-05-2003
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 23-08-2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2642 ngày (7 năm 2 tháng 27 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 23-08-2010
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 23-08-2010, Thông tư số 33/2003/TT-BTC ngày 16/04/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính và vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 100/2010/TT-BTC ngày 09/07/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đường hàng không quốc tế (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33/2003/TT-BTC

Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2003

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 33/2003/TT-BTC NGÀY 16 THÁNG 4 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI BƯU PHẨM, BƯU KIỆN, HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU GỬI QUA DỊCH VỤ BƯU CHÍNH VÀ VẬT PHẨM, HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU GỬI QUA DỊCH VỤ CHUYỂN PHÁT NHANH

Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 được Quốc hội Khoá X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/06/2001.
Căn cứ Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan.
Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính và vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Bưu phẩm, bưu kiện, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (dưới đây gọi chung là hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu) gửi qua dịch vụ bưu chính làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Bưu điện quốc tế (Bưu cục ngoại dịch, Bưu cục cửa khẩu biên giới).

2. Vật phẩm, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (dưới đây gọi chung là hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu) gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh (CPN):

- Trường hợp do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính kinh doanh thì làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Bưu cục ngoại dịch hoặc Chi cục Hải quan sân bay quốc tế.

- Trường hợp do doanh nghiệp khác kinh doanh thì làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan sân bay quốc tế.

3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh (trong văn bản này gọi tắt là doanh nghiệp) là người thay mặt chủ hàng trực tiếp làm thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (trừ thư, túi ngoại giao, túi lãnh sự) và phải thực hiện các quyền, nghĩa vụ sau đây của chủ hàng:

a. Khai hải quan;

b. Xuất trình hàng hoá để Hải quan kiểm tra;

c. Nộp thuế, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có);

d. Nhận hàng xuất khẩu để xuất ra nước ngoài hoặc hàng nhập khẩu để chuyển trả cho chủ hàng;

đ. Thông báo cho chủ hàng liên hệ trực tiếp với Chi cục Hải quan Bưu cục ngoại dịch hoặc Chi cục Hải quan sân bay quốc tế để giải quyết trường hợp hàng không được xuất khẩu, nhập khẩu, hàng phải xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Việc nhận hàng xuất khẩu và trả hàng nhập khẩu: Doanh nghiệp tự tổ chức việc nhận hàng hóa xuất khẩu từ chủ hàng hoặc trả hàng hóa nhập khẩu cho chủ hàng và chịu trách nhiệm quản lý hàng hóa đó, nhưng nơi làm thủ tục hải quan để xuất khẩu hoặc làm thủ tục hải quan để thông quan hàng hóa nhập khẩu là Chi cục Hải quan được quy định tại điểm 1, điểm 2 trên đây.

5. Khai hải quan:

a. Doanh nghiệp là người khai hải quan. Đối với mặt hàng mới, chỉ chủ hàng mới có khả năng khai hải quan và trường hợp chủ hàng yêu cầu được trực tiếp nhận hàng thì chủ hàng trực tiếp khai hải quan.

b. Áp dụng hình thức khai theo chuyến bay, chuyến giao hàng hoặc ca làm việc (dưới đây gọi là chuyến giao hàng) đối với hàng hoá không có thuế, hàng có thuế suất 0%, hàng miễn thuế. Mỗi chuyến giao hàng doanh nghiệp đăng ký 01 tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch (theo quy định hiện hành) để khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của nhiều chủ hàng.

Chứng từ kèm tờ khai: Bản kê chi tiết hàng hóa của từng lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu (theo mẫu HQ 01-BCCPN ban hành kèm theo Thông tư này).

Trường hợp chủ hàng yêu cầu tờ khai riêng cho hàng hoá của mình thì người khai hải quan khai trên tờ khai riêng.

c. Đối với hàng hoá có thuế thì thực hiện khai riêng trên từng tờ khai cho từng lô hàng, gói hàng.

Biên lai thu tiền thuế được lập riêng cho từng lô hàng;

d. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu thuộc loại hình hàng miễn thuế (gia công, chế xuất...) nhưng khi làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp đã khai theo loại hình phải nộp thuế thì chủ hàng mang tờ khai hải quan đăng ký không đúng loại hình đó đến Chi cục Hải quan khu chế xuất hoặc Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công khai lại tờ khai theo đúng loại hình. Hải quan khu chế xuất hoặc Hải quan quản lý hàng gia công thông báo cho Chi cục Hải quan Bưu cục Ngoại dịch hoặc Chi cục Hải quan sân bay quốc tế liên quan để thực hiện việc hoàn trả lại tiền thuế cho doanh nghiệp (nếu có);

Để tránh việc khai lại nói trên, trường hợp chủ hàng biết hàng hoá của mình đã về tới Việt nam thì chủ hàng đến Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công, hàng sản xuất xuất khẩu đăng ký tờ khai hải quan theo đúng loại hình, sau đó chuyển hồ sơ cho doanh nghiệp để làm tiếp thủ tục hải quan với Chi cục Hải quan Bưu cục Ngoại dịch hoặc Chi cục Hải quan sân bay quốc tế.

đ. Trường hợp hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có yêu cầu gấp rút về mặt thời gian (phục vụ sản xuất), số lượng nhỏ nếu chủ hàng đề nghị được nhập khẩu theo chế độ phi mậu dịch thì Chi cục Hải quan Bưu cục Ngoại dịch hoặc Chi cục Hải quan sân bay quốc tế giải quyết theo đề nghị của chủ hàng ( làm thủ tục theo loại hình hàng phi mậu dịch nhập khẩu, thu đủ thuế (nếu có) trước khi thông quan, không hoàn thuế).

6. Doanh nghiệp thay mặt chủ hàng làm thủ tục hải quan chịu trách nhiệm thực hiện các chính sách về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu và các chính sách thuế, lệ phí, thu khác.

II. THỦ TỤC CỤ THỂ

1. Thủ tục xuất khẩu:

a. Trách nhiệm của doanh nghiệp:

Thực hiện các quy định tại phần I nêu trên.

b. Trách nhiệm của Cơ quan Hải quan:

- Làm thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất khẩu theo đúng quy định.

- Trường hợp hàng hoá không đủ điều kiện xuất khẩu thì Hải quan thông báo để doanh nghiệp làm thủ tục hoàn trả cho chủ hàng (trừ hàng hoá là mặt hàng cấm xuất khẩu phải xử lý theo quy định của pháp luật).

- Niêm phong hải quan xe chuyên dụng chở hàng xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan để chuyển tới cửa khẩu xuất.

2. Thủ tục nhập khẩu:

a. Trách nhiệm của doanh nghiệp:

- Thực hiện các quy định tại phần I nêu trên.

- Trường hợp hàng hóa không trả được cho chủ hàng thì trước khi chuyển hoàn nước gốc, doanh nghiệp có trách nhiệm xuất trình hàng hoá đó cho Hải quan kiểm tra lại.

- Doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý hàng hoá và tự tổ chức trả cho chủ hàng sau khi Hải quan có quyết định thông quan.

b. Trách nhiệm của Cơ quan Hải quan:

- Làm thủ tục hải quan cho hàng hoá nhập khẩu theo đúng quy định.

- Làm thủ tục hoàn trả cho doanh nghiệp số tiền thuế đã thu (nếu có) theo quy định về hoàn thuế của Bộ Tài chính đối với trường hợp hàng hóa không trả được cho chủ hàng phải chuyển hoàn nước gốc và trường hợp doanh nghiệp khai không đúng loại hình (điểm 5.d, phần I).

3. Túi ngoại giao, túi lãnh sự:

Thực hiện theo quy định tại Điều 61, Điều 62 Luật Hải quan và Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

4. Thủ tục chuyển cửa khẩu:

a. Ban hành kèm theo Thông tư này Phiếu chuyển bưu phẩm, bưu kiện, vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (ký hiệu HQ 02-CCKBĐ).

Phiếu này được sử dụng trong trường hợp hàng hoá xuất khẩu chuyển cửa khẩu từ Chi cục Hải quan Bưu điện quốc tế đến Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất và hàng hoá nhập khẩu chuyển cửa khẩu từ Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập đến Chi cục Hải quan Bưu điện quốc tế.

b. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan lập phiếu:

- Lập 02 phiếu;

- Giao 02 phiếu cùng hàng hoá cho doanh nghiệp để chuyển cho Chi cục Hải quan tiếp nhận.

c. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan tiếp nhận phiếu:

- Tiếp nhận 02 phiếu và hàng hoá;

- Xác nhận đầy đủ nội dung quy định trên 02 phiếu;

- Lưu 01 phiếu, chuyển trả 01 phiếu cho Chi cục Hải quan lập phiếu.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo, thay thế quy định tại Quyết định số 1550/2001/QĐ-TCHQ ngày 26/12/2001, Điều 7 Quyết định số 19/2002/QĐ-TCHQ ngày 10/01/2002 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và các văn bản hướng dẫn khác trái với nội dung quy định tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc gì, đề nghị các đơn vị, cơ sở kinh doanh phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu hướng dẫn bổ sung.

 

Trương Chí Trung

(Đã ký)