cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 34/2002/TT-BTC ngày 17/04/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn công tác quản lý tài chính thực hiện Đề án Tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2005 (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 34/2002/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 17-04-2002
  • Ngày có hiệu lực: 02-05-2002
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 34/2002/TT-BTC

Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 2002

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 34/2002/TT/BTC NGÀY 17 THÁNG 04 NĂM 2002 HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TIN HỌC HOÁ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2001-2005

Căn cứ Quyết định số 112/2001/QĐ-TTg ngày 25/7/2001 của Chính phủ phê duyệt Đề án tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2005.
Căn cứ Quyết định số 137/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Điều hành Đề án tin học hoá quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2005.
Căn cứ Quyết định số 27/2002/QĐ-TTg ngày 5/2/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế làm việc của Ban Điều hành Đề án tin học hoá quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2005.
Sau khi thống nhất với Ban Điều hành Đề án tin học hoá quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2005, Bộ Tài chính hướng dẫn công tác quản lý tài chính thực hiện Đề án tin học hoá quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2005 (gọi tắt là Đề án 112) như sau:

I/ NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG:

1/ Đề án tin học hoá quản lý hành chính nhà nước được bố trí kinh phí để thực hiện trên cơ sở được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thẩm định của Ban Điều hành Đề án 112.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương ( dưới đây gọi chung là các cơ quan Trung ương ) và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ( dưới đây gọi chung là các tỉnh ) phải sử dụng tối đa các thiết bị, kỹ thuật, tài nguyên, thông tin đã được đầu tư xây dựng trong giai đoạn trước đây đồng thời phải chủ động phối hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia trên cùng địa bàn nhằm thực hiện Đề án tiết kiệm, có hiệu quả.

2/ Nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện Đề án bao gồm từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí khác ( nếu có ) và được phân cấp đầu tư theo quy định của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

II/ NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ:

1/ Về phân cấp đầu tư để thực hiện và vận hành Đề án tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước:

Trên cơ sở quy định về phân cấp đầu tư trong Đề án tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Thông tư này hướng dẫn việc đầu tư để thực hiện và vận hành Đề án, cụ thể như sau:

a/ Đầu tư từ nguồn kinh phí của Đề án thuộc ngân sách trung ương cho các hạng mục chính sau:

- Đầu tư Trung tâm tích hợp dữ liệu của Chính phủ, các cơ sở dữ liệu quốc gia, trục truyền thông; các đường truyền số liệu từ Trung tâm tích hợp dữ liệu của Chính phủ đến Trung tâm tâm tích hợp dữ liệu của các cơ quan Trung ương và các tỉnh.

- Đầu tư một số hạng mục cơ bản thuộc Đề án tin học hoá của các cơ quan Trung ương và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để thống nhất công nghệ và chương trình ứng dụng, bao gồm các hạng mục sau:

+ Trung tâm tích hợp dữ liệu của các cơ quan Trung ương, các tỉnh.

+ Đầu tư để tạo lập và hoàn chỉnh công nghệ phần mềm dùng chung cho toàn hệ thống để đảm bảo sự thống nhất.

+ Đầu tư cho việc bảo mật, chuẩn hoá, dịch vụ công...

- Đào tạo tin học cho một số cán bộ công chức hành chính Nhà nước thuộc các cơ quan Trung ương và các tỉnh.

- Chi phí hoạt động của Ban điều hành Đề án 112.

- Các chi phí khác (nếu có).

b/ Đầu tư từ nguồn kinh phí của các cơ quan Trung ương.

Trong phạm vi dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao hàng năm, các cơ quan Trung ương ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Đầu tư mở rộng Trung tâm mạng ( từ trung tâm tích hợp của cơ quan Trung ương đến mạng Lan các đơn vị trực thuộc ), xây dựng các cơ sở dữ liệu khác thuộc đơn vị.

- Chi đào tạo tin học cho cán bộ công chức hành chính Nhà nước thuộc đơn vị.

- Chi tạo lập và hoàn chỉnh công nghệ phần mềm theo yêu cầu quản lý riêng của Ngành.

- Chi cước truyền số liệu ( trừ cước truyền dẫn số liệu từ cơ quan Trung ương về Chính phủ do Văn phòng Chính phủ chi ).

- Chi bảo dưỡng, thay thế máy móc thiết bị thuộc đơn vị quản lý .

- Chi tạo lập tin điện tử.

- Chi bảo đảm hoạt động thường xuyên của trung tâm tích hợp dữ liệu.

- Chi dịch vụ công.

- Chi hoạt động của Ban điều hành Đề án tin học của đơn vị.

- Các khoản chi khác ( nếu có ).

Riêng đối với Văn phòng Chính phủ ngoài các chi phí trên đây còn chi cước truyền số liệu từ các cơ quan Trung ương, các tỉnh về Chính phủ.

c/ Đầu tư từ nguồn kinh phí của ngân sách địa phương:

Tuỳ theo khả năng của ngân sách địa phương, uỷ ban nhân dân các tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện Đề án tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước tại địa phương bao gồm các hạng mục chính sau:

- Chi đầu tư mở rộng Trung tâm mạng ( từ trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đến mạng Lan của các Sở, các Huyện ), xây dựng các cơ sở dữ liệu khác.

- Chi đào tạo cho cán bộ làm công tác tin học, cán bộ quản lý tin học thuộc địa phương quản lý.

- Chi tạo lập và hoàn chỉnh công nghệ phần mềm theo yêu cầu quản lý riêng của địa phương.

- Chi cước truyền số liệu ( trừ cước truyền số liệu từ tỉnh về Chính phủ do Văn phòng Chính phủ chi ).

- Chi bảo dưỡng, thay thế máy móc thiết bị thuộc đơn vị quản lý.

- Chi tạo lập tin điện tử.

- Chi bảo đảm hoạt động thường xuyên của trung tâm tích hợp dữ liệu thuộc địa phương.

- Chi dịch vụ công.

- Chi hoạt động của Ban điều hành Đề án tin học của địa phương.

- Các khoản chi khác (nếu có).

2/ Mức chi:

Mức chi thực hiện Đề án tin học hoá quản lý hành chính nhà nước thực hiện theo các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành.

3/ Về việc phê duyệt Đề án 112:

a/ Đối với Đề án của các cơ quan Trung ương: Trên cơ sở Đề án do Ban điều hành Đề án của đơn vị xây dựng, Thủ trưởng đơn vị xem xét có văn bản gửi về Ban điều hành Đề án 112 để thẩm định. Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Ban điều hành đề án 112, Thủ trưởng các cơ quan Trung ương xem xét và phê duyệt Đề án làm căn cứ để tổ chức thực hiện.

b/ Đối với Đề án của các tỉnh: Trên cơ sở Đề án do Ban điều hành Đề án của tỉnh xây dựng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét có văn bản gửi về Ban điều hành đề án 112 để thẩm định. Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Ban điều hành đề án 112, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh xem xét và phê duyệt Đề án làm căn cứ để tổ chức thực hiện.

4/ Việc mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng tạo lập công nghệ thông tin phần mềm... phải thực hiện đấu thầu theo quy định hiện hành.

Đối với các công trình, hạng mục công trình mang tính chất đầu tư xây dựng cơ bản phải thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý cấp phát thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

5/ Về lập dự toán, phân bổ dự toán, cấp phát và quyết toán kinh phí thực hiện Đề án:

Việc lập dự toán, phân bổ dự toán, cấp phát và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định tại Thông tư số 103/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn phân cấp, lập, chấp hành quyết toán ngân sách Nhà nước.

Thông tư này hướng dẫn thêm một số điểm như sau:

a/ Về lập dự toán cho Đề án:

- Đối với các cơ quan Trung ương: Căn cứ vào hướng dẫn lập dự toán ngân sách của Bộ Tài chính, hướng dẫn của Ban Điều hành Đề án 112 lập dự toán kinh phí cho việc thực hiện Đề án tin học hoá của đơn vị ( bao gồm cả dự toán các hạng mục chính đầu tư từ nguồn tập trung của ngân sách trung ương quy đinh tại Tiết a, Điểm 1, Phần II trên đây), gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ban Điều hành Đề án 112 để tổng hợp.

- Đối với địa phương: Hàng năm căn cứ vào văn bản hướng dẫn lập dự toán ngân sách của Bộ Tài chính, hướng dẫn của Ban Điều hành Đề án 112, Ban Điều hành Đề án tin học hoá của tỉnh lập dự toán kinh phí cho việc thực hiện Đề án tin học hoá của tỉnh ( bao gồm cả dự toán các hạng mục chính đầu tư từ nguồn tập trung của ngân sách trung ương quy đinh tại Tiết a, Điểm 1, Phần II trên đây), làm việc thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để đưa vào kế hoạch chung của tỉnh trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, thông qua sau đó gửi về Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính và Ban Điều hành Đề án 112 để tổng hợp.

- Việc lập dự toán kinh phí thực hiện đề án ở các cơ quan Trung ương và các tỉnh cần phân định hạng mục công trình nào bố trí bằng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, các công việc nào bố trí bằng vốn sự nghiệp.

- Trên cơ sở dự toán kinh phí hàng năm do các cơ quan Trung ương , các tỉnh lập, Ban Điều hành Đề án 112 tổng hợp làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đưa vào kế hoạch ngân sách Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

b/ Về phân bổ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư tập trung cho các hạng mục chính của hệ thống.

Trên cơ sở dự toán kinh phí ngân sách Trung ương được Quốc hội quyết định cho nhiệm vụ này, Ban điều hành Đề án 112 dự kiến phân bổ kinh phí cho các cơ quan Trung ương và các tỉnh (Theo nội dung công việc quy định tại Tiết a, điểm 1, Mục II Thông tư này) báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ để lấy ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thông báo kinh phí cho các cơ quan Trung ương và các tỉnh

Căn cứ vào dự toán kinh phí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thông báo, Bộ Tài chính thực hiện cấp phát bằng hạn mức kinh phí về các cơ quan Trung ương và cấp bổ sung có mục tiêu về các địa phương để tổ chức thực hiện.

b/ Về chế độ báo cáo:

Định kỳ hàng quý, năm, các Bộ, ngành trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện Đề án được giao ( bao gồm cả khối lượng, nhiệm vụ và kinh phí đã thực hiện trong kỳ) gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ban Điều hành Đề án 112 để theo dõi tổng hợp.

III/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính và Ban điều hành Đề án tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước để xem xét giải quyết.

 

Nguyễn Thị Kim Ngân

(Đã ký)