cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 11/2002/TT-BTC ngày 31/01/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí phục vụ công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 11/2002/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 31-01-2002
  • Ngày có hiệu lực: 15-02-2002
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11/2002/TT-BTC

Hà Nội, ngày 31 tháng 1 năm 2002

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 11 /2002/TT-BTC NGÀY 31 THÁNG 1 NĂM 2002 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, QUYẾT TOÁN KINH PHÍ PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÂN GIỚI CẮM MỐC BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN VIỆT NAM- TRUNG QUỐC

Căn cứ Chỉ thị số 25/2001/CT-TTg ngày 8 tháng 10 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam- Trung Quốc.
Để thực hiện quản lý và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước chi phục vụ công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam- Trung Quốc, sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí thực hiện công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam- Trung Quốc được cấp phát từ ngân sách Trung ương hàng năm như sau:

1/ Nội dung chi phục vụ công tác phân giới cắm mốc:

a/ Đối với các Bộ, ngành Trung ương:

- Chi cho công tác đàm phán cấp Uỷ Ban liên hợp phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam- Trung Quốc.

- Chi tập huấn phiên dịch, nghiệp vụ phân giới cắm mốc.

- Chi in ấn phù hiệu, biểu mẫu, bản đồ và các loại tài liệu nghiệp vụ khác phục vụ phân giới cắm mốc.

- Chi phí tiền lương và các khoản phụ cấp theo quy định, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, tàu xe đi phép năm của lực lượng kỹ thuật không hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước thuộc các Bộ, ngành được cử tham gia các nhóm phân giới cắm mốc.

- Chi phụ cấp đặc thù cho cán bộ trực tiếp tham gia các nhóm phân giới cắm mốc theo quy định của Bộ Lao động Thương binh và xã hội.

- Chi thuê mướn nhân công ( nếu có).

- Chi công tác phí.

- Chi cho công tác khảo sát , đo đạc lập bản đồ phục vụ phân giới cắm mốc.

- Chi triển khai lực lượng phương tiện, tổ chức kế hoạch công tác đảm bảo an ninh và đảm bảo thông tin phục vụ phân giới cắm mốc.

- Chi thiết kế, sản xuất và vận chuyển mốc giới đến các tỉnh biên giới .

- Chi mua sắm các máy móc trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công việc của các nhóm phân giới cắm mốc.

- Chi hội nghị sơ kết, tổng kết công tác phân giới cắm mốc .

- Chi hoạt động Ban Chỉ đạo các Bộ, ngành.

- Chi khen thưởng cho các cán bộ có thành tích xuất sắc trong quá trình phân giới cắm mốc.

- Các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho công tác phân giới cắm mốc.

b/ Đối với các địa phương:

- Chi cho công tác đàm phán về phân giới cắm mốc.

- Chi công tác phí cho cán bộ của địa phương tham gia các đoàn khảo sát thực địa.

- Chi mua sắm trang thiết bị bảo hộ lao động cho cán bộ tham gia các nhóm phân giới, cắm mốc.

- Chi tu sửa, mở đường phục vụ trực tiếp cho công tác phân giới cắm mốc.

- Chi xây dựng cột mốc.

- Chi thuê mướn nhân công, phương tiện vận chuyển mốc, vận chuyển phương tiện làm việc khi đi khảo sát và triển khai phân giới cắm mốc.

- Chi mua sắm phương tiện đi lại các trang thiết bị phục vụ hoạt động cho các nhóm phân giới cắm mốc và Ban Chỉ đạo của địa phương.

- Chi làm nhà cấp 4 hoặc thuê nơi ở cho cán bộ biệt phái, nơi làm việc nội nghiệp cho các nhóm phân giới cắm mốc. Các địa phương phải triệt để tận dụng cơ sở vật chất hiện có để bố trí nơi ăn nghỉ cho cán bộ tham gia các nhóm phân giới cắm mốc. Trường hợp thật cần thiết không thể sắp xếp được mới xây dựng nhà cấp 4.

- Chi cho hoạt động cứu nạn khi bị tai nạn, thiên tai đột xuất xảy ra với những người tham gia phân giới cắm mốc.

- Chi hội nghị sơ kết, tổng kết, triển khai, rút kinh nghiệm, tập huấn nghiệp vụ của các nhóm phân giới, cắm mốc.

- Chi thuốc men và trang thiết bị y tế cần thiết cho việc phòng chống bệnh của các nhóm phân giới cắm mốc.

- Chi khen thưởng cho các cán bộ có thành tích xuất sắc trong công tác phân giới cắm mốc.

- Chi hoạt động Ban Chỉ đạo các địa phương.

- Các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho công tác phân giới, cắm mốc.

2/ Mức chi đối với một số nội dung chi:

- Các nội dung chi về hội nghị, tập huấn, công tác phí, khen thưởng.. . thực hiện theo các quy định hiện hành; Đối với các sản phẩm đo đạc, lập bản đồ phục vụ cho công tác phân giới, cắm mốc thực hiện theo đơn giá sản phẩm được cấp có thẩm quyền quy định. Thông tư này quy định một số mức chi cụ thể sau:

- Chi mua sắm trang thiết bị bảo hộ lao động:

+ Quần áo bảo hộ lao động:

++ Quần áo mùa hè: 1 bộ/1 năm (lần đầu trang bị 2 bộ)

++ Áo rét bảo hộ lao động: 1 cái/ 2 năm (lần đầu trang bị 2 cái)

+ Ba lô: 1 cái/ 2 năm

+ Áo mưa bạt: 1 cái/ 2 năm

+ Giầy vải cao cổ: 2 đôi/1năm

+ Mũ cứng: 1 cái/1 năm

+ Tất chân, găng tay: 4 đôi/1 năm

+ Tăng và võng dây dù: 1 cái/3 năm

+ Đèn pin: 1 cái/3 năm

+ Bi đông đựng nước: 1 cái/3 năm

+ Chăn, màn: 1 cái/3 năm

+ Dép nhựa cá nhân: 1 đôi/1 năm

Đối với cán bộ trong Ban Chỉ đạo đi thực địa tại cơ sở tuỳ theo mức độ mà cấp phát số lượng trang thiết bị bảo hộ lao động cho phù hợp. Số lượng cấp phát cụ thể cho đối tượng này do UBND tỉnh quyết định.

Đơn giá trang thiết bị bảo hộ lao động được thực hiện theo giá cả thị trường tại thời điểm cấp trang bị.

- Chi thuê mướn lao động bên ngoài phục vụ công tác phân giới, cắm mốc: áp dụng mức đơn giá công lao động phổ thông do cơ quan có thẩm quyền của địa phương quy định.

- Tiền lương của cán bộ, công nhân viên chức thuộc các doanh nghiệp Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp không được hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước trong thời gian tham gia nhóm phân giới cắm mốc được đảm bảo từ nguồn kinh phí phân giới cắm mốc cấp qua Bộ, ngành, địa phương quản lý cán bộ tham gia thực hiện công tác phân giới, cắm mốc theo chương trình, dự án được duyệt trên cơ sở tiền lương cấp bậc chức vụ và các khoản phụ cấp theo lương.

3/ Lập dự toán:

- Căn cứ vào nhiệm vụ phân giới cắm mốc được Thủ tướng Chính phủ giao và hướng dẫn của Bộ Ngoại giao, các chế độ chi tiêu hiện hành và chế độ chi tiêu quy định tại thông tư này , các Bộ, ngành, địa phương lập dự toán kinh phí thực hiện công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam- Trung Quốc kèm theo Dự án chi tiết phục vụ công tác phân giới cắm mốc gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định dự toán kinh phí phục vụ công tác phân giới cắm mốc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm căn cứ để bố trí kinh phí thực hiện công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam- Trung Quốc trong dự toán chi ngân sách hàng năm của từng Bộ, ngành, địa phương.

- Trên cơ sở dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền giao, các Bộ, ngành, địa phương phân bổ kinh phí thực hiện công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam- Trung Quốc theo nội dung công việc ( phân theo mục lục ngân sách) gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/1 hàng năm để làm căn cứ cấp phát kinh phí.

4/ Cấp phát kinh phí:

- Căn cứ vào dự toán kinh phí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiến độ công việc cần triển khai và đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính cấp phát kinh phí trực tiếp cho các cơ quan Trung ương, cấp kinh phí uỷ quyền cho Sở Tài chính- Vật giá các địa phương để thực hiện công việc.

- Kinh phí phân giới cắm mốc được hạch toán vào loại 12 khoản 11 theo chương, mục tương ứng của mục lục ngân sách nhà nước.

- Kho bạc Nhà nước chịu trách nhiệm kiểm soát chi, đảm bảo việc cấp phát được thực hiện theo đúng nội dung, mục đích.

5/ Đối với việc mua sắm máy móc, thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác phân giới, cắm mốc thực hiện theo quy định tại Thông tư số 121/2000/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2000 và Thông tư số 94/2001/TT-BTC ngày 22 tháng 11 năm 2001 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện đầu thầu mua sắm đồ dùng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện làm việc đối với các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, đoàn thể và doanh nghiệp Nhà nước sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước và công văn số 7761 TC/HCSN ngày 16 tháng 8 năm 2001 Hướng dẫn sử dụng kinh phí tạm ứng năm 2001 phục vụ công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam- Trung Quốc.

6/ Đối với các công trình có tính chất đầu tư xây dựng cơ bản: Việc cấp phát, quản lý và quyết toán kinh phí thực hiện theo các quy định hiện hành về cấp phát, quản lý và quyết toán kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản.

7/ Công tác kiểm tra và quyết toán kinh phí:

- Định kỳ cuối quý, năm các Bộ, ngành địa phương phải báo cáo tình hình thực hiện khối lượng công việc và quyết toán kinh phí phục vụ công tác phân giới cắm mốc theo đúng quy định tại chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 999/TC-QĐ-CĐKT ngày 2 tháng 11 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và chế độ báo cáo quyết toán quy định tại Thông tư số 103/1998/TT-BTC ngày 18 tháng 7 năm 1998 của Bộ Tài chính.

- Cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất việc sử dụng kinh phí bảo đảm chi tiêu đúng mục đích và đúng chế độ.

- Kinh phí cấp cho nhiệm vụ phân giới cắm mốc cuối năm còn dư được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng cho những nội dung công việc chưa triển khai thực hiện được trong năm kế hoạch. Trường hợp còn dư hạn mức ở Kho bạc Nhà nước bị huỷ bỏ thì sẽ được cấp phát trở lại cho đơn vị.

8/ Điều khoản thi hành:

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp./.

 

Nguyễn Thị Kim Ngân

(Đã ký)