cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 04/2001/TT-TCHQ ngày 21/06/2001 Hướng dẫn thủ tục hải quan đối với xăng dầu nhập khẩu và tạm nhập-tái xuất do Tổng cục Hải quan ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 04/2001/TT-TCHQ
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Ngày ban hành: 21-06-2001
  • Ngày có hiệu lực: 06-07-2001
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 26-10-2001
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-05-2004
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1033 ngày (2 năm 10 tháng 3 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 04-05-2004
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 04-05-2004, Thông tư số 04/2001/TT-TCHQ ngày 21/06/2001 Hướng dẫn thủ tục hải quan đối với xăng dầu nhập khẩu và tạm nhập-tái xuất do Tổng cục Hải quan ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 30/2004/QĐ-BTC ngày 06/04/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Về thủ tục hải quan đối với nhập khẩu xăng, dầu và tạm nhập, tái xuất xăng, dầu (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2001/TT-TCHQ

Hà Nội, ngày 21 tháng 6 năm 2001

 

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 04/2001/TT-TCHQ NGÀY 21 THÁNG 6 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI XĂNG DẦU NHẬP KHẨU VÀ TẠM NHẬP - TÁI XUẤT

Thủ tục hải quan đối với hàng hoá XNK đã được quy định tại Nghị định 16/1999/NĐ-CP ngày 27/3/1999 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư 01/1999/TT-TCHQ ngày 10/5/1999 của Tổng cục Hải quan. Do đặc thù của mặt hàng xăng dầu, Tổng cục hải quan hướng dẫn cụ thể thêm một số nội dung sau:

I. ĐỐI TƯỢNG PHẠM VI ÁP DỤNG CỦA THÔNG TƯ NÀY LÀ:

Xăng, dầu hoả, dầu diesel (DO), ma dút (FO), nhiên liệu bay (ZA1, TC1), xăng dung môi, condensate, dầu gốc, nhựa đường dạng xá nhập khẩu và tạm nhập tái xuất (dưới đây gọi chung là xăng dầu nhập khẩu và tạm nhập tái xuất)

II. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI XĂNG DẦU NHẬP KHẨU (BAO GỒM CẢ TẠM NHẬP):

1. Hồ sơ nhập khẩu:

1.1. Bộ hồ sơ doanh nghiệp nộp Hải quan gồm:

- Tờ khai hải quan: 03 bản chính.

- Hợp đồng mua bán ngoại thương: 01 bản sao.

- Văn bản cho phép của Bộ Thương mại (nếu là loại xăng dầu phải có văn bản này): 01 bản sao.

- Nếu doanh nghiệp phân chia khối lượng cho các đơn vị trực thuộc (theo quy định TTLB số 77/TM-TCHQ ngày 13/4/1996 của Bộ Thương mại - Tổng cục Hải quan) thì đơn vị phải nộp thêm văn bản phân chia khối lượng này: 01 bản chính.

- Vận tải đơn: 01 bản copy, 2 bản sao.

- Hoá đơn thương mại: 01 bản chính và 02 bản sao.

- Chứng thư giám định khối lượng: 01 bản chính

- Giấy xác nhận chất lượng (đối với loại xăng dầu thuộc Danh mục phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng): 01 bản chính.

Bản sao các giấy tờ nói trên do Giám đốc hoặc người được Giám đốc uỷ quyền ký xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

1.2. Giấy tờ doanh nghiệp xuất trình Hải quan:

- Hợp đồng mua bán ngoại thương: Bản chính.

- Văn bản cho phép của Bộ Thương mại đối với trường hợp doanh nghiệp không phân chia khối lượng cho các đơn vị trực thuộc: Bản chính (để đối chiếu bản sao).

1.3. Thời hạn doanh nghiệp nộp Hải quan các chứng từ trên:

Các chứng từ nêu trên phải nộp khi đến làm thủ tục đăng ký tờ khai, trừ các trường hợp sau:

- Chứng thư giám định khối lượng: Phải nộp trong thời gian 8 giờ làm việc kể từ khi bơm xong xăng dầu từ phương tiện vận tải lên bồn, bể chứa.

- Giấy xác nhận chất lượng: Phải nộp trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký tờ khai.

- Hoá đơn thương mại: Phải nộp trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký tờ khai. Trong thời hạn này nếu doanh nghiệp chưa có bản chính thì được nộp bản fax (của bản chính). Giám đốc (hoặc Phó giám đốc) doanh nghiệp ký xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của bản fax này. Trường hợp nộp bản fax thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai, doanh nghiệp phải nộp hoá đơn thương mại bản chính. Trường hợp có lý do chính đáng thì Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố xem xét quyết định gia hạn.

Trong thời hạn chưa có hoá đơn thương mại (bản chính hoặc bản fax của bản chính) nêu trên thì khi nộp tờ khai hàng nhập khẩu cho cơ quan Hải quan, doanh nghiệp chưa phải khai giá tính thuế và số tiền thuế phải nộp tại phần khai báo trong tờ khai. Khi có hoá đơn thương mại trong thời hạn quy định trên, doanh nghiệp phải thực hiện ngay việc tự tính thuế trên tờ khai hải quan theo đúng quy định của Pháp luật.

2. Thời điểm đăng ký tờ khai: Là ngày bắt đầu bơm xăng dầu nhập khẩu từ phương tiện vận tải lên bồn, bể chứa.

3. Xác định khối lượng: Căn cứ vào chứng thư giám định khối lượng tại tàu của tổ chức có chức năng giám định xăng dầu.

4. Xác định chất lượng (đối với loại xăng dầu thuộc Danh mục phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng): Căn cứ vào giấy xác nhận chất lượng của cơ quan kiểm tra Nhà nước về chất lượng mặt hàng xăng dầu.

5. Quy định về bồn, bể chứa xăng dầu nhập khẩu thuộc Danh mục phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng mà chưa có giấy xác nhận đạt chất lượng:

5.1. Nếu doanh nghiệp có bồn, bể rỗng thì bơm vào bồn bể rỗng đó. Sau khi bơm xong Hải quan niêm phong bồn, bể. Khi có giấy xác nhận đạt yêu cầu chất lượng thì Hải quan mở niêm phong và hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định. Đối với xăng dầu tạm nhập - tái xuất thì Hải quan không yêu cầu có giấy xác nhận đạt yêu cầu chất lượng.

5.2. Nếu doanh nghiệp không có bồn, bể rỗng mà bơm vào bồn, bể đang chứa xăng dầu thì sau khi bơm xong, Hải quan niêm phong bồn bể để chờ kết quả kiểm tra chất lượng. Nếu cơ quan kiểm tra Nhà nước về chất lượng xác nhận xăng dầu nhập khẩu không đạt yêu cầu về chất lượng nhập khẩu thì toàn bộ số xăng dầu chứa trong bồn, bể đó (cả cũ và mới) bị xử lý theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này.

5.3. Đối với xăng dầu tạm nhập - tái xuất: Doanh nghiệp muốn bơm chung vào bồn bể chứa xăng dầu kinh doanh cùng chủng loại thì phải được cơ quan kiểm tra Nhà nước về chất lượng kiểm tra xác nhận lô hàng nhập khẩu đạt yêu cầu về chất lượng.

6. Thủ tục chuyển xăng dầu tạm nhập - tái xuất sang loại hình nhập khẩu kinh doanh:

6.1. Thực hiện theo Quyết định 0556/2000/QĐ-BTM ngày 3/4/2000 của Bộ Thương mại.

6.2. Nếu khi tạm nhập chưa có giấy xác nhận đạt yêu cầu chất lượng đối với loại xăng dầu phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng thì doanh nghiệp phải đề nghị cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng dầu kiểm tra và nộp giấy xác nhận chất lượng cho Hải quan.

6.3. Thủ tục Hải quan:

- Hải quan thực hiện việc khấu trừ lượng hàng được phép nhập khẩu vào lượng hàng tạm nhập khẩu và tính, thu thuế nhập khẩu. Thuế suất, giá tính thuế, tỷ giá tính thuế, thu chênh lệch giá áp dụng theo ngày đăng ký tờ khai tạm nhập khẩu và thời hạn nộp thuế đối với lượng hàng chuyển đổi loại hình nhập khẩu này theo đúng quy định hiện hành về hàng nhập khẩu kinh doanh (30 ngày) kể từ ngày đăng ký tờ khai tạm nhập khẩu. Doanh nghiệp không nộp thuế đúng thời hạn phải chịu phạt chậm nộp và các hình thức xử lý vi phạm khác theo đúng quy định hiện hành.

- Thời hạn nộp thuế:

+ Doanh nghiệp phải nộp xong thuế trước khi tiêu thụ lượng xăng dầu nhập khẩu này.

+ Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế cho lượng hàng tạm nhập được phép chuyển sang tiêu thụ nội địa thì cơ quan Hải quan làm thủ tục chuyển tiền từ tài khoản tạm thu nộp vào ngân sách nhà nước.

III. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI XĂNG DẦU TÁI XUẤT:

1. Hồ sơ tái xuất:

1.1. Bộ hồ sơ doanh nghiệp nộp Hải quan gồm:

- Tờ khai hải quan: 03 bản chính

- Tờ khai hải quan (của lô hàng tạm nhập): 01 bản sao

- Hợp đồng mua bán: 01 bản sao

- Văn bản cho phép của Bộ Thương mại (nếu là loại xăng dầu phải có văn bản này): 01 bản sao.

- Nếu doanh nghiệp phân chia khối lượng cho các đơn vị trực thuộc (theo quy định tại TTLB số 77/TM-HQ của Bộ Thương mại - TCHQ ngày 13/4/1996) thì các đơn vị này phải nộp thêm văn bản phân chia khối lượng: 01 bản chính.

- Chứng thư giám định (đối với trường hợp quy định tại điểm 5.2 phần III): 01 bản chính.

1.2. Giấy tờ doanh nghiệp phải xuất trình Hải quan:

- Hợp đồng mua bán ngoại thương: Bản chính.

- Văn bản cho phép của Bộ Thương mại đối với trường hợp doanh nghiệp không phân chia khối lượng cho các đơn vị trực thuộc: Bản chính (để đối chiếu bản sao).

2. Doanh nghiệp được tái xuất xăng dầu lấy từ bồn, bể chứa riêng lô hàng tạm nhập hoặc từ lô hàng khác nhưng phải cùng chủng loại.

3. Xác định khối lượng:

3.1. Tái xuất bằng tàu biển, tàu sông (đường sông sang Campuchia): Căn cứ vào chứng thư giám định của tổ chức giám định có chức năng giám định xăng dầu.

3.2. Tái xuất bằng xe téc, xe bồn đi qua cửa khẩu đường bộ: Căn cứ vào đồng hồ đo khi bơm xăng dầu vào téc, bồn xe. Nếu không có đồng hồ đo thì chủ hàng phải yêu cầu giám định. Hải quan căn cứ chứng thư giám định để xác định khối lượng.

3.3. Dầu bán cho Doanh nghiệp chế xuất và cung ứng tàu biển thì phải có đồng hồ đo cả 2 đầu bơm lên phương tiện vận tải và bơm vào bồn, bể của doanh nghiệp chế xuất hoặc khoang chứa của tàu.

3.4. Về đồng hồ xác định khối lượng: Các đồng hồ đo phải được cơ quan tiêu chuẩn đo lường Nhà nước kiểm tra và xác nhận là đồng hồ chuẩn. Đồng hồ phải có niêm phong của cơ quan kiểm tra và niêm phong hải quan. Đồng hồ phải được cơ quan tiêu chuẩn đo lường kiểm tra định kỳ theo quy định. Quy định này không bắt buộc áp dụng đối với đồng hồ đo của tàu biển.

4. Quy định về bồn, téc xe chở xăng dầu tái xuất qua cửa khẩu đường bộ:

- Xe phải được đăng ký với Cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai làm thủ tục tái xuất (theo mẫu phụ lục số 01).

- Xe phải được Cơ quan Hải quan kiểm tra tình trạng bồn, téc xe trước khi đăng ký.

- Bồn, téc xe phải đảm bảo được yêu cầu niêm phong của Hải quan.

5. Xác định chủng loại:

5.1. Các trường hợp sau đây không phải giám định:

- Tái xuất xăng dầu từ bồn, bể chứa riêng vẫn còn nguyên niêm phong hải quan khi tạm nhập.

- Tái xuất ZA1, TC1 cho tàu bay (doanh nghiệp chịu trách nhiệm).

- Tái xuất DO, FO (kiểm hoá viên tự xác định).

5.2. Các trường hợp sau đây phải giám định:

- Tái xuất xăng dầu lấy từ bồn, bể chứa chung hoặc bồn, bể chứa riêng nhưng không còn niêm phong hải quan (trừ ZA1, TC1, DO, FO quy định tại điểm 5.1 trên đây).

- Tái xuất qua đường bộ, đường sông, đường biển ZA1, TC1 lấy từ bồn bể chứa chung.

- Nếu xăng dầu được lấy ra từ cùng 01 bồn, bể dưới sự giám sát của Hải quan thì việc giám định xác định chủng loại này là xác định cho cả lô tái xuất, không yêu cầu phải xác định riêng lẻ cho từng tàu, từng xe.

6. Trách nhiệm của Hải quan làm thủ tục tái xuất:

- Làm thủ tục hải quan cho lô hàng tái xuất theo đúng quy định.

- Giám sát việc bơm xăng dầu vào phương tiện vận tải. Sau khi bơm xong niêm phong các bồn, bể, khoang chứa của phương tiện vận tải.

- Trường hợp tái xuất qua cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu đường sông thì Hải quan:

+ Niêm phong hồ sơ gồm 02 tờ khai, 01 Phiếu giao nhận hồ sơ (theo phụ lục số 02) giao cho chủ hàng hoặc người đại diện hợp pháp của chủ hàng (dưới đây gọi là chủ hàng). Nếu chủ hàng có văn bản uỷ quyền cho lái tàu, lái xe thì những người này cũng được xem là đại diện hợp pháp của chủ hàng) để chuyển cho Hải quan cửa khẩu xuất.

+ Giao chủ hàng 01 Phiếu giao nhận làm chứng từ trên đường vận chuyển.

+ Thông báo ngay cho Hải quan cửa khẩu xuất về lô hàng xuất khẩu, về số hiệu phương tiện vận tải và các thông tin cần thiết khác liên quan đến lô xăng dầu tái xuất.

- Hải quan áp tải khi xét thấy cần thiết.

7. Trách nhiệm của chủ hàng: Phải đảm bảo nguyên trạng hàng hoá nguyên niêm phong hải quan và hồ sơ hải quan trong quá trình vận chuyển tới cửa khẩu xuất, doanh nghiệp chế xuất.

8. Trách nhiệm của Hải quan cửa khẩu xuất (trong trường hợp xăng dầu xuất qua cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu đường sông) và Hải quan Khu chế xuất:

8.1. Tiếp nhận và kiểm tra bộ hồ sơ do Hải quan làm thủ tục tái xuất chuyển đến.

8.2. Kiểm tra các niêm phong của khoang chứa, bồn, bể. Nếu còn nguyên vẹn thì:

- Giám sát việc xuất hàng, đảm bảo toàn bộ hàng phải được thực xuất qua biên giới, xác nhận thực xuất vào tờ khai và Phiếu giao nhận hồ sơ.

- Niêm phong 01 tờ khai, 01 Phiếu giao nhận hồ sơ giao chủ hàng chuyển cho Hải quan làm thủ tục tái xuất; trả chủ hàng 01 tờ khai; lưu 01 Phiếu giao nhận hồ sơ.

8.3. Nếu phát hiện niêm phong không còn nguyên vẹn, niêm phong giả, hoặc có căn cứ khẳng định có sự thay đổi khối lượng, chủng loại xăng dầu thì Hải quan cửa khẩu xuất yêu cầu chủ hàng trưng cầu giám định khối lượng và chủng loại (riêng dầu DO và FO doanh nghiệp không phải giám định chủng loại mà do Hải quan căn cứ thực tế để xác định). Nếu kết quả giám định cho thấy xăng dầu tái xuất đúng với bộ hồ sơ thì lập biên bản xác nhận, niêm phong, làm thủ tục xuất qua cửa khẩu. Nếu kết quả giám định xác nhận có thay đổi về khối lượng, chủng loại thì lập biên bản và xử lý theo quy định.

8.4. Khi phương tiện chuyên chở xăng dầu tái xuất quay về, Hải quan cửa khẩu phải kiểm tra phương tiện vận tải nhập cảnh theo quy định nhằm phát hiện hàng nhập lậu hoặc xăng dầu không tái xuất hết quay lại tiêu thụ trong nước.

8.5. Dầu tái xuất cho Doanh nghiệp chế xuất: Hải quan quản lý doanh nghiệp chế xuất phải giám sát việc bơm dầu vào kho, bồn, bể của Doanh nghiệp chế xuất, kiểm tra xác định khối lượng qua đồng hồ đo.

8.6. Dầu bán cho tàu biển theo hình thức cung ứng tầu biển: Hải quan cửa khẩu chịu trách nhiệm làm thủ tục tái xuất và giám sát cho đến khi dầu được giao toàn bộ cho tàu.

9. Thủ tục Hải quan đối với xăng dầu tái xuất cho tàu bay:

9.1. Doanh nghiệp được áp dụng hình thức đăng ký tờ khai một lần để xuất khẩu nhiều lần quy định tại Quyết định 01/2001/QĐ-TCHQ ngày 03/01/2001. Thời hạn hiệu lực của tờ khai phù hợp thời gian ân hạn nộp thuế của lô hàng tạm nhập.

9.2. Khi giao hàng cho tàu bay Doanh nghiệp phải:

- Xuất trình tờ khai hải quan đã đăng ký.

- Nộp hoá đơn bán hàng (hoặc hoá đơn kiêm phiếu xuất kho).

- Nộp đơn đặt hàng của Cơ trưởng hoặc của hãng hàng không.

9.3. Sau khi giao hàng từng chuyến xong, Hải quan phải xác nhận vào hoá đơn, đơn đặt hàng, ghi vào Phiếu theo dõi (ban hành kèm theo Quyết định 01/2001/QĐ-TCHQ ngày 03/01/2001).

9.4. Trường hợp tàu bay Việt Nam không xuất cảnh ngay mà bay đến 01 sân bay khác trong nước sau đó mới xuất cảnh, Hải quan yêu cầu doanh nghiệp bán xăng dầu xây dựng định mức xăng dầu sử dụng bay chặng trong nước và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Căn cứ định mức, Hải quan xác nhận lượng xăng dầu thực tái xuất tính từ sân bay mà tàu bay xuất cảnh (ví dụ: bơm xăng dầu tại sân bay Nội Bài là 100 tấn, định mức bay từ Nội Bài đến Tân Sơn Nhất là 05 tấn thì Hải quan sân bay Nội Bài xác nhận số xăng dầu tái xuất là 95 tấn).

9.5. Thanh khoản tờ khai: Khi tờ khai hết hiệu lực Hải quan và doanh nghiệp tiến hành thanh khoản tờ khai bằng cách cộng dồn lượng xăng dầu thực xuất trong các hoá đơn và phiếu theo dõi, ghi kết quả thực xuất vào tờ khai và ô xác nhận thực xuất.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ Thông tư 05/2000/TT-TCHQ ngày 26/9/2000 và các văn bản khác của Tổng cục Hải quan hướng dẫn vấn đề này.

Mọi hành vi vi phạm các quy định của Thông tư này và quy định khác của pháp luật liên quan đều bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan có trách nhiệm giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan theo dõi, kiểm tra đôn đốc chỉ đạo, giải quyết vướng mắc phát sinh của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố báo cáo trong quá trình thực hiện Thông tư này.

Thủ trưởng các Vụ, Cục, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 

 

Đặng Văn Tạo

(Đã ký)

 

PHỤ LỤC SỐ 1

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐĂNG KÝ XE ÔTÔ

CHUYÊN CHỞ XĂNG DẦU TÁI XUẤT

Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh, thành phố.....

I. ĐĂNG KÝ CỦA CHỦ XE:

- Tên đơn vị, cá nhân là chủ sở hữu xe:.........................................................

- Địa chỉ (đơn vị):..........................................................................................

- Hộ khẩu thường trú (cá nhân):....................................................................

- Đăng ký kinh doanh số (tổ chức)/......... Chứng minh thư nhân dân số.......

cấp ngày......../......../........ Nơi cấp:.........................................................

- Là chủ chiếc xe ôtô:

+ Số khung:...................................... Số máy...................................

+ Biển kiểm soát:.............................

+ Sức chứa bồn, téc:......................... (m3)

+ Tình trạng bồn, téc:.......................

Chiếc xe trên chuyên dùng để chở xăng dầu tái xuất của Công ty................

theo hợp đồng số.......... giữa........... và Công ty..............................................

Đề nghị Cục Hải quan tỉnh, thành phố................ kiểm tra và xác nhận chiếc xe ôtô nói trên đủ điều kiện chuyên chở xăng dầu.

Tôi xin cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật về khai báo trên và tuân thủ đầy đủ các quy định về thủ tục hải quan đối với việc vận chuyển xăng dầu tái xuất.

CHỦ PHƯƠNG TIỆN
(ký, ghi rõ họ tên)

.............................

II. XÁC NHẬN CỦA HẢI QUAN

Hải quan tỉnh, thành phố xác nhận chiếc xe ôtô nói trên đáp ứng yêu cầu quản lý của Hải quan theo quy định tại Thông tư 04/2001/TT-TCHQ ngày 21/6/2001 của Tổng cục Hải quan.

...., ngày... tháng.... năm 200...
Hải quan tỉnh, thành phố....
(ký, đóng dấu)

PHỤ LỤC SỐ 02

Cục HQ tỉnh, TP.....
Hải quan.................

Số:......./CHQ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

PHIẾU GIAO NHẬN HỒ SƠ

I. Phần dành cho Hải quan nơi làm thủ tục hải quan lô hàng tái xuất:

Kính chuyển Hải quan cửa khẩu:............ thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố....................................................................

Cục Hải quan tỉnh, thành phố:............ đã làm thủ tục Hải quan cho lô hàng tái xuất tại Tờ khai hải quan số: ngày....../..../......

của doanh nghiệp:...................................

Ông/Bà:.................... CMND số:............ cấp ngày..... tháng.... năm.........

tại....... đại diện cho doanh nghiệp.

1. Hồ sơ lô hàng tái xuất gồm:

- Tờ khai hải quan: 02 bản chính

- Phiếu giao nhận hồ sơ: 02 bản

-

-

-

2. Lô hàng tái xuất tại Tờ khai số..... ngày..../..../...... đã được kiểm tra hải quan bao gồm:

STT

Tên hàng (chủng loại)

Khối lượng

Loại phương tiện

Biển kiểm soát phương tiện

Số niêm phong hải quan

 

 

 

 

 

 

Toàn bộ hồ sơ và lô hàng đã được niêm phong, giao cho

Ông/Bà:........... là chủ hàng/đại diện chủ hàng/hoặc do cán bộ Hải quan:.......... áp tải (nếu có) chịu trách nhiệm bảo quản nguyên niêm phong đến giao cho Hải quan cửa khẩu/cảng:......... để xác nhận thủ tục tái xuất.

......., ngày.... tháng... năm....
Hải quan..........
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

II. Phần dành cho Hải quan cửa khẩu nơi hàng thực xuất:

Kính chuyển Cục Hải quan tỉnh, thành phố..............................................

Hải quan cửa khẩu:................... thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố........ đã tiếp nhận hồ sơ và lô hàng theo Tờ khai số:

ngày............ tháng........... năm...............

1. Tình trạng lô hàng: (ghi nhận xét lô hàng)

Lô hàng tái xuất đã được kiểm tra, đối chiếu kỹ số phương tiện vận tải, số niêm phong hải quan thấy phù hợp, không có nghi ngờ gì so với hồ sơ lô hàng.

2. Hồ sơ lô hàng:

2.1. Trả lại Hải quan nơi làm thủ tục bộ hồ sơ gồm:

- Tờ khai Hải quan: 01 bản chính (đã đóng dấu xác nhận thực xuất)

- Phiếu giao nhận hồ sơ: 01 bản chính

- Biên bản kiểm tra (nếu có)

-

-

-

2.2. Trả chủ hàng 01 tờ khai hải quan sau khi lô hàng đã xác nhận thực xuất

2.3. Giữ lại: phiếu giao nhận hồ sơ (01 bản chính); biên bản kiểm tra (nếu có).

Bộ hồ sơ đã được niêm phong hải quan, giao chủ hàng hoặc người đại diện hợp pháp của chủ hàng chuyển trả Hải quan nơi làm thủ tục/hoặc đã bàn giao cho cán bộ nhận hồ sơ của Hải quan nơi làm thủ tục.

.........., ngày.... tháng.... năm.....

HẢI QUAN CỬA KHẨU XUẤT
(ký tên, đóng dấu)

ĐẠI DIỆN CHỦ HÀNG
(Ký, ghi rõ họ tên)

CÁN BỘ ÁP TẢI
(Ký, ghi rõ họ tên)

Ghi chú: Phiếu giao nhận hồ sơ này do Hải quan nơi làm thủ tục tái xuất làm thành 02 bản, có giá trị như một phiếu giao nhận hàng và hồ sơ giữa cơ quan Hải quan liên quan và Doanh nghiệp. Với những trường hợp cần phải áp tải, cán bộ Hải quan áp tải sẽ ký và ghi rõ họ tên dưới phần "Cán bộ áp tải".