Thông tư số 11/2001/TT-BLĐTBXH ngày 11/06/2001 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Hướng dẫn Quyết định 37/2001/QĐ-TTg về việc nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 11/2001/TT-BLĐTBXH
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
- Ngày ban hành: 11-06-2001
- Ngày có hiệu lực: 01-06-2001
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-05-2003
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 718 ngày (1 năm 11 tháng 23 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 20-05-2003
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 2001 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 11/2001/TT-BLĐTBXH NGÀY 11 THÁNG 6 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 37/2001/QĐ-TTG NGÀY 21/3/2001 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC NGHỈ DƯỠNG SỨC, PHỤC HỒI SỨC KHOẺ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI
Thực hiện Quyết định số 37/2001/QĐ-TTg ngày 21/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và một số Bộ, ngành liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:
Đối tượng áp dụng nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ theo quy định tại Quyết định số 37/2001/QĐ-TTg ngày 21/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ là người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995; Nghị định số 45/CP ngày 15/7/1995; Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ và Quyết định số 58/TTg ngày 3/2/1994 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:
- Cán bộ, công chức đang làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể từ Trung ương đến cấp huyện;
- Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên;
- Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu chế xuất, khu công nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam;
- Người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh dịch vụ thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể;
- Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ thuộc lực lượng vũ trang;
- Người giữ chức vụ dân cử, bầu cử làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể từ Trung ương đến cấp huyện;
- Quân nhân, công an nhân dân, công nhân viên quốc phòng thuộc diện hưởng lương theo hệ thống tiền lương lực lượng vũ trang;
- Người lao động làm việc trong các cơ sở xã hội hóa ngoài công lập thuộc các ngành giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ.
- Cán bộ y tế xã phường đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ;
II. ĐIỀU KIỆN, THỜI GIAN VÀ MỨC HƯỞNG:
1. Điều kiện hưởng:
Người lao động đã đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội theo quy định được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ khi có một trong hai điều kiện sau:
a. Có thời gian làm việc và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 3 năm trở lên mà bị suy giảm sức khoẻ;
b. Sau khi điều trị do ốm đau; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (kể cả điều trị nội trú và ngoại trú); nghỉ an thai sản (kể cả trường hợp sẩy thai), sức khỏe còn yếu.
2. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ:
a. Người lao động có đủ điều kiện quy định tại điểm 1 nêu trên thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm (tính cả ngày nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ lễ, ngày đi và về nếu nghỉ tại cơ sở tập trung) theo các mức quy định tại Điểm 3 dưới đây.
b. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ không bị trừ vào thời gian nghỉ phép hàng năm.
3. Mức chi phí nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ:
- Mức 80.000 đồng/ngày, áp dụng đối với người nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung. Mức này bao gồm: ăn, ở, đi lại và thuốc chữc bệnh thông thường.
- Mức 50.000 đồng/ngày, áp dụng đối với người nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình, lao động nữ yếu sức khoẻ sau khi nghỉ thai sản.
Ngoài các mức quy định trên do quỹ bảo hiểm xã hội cấp, khuyến khích các đơn vị trích từ quỹ phúc lợi để hỗ trợ thêm cho người lao động trong thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp:
a. Để thực hiện chế độ được công bằng, hợp lý, căn cứ vào các điều kiện quy định tại Điểm 1 Mục II nói trên thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là đơn vị) phối hợp với ban chấp hành công đoàn xem xét, quyết định những người lao động đủ điều kiện đi nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ theo các bước dưới đây:
- Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ hàng năm để xác định những người bị suy giảm sức khoẻ và có thời gian làm việc, đóng bảo hiểm xã hội đủ 3 năm trở lên cần phải đi nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ.
- Đối với những trường hợp bị ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Thủ trưởng đơn vị căn cứ vào hồ sơ bệnh án, ý kiến của cơ sở y tế điều trị để xác định những người sức khoẻ còn yếu cần nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ.
- Đối với lao động nữ sau khi nghỉ thai sản (hoặc sẩy thai) thì Thủ trưởng đơn vị phối hợp với Ban chấp hành công đoàn, Ban nữ công (nếu có) xem xét, quyết định.
Sau khi đã xác định được những người đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ, thủ trưởng đơn vị lập danh sách và cùng ban chấp hành công đoàn tổ chức cho người lao động nghỉ dưỡng sức tại gia đình hoặc tại cơ sở (tập trung) tuỳ theo điều kiện và nguyện vọng của người lao động.
b. Nguồn kinh phí để chi phí nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ của đơn vị không vượt quá 0,6% tổng quỹ lương thực đóng bảo hiểm xã hội một năm của đơn vị. Trong trường hợp đơn vị chi không hết số kinh phí được cấp thì số tiền còn lại phải nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội; nếu chi vượt quá thì không được cấp bù mà phải trích bổ sung từ nguồn của đơn vị.
c. Hàng năm, các đơn vị có trách nhiệm quyết toán kinh phí nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ của đơn vị mình với cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành.
2. Trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội.
a. Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bảo hiểm xã hội của quân đội, của công an để lại đơn vị sử dụng 0,6% tổng quỹ tiền lương thực đóng bảo hiểm xã hội (được trích từ nguồn đóng bảo hiểm xã hội 5% tổng quỹ tiền lương của đơn vị cho 3 chế độ ngắn hạn: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp) ngay từ quý đầu của năm kế hoạch để đơn vị chủ động tổ chức cho người lao động nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ.
b. Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức quản lý, cấp và quyết toán kinh phí nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ cho các đơn vị.
Hàng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ trong báo cáo chung về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ 1 tháng 6 năm 2001. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu giải quyết.
| Lê Duy Đồng (Đã ký) |