cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 13/1999/TT-BTM ngày 19/05/1999 của Bộ trưởng Bộ Thương mại Hướng dẫn kinh doanh dịch vụ cầm đồ (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 13/1999/TT-BTM
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Thương mại
  • Ngày ban hành: 19-05-1999
  • Ngày có hiệu lực: 03-06-1999
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-02-2007
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2803 ngày (7 năm 8 tháng 8 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 04-02-2007
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 04-02-2007, Thông tư số 13/1999/TT-BTM ngày 19/05/1999 của Bộ trưởng Bộ Thương mại Hướng dẫn kinh doanh dịch vụ cầm đồ (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 01/2007/QĐ-BTM ngày 04/01/2007 Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Thương mại ban hành đã hết hiệu lực pháp luật ban hành bởi Bộ trưởng Bộ Thương mại”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13/1999/TT-BTM

Hà Nội, ngày 19 tháng 5 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 13 /1999/TT-BTM NGÀY 19 THÁNG 5 NĂM 1999 HUỚNG DẪN KINH DOANH DỊCH VỤ CẦM ĐỒ

Thi hành Nghị định của Chính phủ số 11/1999/ NĐ-CP ngày 03- 3- 1999 "Về hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện, hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện", sau khi thống nhất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thương mại hướng dẫn cụ thể về kinh doanh Dịch vụ cầm đồ, như sau:

I- PHẠM VI ÁP DỤNG

1- Kinh doanh Dịch vụ cầm đồ quy định tại Thông tư này là việc thương nhân cho khách hàng vay tiền và nhận giữ hàng hoá hoặc tài sản của khách hàng để đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng cầm đồ.

Hàng hoá, tài sản dùng để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng cầm đồ gọi là hàng hoá, tài sản cầm đồ.

Khách hàng trong dịch vụ này có thể là người sản xuất, kinh doanh hoặc là người tiêu dùng.

2- Thương nhân kinh doanh Dịch vụ cầm đồ phải có đủ các điều kiện và phải thực hiện đúng các quy định tại Thông tư này.

3- Việc sử dụng hàng hoá, tài sản để cầm đồ trong phạm vi Thông tư này theo quy định sau:

3.1- Hàng hoá, tài sản được sử dụng để cầm đồ:

- Phải là động sản, có giá trị mua bán, trao đổi thuộc quyền sở hữu hợp pháp của khách hàng.

- Nếu hàng hoá, tài sản thuộc sở hữu của người thứ ba, phải có giấy ủy quyền hợp pháp của người này cho khách hàng.

- Nếu hàng hoá, tài sản thuộc sở hữu chung của nhiều người, phải có giấy uỷ quyền hợp pháp của các đồng sở hữu cho khách hàng.

3.2- Hàng hoá, tài sản không được sử dụng để cầm đồ:

- Hàng hoá, tài sản thuộc sở hữu Nhà nước.

- Bất động sản và các giấy tờ liên quan đến bất động sản.

- Hàng hoá thuộc diện pháp luật cấm kinh doanh, cấm lưu hành hoặc cấm sử dụng.

- Hàng hoá, tài sản đang só sự tranh chấp quyền sở hữu.

- Hàng hoá, tài sản đang bị tạm giữ, niêm phong, phong toả theo các quy định của pháp luật.

- Hàng hoá, tài sản đang được thế chấp, bảo lãnh, cầm cố cho nơi khác.

II- ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ CẦM ĐỒ VÀ CÁC QUY ĐỊNH VỀ KINH DOANH DỊCH VỤ CẦM ĐỒ

1- Điều kiện kinh doanh Dịch vụ cầm đồ:

1.1- Phải là thương nhân có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó nội dung kinh doanh có ghi Dịch vụ cầm đồ.

1.2- Phải có cửa hàng, cửa hiệu cố định địa chỉ rõ ràng; có kho cất giữ, bảo quản an toàn hàng hoá, tài sản cầm đồ đảm bảo chống được hư hỏng, mất mát trong thời gian lưu giữ.

2- Mức tiền cho vay: Do hai bên thoả thuận, tối đa không quá 80 % giá trị của hàng hoá, tài sản cầm đồ tính theo giá thị trường tại thời điểm ký hợp đồng cầm đồ.

3- Lãi suất vay ( bao gồm cả chi phí bảo quản, cất giữ hàng hoá, tài sản cầm đồ): Do hai bên thoả thuận, tối đa không quá 3%/ tháng. Trường hợp cho vay dưới 10 ngày, lãi suất tối đa không quá 0,3 %/ ngày.

4- Các giao dịch cầm đồ phải lập hợp đồng và được gọi là Hợp đồng cầm đồ.

Hợp đồng cầm đồ được lập theo quy định của pháp luật đối với hợp đồng kinh tế hoặc hợp đồng dân sự tuỳ theo đối tượng khách hàng là người sản xuất, kinh doanh hoặc là người tiêu dùng. Đối với những hợp đồng cầm đồ trong đó hàng hoá, tài sản cầm đồ có giá trị trên 500.000 đồng thì ngoài các nội dung theo quy định chung còn phải có các nội dung sau:

4.1- Về hàng hoá, tài sản cầm đồ phải ghi rõ:

- Tên, chủng loại, nhãn mác, ký hiệu, số hiệu.

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc Giấy đăng ký lưu hành nếu pháp luật có quy định đối với hàng hoá, tài sản đó.

- Chất lượng, tình trạng và giá trị tại thời điểm ký hợp đồng.

4.2- Số tiền vay đã được thoả thuận theo quy định tại Khoản 2 trên đây.

4.3- Lãi suất đã được thoả thuận theo quy định tại Khoản 3 trên đây.

4.4- Thời hạn cầm đồ và phương thức thanh toán.

4.5-Việc xử lý hàng hoá, tài sản cầm đồ khi thanh lý hợp đồng.

4.6-Các cam kết khác do hai bên thoả thuận.

5- Hợp đồng cầm đồ được chấm dứt và thanh lý trong các trường hợp sau:

5.1- Hết thời hạn ghi trong hợp đồng mà các bên không thoả thuận gia hạn hợp đồng theo quy định cuả pháp luật và khách hàng thanh toán đầy đủ số tiền vay và lãi phát sinh.

5.2- Khách hàng đề nghị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn ghi trong hợp đồng và thanh toán đầy đủ số tiền vay và lãi phát sinh đến thời điểm đề nghị chấm dứt hợp đồng.

5.3- Hàng hoá, tài sản cầm đồ đã được xử lý theo quy định tại Khoản 8 của Mục này.

6- Thương nhân kinh doanh Dịch vụ cầm đồ có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế hoặc hợp đồng dân sự ; đối với hợp đồng cầm đồ một số điểm cụ thể được quy định như sau:

6.1- Có quyền đề nghị chấm dứt hợp đồng và xử lý hàng hoá, tài sản cầm đồ theo quy định tại Khoản 8 dưới đây trong các trường hợp: khách hàng chết hoặc mất tích mà không có người thừa kế theo quy định của pháp luật hoặc người thừa kế từ chối tiếp tục thực hiện hợp đồng bằng văn bản.

6.2- Có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn hàng hoá, tài sản cầm đồ của khách hàng ; không được bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, tặng, thế chấp, sử dụng, trừ trường hợp trong Hợp đồng cầm đồ có sự thỏa thuận khác.

6.3- Phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng nếu làm mất, hư hỏng hàng hoá, tài sản cầm đồ của khách hàng theo quy định của pháp luật.

7- Khách hàng có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế hoặc hợp đồng dân sự ; đối với hợp đồng cầm đồ một số điểm cụ thể được quy định như sau:

7.1- Có quyền đề nghị chấm dứt hợp đồng cầm đồ trước thời hạn do không còn nhu cầu vay tiền hoặc do thương nhân kinh doanh Dịch vụ cầm đồ vi phạm hợp đồng.

7.2- Thanh toán đầy đủ tiền vay và lãi phát sinh khi chấm dứt hợp đồng trong mọi trường hợp.

8- Thương nhân kinh doanh Dịch vụ cầm đồ được quyền bán hàng hoá, tài sản cầm đồ để thu hồi vốn trong các trường hợp sau:

8.1- Chưa hết thời hạn thời hạn ghi trong hợp đồng, nhưng khách hàng không có khả năng thanh toán nợ và đề nghị bán hàng hàng hoá, tài sản cầm đồ.

8.2- Quá 5 ngày kể từ ngày hết thời hạn ghi trong hợp đồng hoặc thời hạn đã được gia hạn thêm mà khách hàng không thanh toán được nợ.

8.3- Khách hàng bị chết hoặc mất tích mà không có người thừa kế hoặc được uỷ quyền tiếp tục thực hiện hợp đồng theo quy định của pháp luật.

9- Việc bán hàng hoá, tài sản cầm đồ đối với hàng hoá, tài sản có giá trị từ trên 500.000 đồng phải thực hiện bằng hình thức bán đấu giá công khai theo quy định của pháp luật.

10- Tiền thu được từ việc bán hàng hoá, tài sản cầm đồ được xử lý theo thứ tự ưu tiên như sau:

10.1- Bù đắp các chi phí tổ chức bán hàng hoá, tài sản cầm đồ.

10.2- Trả tiền vay (gốc và lãi phát sinh theo hợp đồng) cho thương nhân kinh doanh Dịch vụ cầm đồ.

10.3- Phần còn lại phải trả cho khách hàng, trường hợp không có người nhận thì phải xử lý theo quy định của pháp luật.

10.4- Trường hợp số tiền thu được không đủ thanh toán tiền vay thì khách hàng phải trả tiếp phần còn thiếu hoặc thương nhân kinh doanh Dịch vụ cầm đồ có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật.

11- Các quy định đối với cửa hàng, cửa hiệu cầm đồ:

11.1- Cửa hàng, cửa hiệu cầm đồ phải có bảng niêm yết rõ ràng hàng hoá, tài sản cầm đồ, tỷ lệ tiền vay, lãi suất theo quy định tại các Khoản 1- Mục I, Khoản 2 và 3 - Mục II của Thông tư này.

11.2- Không được giao dịch cầm đồ với khách hàng là người không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ Luật Dân sự.

11.3- Không được nhận cầm đồ đối với hàng hoá, tài sản không rõ nguồn gốc. Khi có nghi ngờ hàng hoá, tài sản do phạm tội mà có phải kịp thời thông báo với các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.

III - XỬ LÝ VI PHẠM VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1- Thương nhân kinh doanh Dịch vụ cầm đồ vi phạm các quy định của Thông tư này tuỳ theo mức độ vi phạm bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2- Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư Liên Bộ số 02 TT/LB ngày 2-10-1995 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Thương mại hướng dẫn kinh doanh Dịch vụ cầm đồ.

3- Sở Thương mại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra thương nhân kinh doanh Dịch vụ cầm đồ trên địa bàn, xử lý kịp thời các vi phạm Thông tư này theo quy định của pháp luật.

 

Lê Danh Vĩnh

(Đã ký)