cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 05/1997/TT-NHNN17 ngày 25/10/1997 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Hướng dẫn chuyển đổi và đăng ký Quỹ tín dụng nhân dân, Hợp tác xã tín dụng theo Nghị định 16/CP-1997 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 05/1997/TT-NHNN17
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Ngày ban hành: 25-10-1997
  • Ngày có hiệu lực: 09-11-1997
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 24-03-1998
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 22-10-2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5461 ngày (14 năm 11 tháng 21 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 22-10-2012
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 22-10-2012, Thông tư số 05/1997/TT-NHNN17 ngày 25/10/1997 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Hướng dẫn chuyển đổi và đăng ký Quỹ tín dụng nhân dân, Hợp tác xã tín dụng theo Nghị định 16/CP-1997 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 2156/QĐ-NHNN ngày 22/10/2012 Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành từ ngày 01/01/1997 đến hết ngày 30/6/2012 đã hết hiệu lực thi hành (bổ sung)”. Xem thêm Lược đồ.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/1997/TT-NHNN17

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 1997

 

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 05/1997/TT-NHNN17 NGÀY 25 THÁNG 10 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN VIỆC CHUYỂN ĐỔI VÀ ĐĂNG KÝ QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN, HỢP TÁC XÃ TÍN DỤNG THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 16/CP NGÀY 21-2-1997 CỦA CHÍNH PHỦ

Ngày 21-2-1997 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/CP về "chuyển đổi, đăng ký Hợp tác xã và tổ chức hoạt động của Liên hiệp Hợp tác xã"; Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành một số điểm cụ thể sau đây:

A. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng chấp hành thông tư là:

a. Các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở (QTDND) được thành lập và hoạt động theo quyết định số 390/TTg ngày 27-7-1993 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập Quỹ tín dụng nhân dân.

b. Các HTX tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động theo Pháp lệnh Ngân hàng, HTXTD và Công ty tài chính.

2. Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương (QTDTW), các Quỹ tín dụng nhân dân khu vực (QTDKV) là tổ chức liên kết, đảm bảo an toàn cho hoạt động của hệ thống QTDND, vì vậy không thuộc đối tượng chuyển đổi.

3. Đối với các QTDND chưa đạt mức vốn điều lệ tối thiểu và một số điều kiện khác thì trong thời gian chuyển đổi phải xây dựng phương án để trong một thời gian nhất định đạt được mức vốn điều lệ và đáp ứng các điều kiện còn thiếu theo quy định, trình lên ban chỉ đạo chuyển đổi HTX cấp tỉnh xem xét và chấp thuận.

4. Các QTDND, HTXTD không được chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX trong các trường hợp sau đây:

- Đại hội xã viên quyết nghị tự nguyện giải thể;

- Bắt buộc phải giải thể do vi phạm luật pháp nghiêm trọng, thua lỗ kéo dài không còn khả năng khắc phục.

B. NỘI DUNG, TRÌNH TỰ CHUYỂN ĐỔI

I. THÀNH LẬP BAN TRÙ BỊ CHUYỂN ĐỔI:

1. Ban trù bị chuyển đội tại các QTDND, HTXTD do Chủ tịch HĐQT làm trưởng ban, thành viên trong ban là kiểm soát viên trưởng, Giám đốc điều hành, một đại diện của các thành viên và một đại diện chính quyền địa phương.

Ban trù bị chuyển đổi QTDND, HTXTD do Ban chỉ đạo chuyển đổi HTX cấp huyện quyết định thành lập.

2. Ban trù bị chuyển đổi QTDND, HTXTD sẽ chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành việc chuyển đổi, đăng ký lại hoặc giải thể.

II. NHIỆM VỤ CỦA BAN TRÙ BỊ CHUYỂN ĐỔI:

Ban trù bị chuyển đổi QTDND, HTXTD có các nhiệm vụ sau:

1. Tuyên truyền, giải thích về mục đích, ý nghĩa, nội dung và yêu cầu chuyển đổi để QTDND, HTXTD hoạt động theo Luật HTX.

2. Tiến hành kiểm kê, đánh giá toàn bộ tài sản, tiền vốn đối chiếu với bảng cân đối tài khoản, các bản sao kê và các tài liệu có liên quan khác. Sau khi kiểm tra tính chính xác của số liệu, xác định nguồn gốc hình thành và phân loại tài sản, các khoản phải thu, phải trả của QTDND, HTXTD đề xuất giải pháp xử lý tài sản, tiền vốn để trình Đại hội thành viên xem xét.

3. Căn cứ Luật HTX, Pháp lệnh Ngân hàng, HTXTD và Công ty Tài chính và Điều lệ mẫu QTDND để soạn thảo điều lệ mới; xây dựng phương án hoạt động;

4. Đối với QTDND, HTXTD đang hoạt động trên địa bàn liên phường, liên xã, Ban trù bị chuyển đổi cần xác định lại phạm vi hoạt động phù hợp Nghị định số 42/CP ngày 29-4-1997 của Chính phủ.

5. Triệu tập Đại hội thành viên (hoặc Đại hội đại biểu thành viên) để quyết định việc chuyển đổi hoặc giải thể QTDND, HTXTD. Riêng QTDND nên tiến hành việc chuyển đổi gắn với kỳ Đại hội thường niên.

III. TỔ CHỨC ĐẠI HỘI THÀNH VIÊN:

1. Đối với các QTDND: Trường hợp Đại hội thành viên quyết định chuyển đổi và đăng ký kinh doanh theo Luật HTX, đại hội thông qua các nội dung sau:

a. Nghị quyết chuyển đổi QTDND và đăng ký theo Luật HTX;

b. Điều lệ mới phù hợp với Điều lệ mẫu;

c. Phương án xử lý vốn, tài sản và các vấn đề khác;

d. Phương án hoạt động của QTDND thời gian tới;

đ. Bầu Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, giám đốc điều hành nếu đã hết nhiệm kỳ; hoặc bầu bổ sung, thay thế thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, giám đốc điều hành nếu chưa hết nhiệm kỳ.

2. Đối với HTX tín dụng: Trường hợp Đại hội xã viên quyết định chuyển đổi theo mô hình QTDND, Đại hội thông qua các nội dung sau:

a. Nghị quyết chuyển đổi từ HTXTD sang QTDND hoạt động theo Luật HTX;

b. Danh sách thành viên QTDND;

c. Tên và biểu tượng QTDND;

d. Điều lệ và nội quy hoạt động QTDND;

đ. Mức vốn điều lệ, vốn xác lập và vốn thường xuyên;

e. Phương án hoạt động;

g. Bầu Hội đồng quản trị, Chủ tịch hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Giám đốc điều hành QTDND;

h. Phương án xử lý vốn và tài sản của Hợp tác xã tín dụng;

Khi thông qua phương án xử lý vốn và tài sản của HTXTD để chuyển sang QTDND phải chú ý nhất là:

- Đối với các khoản nợ: phải tiến hành phân loại nợ có khả năng thu hồi và nợ không có khả năng thù hồi, xác định rõ nguyên nhân và quy trách nhiệm đối với các khoản nợ còn tồn tại:

+ Nợ cho vay có khả năng thu hồi phải tính và thu lãi đến thời điểm chuyển đổi, lập lại khế ước nhận nợ mới.

+ Nợ cho vay và các khoản phải thu khác không có khả năng thu hồi do nguyên nhân khách quan, các khoản lỗ còn tồn tại phải trình Đại hội xã viên quyết nghị trích các quỹ không chia để bù đắp, nếu không đủ phải trừ vào vốn góp của xã viên.

+ Nợ cho vay và các khoản phải thu khác không có khả năng thu hồi do nguyên nhân chủ quan phải quy rõ trách nhiệm và yêu cầu người chịu trách nhiệm bồi hoàn theo chế độ.

- Đối với tiền gửi dân cư và tiền gửi các tổ chức khác phải tính trả lãi cho người gửi và tiến hành đổi sổ mới.

- Đối với vốn và các quỹ không chia sau khi trừ các khoản lỗ (nếu có) xử lý theo hướng chuyển toàn bộ sang QTDND.

Riêng vốn góp của xã viên HTXTD cũ: sau khi trừ các khoản lỗ (nếu có) sẽ trở thành vốn xác lập và vốn thường xuyên của các thành viên QTDND, các thành viên phải góp đủ mức vốn theo quy định của Điều lệ QTDND.

- Đối với tài sản cố định và tài sản khác tiến hành đánh giá lại, phân loại tài sản, trình phương án xử lý để Đại hội xã viên thông qua và bàn giao cho QTDND tiếp tục quản lý và sử dụng.

3. Những QTDND, HTXTD không được chuyển đổi thì Ban trù bị chuyển đổi trình Đại hội thông qua phương án xử lý vốn, tài sản và các khoản nợ;

- Đối với các khoản nợ:

+ Thu hồi toàn bộ các khoản nợ cho vay (kể cả tiền lãi) và các khoản phải thu;

+ Thanh toán đầy đủ các khoản nợ phải trả: tiền gửi, tiền vay (kể cả tiền lãi phải trả) và các khoản phải trả khác.

- Xử lý lỗ (nếu có) theo trình tự:

+ Trừ vào các quỹ không chia;

+ Trừ vào vốn góp;

+ Trừ vào số tiền thu về thanh lý tài sản.

- Vốn và giá trị tài sản được công trợ phải bàn giao cho chính quyền địa phương.

- Sau khi đã thanh toán nợ, hoàn thành xong nghĩa vụ Nhà nước và chi phí giải thể, vốn và các quỹ còn lại được chia cho thành viên theo công sức đóng góp đối với QTDND, HTXTD. Phương án phân chia do Đại hội thành viên quyết định.

- Trường hợp giá trị tài sản, tiền vốn, quỹ còn lại không đủ khả năng thanh toán các khoản nợ, sẽ được giải quyết theo pháp luật về phá sản doanh nghiệp.

C. ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG VÀ ĐĂNG KÝ KINH DOANH

I. ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG:

1. QTDND đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động, khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX không phải làm thủ tục xin cấp lại giấy phép hoạt động, nhưng phải được Ngân hàng Nhà nước xác nhận cho phép áp dụng điều lệ hoạt động và chuẩn y danh sách thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, Giám đốc điều hành. Các QTDND phải gửi đến Ngân hàng Nhà nước các văn bản sau:

- Biên bản Đại hội thành viên quyết định chuyển đổi;

- Điều lệ QTDND đã được Đại hội thành viên thông qua;

- Phương án xử lý vốn và tài sản;

- Phương án hoạt động của QTDND;

- Danh sách và lý lịch trích ngang của các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Giám đốc điều hành.

2. Hợp tác xã tín dụng chuyển đổi sang mô hình QTDND hoạt động theo Luật HTX phải gửi đến Ngân hàng Nhà nước:

- Biên bản Đại hội xã viên quyết định chuyển đổi;

- Đơn xin cấp giấy phép hoạt động;

- Điều lệ QTDND đã được Đại hội thành viên thông qua;

- Danh sách và lý lịch trích ngang của các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Giám đốc điều hành;

- Phương án hoạt động những năm đầu và dài hạn;

- Danh sách thành viên đăng ký và mức vốn góp;

- Giấy xác nhận của UBND xã, phường về quyền sở hữu hay quyền sử dụng trụ sở của QTDND;

- Phương án xử lý tồn đọng của HTXTD cũ.

II. ĐĂNG KÝ KINH DOANH:

1. Các QTDND, HTXTD sau khi làm thủ tục chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động lập hồ sơ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố để trình UBND tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hồ sơ bao gồm:

- Đơn xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh kèm theo biên bản thông qua tại Đại hội thành viên;

- Giấy phép hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp;

- Điều lệ được Đại hội thành viên thông qua (2 bản);

- Danh sách và lý lịch trích ngang của các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và Giám đốc điều hành;

- Danh sách thành viên đăng ký và mức vốn góp;

- Phương án hoạt động của QTDND;

- Giấy xác nhận của UBND xã về quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng trụ sở của QTDND.

D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với thông tư này đều không còn hiệu lực thi hành.

2. Các QTDND được thành lập theo Nghị định số 42/CP ngày 29-4-1997 của Chính phủ, sau thời hạn có hiệu lực của thông tư này không phải làm thủ tục chuyển đổi.

3. Các QTDND và HTXTD thực hiện việc chuyển đổi theo thời hạn do Chính phủ quy định.

Các HTXTD chuyển đổi sang mô hình QTDND theo Luật HTX phải thực hiện chuyển toàn bộ sổ sách, chứng từ theo mẫu quy định dành cho QTDND.

4. Chánh Văn phòng Thống đốc, Vụ trưởng Vụ Quản lý các tổ chức tín dụng nhân dân và thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND, HTXTD có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của thông tư này.

5. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố có trách nhiệm báo cáo với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nội dung thông tư này và trình kế hoạch thực hiện việc chuyển đổi, đăng ký các QTDND trên dịa bàn.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Ngân hàng Nhà nước Trung ương để giải quyết.

 

Lê Đức Thuý

(Đã ký)