cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 48-TC/TCT ngày 30/06/1993 Hướng dẫn quy định về thuế suất thuế lợi tức và miễn giảm thuế lợi tức đối với các Dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 48-TC/TCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 30-06-1993
  • Ngày có hiệu lực: 30-06-1993
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 16-10-1999
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2299 ngày (6 năm 3 tháng 19 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 16-10-1999
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 16-10-1999, Thông tư số 48-TC/TCT ngày 30/06/1993 Hướng dẫn quy định về thuế suất thuế lợi tức và miễn giảm thuế lợi tức đối với các Dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 121/1999/QĐ-BTC ngày 01/10/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật bị bãi bỏ”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 48-TC/TCT

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 1993

 

THÔNG TƯ

SỐ 48-TC/TCT NGÀY 30-6-1993 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ THUẾ SUẤT THUẾ LỢI TỨC VÀ MIỄN GIẢM THUẾ LỢI TỨC ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Căn cứ vào Nghị định số 18-CP ngày 16-4-1993 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
Nhằm thúc đẩy việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý theo vùng, lãnh thổ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư chủ động trong quá trình chuẩn bị đầu tư;
Sau khi thống nhất ý kiến với Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định về thuế suất thuế lợi tức và miễn giảm thuế lợi tức áp dụng với các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như sau:

I. CÁC MỨC THUẾ SUẤT THUẾ LỢI TỨC

Các mức thuế suất thuế lợi tức quy định tại các Điều 66, 67, 68 của Nghị định số 18-CP ngày 16-4-1993 của Chính phủ được xác định cho từng dự án như sau:

1. Mức thuế suất 10% áp dụng đối với các xí nghiệp liên doanh, xí nghiệp 100% vốn nước ngoài thuộc các lĩnh vực sau:

- Xây dựng các cơ sở hạ tầng gồm các công trình giao thông, sản xuất và cung cấp điện, xây dựng cơ sở hạ tầng các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, các công trình thông tin, liên lạc, viễn thông tại miền núi, và các vùng có điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội khó khăn (theo phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này);

- Trồng rừng mới để khai thác;

- Các dự án đặc biệt quan trọng nằm trong danh mục các dự án do Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư công bố trong từng thời kỳ.

2. Mức thuế suất 15% áp dụng đối với các dự án đầu tư vào các lĩnh vực sau đây:

- Xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng tại các tỉnh và các vùng không thuộc phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này;

- Khai thác tài nguyên thiên nhiên, trừ khai thác dầu khí và các tài nguyên quý hiếm;

- Các dự án công nghiệp nặng gồm: luyện kim, cơ khí chế tạo, hoá chất cơ bản, xi măng, sản xuất vật liệu điện và điện tử, sản xuất phân bón, thuốc trừ dịch bệnh cho động vật nuôi và cây trồng.

- Trồng cây công nghiệp lâu năm.

- Đâu tư vào miền núi và các vùng có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội khó khăn (theo phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này), bao gồm cả các dự án kinh doanh khách sạn;

- Các dự án mà bên nước ngoài cam kết chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Việt Nam sau khi kết thúc thời hạn hoạt động, kể cả bên nước ngoài trong các dự án xây dựng - kinh doanh khách sạn.

3. Mức thuế suất 20% áp dụng đối với các dự án đạt được 2 trong các tiêu chuẩn sau:

- Sử dụng từ 500 lao động Việt Nam trở lên;

- Sử cộng công nghệ tiên tiến đáp ứng được các tiêu chuẩn nêu tại Điều 4 của Pháp lệnh chuyển giao công nghệ ngày 5-12-1988 được Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường chấp nhận;

- Xuất khẩu ít nhất 80% sản phẩm do dự án sản xuất ra;

- Vốn pháp định hoặc vốn đóng góp để thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh đạt ít nhất là 10 triệu đôla Mỹ (USD).

4.Mức thuế suất 25% áp dụng đối với các dự án đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn, dịch vụ kế toán, kiểm toán, ngân hàng, thương mại, khách sạn (trừ trường hợp kinh doanh khách sạn đã nêu tại điểm 2 Mục này) và các dự án không thuộc diện được khuyến khích nêu tại điểm 1, 2 và 3 Mục này.

5. Đối với các dự án thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí và khai thác các tài nguyên quý hiếm, thuế suất lợi tức cao hơn 25% do Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư quyết định cụ thể cho từng dự án khi cấp giấy phép đầu tư phù hợp với thông lệ Quốc tế và có xét đến các điều kiện về khai thác, chất lượng và trữ lượng tài nguyên, trên cơ sở đề nghị của các nhà đầu tư.

II. THỜI HẠN ÁP DỤNG THUẾ SUẤT ƯU ĐÃI QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 67 VÀ 68 CỦA NGHỊ ĐỊNH 18-CP

1. Các mức thuế suất 15% và 20% quy định cho các dự án nêu tại các điểm 2 và 3. Mục I Thông tư này được áp dụng trong thời hạn từ 5 đến 7 năm kể từ năm tiếp theo của năm cấp giấy phép đầu tư.

2. Thuế suất 10% quy định cho các dự án đầu tư tại miền núi và vùng có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội khó khăn theo phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này (không kể các dự án khai thác tài nguyên quý hiếm), các dự án xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng và các dự án nêu tại điểm 1, Mục I trên đây được áp dụng trong thời hạn từ 8 đến 10 năm kể từ năm tiếp theo năm cấp giấy phép đầu tư.

Trường hợp đặc biệt có thể được hưởng thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi trên 10 năm, nhưng tối đa không quá 15 năm kể từ năm tiếp theo năm cấp giấy phép đầu tư.

Thời hạn áp dụng các mức thuế nêu tại điểm 1 và 2 Mục này do Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư quyết định cụ thể cho từng dự án khi cấp giấy phép đầu tư phù hợp với các mức độ cần khuyến khích đầu tư của từng dự án và trên cơ sở xem xét ý kiến đề nghị của chủ đầu tư.

III. MIỄN GIẢM THUẾ LỢI TỨC ĐỐI VỚI CÁC XÍ NGHIỆP LIÊN DOANH,XÍ NGHIỆP 100% VỐN NƯỚC NGOÀI

(Gọi tắt là xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài)

1. Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc các dự án nêu tại điểm 4, Mục I của Thông tư này nếu đặt tại các địa phương thuộc phụ lục số 1 kèm theo Thông tư này được miễn thuế lợi tức 1 năm kể từ năm kinh doanh bắt đầu có lãi và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo.

Nếu đặt tại các địa phương khác, có thể được xét miễn thuế lợi tức 1 năm kể từ năm kinh doanh bắt đầu có lãi và giảm 50% trong 1 năm tiếp theo.

2. Các dự án nêu tại điểm 3 Mục 1 nếu đặt tại các địa phương thuộc phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này có thể được xét miễn thuế lợi tức tối đa 2 năm kể từ năm kinh doanh bắt đầu có lãi và giảm 50% trong thời gian tối đa 3 năm tiếp theo.

Nếu đặt tại các địa phương khác thuộc phụ lục số 1 và phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này có thể được xét miễn thuế lợi tức 1 năm kể từ năm kinh doanh bắt đầu có lãi và giảm 50% trong thời gian tối đa 2 năm tiếp theo.

3. Các dự án nêu tại điểm 2, Mục I được miễn thuế lợi tức 2 năm kể từ năm kinh doanh bắt đầu có lãi và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo.

4. Các dự án nêu tại điểm 1, Mục I được miễn thuế lợi tức 4 năm kể từ năm kinh doanh bắt đầu có lãi và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo.

IV. CÁC QUY ĐỊNH KHÁC

Đối với một dự án mà cùng một lúc đầu tư vốn tại các địa phương khác nhau thuộc danh sách của cả phụ lục số 1 và phụ lục số 2 kèm theo Thông tư này thì việc xác định mức thuế suất thuế lợi tức và miễn giảm thuế lợi tức sẽ được áp dụng trên cơ sở xem xét dự án đó có trụ sở chính tại địa phương nào.

Đối với các dự án đầu tư đã được cấp giấy phép đầu tư nước ngày 16-4-1993 thì vẫn thực hiện các quy định về miễn giảm thuế lợi tức và thời hạn áp dụng thuế lợi tức đã quy định tại giấy phép đầu tư đó.

Thông tư này thay thế Thông tư Liên Bộ số 66/TT-TB ngày 30-10-1992 và có hiệu lực kể từ ngày ký. Các dự án đã được cấp giấy phép đầu tư trước ngày có hiệu lực của Thông tư này, thực hiện theo các quy định của giấy phép đó, không áp dụng Thông tư này.

 

Phan Văn Dĩnh

(Đã Ký)

 

PHỤ LỤC SỐ 1

(Kèm theo Thông tư 48-TC/TCT ngày 30-6-1993)

Quảng Ninh (trừ thị xã Hòn Gai), Bắc Thái, Cao Bằng, Lạng sơn (trừ thị xã Lạng Sơn), Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Hoà bình, Nghệ An, Thanh Hoá (trừ thị trấn Sầm Sơn), Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng (trừ Đà Lạt), Tây Ninh.

PHỤ LỤC SỐ 2

Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Hưng, Nam Hà, Ninh Bình, Hà Tây, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Khánh Hoà, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Minh Hải, Sông Bé, Thị xã Hòn Gai, Thị xã Lạng Sơn, Thị trấn Sầm Sơn, Thành phố Đà Lạt.