cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 04/BYT/TT ngày 23/03/1985 Hướng dẫn ứng dụng bản Danh mục số 1 các chức danh đầy đủ của viên chức ngành y tế tại các đơn vị trực thuộc Bộ, các sở y tế tỉnh, thành phố và y tế ở các ngành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 04/BYT/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Y tế
  • Ngày ban hành: 23-03-1985
  • Ngày có hiệu lực: 07-04-1985
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-08-1999
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5253 ngày (14 năm 4 tháng 23 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 25-08-1999
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 25-08-1999, Thông tư số 04/BYT/TT ngày 23/03/1985 Hướng dẫn ứng dụng bản Danh mục số 1 các chức danh đầy đủ của viên chức ngành y tế tại các đơn vị trực thuộc Bộ, các sở y tế tỉnh, thành phố và y tế ở các ngành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 2398/QĐ-BYT ngày 10/08/1999 của Bộ trưởng Bộ Y tế Bãi bỏ 120 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/BYT/TT

Hà Nội, ngày 23 tháng 03 năm 1985

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN ỨNG DỤNG BẢN DANH MỤC SỐ 1 CÁC CHỨC DANH ĐẦY ĐỦ CỦA VIÊN CHỨC NGÀNH Y TẾ TẠI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC BỘ, CÁC SỞ Y TẾ TỈNH, THÀNH PHỐ VÀ Y TẾ Ở CÁC NGÀNH

Căn cứ Quyết định số 324-LĐ-QĐ ngày 19-12-1984 của tiểu ban danh mục và tiêu chuẩn nghiệp vụ thuộc Hội đồng Bộ trưởng về việc ban hành bản Danh mục số 1 các chức danh đầy đủ của viên chức ngành y tế.

Bản Danh mục số 1 các chức danh đầy đủ của viên chức ngành y tế được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng uỷ nhiệm cho Bộ trưởng Bộ Lao động kiêm Trưởng tiểu ban Danh mục và tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức thuộc Hội đồng Bộ trưởng ban hành lần này là một văn bản pháp quy áp dụng cho tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế quản lý, cũng như y tế ở các ngành, các cấp.

Để có căn cứ xây dựng tiêu chuẩn nghiệp vụ cụ thể cho các chức vụ viên chức ngành y tế, và để cải tiến tổ chức bộ máy các cơ sở của ngành sao cho gọn, nhẹ và có hiệu lực. Đồng thời để có căn cứ lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tuyển chọn, bố trí tiếp nhận các loại cán bộ viên chức ngành y tế, cũng như để xác định biên chế hợp lý, xác định chế độ tiền lương và phụ cấp cho viên chức của toàn ngành.

Bản Danh mục số 1 các chức danh đầy đủ của viên chức ngành y tế gồm 441 chức danh theo Quyết định số 324-LĐ/QĐ của tiểu ban danh mục và tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức thuộc Hội đồng Bộ trưởng là bản chức danh đầy đủ của ngành y tế, trong đó:

- Viên chức lãnh đạo của nhóm 9 và nhóm 8 là 252 chức danh đầy đủ.

- Viên chức chuyên môn của nhóm 5 là 187 chức danh đầy đủ.

- Viên chức thực hiện chuyên môn kỹ thuật của nhóm 0 là hai chức danh đầy đủ.

Căn cứ vào quyết định đó, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc ứng dụng các chức danh đầy đủ đã được duyệt trong toàn ngành, đồng thời để thống nhất tên gọi các chức vụ cho đúng chức danh.

1. Các Cục như Cục đào tạo, Cục phòng bệnh chữa bệnh và Cục bảo vệ sức khoẻ từ nay được gọi là Vụ.

2. Nhà tuyên truyền bảo vệ sức khoẻ từ nay được gọi là Trung tâm tuyên truyền bảo vệ sức khoẻ. Người đứng đầu tổ chức này gọi là Giám đốc Trung tâm tuyên truyền bảo vệ sức khoẻ.

3. Viện điều dưỡng từ nay được gọi là nhà điều dưỡng kèm theo số thứ tự hoặc ký hiệu. Người đứng đầu tổ chức này gọi là Giám đốc nhà điều dưỡng.

4. Viện bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh từ nay được gọi là Viện phụ sản.

5. Bệnh viện quốc tế từ nay được gọi là Bệnh viện đa khoa ngoại kiều.

6. Chức danh Bệnh viện trưởng từ nay được gọi là Giám đốc bệnh viện.

7. Công ty dược phẩm cấp một từ nay được gọi là Công ty dược phẩm Trung ương kèm theo số thứ tự.

8. Công ty dược liệu cấp một từ nay được gọi là Công ty dược liệu Trung ương kèm theo số thứ tự.

9. Các xí nghiệp dược phẩm trực thuộc liên hiệp các xí nghiệp dược Việt Nam từ nay được gọi là Xí nghiệp dược phẩm Trung ương kèm theo số thứ tự.

10. Công ty dược liệu cấp 2 từ nay được gọi là Công ty dược phẩm tỉnh, thành phố.

11. Công ty dược liệu cấp 2 từ nay được gọi là Công ty dược liệu tỉnh, thành phố.

12. Các xí nghiệp dược phẩm của địa phương nơi nào chưa thống nhất vào xí nghiệp liên hợp dược, từ nay được gọi là Xí nghiệp dược phẩm tỉnh, thành phố kèm theo số thứ tự.

13. Chức danh quản đốc khu điều trị phong Trung ương hoặc tỉnh, thành phố từ nay được gọi là Giám đốc khu điều trị phong.

14. Chức danh Chủ nhiệm khoa của các Viện có giường bệnh và bệnh viện từ nay được gọi là Trưởng khoa.

15. Chức danh Chủ nhiệm bộ môn của các trường Đại học cao đẳng và trung học y dược từ nay được gọi là Trưởng bộ môn.

16. Phòng tài vụ của các cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương, từ nay được gọi là Phòng tài chính kế toán.

17. Chức danh y tá, nữ hộ sinh và kỹ thuật viên y dược đã được xác định có ba cấp trình độ, do đó tên gọi từ nay thống nhất như sau:

- Y tá sơ cấp từ nay được gọi là y tá cấp 1,

- Y tá trung cấp từ nay được gọi là y tá cấp 2, - Y tá đại học từ nay được gọi là y tá cấp cao.

Tương tự như thế thì nữ hộ sinh, kỹ thuật viên y dược cũng được gọi tên như trên.

18. Riêng y sĩ có hai cấp trình độ, do đó tên gọi từ nay thống nhất như sau:

- Y sĩ thuộc hệ trung học thì gọi là y sĩ,

- Y sĩ thuộc hệ cao đẳng thì từ nay được gọi là y sĩ cấp cao.

19. Bác sĩ cũng có ba cấp trình độ, do đó tên gọi từ nay thống nhất như sau:

- Bác sĩ,

- Bác sĩ cấp 1 chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi... - Bác sĩ cấp 2 chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi...

Tương tự như thế thì dược sĩ đã tốt nghiệp đại học cũng gọi tên như trên.

20. Phó giáo sư từ nay được gọi là giáo sư cấp 1 (có thể viết tắt là GSI).

21. Giáo sư từ nay được gọi là giáo sư cấp 2 (có thể viết tắt là GSII).

22. Chức danh hộ lý từ nay được gọi là nhân viên phục vụ y tế.

23. Chức danh công nhân nhà xác từ nay gọi là nhân viên nhà xác.

24. Chức danh "phó" là chức danh phát sinh từ chức danh trưởng và được áp dụng tuỳ theo yêu cầu cần thiết, cũng như căn cứ vào Điều lệ tổ chức bộ máy của cơ quan đơn vị quy định. Tuy nhiên theo chế độ thủ trưởng chức danh "phó" là "phó" cho thủ trưởng mà không phải "phó" cho đơn vị nên từ nay thống nhất gọi bằng cách đặt từ "phó" lên trước chức danh trưởng.

Ví dụ: Phó vụ trưởng, Phó viện trưởng, Phó trưởng phòng, v.v... riêng cấp Bộ vẫn gọi là Thứ trưởng. Bất cứ cấp nào khi đã có cấp phó đều phải có phó thứ nhất. Như vậy các chức danh phó thường trực ở các đơn vị thường gọi trước đây, từ nay được gọi là phó thứ nhất. Số lượng cấp phó phụ thuộc vào số lượng quyết định được phân công, do đó trong Bản Danh mục số 1 các chức danh đầy đủ của viên chức ngành y tế không ghi chức danh phó kèm theo.

Bộ Y tế gửi bản Danh mục số 1 các chức danh đầy đủ của viên chức ngành y tế và bản hướng dẫn ứng dụng các chức danh để các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Y tế tỉnh, thành phố, đặc khu và y tế của các ngành nghiên cứu, tổ chức học tập cho tất cả các viên chức của từng đơn vị.

Khi tổ chức học tập ứng dụng các chức danh đầy đủ cho từng viên chức thủ trưởng đơn vị cần làm cho mỗi viên chức hiểu rõ nội dung lao dộng và nghiệp vụ của chức danh đó để sau khi học tập ứng dụng các chức danh đầy đủ thì mỗi viên chức phải xác định được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trách nhiệm và sản phẩm tạo thành của mỗi chức danh. Trong quá trình này thủ trưởng cùng với tổ chức Đảng rà xét lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức bộ máy của đơn vị, xem xét có tổ chức nào của đơn vị còn trùng lặp, chồng chéo chức năng nhiệm vụ (như các phòng, ban, khoa và bộ môn,v.v...) hay không, nếu có thì phải cắt bỏ những chức năng, nhiệm vụ trùng lặp, hoặc báo cáo về Bộ xin sáp nhập, lồng ghép hay giải thể những tổ chức mà chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức này trùng lặp với tổ chức kia, đồng thời bổ sung những nhiệm vụ còn thiếu và xác định những tổ chức cần thiết. Sau đó báo cáo cụ thể bằng văn bản về Bộ (tiểu ban danh mục tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức ngành Y tế tại Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Y tế).

Như vậy việc đổi tên một viên chức không chỉ là thay đổi về hình thức bên ngoài mà nó chính là thay đổi phương pháp quản lý cũ, bằng phương pháp quản lý khoa học, gắn con người với tổ chức, gắn tổ chức được kiện toàn với phương pháp làm việc mới.

Mỗi chức danh mới là cả một nội dung mới, nghĩa là phải xác định được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và sản phẩm rõ ràng, mối quan hệ hiệp tác và phối hợp trong tổ chức. Từ đó mỗi viên chức nâng cao được tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, phát huy sáng tạo và cũng từ đó sẽ được đãi ngộ tinh thần và vật chất xứng đáng với tài năng và cống hiến của mỗi viên chức.

Để đạt được yêu cầu trên đây là cả một cuộc vận động rộng lớn lâu dài, do đó thủ trưởng cùng tổ chức Đảng, Công đoàn và Đoàn thanh niên của từng đơn vị, cần phải tổ chức hoạt động thảo luận thật dân chủ để cho mỗi người có chức danh được thay đổi cũng như những chức danh không thay đổi, nhận thức đúng nội dung của vấn đề này và phải có chuyển biến thật sự bằng hành động.

Khi tổ chức học tập nghiên cứu ứng dụng bản chức danh đầy đủ của viên chức ngành y tế, nếu đơn vị nào thấy có khó khăn, hoặc có vấn đề gì chưa rõ thì báo cáo về Bộ để Bộ cử cán bộ xuống giúp đỡ hoặc hướng dẫn thêm.

Tất cả các chức danh đầy đủ của bản danh mục số 1 của viên chức ngành y tế cần được sử dụng chính thức trong các công văn giấy tờ giao dịch của các đơn vị.

Bản danh mục số 1 các chức danh đầy đủ của viên chức ngành y tế được ban hành lần này mới chỉ là những chức vụ của viên chức thuộc chuyên ngành y và dược, còn một số chức danh của một số tổ chức như Vụ, Cục, Phòng, Ban, và khoa,v.v... chưa được ban hành lần này thì các tổ chức đó cần phải rà xét lại chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đó báo cáo cụ thể về Bộ để Bộ xem xét và trình Nhà nước duyệt và sẽ ban hành các chức danh đó vào bản Danh mục số 2 .

Trong khi nghiên cứu ứng dụng bản danh mục số 1 các chức danh đầy đủ của viên chức ngành y tế, nếu các đơn vị thấy có chức danh nào còn thiếu thì phản ảnh về Bộ bằng văn bản để Bộ xem xét và đề nghị Nhà nước bổ sung khi thấy cần thiết. Các đơn vị không được tự ý sửa đổi nội dung và tên gọi trong bản chức danh này.

Để giữ vững pháp luật của Nhà nước, từ nay tên gọi các cơ quan thuộc ngành y tế cũng như tên gọi các chức vụ của viên chức ngành y tế, đều phải thống nhất theo đúng Quyết định số 324-LĐ/QĐ của tiểu ban danh mục và tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức thuộc HĐBT. Nơi nào sử dụng nhầm lẫn đều phải kịp thời sửa lại và dùng đúng quy định.

Các đơn vị trực thuộc Bộ được đổi tên tổ chức trong bản danh mục số 1 các chức danh đầy đủ của ngành y tế, cần cử cán bộ của đơn vị về Vụ Tổ chức cán bộ làm các thủ tục đổi tên và khắc lại. Riêng các cơ sở y tế thuộc địa phương nếu cơ sở nào phải đổi tên tổ chức thì cử cán bộ đến làm thủ tục với cơ quan có thẩm quyền ở địa phương.

 

BỘ Y TẾ




Đặng Hồi Xuân