Thông tư số 46-TT/HTX ngày 13/12/1982 Hướng dẫn việc đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho tập thể và nhân dân trồng cây gây rừng theo Quyết định 184-HĐBT-1982 do Bộ Lâm nghiệp ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 46-TT/HTX
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Lâm nghiệp
- Ngày ban hành: 13-12-1982
- Ngày có hiệu lực: 28-12-1982
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-01-2000
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 6216 ngày (17 năm 0 tháng 11 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 04-01-2000
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ LÂM NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 46-TT/HTX | Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 1982 |
THÔNG TƯ
CỦA BỘ LÂM NGHIỆP SỐ 46-TT/HTX NGÀY 13- 12 - 1982 HƯỚNG DẪN VIỆC ĐẨY MẠNH GIAO ĐẤT, GIAO RỪNG CHO TẬP THỂ VÀ NHÂN DÂN TRỒNG CÂY GÂY RỪNG THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 184-HĐBT NGÀY 6-11-1982 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Thực hiện Quyết định số 184-HĐBT ngày 6-11-1982 của Hội đồng Bộ trưởng về chính sách giao đất, giao rừng để tập thể và nhân dân trồng cây gây rừng, tu bổ, cải tạo và kinh doanh rừng, Bộ lâm nghiệp hướng dẫn một số vấn đề giao đất giao rừng để trồng cây, gây rừng như sau.
I. NGUYÊN TẮC GIAO ĐẤT, GIAO RỪNG ĐỂ TẬP THỂ VÀ NHÂN DÂN KINH DOANH.
1. Rừng và đất rừng là tài sản của toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý; Nhà nước có thể giao cho các đơn vị quốc doanh hợp tác xã, gia đình và các đơn vị tập thể khác sử dụng kinh doanh theo quy hoạch, kế hoạch và pháp luật của Nhà nước.
2. Việc giao rừng và đất rừng cho tập thể và nhân dân kinh doanh phải theo đúng quy hoạch phân phối đất đai và phân vùng sản xuất nông lâm ngư nghiệp của trung ương và của từng địa phương tỉnh, thành, huyện.
3. Trên cơ sở quy hoạch phân phối đất đai được Uỷ ban nhân dân tỉnh xét duyệt, Uỷ ban nhân dân huyện căn cứ vào tình hình rừng và đất rừng, mục đích kinh doanh, trình độ quản lý và khả năng lao động của từng nơi để xác định diện tích đất trống, đồi núi trọc và rừng nghèo có thể giao cho tập thể và nhân dân sản xuất kinh doanh.Rừng và đất rừng giao cho tập thể kinh doanh không hạn chế, khả năng làm có hiệu quả được bao nhiêu thì giao bấy nhiêu.
4. Các tập thể và gia đình phải đưa hết diện tích rừng và đất rừng đã nhận vào sản xuất kinh doanh theo đúng quy hoạch, kế hoạch và pháp luật của Nhà nước. Nhất thiết không được sử dụng vào mục đích kinh doanh khác dẫn đến tàn phá tài nguyên rừng và đất rừng.
5. Những sản phẩm nông nghiệp trồng xen trên đất trồng rừng theo hướng nông lâm kết hợp, người gây trồng được hưởng toàn bộ. Những sản phẩm lâm nghiệp làm ra trên đất trống, đồi núi trọc và rừng nghèo kiệt, ngoài phần được sử dụng theo tỷ lệ quy định, số còn lại bán cho Nhà nước theo giá thoả đáng (Uỷ ban Vật giá Nhà nước và Bộ Lâm nghiệp sẽ có hướng dẫn cụ thể sau).
II. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC GIAO RỪNG VÀ ĐẤT RỪNG ĐỂ SẢN XUẤT KINH DOANH
1. Những hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, các cơ quan, xí nghiệp, trường học, đơn vị vũ trang ở trung du, miền núi hoặc vùng cát, sình lầy,ven biển, nếu tự nguyện làm đơn nhận đất, nhận rừng kinh doanh để tự giải quyết nhu cầu gỗ củi của đơn vị mình và trồng cây gây rừng theo quy hoạch kế hoạch của Nhà nước thì được xét giao cho một số diện tích rừng và đất rừng vừa với khả năng để tổ chức sản xuất kinh doanh rừng.
2. Các hộ nhân dân (kể cả nông nghiệp và phi nông nghiệp) sống trên địa bàn trung du, miền núi và ở các vùng khác còn nhiều đất trống, đồi núi trọc, được cấp hẳn một số đất gần nhà để làm vườn rừng nhằm tự giải quyết gỗ củi, và các nông lâm sản khác. Ngoài ra, tuỳ theo khả năng lao động của từng hộ, mà có thể làm đơn xin mượn một số đất trống, đồi núi trọc để trồng cây gây rừng theo quy hoạch chung.
3. Các huyện, các tỉnh, thành phố có vốn lao động nhưng thiếu đất trồng rừng, có thể liên doanh với các địa phương có đất để trồng rừng, trồng cây công nghiệp dài ngày... theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước nhằm tự túc gỗ, củi và góp phần nhanh chóng phủ xanh đồi trọc, bảo vệ môi trường và đem lại nhiều sản phẩm cho xã hội.
III. LOẠI ĐẤT, LOẠI RỪNG VÀ DIỆN TÍCH ĐẤT VÀ RỪNG GIAO CHO TẬP THỂ VÀ NHÂN DÂN KINH DOANH
1. Loại đất, loại rừng được giao cho tập thể kinh doanh.
- Những vùng đất quy hoạch thuộc đất lâm nghiệp bao gồm đất trống, đồi núi trọc, bãi cát, sình lầy, ven biển, và những rừng nghèo cần cải tạo thì tuỳ theo khả năng quản lý, kinh doanh của từng cơ sở, mà có thể xét giao cho mỗi hợp tác xã, tập đoàn sản xuất một số diện tích nhất định để trồng rừng phục vụ công nghiệp, xây dựng và xuất khẩu. Những rừng chưa giao cho các lâm trường cũng có thể xét giao cho các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất tiến hành tu bổ, bảo vệ và quản lý theo quy hoạch, kế hoạch và quy trình quy phạm của Nhà nước.
- Qua tổ chức lại sản xuất nông lâm nghiệp, sắp xếp lại phạm vi sản xuất, kinh doanh cho các đơn vị quốc doanh, tập thể và gia đình trên địa bàn huyện nếu xét thấy hợp lý thì các đơn vị quốc doanh có thể giao một phần (kể cả rừng tự nhiên và rừng trồng) và đất rừng do đơn vị mình đang trực tiếp quản lý cho các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất quản lý, bảo vệ. Khi chuyển giao phải kiểm kê, đánh giá cụ thể tình hình rừng. Đối với rừng tự nhiên hợp tác xã và tập đoàn sản xuất có trách nhiệm tu bổ , bảo vệ làm cho rừng phát triển tốt. Đối với rừng trồng, hợp tác xã và tập đoàn sản xuất tiếp tục hợp đồng làm khoán chăm sóc, bảo vệ cho đến khi rừng đến tuổi thành thục. Sau khi khai thác sẽ chuyển giao đất đó cho tập thể kinh doanh trồng cây gây rừng theo kế hoạch Nhà nước.
- Những khu rừng cấm, rừng phòng hộ trên phạm vi huyện sẽ do Uỷ ban nhân dân huyện thống nhất quản lý, không giao cho bất kỳ một đơn vị nào kinh doanh, mà có thể hợp đồng khoán cho tập thể hoặc gia đình khoanh nuôi, bảo vệ. Cuối mỗi năm tiến hành nghiệm thu, nếu làm tốt, mỗi héc ta được thanh toán một khoản thù lao cho lao động, tuỳ theo công sức bảo vệ mà Uỷ ban nhân dân tỉnh trao đổi thống nhất với Bộ Lâm nghiệp để quy định mức thù lao cụ thể. Ngược lại, nếu để rừng bị tàn phá thì không những không được thanh toán tiền công, mà còn bị phạt tuỳ theo giá trị số lâm sản bị thiệt hại. Tập thể và gia đình làm khoán được thu nhặt củi khô, các loại đặc sản cây thuốc dưới tán rừng, nhưng phải theo sự hướng dẫn của ngành lâm nghiệp. không được làm giảm tính chất phòng hộ của rừng.
- Đối với những khu rừng cấm do tỉnh hoặc trung ương quản lý mà đã có bộ máy chuyên trách, thì Uỷ ban nhân dân huyện có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và vận động nhân dân bảo vệ theo đúng quy định của Nhà nước đã ban hành đối với những khu rừng đó.
2. Diện tích rừng và đất rừng giao cho tập thể kinh doanh.
Mỗi địa phương phải căn cứ vào tình hình rừng và đất rừng hiện có, căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật, định mức lao động, quy trình kỹ thuật đối với từng loại cây, loại rừng, loại đất; điều kiện tự nhiên và trình độ quản lý kinh doanh của mỗi hợp tác xã và tập đoàn sản xuất, đặc biệt số lao động của tưng đơn vị sản xuất dành cho nghề rừng ít nhất 10 - 15% tổng số lao động trở lên để xác định diện tích rừng và đất rừng giao cho tưng đơn vị được hợp lý.
Do đặc điểm kinh doanh cây rừng có chu kỳ dài, nên diện tích rừng và đất rừng được giao như sau. Đối với đất trống, đồi núi trọc và rừng nghèo cần cải tạo rừng tre, nứa, vầu để khai thác có thể giao từ 2 đến 4 héc ta. Đối với rừng non phải tu bổ, nuôi dưỡng hoặc rừng gỗ tự nhiên để khai thác giao khoảng từ 8 đến 10 hécta cho mỗi lao động làm rừng. Cần tích cực thực hiện phương châm nông lâm kết hợp theo hướng thâm canh tiến hành trồng xen dưới tán rừng, bảo đảm rừng phát triển tốt, làm rừng như làm vườn.
3. Cấp đất rừng cho hộ nhân dân làm vườn rừng.
- Theo quy định của Hội đồng bộ trưởng, mỗi hộ nhân dân ở miền núi ,trung du và các vùng bãi đất, sình lầy, ven biển còn nhiều đất trống, đồi núi trọc thì có thể xét cấp hẳn từ 2000 đến 2500 m2 loại đất trên cho mỗi lao động để làm vườn rừng. Do vậy, các địa phương phải căn cứ khả năng đất trống, đồi núi trọc gần các khu dân cư của địa phương mình và số lao động đã quy đổi của từng hộ, mà ấn định mức cấp cụ thể địa phương mình và số lao động đã quy đổi của từng hộ, mà ấn định mức cấp cụ thể cho mỗi gia đình, nhưng không vượt quá 1 hécta. Nếu gia đình nào đã có vườn cây quanh nhà xấp xỉ mức quy định trên thì được giữ nguyên canh (không rút bớt, không cấp thêm). Đối với những hộ không có lao động hoặc ít lao động mà nhiều nhân khẩu, thì cũng được xét cấp đất làm vườn rừng với mức độ hợp lý, để các hộ trên có thể tự giải quyết được nhu cầu gỗ, củi và các sản phẩm nông lâm sản khác.
- Đối với những nơi đã có hợp tác xã và tập đoàn sản xuất, phần đất cấp cho hộ xã viên làm vườn rừng, nằm trong tổng số đất trống, đồi núi trọc giao cho hợp tác xã và tập đoàn sản xuất quản lý, kinh doanh, ban quản trị có trách nhiệm cấp lại cho gia đình xã viên theo từng đội sản xuất cho tiện sản xuất và quản lý sản phẩm.
- Đối với những nơi chưa có hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, Uỷ ban nhân dân huyện uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân xã cấp đất xây dựng vườn rừng cho các hộ nhân dân trong xã và tổng hợp báo cáo về huyện xét duyệt.
- Trường hợp gần các khu dân cư không còn đất trống, đồi núi trọc, mà chỉ có rừng của tập thể hoặc quốc doanh gây trồng, thì cũng có thể xét cấp đất làm vườn rừng. Các hộ được cấp đất ở đó phải có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ cho đến khi rừng thành thục, được thu nhặt củi khô hoặc trồng xen dưới tán rừng, nhưng không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của rừng, Khi khai thác, gia đình có công chăm sóc, bảo vệ được hưởng từ 10 đến 20% sản phẩm chính tuỳ theo tình trạng rừng lúc giao, phần còn lại đơn vị gây trồng được hưởng. Sau khi khai thác sẽ chuyển giao đất đó cho gia đình làm vườn rừng.
- Các hộ nhân dân trong khu phi nông nghiệp, nhưng sống trên địa bàn có đất trống, đồi núi trọc, nếu tự nguyện làm đơn xin đất thì tuỳ khả năng đất đai của mỗi địa phương,mà có thể xét cấp cho mỗi hộ một số diện tích đất trống, đồi núi trọc tương đương với mức cấp cho hộ nông nghiệp trong vùng để làm vườn rừng.
- Các hộ nhân dân đã được cấp đất làm vườn rừng thì phải làm đúng vị trí, đúng diện tích, không được lấn chiếm hoặc mua bán và phải giao lại tất cả đất đai khác mà hộ đó chiếm dụng ngoài rừng núi, để xoá bỏ tình trạng du canh phá rừng.
- Đối với những hộ chưa tự nguyện nhận đất xây dựng vườn rừng, nếu có hành vi xâm phạm vốn rừng thì Uỷ ban nhân dân địa phương phải giáo dục và nếu tái phạm xử phạt nghiêm minh.
4. Cho nhân dân mượn đất rừng để kinh doanh rừng.
Những nơi chưa có hợp tác xã và tập đoàn sản xuất hoặc những nơi đã có tổ chức sản xuất tập thể, nhưng trình độ quản lý kinh doanh nghề rừng còn nhiều hạn chế. Nếu các gia đình thực sự tự nguyện làm đơn xin mượn đất thì có thể xét cho mỗi hộ mượn một số diện tích, đất trống, đồi núi trọc để trồng cây gây rừng theo quy hoạch và kế hoạch của huyện. Tiêu chuẩn cho mượn đất trồng cây gây rừng căn cứ vào khả năng lao động có thể làm nghề rừng của từng hộ, để xác định số diện tích cho mượn được hợp lý. Thời gian cho mượn là một chu kỳ kinh doanh tuỳ theo mục đích kinh tế của từng loại cây. Hết chu kỳ trước nếu xét thấy hộ đó làm tốt thì có thể được mượn tiếp kinh doanh chu kỳ sau. Trường hợp trong thời gian chưa hết chu kỳ kinh doanh, nếu thành lập hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất, mà tập thể đó có khả năng quản lý kinh doanh thì diện tích rừng các hộ đã trồng có thể đưa vào tập thể quản lý, nhưng phải trên cơ sở các hộ xã viên hoàn toàn tự nguyện và tập thể phải thanh toán thoả đáng công sức của mỗi hộ bỏ ra. Nếu không các hộ vẫn tiếp tục kinh doanh cho hết chu kỳ sản xuất, mới chuyển giao số diện tích đất đai đó cho tập thể quản lý, kinh doanh theo kế hoạch chung.
5. Về liên doanh trồng cây gây rừng.
Việc liên doanh trồng cây gây rừng giữa các địa phương có thể phân công trách nhiệm theo từng công đoạn. Địa phương có lao động, lương thực, vốn liếng thì đảm nhận khâu gieo trồng; sau đó bàn giao cho địa phương sở tại chăm sóc, bảo vệ đến khi rừng thành thục. Vấn đề tổ chức khai thác và phân phối sản phẩm lấy từ rừng ra do liên doanh quyết định.
Đối với các đơn vị tập thể và quốc doanh lâm nghiệp cũng có thể liên doanh trồng rừng, tu bổ, cải tạo theo hướng trên. Lâm trường có trách nhiệm cung cấp giống, vốn, vật tư và hướng dẫn kỹ thuật. Tập thể đảm nhận gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác rừng theo nguyên tắc hai bên đều có lợi.
6. Về trồng cây bên đường giao thông (sẽ có thông tư liên Bộ Lâm nghiệp - Giao thông vận tải hướng dẫn sau).
IV. NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA TẬP THỂ VÀ NHÂN DÂN NHẬN ĐẤT, NHẬN RỪNG ĐỂ KINH DOANH NGHỀ RỪNG
A. VỀ NGHĨA VỤ:
1. Các tập thể và nhân dân phải có biện pháp từng bước đưa diện tích rừng và đất rừng được giao vào sản xuất kinh doanh theo đúng quy hoạch, kế hoạch và quy trình kỹ thuật của ngành lâm nghiệp trên nguyên tắc "giao đất phải trồng cây, giao rừng phải chăm sóc, bảo vệ và khai thác hợp lý, bảo đảm tái sinh rừng". Nếu trong thời hạn một năm chưa tổ chức sản xuất kinh doanh mà sử dụng đất đai, tài nguyên rừng được giao vào mục đích kinh doanh khác, làm cho rừng bị tàn phá, đất đai thoái hoá hoặc sau khi khai thác chu kỳ trước, để đất trống quá một năm không trồng lại rừng, mà không có lý do chính đáng thì Nhà nước sẽ phạt và lấy lại giao cho đơn vị khác hoặc người khác làm.
2. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bán sản phẩm và quản lý thống nhất sản phẩm bán ra; đồng thời, nộp tiền nuôi rừng theo đúng quy định hiện hành.
B. VỀ QUYỀN LỢI
1. Được Nhà nước giao rừng và đất rừng lâu dài để sản xuất kinh doanh. Trường hợp đặc biệt Nhà nước phải thu hồi lại một phần hoặc toàn bộ số diện tích đã giao để sử dụng vào mục đích công cộng khác, thì tập thể hoặc gia đình đó được giao một diện tích tương đương khác và được đến bù thích đáng những cây cối, hoa màu trên diện tích thu lại.
2. Có thể được Nhà nước cung cấp vật tư kỹ thuật nghề rừng, các loại giống mới, hướng dẫn kỹ thuật, bồi dưỡng đào tạo cán bộ và nếu cần có thể cho vay vốn.
3. Rừng do tập thể trồng hoặc cải tạo bằng vốn tự có và sức lao động của mình, những sản phẩm trung gian trong quá trình chăm sóc, tỉa thưa, tập thể được sử dụng toàn bộ. Khi khai thác được sử dụng từ 20% đến 30% sản phẩm chính đối với rừng trồng hoặc từ 10% đến 20% sản phẩm chính (sản phẩm được ghi trong chỉ tiêu kế hoạch của huyện giao) đối với rừng cải tạo, số còn lại bán cho Nhà nước theo giá cả thoả đáng.
Rừng tự nhiên do tập thể bỏ công tu bổ, bảo vệ làm cho rừng tốt lên, khi khai thác bán theo giá chỉ đạo (giá thành + tỷ lệ lãi) 30% sản phẩm chính, số còn lại tập thể sử dụng 20%; còn 80% bán theo giá cả thoả đáng.
Rừng tự nhiên đến tuổi khai thác, mới giao cho tập thể quản lý, bảo vệ; khi tập thể tổ chức khai thác, 90% sản phẩm chính bán theo giá chỉ đạo, số còn lại do tập thể sử dụng, nếu không dùng hết sẽ bán cho Nhà nước theo giá cả thoả đáng.
4. Những vùng trồng rừng kinh tế lâm nghiệp tập trung như vùng rừng giấy sợi, rừng trụ mỏ, rừng đặc sản quế, hồi, cánh kiến đỏ... hoặc những vùng đồng bào mới định canh định cư phương hướng sản xuất chính là kinh doanh nghề rừng. Nếu hợp tác xã và tập đoàn sản xuất có nhiều khó khăn thì được Nhà nước xét trợ cấp cây giống, công cụ sản xuất cầm tay và một phần thù lao công lao động trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng bằng từ 20% đến 50% đơn giá trồng rừng của quốc doanh lâm nghiệp trong vùng. Khi khai thác, bán cho Nhà nước từ 20% đến 50% sản phẩm chính theo giá chỉ đạo, số còn lại 70% bán theo giá cả thoả đáng và 30% được để lại sử dụng, Nhà nước sẽ đổi cho loại gỗ xây dựng với giá trị tương đương.
5. Những rừng trước đây tập thể đã trồng bằng vốn trợ cấp theo các quyết định số 129 - CP ngày 25 - 5 - 1974, số 272 - CP ngày 3 - 10 - 1977 và số 95 - CP ngày 27 - 3 - 1980 v.v.... các tập thể phải tiếp tục chăm sóc, bảo vệ, khi khai thác được sử dụng từ 10 đến 20% sản phẩm chính, số còn lại bán cho Nhà nước theo giá cả thoả đáng.
6. Phần lâm sản dành cho tập thể sử dụng được giảm 50% mức thu tiền nuôi rừng, số lâm sản tập thể bán cho Nhà nước thì cơ quan thu mua nộp tiền nuôi rừng.
7. Những lâm sản khai thác trong vườn rừng của các gia đình, nếu không sử dụng hết thì bán cho Nhà nước theo giá cả thoả đáng. Đối với rừng do các gia đình gây trồng trên đất mượn, những sản phẩm trung gian trong quá trình tỉa thưa được sử dụng toàn bộ. Khi thu hoạch, gia đình phải nộp cho hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất (nơi chưa có hợp tác xã thì nộp cho xã) 20% sản phẩm chính để đưa vào quỹ công ích, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng của địa phương. Số còn lại bán cho Nhà nước 70% theo giá cả thoả đáng; gia đình được sử dụng 30%, nếu không dùng hết có thể đổi hàng hai chiều hoặc bán cho Nhà nước theo giá như trên.
8. Tuỳ theo loại đất, loại cây mà Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định sản lượng cụ thể cho từng loại rừng. Nếu tập thể và nhân dân chăm sóc, bảo vệ tốt, sản lượng vượt mức quy định thì được hưởng toàn bộ số sản phẩm vượt. Trường hợp chăm sóc, bảo vệ chưa tốt, khi khai thác sản lượng chưa đạt mức quy định, thì lấy số lâm sản được phép để lại sử dụng để bù lại sản phẩm hụt mức.
9. Các sản phẩm nông nghiệp trồng xen, vật nuôi trên đất rừng theo hướng nông lâm kết hợp, các lâm sản phụ và các loại cây trồng phân tán thì tập thể hoặc cá nhân trồng được sử dụng toàn bộ. Nếu dùng không hết thì bán cho Nhà nước theo giá cả thoả đáng.
V. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
1. Thủ tục tiến hành giao rừng và đất rừng.
a) Uỷ ban nhân dân huyện căn cứ diện tích đất trống, đồi núi trọc, rừng nghèo của huyện mình và sơ bộ điều tra nắm nhu cầu về rừng, đất rừng của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất để dự kiến diện tích giao cho các đơn vị đó sản xuất kinh doanh.
b) Ban quản trị hợp tác xã, tập đoàn sản xuất căn cứ vào số lao động phân bổ cho nghề rừng, làm đơn xin nhận rừng và đất rừng để sản xuất kinh doanh lâm nghiệp. Đơn đề nghị của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất phải có ý kiến xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, kèm theo phương án quy hoạch, kế hoạch sản xuất gửi lên Uỷ ban nhân dân huyện.
Những đơn vị tập thể khác và các hộ gia đình muốn nhận đất trống, đồi núi trọc để trồng cây tự giải quyết nhu cầu gỗ, củi hoặc trồng rừng theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước cũng phải làm theo thủ tục trên.
c) Sau khi nhận đơn của các đơn vị và gia đình, Uỷ ban nhân dân huyện tổ chức xem xét, kiểm tra và ký quyết định giao rừng và đất rừng cho các đơn vị hoặc gia đình đó.
Ban lâm nghiệp huyện hoặc Ban nông lâm nghiệp huyện giúp Uỷ ban nhân dân huyện bàn giao rừng và đất rừng cho các đơn vị hoặc gia đình trên sổ sách, giấy tờ, bàn đồ và trên thực địa, xác định ranh giới rõ ràng và cắm bảng mốc. Lập biên bản giao, nhận có đủ chữ ký của bên giao, bên nhận và có đại diện của Uỷ ban nhân dân xã chứng kiến.
d) Những nơi có diện tích rừng và đất rừng của đơn vị quốc doanh chuyển giao cho hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, thì sau khi có quyết định của Uỷ ban nhân dân huyện, phải tổ chức hội đồng bàn giao gồm đại diện Uỷ ban nhân dân huyện, Uỷ ban nhân dân xã sở tại, Ban lâm nghiệp huyện (Ban nông lâm nghiệp huyện), giám đốc nông lâm trường, chủ nhiệm hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất. Hội đồng này có trách nhiệm kiểm kê, đánh giá tài sản và lập biên bản giao nhận.
đ) Sau khi nhận rừng và đất rừng, tập thể và nhân dân phải làm thủ tục đăng ký sử dụng diện tích rừng và đất rừng đó với Ban lâm nghiệp huyện hoặc Ban nông lâm nghiệp huyện.
Phần đất xây dựng vườn rừng của các gia đình phải có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã.
2. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp.
- Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quyết định của Hội đồng bộ trưởng về việc đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho tập thể và nhân dân trồng cây gây rừng trong cán bộ, nhân dân, làm cho mọi người hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung của chính sách để gây được lòng tin tưởng, phấn khởi, quyết tâm thực hiện.
- Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào quy hoạch phát triển nghề rừng của địa phương mình và diện tích đất trống, đồi núi trọc cũng như rừng nghèo cần cải tạo để có kế hoạch chỉ đạo các huyện soát xét lại việc giao đất, giao rừng trước đây hoặc tiếp tục đẩy mạnh việc giao rừng ở những huyện chưa làm, gây thành một phong trào trồng cây gây rừng sôi nổi, rộng khắp nhằm nhanh chóng phủ xanh đồi trọc, từng bước phấn đấu tiến tới xoá bỏ nạn tàn phá rừng.
- Uỷ ban nhân dân huyện có trách nhiệm xác định rõ mục tiêu kinh tế lâm nghiệp của huyện để sắp xếp lại các đơn vị sản xuất kinh doanh lâm nghiệp trong huyện, thống kê cụ thể diện tích đất trống, đồi núi trọc và rừng nghèo cần cải tạo ở từng cơ sở, đồng thời, soát xét lại việc giao đất giao rừng trước đây xem đối tượng giao, các loại đất, loại rừng và diện tích giao đã đúng chưa, cũng như tổ chức quản lý kinh doanh đã phù hợp chưa. Từ đó mà có kế hoạch chấn chỉnh lại cho đúng với tinh thần quyết định số 184 - HĐBT của Hội đồng bộ trưởng.
Đối với những huyện chưa tiến hành giao đất, giao rừng thì nay phải đẩy mạnh việc giao đất trống, đồi trọc và rừng nghèo cho tập thể và nhân dân trong huyện kinh doanh theo quy hoạch, kế hoạch của huyện, bảo đảm mỗi cánh rừng, mỗi khu đất đều có người làm chủ cụ thể và đều được đưa vào sản xuất với hiệu quả kinh tế cao nhất. Muốn vậy, các huyện phải tích cực giúp đỡ các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất tổ chức lại sản xuất, bồi dưỡng tập huấn cán bộ. Đó là nhân tố quyết định để các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất hoàn thành thằng lợi nhiệm vụ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp.
- Uỷ ban nhân dân xã có trách nhiệm cùng với cán bộ huyện và ban quản trị các hợp tác xã tập đoàn sản xuất thực hiện nhiệm vụ giao đất giao rừng, tổ chức lại sản xuất nông lâm nghiệp trong xã và cấp đất làm vườn rừng cũng như chứng nhận cho các hộ nhân dân mượn đất kinh doanh rừng.
Đối với những xã có từ 200 hécta rừng trở lên, Uỷ ban nhân dân tỉnh có thể dùng quỹ nuôi rừng cấp cho Ban lâm nghiệp xã một định xuất bán chuyên trách, mức thù lao tương đương với uỷ viên thư ký uỷ ban nhân dân xã để làm công tác quản lý, bảo vệ và hướng dẫn tập thể và nhân dân trong xã kinh doanh rừng.
3. Trách nhiệm của ngành lâm nghiệp:
Các cơ quan lâm nghiệp ở tỉnh, huyện có trách nhiệm phối hợp với các ngành có liên quan, giúp Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện có hiệu quả Quyết định số 184-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Cụ thể là:
- Các Sở, Ty, phòng lâm nghiệp các tỉnh, thành có trách nhiệm làm tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành chỉ đạo và trực tiếp giúp đỡ các huyện sớm hoàn thành quy hoạch lâm nghiệp huyện. Nắm vững diện tích đất trống, đồi núi trọc và rừng nghèo cần cải tạo ở từng huyện, để hướng dẫn các huyện soát xét lại việc giao đất, giao rừng trước đây hoặc tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng ở những huyện chưa làm; đồng thời, trực tiếp huy động cán bộ xuống giúp các huyện làm công tác quy hoạch, thiết kế, cung cấp các vật tư kỹ thuật, hạt giống, củng cố bộ máy chuyên trách lâm nghiệp huyện, để tổ chức này có đủ hiệu lực làm tham mưu cho huyện trong việc hướng dẫn, giúp đỡ các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất cũng như gia đình đi vào sản xuất kinh doanh lâm nghiệp.
- Ban lâm nghiệp huyện hoặc ban nông lâm nghiệp huyện có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân huyện trong việc giao đất trống, đồi núi trọc và rừng nghèo cần cải tạo cho tập thể và nhân dân trong huyện sản xuất kinh doanh lâm nghiệp, bảo đảm đúng đối tượng, đúng loại đất, loại rừng và đúng với khả năng quản lý kinh doanh của từng đơn vị và trực tiếp hướng dẫn tập thể và nhân dân kinh doanh nghề rừng theo đúng quy hoạch, kế hoạch của huyện.
- Các lâm trường quốc doanh, các liên hiệp lâm công nghiệp trực thuộc Bộ và các lâm trường quốc doanh cũng như các trạm, trại lâm nghiệp của địa phương phải chủ động xây dựng mối liên kết về kinh tế với các đơn vị sản xuất trong vùng, để có thể hợp tác và phân công nhau trong việc xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật, giúp nhau tập huấn bồi dưỡng cán bộ, chi viện hạt giống, phương tiện vận tải, vật tư kỹ thuật hoặc hỗ trợ nhau lao động trong thời vụ trồng rừng, khai thác khẩn trương, cũng như xây dựng mạng lưới quản lý, bảo vệ rừng trên cơ sở hợp đồng kinh tế nhằm củng cố vững chắc mối quan hệ công nông liên minh, để tập thể và quốc doanh cùng làm tốt nhiệm vụ kinh doanh nghề rừng.
Trong quá trình thực hiện chính sách giao đất giao rừng cho tập thể và nhân dân trồng cây gây rừng của Hội đồng bộ trưởng và thông tư này, nếu gặp khó khăn gì, yêu cầu các địa phương phản ảnh kịp thời về Bộ Lâm nghiệp.
| Phan Xuân Đợt (Đã ký) |