cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên tịch số 04/2015/TTLT-BGDĐT-BTC ngày 10/03/2015 giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện Nghị định 143/2013/NĐ-CP quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo

  • Số hiệu văn bản: 04/2015/TTLT-BGDĐT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 10-03-2015
  • Ngày có hiệu lực: 24-04-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3488 ngày (9 năm 6 tháng 23 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO -
BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 04/2015/TTLT-BGDĐT-BTC

Hà Nội, ngày 10 tháng 03 năm 2015

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 143/2013/NĐ-CP NGÀY 24 THÁNG 10 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ BỒI HOÀN HỌC BỔNG VÀ CHI PHÍ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 143/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 143/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư liên tịch này hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 143/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo (sau đây gọi là Nghị định số 143/2013/NĐ-CP) bao gồm: cách tính chi phí bồi hoàn; hội đồng xét chi phí bồi hoàn; trình tự xét chi phí bồi hoàn; quy trình trả và thu hồi chi phí bồi hoàn.

2. Thông tư liên tịch này áp dụng đối với các cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây:

a) Người học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi học tập ở nước ngoài theo các chương trình giáo dục cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được hưởng học bổng và chi phí đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm cả chương trình giáo dục theo Hiệp định ký kết với nhà nước Việt Nam) và người học được tham gia chương trình đào tạo ở trong nước theo các Đề án đặt hàng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp hoặc chưa chấp hành đủ thời gian làm việc theo quy định;

b) Các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.

3. Thông tư liên tịch này không áp dụng đối với người học là cán bộ, công chức, viên chức và người học theo chế độ cử tuyển.

Điều 2. Cách tính chi phí bồi hoàn

1. Cách tính chi phí bồi hoàn được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP.

2. Trường hợp người học chưa chấp hành đủ thời gian làm việc theo quy định, thời gian làm việc chỉ được tính tròn tháng nếu số ngày làm việc trong tháng từ 15 ngày trở lên.

Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi đào tạo đại học trong thời gian 48 tháng, chi phí đào tạo được cấp từ ngân sách nhà nước là 60 triệu đồng. Thời gian phải chấp hành sự điều động làm việc sau khi hoàn thành khóa học của anh A là 96 tháng. Sau khi tốt nghiệp, anh A đã chấp hành sự điều động làm việc được 47 tháng 16 ngày, sau đó anh A tự ý bỏ việc. Theo nguyên tắc làm tròn tháng, thời gian anh A đã chấp hành sự điều động làm việc được làm tròn thành 48 tháng. Chi phí mà anh A phải bồi hoàn là:

S =

60000000 đ

x (96 tháng – 48 tháng) = 30.000.000 đ

96 tháng

Điều 3. Hội đồng xét chi phí bồi hoàn

1. Trong thời hạn 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày ra quyết định điều động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người học không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi học và cấp chi phí đào tạo từ ngân sách nhà nước thành lập Hội đồng xét chi phí bồi hoàn đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP.

2. Trong thời hạn 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày người học tự ý bỏ việc hoặc có đơn xin thôi việc mà chưa chấp hành đủ thời gian làm việc theo quy định, thủ trưởng cơ quan quản lý người lao động thành lập Hội đồng xét chi phí bồi hoàn đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP.

3. Hội đồng xét chi phí bồi hoàn (sau đây gọi là Hội đồng) có chức năng tư vấn giúp thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định việc bồi hoàn trong việc tính và kiến nghị mức chi phí bồi hoàn.

Điều 4. Thành phần Hội đồng xét chi phí bồi hoàn

1. Thành phần Hội đồng đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư liên tịch này bao gồm:

a) Thủ trưởng cơ quan hoặc cấp phó là Chủ tịch Hội đồng;

b) Người phụ trách công tác đào tạo của cơ quan là Thư ký Hội đồng;

c) Người phụ trách công tác tài chính, kế toán của cơ quan là thành viên Hội đồng.

2. Thành phần Hội đồng đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 của Thông tư liên tịch này bao gồm:

a) Thủ trưởng cơ quan quản lý người lao động hoặc cấp phó là Chủ tịch Hội đồng;

b) Người phụ trách công tác tổ chức, nhân sự của cơ quan quản lý người lao động là Thư ký Hội đồng;

c) Người phụ trách công tác tài chính, kế toán của cơ quan quản lý người lao động là thành viên Hội đồng;

d) Người quản lý trực tiếp người lao động là thành viên Hội đồng;

đ) Đại diện tổ chức công đoàn của cơ quan quản lý người lao động là thành viên Hội đồng.

Điều 5. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng xét chi phí bồi hoàn

1. Hội đồng chỉ tiến hành họp khi có đầy đủ các thành phần Hội đồng tham dự.

2. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc công khai, dân chủ và biểu quyết theo hình thức bỏ phiếu kín theo nguyên tắc đa số.

3. Cuộc họp của Hội đồng phải được ghi thành biên bản để Hội đồng xem xét, thông qua. Biên bản cuộc họp phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng và Thư ký Hội đồng.

4. Hội đồng chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 6. Trình tự họp Hội đồng xét chi phí bồi hoàn

1. Chuẩn bị họp Hội đồng:

a) Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm tổ chức cuộc họp xét chi phí bồi hoàn;

b) Thư ký Hội đồng có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan đến cuộc họp xét chi phí bồi hoàn.

2. Trình tự họp Hội đồng:

a) Thư ký Hội đồng đọc quyết định thành lập Hội đồng;

b) Chủ tịch Hội đồng nêu nhiệm vụ và chương trình làm việc của Hội đồng;

c) Thư ký Hội đồng đọc các quy định liên quan đến việc xét chi phí bồi hoàn;

d) Người phụ trách công tác tài chính, kế toán của cơ quan báo cáo các khoản chi phí cho khóa học và thông báo trường hợp đang được xét bồi hoàn thuộc trường hợp nào trong các trường hợp phải bồi hoàn;

đ) Người phụ trách trực tiếp người lao động báo cáo về thời gian chấp hành sự điều động tại cơ quan (nếu có);

e) Người đại diện tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi cho người lao động (nếu có);

g) Hội đồng thảo luận và bỏ phiếu kín về trường hợp bồi hoàn và chi phí bồi hoàn;

h) Chủ tịch Hội đồng công bố kết quả bỏ phiếu kín, thông qua biên bản cuộc họp. Chủ tịch hội đồng và Thư ký cuộc họp ký vào biên bản cuộc họp.

3. Kiến nghị về chi phí bồi hoàn của Hội đồng phải được lập thành văn bản và gửi đến thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định việc bồi hoàn chậm nhất 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc họp.

4. Trên cơ sở kiến nghị của Hội đồng, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền ra quyết định việc bồi hoàn chậm nhất 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được kiến nghị.

Điều 7. Quy trình trả và thu hồi chi phí bồi hoàn

1. Trong thời hạn 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày nhận được quyết định chi phí bồi hoàn của cơ quan có thẩm quyền, người học hoặc gia đình người học có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn vào ngân sách nhà nước qua kho bạc nhà nước.

2. Người học có trách nhiệm gửi bản sao chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước của người học đến cơ quan có thẩm quyền quyết định việc bồi hoàn để theo dõi, báo cáo.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định việc bồi hoàn là cơ quan quản lý người lao động thì cơ quan quản lý người lao động phải gửi báo cáo về việc nộp trả khoản tiền bồi hoàn vào ngân sách nhà nước cho cơ quan có thẩm quyền cử đi học để theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả đào tạo.

3. Khoản thu từ bồi hoàn chi phí đào tạo được hạch toán vào tiểu mục 4902 - thu hồi khoản chi năm trước.

4. Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định việc bồi hoàn chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn và tính lãi suất đối với khoản tiền chậm bồi hoàn theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 tháng 4 năm 2015.

2. Bãi bỏ các quy định áp dụng đối với đối tượng “Học sinh đại học và sau đại học (nghiên cứu sinh, học viên cao học) được cử đi học từ năm học 1999-2000 trở đi theo Điều 76 của Luật Giáo dục” tại Thông tư liên tịch số 75/2000/TTLT-BTC-BGDĐT của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 20 tháng 7 năm 2000 hướng dẫn bồi hoàn kinh phí đào tạo đối với các đối tượng được cử đi học ở nước ngoài nhưng không về nước đúng hạn.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị kịp thời phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trương Chí Trung

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG




Phạm Mạnh Hùng

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Tổng bí thư;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở GD&ĐT, Sở Tài chính;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT;
- Lưu: VT, Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT.