cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên tịch số 75/2000/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 20/07/2000 giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hướng dẫn bồi hoàn kinh phí đào tạo đối với các đối tượng được cử đi học ở nước ngoài nhưng không về nước đúng thời hạn

  • Số hiệu văn bản: 75/2000/TTLT-BTC-BGDĐT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 20-07-2000
  • Ngày có hiệu lực: 04-08-2000
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 24-04-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 8877 ngày (24 năm 3 tháng 27 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

 
 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 75/2000/TTLT-BTC-BGDĐT

Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 2000

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - GIÁO DỤC&ĐÀO TẠO SỐ 75/2000/TTLT/BTC-GD&ĐT NGÀY 20 THÁNG 7 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN BỒI HOÀN KINH PHÍ ĐÀO TẠO ĐỐI VỚI CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC CỬ ĐI HỌC Ở NƯỚC NGOÀI NHƯNG KHÔNG VỀ NƯỚC ĐÚNG THỜI HẠN

Thực hiện Quyết định số 957/1997/QĐ-TTg ngày 11/11/1997 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc cải tiến một số thủ tục về xuất cảnh và giải quyết vấn đề người Việt nam đã xuất cảnh nhưng không về nước đúng hạn".
Căn cứ Pháp lệnh cán bộ, công chức.
Căn cứ Nghị định số 96/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ và Thông tư số 28/1999/TT-BTCCBCP của Ban tổ chức cán bộ Chính phủ về chế độ thôi việc đối với cán bộ, công chức.
Sau khi có ý kiến của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Công văn số 1293/BKHCNMT-TCCBKH ngày 27/5/1998); Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Công văn số 3661/BKH/KHGDMT ngày 30/5/1998); Bộ Ngoại giao (Công văn số 217/CB ngày 26/5/1998 và Công văn số 1727CV/NG-CB ngày 25/12/1998); Bộ Tư pháp (Công văn số 1182/TP-PLDSKT ngày 24/6/1999); Ban Khoa giáo Trung ương (Công văn số 1141-CV/KGTW ngày 14/3/2000); Liên Bộ Tài chính - Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc bồi hoàn kinh phí đào tạo như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:

1. Đối tượng:

Kể từ năm 1999 trở đi các đối tượng sau đây được cử đi đào tạo nước ngoài do Nhà nước đảm bảo kinh phí hoặc được phía nước ngoài đài thọ theo Hiệp định và thoả thuận với nước ta, sau khi kết thúc khoá học mà không về nước hoặc về nước không đúng hạn phải bồi hoàn một phần hay toàn bộ chi phí có liên quan đến quá trình đào tạo:

+ Cán bộ, công chức theo quy định tại Pháp lệnh cán bộ, công chức.

+ Học sinh đại học và sau đại học (nghiên cứu sinh, học viên cao học) được cử đi học từ năm học 1999-2000 trở đi theo Điều 76 của Luật Giáo dục.

+ Các đối tượng khác được cử đi đào tạo theo các hình thức: học nghề, thực tập sinh, bồi dưỡng nâng cao trình độ.

2. Các trường hợp phải bồi hoàn kinh phí đào tạo:

a. Hết thời hạn học tập không trở về nước công tác hoặc trở về nước quá hạn từ 3 tháng trở lên không có lý do chính đáng, không được sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong nước.

b. Phải về nước trước thời hạn vì bị kỷ luật đình chỉ học tập; không hoàn thành nhiệm vụ học tập mà không có lý do chính đáng, hoặc tự ý bỏ học để về nước.

c. Về nước đúng hạn nhưng tự ý bỏ việc ngay, không trở lại công tác tại cơ quan, đơn vị cũ hoặc không chấp hành sự phân công của cơ quan, tổ chức khi không có lý do chính đáng.

d. Xin định cư ở nước ngoài khi đang học tập, nghiên cứu, thực tập ở nước ngoài.

e. Về nước đúng hạn, đã trở lại công tác tại cơ quan, đơn vị cũ nhưng tự ý bỏ việc hoặc xin xuất cảnh định cư ở nước ngoài khi thời gian phục vụ chưa đủ 3 lần thời gian học tập, đào tạo ở nước ngoài.

Trường hợp (a), (b), (c), (d) phải bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo; trường hợp (e) phải bồi hoàn một phần chi phí đào tạo.

3. Các trường hợp được xem xét miễn, giảm bồi hoàn một phần hay toàn bộ kinh phí đào tạo:

a. Đối tượng được xem xét miễn:

- Về nước đúng hạn nhưng do các lý do khách quan do cơ quan, tổ chức chưa bố trí được việc làm hoặc do đơn vị sáp nhập, giải thể... phải chuyển công tác ngoài ý muốn.

- Những trường hợp được cơ quan gửi đi học và cơ quan chủ quản đồng ý cho phép ở lại làm cộng tác viên với cơ sở nghiên cứu ở nước ngoài, hoặc ốm đau có xác nhận của cơ sở y tế nước sở tại, về nước quá hạn 3 tháng trở lên nhưng có lý do chính đáng được Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại xác nhận và phải thông qua Hội đồng xét bồi thường của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

b. Đối tượng được xem xét giảm: Những trường hợp người đi học thuộc đối tượng chính sách hoặc gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (có xác nhận của chính quyền địa phương) có thể làm đơn xin giảm mức bồi hoàn,thông qua Hội đồng xét bồi thường của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

4. Căn cứ để tính bồi hoàn kinh phí đào tạo:

- Căn cứ vào các Hiệp định đào tạo mà Chính phủ Việt Nam ký với từng nước, bao gồm toàn bộ chi phí đào tạo và học bổng trong thời gian học tập ở nước ngoài từ khi bắt đầu vào học tại các trường đào tạo đến khi kết thúc khoá học được cấp chứng chỉ hoặc cấp bằng tốt nghiệp và chi phí đào tạo của Nhà nước Việt Nam trả cho phía nước ngoài (nếu có).

- Căn cứ thời gian được cử đi đào tạo tại nước ngoài.

- Căn cứ vào định mức chi đào tạo hiện hành trong nước.

5. Nội dung và mức bồi hoàn kinh phí đào tạo:

5.1. Nội dung: Chi phí đào tạo gồm những khoản như sau:

- Chi phí đào tạo do Nhà nước Việt Nam (hoặc các cơ quan, tổ chức của Việt Nam) phải trả cho phía nước ngoài hoặc chi phí đào tạo do phía nước ngoài đài thọ theo Hiệp định đã ký kết.

- Chi phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trong nước trong thời gian học tập tại trường và cơ sở đào tạo theo định mức chi đào tạo do Bộ Tài chính ban hành qua từng năm.

- Tiền vé máy bay đi về do nhà nước Việt Nam hoặc phía nước ngoài đài thọ.

- Tổng số học bổng do nhà nước Việt Nam hoặc phía nước ngoài đài thọ.

- Phụ cấp ngành nghề đặc biệt (nếu được cấp).

- Chi phí xuất, nhập cảnh đi học và các chi phí khác (nếu có).

5.2. Mức bồi hoàn: 100% tổng chi phí đào tạo nêu trên. Trường hợp được xét giảm thì mức giảm tối đa là 50% số tiền phải bồi hoàn.

Việc tính toán mức bồi hoàn một phần hay toàn bộ chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức Nhà nước thực hiện theo quy định về bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng tại Nghị định số 96/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 của Chính phủ về chế độ thôi việc đối với cán bộ, công chức và Thông tư số 28/1999/TT-BTCCBCP ngày 31/7/1999 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ hướng dẫn Nghị định số 96/1998/NĐ-CP (Phần IV- Bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng).

II. BIỆN PHÁP THU HỒI CHI PHÍ ĐÀO TẠO:

1. Cán bộ, công chức, nghiên cứu sinh, lưu học sinh đại học... được gửi đi đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ ở nước ngoài do Nhà nước đảm bảo chi phí hoặc phía nước ngoài đài thọ theo Hiệp định, thoả thuận giữa nước ta với nước ngoài (trừ trường hợp các tổ chức nước ngoài cho đi đào tạo để về làm việc cho họ tại Việt Nam) trước khi làm các thủ tục xuất cảnh phải nộp một số tiền ký quỹ tương đương 1000 USD tại cơ quan cử đi đào tạo. Sau 15 ngày kể từ ngày nhận tiền ký quỹ, cơ quan quản lý các đối tượng trên có trách nhiệm gửi số tiền ký quỹ đó vào ngân hàng Thương mại, khi đối tượng về nước sẽ được cơ quan hoàn trả cả gốc lẫn lãi, trường hợp đối tượng không về nước hoặc về không đúng hạn sẽ chuyển nộp Kho bạc Nhà nước vào Chương 160 Loại 10 Khoản 10 Mục 62 Mục lục ngân sách Nhà nước. Trường hợp người đi học không có tiền ký quỹ theo quy định thì phải có sự bảo lãnh của gia đình, người thân.

2. Cơ quan, tổ chức có đối tượng thuộc diện phải bồi hoàn kinh phí đào tạo chịu trách nhiệm ra quyết định bồi hoàn, tính toán mức bồi hoàn và đôn đốc việc bồi hoàn theo quy đinh.

3. Đối với những đối tượng về nước không đúng thời hạn nhưng vẫn tiếp tục công tác trong cơ quan Nhà nước thì chỉ sau khi thực hiện xong việc bồi hoàn mới được nhận công tác.

Nếu số tiền ký quỹ cao hơn số tiền phải bồi hoàn thì người ký quỹ được nhận lại phần chênh lệch thừa từ cơ quan cử đi học. Nếu số tiền ký quỹ thấp hơn số tiền phải bồi hoàn thì người đi học phải nộp số tiền thiếu cho cơ quan cử đi học để nộp vào Kho bạc Nhà nước.

4. Đối với các đối tượng không về nước hoặc xin xuất cảnh định cư ở nước ngoài, sau khi có quyết định phải bồi hoàn của cơ quan, đơn vị cử đi mà không tự giác bồi hoàn thì cơ quan đơn vị quản lý đối tượng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an theo chức năng thực hiện các biện pháp tạm giữ, thu hồi Hộ chiếu của đối tượng, đảm bảo cho việc bồi hoàn được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và công bằng.

Bộ Ngoại giao, Bộ Công an chỉ xem xét giải quyết các quyền lợi khác cho cá nhân ở nước ngoài sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước theo Nghị định số 05/2000/NĐ-CP ngày 3/3/2000 của Chính phủ về xuất nhập cảnh của công dân Việt nam và Quyết định số 957/1997/QĐ-TTg ngày 11/11/1997 của Thủ tướng Chính phủ về cải tiến một số thủ tục về xuất cảnh và giải quyết vấn đề người Việt Nam đã xuất cảnh nhưng không về nước đúng hạn.

5. Các đối tượng phải bồi hoàn kinh phí đào tạo căn cứ vào thông báo bồi hoàn do các cơ quan có trách nhiệm gửi đến để đem nộp trực tiếp số tiền phải bồi hoàn vào Kho bạc Nhà nước. Căn cứ biên lai thu tiền của Kho bạc Nhà nước, cơ quan công an làm thủ tục xuất cảnh hoặc nhập hộ khẩu; Trường hợp cố tình không nộp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Cơ quan cử đối tượng đi học thuộc diện bồi hoàn kinh phí đào tạo chịu trách nhiệm báo cáo số thu và số lượng đối tượng vi phạm phải nộp tiền bồi hoàn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính cùng báo cáo quyết toán năm theo chế độ quản lý tài chính hiện hành.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cả cho các đối tượng đã được cử đi đào tạo ở nước ngoài đến nay đã quá hạn chưa về nước. Mốc tính thời gian quá hạn được tính từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về liên Bộ để nghiên cứu, giải quyết.

Lê Vũ Hùng

(Đã ký)

Nguyễn Thị Kim Ngân

(Đã ký)